Hương Vườn Cũ 57



ƯNG BÌNH THÚC GỊA THỊ là một thi nhân sống một phần ba thế kỷ trước và hơn nửa thế kỷ này.
Tiên sinh mất năm Tân Dậu (1961), thọ 85 tuổi. Để lại cho chúng ta hai tập thơ gồm 350 bài, phần nhiều là thơ Đường luật, nhan đề là:
- Tình Thúc Giạ (xuất bản năm 1942).
- Đời Thúc Giạ (xuất bản năm 1961).
Một bổn tuồng hát bội phỏng tác theo tuồng Le Cid của Corneille, nhan đề là Lộ Địch.
Và một tập nhan đề là Bán Buồn Mua Vui.

Tiên sinh là một vương tôn tài ba phong nhã. Tánh giản dị tự nhiên. Tuy sanh trưởng trong nơi đài các, bôn tẩu trong chốn quan trường, tiên sinh lúc nào cũng như lúc nào, không bao giờ có thái độ “con người kẻ cả”. Lời nói luôn luôn êm đềm. Nét mặt luôn luôn vui vẻ. Trong chỗ tri giao, lớn cũng như nhỏ, phú cũng như bần…, chưa hề nghe có lời phiền trách.

Tiên sinh rành đủ bốn thứ cầm, kỳ, thi, tửu. Nhưng thi và tửu mới thật là sở trường. Tiên sinh thường ngâm;

Rượu có mùi hương nên uống mãi,
Thi là thuốc bổ cứ ngâm chơi.

Và trong bài tự thuật năm 80 tuổi, có câu:
Già hẳn kém duyên chưa kém nợ,
Nợ thi nợ tửu vướng nhiều nơi.

Sự thật quả là thế. Song không phải như Tản Đà “say túy lý bất lo mà bất kể”, tiên sinh chỉ uống vừa phải, chỉ “cạn bầu Ngũ Liễu nhấm say say” mà thôi. Tiên sinh uống rượu để mua vui, để lấy thú, chớ không phải để quên đời, để tiêu vạn cổ sầu như những nhà yểm thế.
Còn đối với thơ, tuy tiên sinh không rời, nhưng không coi “thơ là lẽ sống”, không dùng thơ để giải thoát tâm hồn. Mặc dù cho thơ là “thuốc bổ”, tiên sinh vẫn “ngâm chơi”, chớ không băn khoăn, không quằn quại, không “nhất ngâm song lệ lưu”. Tiên sinh làm thơ vì nợ, nhưng là nợ mắc cùng bạn bè, chớ không phải món “nợ dâu của con tằm” như Tản Đà:

Dâu xanh rút trả sợi tơ vàng,
Thân thế con tằm những vấn vương.
Tớ nghĩ thân tằm như tớ nhỉ,
Tơ tằm đòi đoạn mối tơ vương.

Nghĩa là tiên sinh dùng thơ cũng như rượu, cờ, đàn, hát, làm món tiêu khiển cho cuộc đời phong lưu của con người tài tử.
Cho nên thơ của tiên sinh, phần nhiều là thơ thù tạc vãng lai, tâm tư nhẹ hơn từ điệu.
Nhưng phong cách riêng biệt, tự tạo nên cơ trử của một nhà.
Lời thơ như lời nói chuyện, bình dị, tự nhiên:

Miệng mời tay rót ly hoàng cúc,
Kẻ đọc người nghe sấm Bạch Vân.
                                                (Ngẫu tác)
Hỏi bao nhiêu tết từng qua lại?
Thưa bốn nghìn năm có lẽ thừa.
                                                (Thơ Tết)
Cơm nấu không sôi ngu có kẻ,
Nồi rang khi bể tội vì ai?
                                                (Đưa Ông Táo)
Đường bộ đá mềm đi thẳng đó,
Cây da bến cũ lại ngồi đây.
                                                (Đi chơi Mai Lãnh)
Sao mình cứ vác chòm râu bạc
Theo họ mà chen đám bụi hồng.
                                                (Xem Hội chợ)
Mới đây thêm đặng một người thương,
Quê ở Cầm Sơn bạn giáo phường.
Trọ trẹ biết ca bài cổ bản,
Thanh thao khéo trổ giọng quỳnh tương.
Sông Lam trăng gió từng quen nẻo,
Đảnh Giáp mây mưa chửa thạo đường.
Nghe nói em Năm nhà cũng vậy,
Cũng làng quốc sắc với thiên hương.
                                                (Lời khen cô đào Tứ)
Xa ngại nhau chi mấy dặm trường,
Gió mưa thêm chạnh tiết trùng dương.
Hoa lau trỗ bạc đầu phơi tuyết,
Đóa cúc phai vàng mặt giãi sương.
Trăm giận nghìn thương câu cảm tác,
Một say mười tỉnh chén tha hương.
Non Hồng thử dạo lên cho đến
Bẻ nhánh thù du giữ lấy hương.
                                              (Tiết Trùng Dương năm Đinh Mão ở Hà Tịnh)

