Hương Vườn Cũ 36.B



Phong trào Cần Vương bị dẹp tắt, nền đô hộ Pháp đặt lên đất nước Việt Nam. Những kẻ xu thời thì chạy theo quân thù tìm vinh hoa. Những người ái quốc thì ôm lòng cô trung sống trong thâm khê bồng thất, và thỉnh thoảng nhìn non sông mà than dài:

Mây mưa lợt đợt gió hiu hiu
Một tiếng tò loe ruột chín chiều!
Cây cỏ đòi nơi buồn dượi dượi
Non sông bốn mặt vắng thiu thiu.
Ải lang mờ mịt trời un khói [1]
Chằm nhạn lênh đênh nước tản bèo!
Ướm hỏi bao giờ bờ cõi cũ
Ngậm cơm vỗ bụng thấy trời Nghiêu.

Đó là tiếng than đứt ruột của cụ Tây Sơn NGUYỄN KHUÊ.
Cụ tú người thôn Vân Sơn, quận An Nhơn, đậu ba khoa tú tài. Sau chán khoa cử vào Phú Yên dạy học. Lúc vãn niên trở về Bình Định, đến trú ngụ tại Phú Phong (Bình Khê).
Cụ rất sở trường về thơ Quốc âm. Thơ không phải nghĩ, hễ mở miệng là thành. Cho nên lúc nào làm cũng được, đề gì ngâm cũng được. Được nhiều người thuộc nhất là những bài:

ÁO VÁ QUÀNG
Mặc ai tím tía mặc the hàng
Con mắt xiu vì áo vá quàng
Mới cũ rõ ràng in mật mực
Trước sau khăng khít lượt hai đàng
Tình chàng sánh với khi đằm thắm
Nghĩa thiếp nào quên lúc cũ càng
Giúp đỡ anh hùng cơn lỡ vận
Thân này chi bận chốn giàu sang.

VỊNH THU ĐỦ
Phải chăng chẳng phải tại hồi trồng
Cái đực bây giờ đủ cũng xong
Trên dưới chập chồng hoa lại nụ
Trước sau dải dóc trái cùng bông
Chả nem tuy chẳng bằng khi có
Nộm gỏi nào hay đỡ lúc không
Cái đã nên yêu thời vẫn phải
Đừng nên phụ đực mới là công.

ĐÚC BÁNH XÈO
Mồi còn nhử được để chi meo
Cất quán xây lò đúc bánh xèo
Mặt phấn gây nên đôi nút rỗ
Lòng vàng xếp lại nửa vòng eo
Thơm quần dép bướm lần vào cửa
Béo quến dù dơi rủ xếp kèo
Lọ phải nường Văn chìm hũ thiếc
Vật này cũng đỡ khách quên nghèo.

DỞ CÁI BÒ
Sớm mai thức dậy chấp tay co
Chạy thẳng ra sông dở cái bò
Quì gối mở dây môi tím ngắt
Khom lưng nhổ nọc dái đen mò
Tôm càng đập dập kho cùng cải
Cá chạch dần sơ nấu với ngò
Lếu láo miễn rằng qua cửa cổ
Không tiền ra chợ chẳng ai cho.

Thời Tiền Chiến, ở hạt Bình Khê, những người có học và yêu văn chương, từ 20 tuổi trở lên, không mấy ai không thuộc hoặc không nghe truyền những bài ấy. Các vị phụ lão thích ngâm nhất bài CẢM THỜI trên kia và hai bài sau đây:

CẢNH GIÀ
Già này cũng bởi lúc còn trai
Khóm róm bao giờ dám trách ai
Béo sợ ngây dầu không hảo mỡ
Chua e nhăn mặt chẳng thèm xoài
Mắt lờ chậm thấy ai ai mãi
Tai nặng lâu nghe hữ hữ hoài
Tuy vậy thấy già ai cũng ước
Sống mà vô ích sống chi dai.

