Hương Vườn Cũ 52



Từ ngày tiếp xúc với Tây Phương, nước Việt Nam cũng như các nước đồng văn ở Á Đông, dùng hai thứ lịch:
- Dương lịch, tục gọi là lịch Tây, dùng trong các công sở tư sở, dùng trên các giấy tờ hằng ngày, trong các công việc hằng ngày.
- Âm lịch, tục gọi là lịch Ta, dùng trong những việc có tính cách thiêng liêng trong gia đình, đôi khi ngoài xã hội, như hôn nhân, tang chế, tế lễ…
Dương lịch quí vì tiện lợi.
Âm lịch thuộc về tâm linh.
Vì dùng hai thứ lịch, nên trên các tấm lịch in bán trong nước đều ghi cả ngày Tây và ngày Ta.

Thời Pháp thuộc, ngày Tây có ghi thêm chữ Pháp, ngày ta có ghi thêm chữ Hán, và ngày Tây ghi ở trên, ngày Ta ghi ở dưới.

Vịnh lịch, Phan Sào Nam có câu:

+ Chữ Pháp đè trên đầu chữ Việt
Ngày Ta nằm dưới đít ngày Tây.

+ Nhìn tháng Chạp ta đầu ngó xuống
Trông mùa xuân họ mắt dương lên.

Rõ là lịch mà cũng rõ là tình cảnh đau thương tủi nhục của người Việt Nam thời Pháp thuộc: lúc nào, ở đâu cũng phải chịu cảnh đè ép cúi lòn!
Vì dùng hai thứ lịch, nên ăn hai thứ tết: Tết Tây và Tết Ta.
Tết Tây ăn trước Tết Ta ít nhất cũng một tháng. Và ngày Tết Tây còn có phần rầm rộ tưng bừng hơn ngày Tết Ta. Nhưng chỉ rầm rộ tưng bừng ở nơi thành thị, nơi có quan Tây đóng trụ sở. Khắp thành phố đều phải treo cờ Tam tài. Ban đêm phải thắp đèn lồng trước cửa. Ở các công sở, nhất là ở Tòa Sứ, Tòa Khâm, Phủ Toàn Quyền… trang trần cực kỳ lộng lẫy, và tiệc tùng lễ lạc tưng bừng… Các quan Tỉnh, Phủ, Huyện…, áo gấm áo sô, đến mừng tuổi quan thầy với những khiên lễ vật có lọng che. Những bài chúc từ dài đằng đẵng ca tụng chánh sách của Mẫu quốc và tài năng đức độ của các quan cai trị Lang Sa!

Trong dinh thự thì chúc mựng rộn rịp. Ngoài đường thì xe ngựa lao xao. Rõ có cảnh tượng thái bình thịnh trị!
Đứng trước cảnh vui mừng tở mở ấy, một vị thâm nho có bài thơ tức cảnh:

Đầy phố tam tài dấp dới bay
Tưng bừng ăn tết ! Tết ai đây ?
Đít cua rổn rảng trời e điếc,
Cổ nhác li bì đất muốn say ! [1]
Xe ngựa lao xao con nước mẹ [2]
Mày râu nhẵn nhụi vợ ông Tây.
Một năm vui thú hai lần tết
Con cháu Rồng Tiên sướng thế này !!

Bài thơ giọng mỉa mai, ý cay độc.
Tết không phải của mình mà mình cũng “ăn” cũng “mừng”. Thế là ăn chực, mừng a dua.
Đít cua đọc chúc ai? Chúc bọn người cướp nước! Chúc để chi? Để được uống chực rượu cổ nhác chúng ban cho!
Nước mình có đó mà mình không lo thờ, lại đi thờ nước ngoài, rồi gọi nước ngoài là Mẫu quốc! Và một số người, bên ngoài thì đường đường là những đấng tu mi nam tử nhưng bên trong không khác đám Sở Khanh ăn nhờ chốn buôn hương bán phấn, đem thân ra phụng sự kẻ thù với tính cách tôi đòi thê thiếp mà không chút thẹn với lương tâm. Những khi có lễ lạc tiệc tùng còn chường mặt ra nịnh bợ quan thầy một cách trơ tráo vênh váo!

Chủ ý của tác giả nằm ở câu luận. Mà ý tứ của câu luận dồn ở chữ “con nước mẹ” và “vợ ông Tây”.
“Con nước mẹ” là giọng mắng khéo, không thâm độc bằng “vợ ông Tây”.
Những đàn bà lấy Tây hầu hết là hạng người bần tiện, bị xã hội coi khinh. Người ta gọi là Me Tây. Mà người đàn bà đi làm me tây thì có đủ phương tiện để phục vụ cho ông Tây, chớ bọn mày râu nhẵn nhụi làm me tây kia lấy phương tiện đâu mà phục vụ? Không có phương tiện thiên phú thì phải tự tạo lấy phương tiện để làm vui lòng ông Tây!! Hành vi đê tiện hơn me tây thật sự một bậc!! Lại thêm đám me tây khăn yếm chỉ làm đĩ có thân xác, còn bọn me tây mày râu còn phải làm đĩ cả tâm hồn. Sao biết? Chỉ một việc gọi nước của quan thầy là Mẫu quốc cũng đủ chứng minh.

Bài thơ TẾT TÂY cũng như những câu VỊNH LỊCH của Phan Sào Nam không phải là Dương Xuân Bạch Tuyết. Nhưng có một giá trị đặc biệt là phản ảnh hoàn cảnh xã hội và tâm trạng hàng sỹ phu yêu nước thời Pháp thuộc. Với những mảnh gương như thế, chúng ta cũng có thể dùng để soi xem mựt mũi của chúng ta - con người sống trong thời gọi là tự do dân chủ - có sạch sẽ tốt lành hơn con người sống dưới ách nô lệ thời trước.
Đó là về mặt xã hội.

Về mặt văn chương bài Tết Tây cũng như những câu Vịnh Lịch cũng có một giá trị riêng là có bản sắc, có khí cốt, có linh hồn.
Không phải là hoa mà là trái.
Cho nên dù không có sắc mà vẫn có vị có hương.
Vì vậy đáng truyền tụng.



[1] Đít cua phiên âm chữ Discours là chúc từ.
  Cổ nhác phiên âm chữ Cognac là tên một thứ  rượu Tây.
[2] Nước mẹ dịch chữ Quốc Mẫu ra.
  Con nước mẹ là chỉ bọn thực dân Pháp và đám người theo Pháp coi nước Pháp là Mẫu quốc. Thời Pháp thuộc chỉ có bọn này là sung sướng và ngày Tết Tây cũng chỉ bọn này là náo nức rộn ràng.