Hương Vườn Cũ 45



Cũng như sông biển, văn chương có chiều sâu và chiều rộng. Chiều rộng dễ thấy. Muốn thấy rõ chiều sâu, người đọc phải có một tâm hồn sâu sắc, tế nhị.

Có nhiều bài văn bài thơ, vừa nhìn vào liền biết là sâu xa. Nhưng có những bài trông dường cạn cợt, mà xét lại thì thấy ngậm chứa không biết bao nhiêu là ý, không biết bao nhiêu là tình. Đó là trường hợp những áng văn chương bình dân phổ biến khắp hng cùng ngõ hẻm, ai đọc ai nghe cũng tưởng mình đã hiểu hết ý nghĩa, nhưng đọc hoài không thấy chán, mỗi lần đọc mỗi lần thấy hay.
Ví dụ bài sau đây:

Sớm mai ních một bụng cơm no,
Chạy thẳng ra gò
Đào được con kỳ nhông…
Đem về cho ông,
Ông cho quả thị.
Đem về cho chị,
Chị cho bánh khô.
Đêm về cho cô,
Cô cho bánh ú.
Đem về cho chú,
Chú cho buồng cau.
Từ ngày gây lộn với nhau,
Trả buồng cau cho chú,
Trả bánh ú cho cô,
Trả bánh khô cho chị,
Trả quả thị cho ông…
Ông ! Trả con kỳ nhông cho tôi !

Lời văn thật dễ hiểu, giọng văn đọc lên dễ tức cười. Những gẫm lại mà xem: tình đời thật mỏng hơn mây thu, chuyện đời thật ngắn hơn mộng xuân ngày nắng xế! Thật có khác gì:
Khi thương thương hết cả nhà,
Ghét thời ghét trụm cả bà cả con…

Mà khi đã ghét thì tình trăm năm, nghĩa nghìn thu, đều đổ xuống sông xuống biển! Tất cả những gì êm đềm, tốt đẹp đã tặng cho nhau từ trước đều lấy lại hết, từ buồng cau cho cháu cho đến con kỳ nhông cho ông! Đòi tuốt! Trả tuốt! Chỉ giận nhau có một lúc mà vất cả tình nghĩa muôn đời!
Ghê gớm thay lòng giận ghét! Thật là một đóm lửa đốt cháy cả vạn mẫu rừng!

Bài ca thật khéo! Những đặt ra bài ca, lập ý thật tài thật vững! Trước khi lòng giận ghét nổi dậy, tình đời đẹp đẽ làm sao! Nhưng đến khi lòng giận ghét nổi lên, thì tất cả đều sụp đổ, tình đời đi đến chỗ “thù vặt” và kẻ hằn học nhất lại là kẻ khơi ra nguồn thương yêu. Lòng hằn học, giận dữ thể hiện một cách rõ ràng ở câu:
- Ông ! Trả con kỳ nhông cho tôi !

Lời nói cộc lốc, biểu lộ được lòng tức giận và chí cương quyết “đòi cho kỳ được” của người cho! Ai bảo mình cho. Có ai xin mình đâu? Thế thì sao khi đòi lại tỏ ra khó chịu đến thế?
Thái độ đẹp đẽ khi cho và thái độ “kém mỹ thuật” khi đòi khác nhau như viên kim cương và mẻ chậu đất! Bên nào là chân tướng? Nhất định là thái độ khi đòi, còn thái độ khi cho là phấn son trang sức cho bộ mặt “Uất Trì Cung” bị lên trái rạ! Son phấn lợt rồi thì bộ mặt vừa rỗ vừa đen lộ!
Bài ca chẳng những dạy chúng ta đừng nên giận ghét một cách nông nổi, nhỏ mọn… mà lại còn bảo thầm chúng ta rằng kẻ xử sự tốt với chúng ta chưa chắc đã là thật lòng tốt, đã thật lòng vô tư…, phải đợi thời gian để phê phán.
Chúng ta hãy đọc thêm một bài ca bình dân nữa. Một bài mà mọi người nếu không thuộc, ít ra cũng đã nghe qua. Bài Thằng Bờm và Phú Ông:

Thằng Bờm cầm cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.
Bờm rằng bờm chẳng muốn trâu,
Phú ông xin đổi con hầu cầm roi.
Bờm rằng bờm chẳng muốn roi,
Phú ông xin đổi con voi chín ngà.
Bờm rằng bờm chẳng muốn ngà,
Phú ông xin đổi tòa nhà gỗ lim.
Bờm rằng bờm chẳng muốn lim,
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng bờm chẳng muốn mồi,
Phú ông xin đổi cục xôi bờm cười…

Nghe đọc ai cũng cười, và phần đông cho là một bài làm cho con nít đọc mua vui!
Để cho con nít mua vui, cũng có. song không phải đó là mục đích chính của tác giả. Tác giả làm ra bài ca này vốn có ngụ ý.

Ý ngụ trong bài ca là gì?
Đã có nhiều người giải thích theo quan điểm của mình.