BẤT ĐẮT DĨ TÙNG TỤC
Ối, thôi thôi, ối ối thôi thôi
Bày biện làm chi lắm hỡi đời
Chè nhỏ mất công tìm chén bịt
Rượu ngon nhọc sức kiếm ve vòi
Thuốc hao giấy quyến thêm hao lửa
Trầu tốn cau dầy lại tốn vôi
Cãi chẳng tiện bề theo khó nỗi
Người răng ta cũng rứa cho rồi.

Tất cả bài nào, lời thơ cũng như lời nói chuyện, bình dị tự nhiên. Mới nghe qua mới xem qua, tưởng ai cũng có thể làm được. Nhưng bắt chước làm thử, thì khó khăn như kết cánh bay theo bướm theo chim.
Bướm và chim chỉ vẫy cánh là bay. Tài làm thơ của cụ tú cũng dễ dàng lanh lẹ như bướm như chim vẫy cánh. Cho nên rầy học trò, mắng học trò, khuyên học trò, cụ dùng thơ thay lời nói:

Chẳng học thời thôi học phải siêng
Đừng làm lếu láo uổng cơm tiền
Ngày thời tráo chác dong chơi mãi
Tối lại nghêu ngao chúi ngủ liền
Chẳng thuộc mượn hơi hùa đứng đám
Không thông nhận lớp nín ngồi riêng
Năm nào cũng rứa sao hay chữ
Chẳng học thời thôi học phải siêng.

Hay:
Mơ màng trước mắt kiều lưng ngựa
Rổn rảng bên tai lạc cổ cầy
Cơm mấy mo cau ăn cũng hết
Chữ lưng lá mít đựng không đầy.
                                          
Vân vân…

Dạy con cháu trong nhà, cụ cũng dùng thơ:

- Cà luột sồn sồn um chẳng thấm
Măng còn nhân nhẩn nấu sao ngon.

- Rau lang bóp dập vừa chừng chín
Canh mướp sôi lâu bẫy hết ngon.

- Mền gối sắp ngay khi thức dậy
Chiếu mùng giũ kỹ lúc vô nằm.

- Cơm ăn miễn đặng thường ngon miệng
Áo mặc cầu cho đủ kín thân.  Vân vân…

Thấy cụ làm thơ quá dễ dàng, bạn bằng thường ra đề và buộc cụ phải làm tịch thượng. Không khi nào cụ từ chối. Có một lần cụ cùng mấy ông bạn ngồi uống trà nơi chái tây. Một người đàn bà láng giềng vô ý ra tiểu nơi rào phía trước. Các bạn cười bảo:
- Con mẹ kia ra đề thi cho anh đó.
Cụ cười và đọc:

Bốn phía trông chừng thấy chúng xa
Hay tay khẽ trụt bức quần là
Gành ngao thấp thoáng rêu mờ đá
Bãi hạc lao xao nước trỗ hoa
Kiến tưởng mưa dông tha trứng chạy
Cóc ngờ lụt ói cõng con ra
Cũng vì méo mó nên che đậy
Nắng giữ mưa gìn của mẹ cha.

Một thầy đồ Nghệ nghe tiếng cụ hay thơ, dùng một đầu đề rất thô tục và hạn những vận rất khó, đưa đến thách cụ:
- Tàn một cây hương mà làm xong, dù hay dù dở cũng xin tôn làm thầy học.
Đề bài: L… lớn tày mo. Vận: to, mo, so, đo, bò.
Không chút phật ý, cụ ung dung lấy giấy bút viết:

Tày cái bàn tay nghĩ đã to
Cái này cha chả lớn tày mo
Xấp ba lá chóc không bì kịp
Vạch một bồ đài mới xứng so
Tắm giếng hãi hồn con gánh nước
Lội sông mất vía gã chèo đò
Gái mà như thế ai thèm đoái
Lỏm lẻm dòm chơi họa có bò.

Đề bài thì tục mà lời thơ rất thanh, và bài này cũng như bài trên, trạng luận thật không còn chỗ bắt bẻ.
Cụ vốn là người trong phong trào Cần Vương còn sống sót. Viên tri huyện Bình Khê thường tỏ ý kỳ thị:
- Sắt còn chưa làm được việc gì, huống hồ cứt sắt.
Cụ nghe được, làm một bài thơ VỊNH CỨT SẮT gởi đến cho huyện quan. Bài thơ tám câu, còn nhớ được cặp luận:
i lầm sợ nỗi heo trầy mũi
Cạp lỡ e khi chó gãy răng.

Thật là ăn miếng trả miếng, mà miếng trả cay đắng gấp trăm lần miếng ăn. Không ai ngờ rằng một nhà nho hiền lành chẳng mấy khi nặng lời với một đứa bé, mà đến khi bị kẻ quyền thế phạm đến danh dự thì phản ứng một cách cang cường một cách mãnh liệt như thế.
Cụ sống trên 70 tuổi. Lúc cụ ngọa bệnh con cháu xúm nhau săn sóc. Cụ cảm động tặng cho mỗi người, cả lớn lẫn nhỏ, một luật thơ. Và đến khi gần tắt thở, cụ nhìn mọi người, đọc một luật nữa. Đọc xong thì từ từ nhắm mắt. Còn nhớ câu kết rằng:

Rắn rít chi hòng thay vỏ lại
Tình thương mặc ý khóc hu hi.
Thơ cụ làm rất nhiều - sống trên 70 tuổi mà ngày nào cũng có thơ thì không nhiều sao được - nhưng không chép thanh tập, nên bị thời gian vùi lấp e đến tám chín chục phần trăm.

Cụ sanh hạ được bốn người con trai mà người nào cũng hay chữ nổi tiếng:
- Nguyễn Bá Huân.
- Nguyễn Trọng Trì.
- Nguyễn Thúc Mân.
- Nguyễn Quí Luân.
Người đương thời sánh gia đình cụ với gia đình Tô Lão Tuyền đời Tống, mặc dù hai bên có đôi điểm khác nhau:
- Họ Tô thì ba cha con, Tô Lão Tuyền, Tô Thức, Tô Triệt, đều đỗ tiến sỹ. Thêm Tô Lão lại có người con gái là Tô Tiểu Muội hay chữ không nhượng hai anh và có chồng là Tần Thiếu Du cũng đỗ trạng.
- Còn họ Nguyễn thì cả bốn cha con đều ứng nghĩa Cần Vương, lấy bút nghiên làm mâu làm thun.
Trừ ông Nguyễn Thúc Mân không nghe có tác phẩm lưu truyền, ba ông Bá, Trọng, Quí đều có thi văn Quốc âm và Hán tự để lại, kẻ nhiều người ít.

Các con ông đều học cụ Tú.
Trong bốn ông, ông NGUYỄN BÁ HUÂN hay chữ nhất.
Hay chữ nhưng lại coi thường khoa mục. Ông cùng ông Phạm Trường Phát ở Phù Cát nổi tiếng là cuồng chữ [2]. Khoa nào ông cũng đi thi. Nhưng không mang lều chiếu giấy bút mà chỉ mang theo một bầu rượu đầy ăm ắp. Vào thập đạo lãnh giấy bút làm văn. Hễ làm được một câu thì thưởng một chén rượu. Thưởng mãi thành say, không còn biết gì trời đất… Nhờ học trò cùng đi thi giúp đỡ và quan trường vị nể, nên khoa nào trở về cũng được bình yên. Có một khoa vì muốn cho tên ông ghi bảng, quan trường bảo lính lén đập vỡ bầu rượu. Ông tức mình, cáo bệnh bỏ thi. Từ ấy không thèm đến trường ốc nữa.

Cuộc khởi nghĩa Cần Vương bị thất bại, ông uất hận thành điên. Ngày ngày thống ẩm cuồng ca. lắm đêm đội hương án ra gò, đốt nhang đèn, đọc văn tế điếu các bậc anh hùng nghĩa sỹ cổ kim vì nước bỏ mình. Một đêm tế Trần Quang Diệu, rồi uống rượu say, nhảy lên hương án nằm ngủ, bị cảm mạo thương hàn mà mất.
Năm 1929, sau khi đậu bằng cao đẳng tiểu học, được rảnh rang, lão đi lượm lặt được một ít thi ca của các danh sỹ tiền bối ở Bình Định. Trong số sưu tầm được có ba tác phẩm của ông Nguyễn Bá Huân:
- Trinh Phụ Khốc Phu Từ, dài một trăm câu song thất lục bát, văn chương trầm thống.
- Dịch Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị, làm theo thể lục bát, văn chương lưu loát, so với bài dịch của Phan Huy Thực không thú.
- Chê Gái Lấy Nài Chăn Voi, làm theo thể Đường luật.