Thời khách chiến chống Pháp, ở Bình Định có một giáo sư Việt văn trường trung học phổ thông Đệ Nhị cấp, giảng rằng:
“Phú ông tượng trưng cho giai cấp địa chủ, tư bản. Thằng Bờm đại biểu cho giai cấp bần cố nông, vô sản. Giai cấp vô sản, bần cố nông, đã bị giai cấp tư bản, địa chủ bóc lột cho đến xương tủy. Mồ hôi nước mắt của giới vô sản, bần cố nông đã đổ ra để xây đắp cơ nghiệp cho giới tư bản địa chủ. Thế mà chúng chẳng nghĩ đến công lao của kẻ nghèo, mà hễ thấy kẻ nghèo có được chút đỉnh gì trong tay thì tìm đủ cách bóc lột cho hết.
Thằng Bờm có của cải gì ngoài cái quạt mo. Thế mà phú ông còn tìm đủ cách phỉnh phờ để đoạt cho kỳ được. Hết phỉnh đổi trâu, đổi gái, đến phỉnh đổi voi, đổi nhà… Hễ thằng Bờm nghe bùi tai mà trao cây quạt cho phú ông thì phú ông dựt cất, chớ đời nào chịu đưa trao những vật đã hứa nơi lỗ mồm kia. Đó chẳng khác vua Tần muốn đoạt viên ngọc bích của nước Triệu, mới phỉnh vua Triệu đem ngọc sang Tần để đổi lấy mười thành liền vậy.
Nhưng thằng Bờm vốn là người thực tế và lại biết rõ thủ đoạn gian ác của phú ông, nên bát bỏ cả những đề nghị viễn vông và phỉnh gạt. Chỉ chấp nhận đề nghị thiết thực có thể thực hiện được một cách chắc chắn.”

Mới nghe thì cũng xuôi tai lắm. Và để cho luận điệu của mình thêm phần vững chắc, giáo sư đổi “xin đổi” ra “đòi đổi” và nhấn mạnh chữ “đòi” là có ý bắt buộc, là cậy quyền cậy thế.
Đó là cưỡng giải. Giải để làm vừa lòng kẻ cầm quyền đương thời - thời vô sản chuyên chế.
Chớ sự thật thì bài này chỉ ngụ ý nói rằng “ở đời, sự cũng như vật, tất cả đều có một giá trị tương đối, chớ không phải tuyệt đối”.

Lúc bình thường ai lại không quí ngọc hơn chà là. Nhưng đối với một người đi lạc đường trong bãi sa mạc mênh mông, lương thực cạn hết, thần chết đương lẽo đẽo theo sau lưng, thì một nắm chà là quí hơn muôn ngàn viên ngọc.
Đó là giá trị của vật theo trường hợp, theo hoàn cảnh.

Vua Đường Minh Hoàng phụ hoa mai, mê hoa hải đường. Còn Lâm Bô mê mai và xem khinh tất cả các giống hoa khác.
Đó là giá trị của vật tùy sở thích của mỗi người.
Đối với Cha Cu Mẹ Đĩ, bức tranh gà bán chợ Tết đẹp mắt khoái lòng gấp vạn lần bức tranh của Picasso lập thể.
Đó là giá trị của vật tùy trình độ hiểu biết của người.

vân vân…

Cái quạt mo đối với chúng ta không có giá trị. Nhưng vì ưa thích, hay vì một nguyên nhân nào đó, nhà phú hộ trị giá đến ba bò chín trâu… Còn đối với thằng Bờm vì không biết dùng ba bò chín trâu làm việc gì, nghĩa là không biết giá trị trên đời của số trâu bò kia như sao, nên không chịu đổi cây quạt mo mà y viên biết dùng để quạt cho mát.

Phú ông không nhận thức được điều ấy, tưởng rằng thằng Bờm chê cảnh giàu, nên mới đem cảnh sang, cảnh phong lưu, là con hầu cầm roi, ra mà đổi. Thằng Bờm vốn không biết con hầu cầm roi dùng để làm gì, nên không chịu đổi cây quạt. Phú ông tưởng rằng thằng Bờm không thích cảnh phong lưu, nên đem vật kỳ hiếm có, là con voi chín ngà, ra đổi. Thằng Bờm không biết dùng con voi chín ngà để làm gì, nên không chịu đổi cây quạt. Hết đem giàu, sang, kỳ ra đổi từng cái một, phú ông dồn cả ba vào tòa nhà gỗ lim. Tất cả gỗ làm nhà đều bằng lim rõ là hiếm, tức là kỳ. Một tòa nhà bằng gỗ lim phải nhiều tiền làm mới được, tức là giàu. Những kẻ trọc phú không bao giờ muốn làm một tòa nhà toàn bằng gỗ lim để cho cảnh nhà thêm sang trọng. Người đã biết làm một tòa nhà như thế để ở, thì phải là người sang. Khi đã đem cả ba cái quí ở đời ra đổi mà thằng Bờm vẫn không chịu đổi, phú ông tự nghĩ:
- Hay là con mèo nhỏ không dám bắt con chuột lớn chăng?
Bèn hạ thấp lần lần giá trị của vật định đem ra đổi, thì vừa qua khỏi con chim đồi mồi, đến cục xôi, liền được thằng Bờm chấp thuận!
Đó là do thằng Bờm chỉ có trình độ đủ biết giá trị của cục xôi, nên cho cục xôi có giá trị vậy.

Bài ca thật là mỉa mai, thật là sâu sắc. Nhưng cũng như bài “Con kỳ nhông”, bài Thằng Bờm xưa nay thường bị nhiều người xem khinh, cho là “loại văn nôm na để cho con nít đọc”.
Nhưng áng văn như thế, trong kho tàng văn chương bình dân còn có rất nhiều. Bà con chịu khó khai thác thì sẽ tìm thấy nhiều ngà nhiều ngọc ở dưới bộ áo nâu quần vải.