Những tài liệu tôi sưu tầm được đều bị thất lạc thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Chỉ còn nhớ bài Đường luật:

CHÊ GÁI LẤY NÀI CHĂN VOI

Thiếu chi ông cống với ông đồ
Ứng kẻ đầu voi ứ hự cô!
Thể tốn vườn xuân măng đã lắm
Khiến nên nhà hạnh ngọc trao cho
Hèn đành hẹn với duyên bành vố
Cao lại nhường chi mặt võng dù
Bởi thố đố cho nên khiến thế [3]
Thôi thôi còn trách nữa chi mô!

Bài này ông làm lúc còn thanh xuân.
Nguyên trong thời Tự Đức Hàm Nghi, ở thành Bình Định có nuôi mấy con voi. Trong số voi này có một con to lớn và rất hung dữ, gọi là Thú Đú. Ai thấy cũng sợ. Sợ voi sợ cả tên nài chăn voi.
Lúc bấy giờ ở vùng Kim Châu gần thành Bình Định có một thầy đồ dạy học trò khá đông. Thầy có cô con gái có nhan sắc. Nhiều người học trò gấp ghé muốn làm rể thầy. Nhưng không hiểu vì sao thầy đồ lại đem con gái gả cho tên nài chăn voi! Các văn nhân hay tin rủ nhau làm thơ “phúng điếu”. Bài của ông Nguyễn Bá Huân được nhiều người hoan nghênh.
Bài này lời văn cổ kính. Khí thơ mạnh nhưng đằm. Câu trạng thích thực đầu đề thật sít sao, mà còn ngậm được cái ý “thầy đồ gả con gái”. Vế trên mượn ý trong câu ca dao:
           Có con chẳng gả cho voi
           Để voi lên xuống cuốn vòi bẻ măng.
Vế dưới lấy tích đức Khổng Tử đứng gả chồng cho đứa con gái góa. [4]

Câu thứ bảy có thể nghĩ vì sợ oai tên nài chăn voi thú đú (thố đố) mà đành kết duyên cùng “bành vố”, hoặc vì thích vóc lớn sức mạnh của voi thú đú mà đem thân trao cho nài chăn voi.
Lời chê bai tuy nặng, nhưng không có ác ý. Đó không phải vì không rõ nguyên nhân của cuộc gả bán, mà chính vì không muốn đem những bí mật của người phơi bày ra giữa thập mục, mà chỉ nói đến những gì thiên hạ đều thấy rõ ràng. Nói để trêu ghẹo cho vui vậy thôi. Đó là do tác giả không phải người khinh bạc như phần đông các nhà thơ châm phúng.
Bài lục bát và bài song thất lục bát, văn chương đại để cũng như bài Đường luật, giọng trầm, lời tươi, ý đọng. Bút pháp của ông NGUYỄN BÁ HUÂN khác hẳn cụ Tú, mà cũng không giống hai ông em Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Quí Luân.

__________________________________________________________________
 [1] Ải lang: ải sói, nơi có giặc giã. (Lang tái). 
Chằm nhạn: Nơi dân ở đông đúc. (Nhạn trạch).
Ngậm cơm vỗ bụng: do chữ Hàm bô cổ phúc, tả thái bình thời vua Nghiêu.
[2] Bình Định song cuồng: Xem Nước Non Bình Định và xem tiếp đoạn sau về Phạm Trường Phát.
[3] Thố đố: đọc trại tiếng thú đó. Voi thú đú: Kẻ thì bảo tên của con voi cầm bầy, người thì nói tên địa phương sanh ra giống voi to lớn ở vùng An Khê. Có người lại bảo voi lúc đến thời kỳ động cữ mập ra thêm gọi là thú đú.
[4] Nhà Hạnh: Hạnh đàn, chỗ nền nhà cũ của đức Khổng Tử.