Phần nhiều thơ trong hai tập “Tình Thúc Giạ” và “Đời Thúc Giạ” đều nhẹ nhàng, trôi chảy như thế cả. Có người đã nói bỡn rằng: - Đó là giọng các Mệ.
Cũng có bài giọng thiết tha, tình não nuột. Như:

ĐI CHƠI THUYỀN

Đêm thu quạnh vắng giữa dòng khơi,
Ai hát ai nghe chạnh những lời:
“Để nhện giăng mùng thân thiếp chịu,
Bỏ đam vô thỏng tiếng chàng ơi!
Không cho gáo nước dùm công với,
Toan bẻ nhành hoa kiếm chuyện chơi!”
Lượng sóng luồng theo câu mái đẩy,
Mấy phen tan hiệp nỗi đầy vơi.

Bài này cụ làm lúc năm mươi tuổi, nhân đi chơi thuyền với bạn trên sông Hương, nghe mấy câu hát mái đẩy của một ca nhi, bèn sắp lại thành thơ.

Câu “Để nhện giăng mùng…” do câu:
Đi câu để nhện giăng mùng,
Năm canh thiếp chịu lạnh lùng cả năm.
Câu “Bỏ đam vô thỏng…” do câu:
Buổi mai lòng không dạ đói,
Em xách cái oi, em xuống dưới ao,
Bắt con đam, đem về bỏ vô thỏng,
Hắn kêu cái rỏng,
Hắn kêu cái rảnh,
Hắn kêu một tiếng: Chàng ơi!
Chàng đà an phận thời thôi,
Để em chích lứa lỡ đôi sao đành!

Còn hai câu “Không cho gáo nước… Toan bẻ nhành hoa…” thời do câu:
Không cho gáo nước cho đỡ thương,
Đến bây chừ, chừ, cây xanh lá tốt, lại lập lường bẻ bông!

Tuy ý mượn ở ca dao, nhưng tình vốn đã đeo sẵn trong lòng của tác giả, cho nên dù trong nhất thời hứng hội, lời thơ vẫn chan chứa buồn thương.

Sau mấy hôm tiên sinh lại dong thuyền lên chơi ngả Thiên Mụ, gặp một người đàn bà có phong thái, tuổi chừng bốn mươi, ngồi trong một chiếc thuyền con đàn một mình, bèn mượn cảnh Tầm Dương Tỳ Bà, theo vận bài trước, làm thêm bài thứ hai:

Thuyền ai ríu rít ở ngoài khơi,
Chậm mái cho tôi ngỏ ít lời:
“Lạc lối Tầm Dương nên nỗi thế!
Đau lòng Tư Mã lắm ai ơi!
Gõ sanh hát lại vài câu thử,
Mở miệng cười qua một tiếng chơi.
Dâu bể cuộc đời thôi chớ tủi,
Khi đầy sao cũng có khi vơi”.

Đó là khuyên người mà cũng vừa tự nhủ mình.
Nói thế không khỏi có bạn nghi hỏi:
- Cụ vốn con người trong nơi quyền quí, ơn vua lộc nước dồi dào. Con đường công danh luôn luôn bước tới, thì làm gì có tâm sự của quan Tư Mã đất Giang Châu?
Nghi ngờ như thế cũng phải. Nhưng tâm hồn của thi nhân đâu có giản dị. Nhiều khi ngó qua thì thiển lộ, nhưng nhìn kỹ thì ẩn áo, u thâm…

Cuộc đời của tiên sinh thật quả phong lưu đài các, song tiên sinh vẫn che dấu một mối đau buồn đối với vận mệnh quốc gia. Tiên sinh giữ rất kín, nhưng đôi khi vẫn phát lộ nơi văn chương, hoặc kín đáo như bài “Tầm Dương Tỳ Bà” trên đây, như câu trích trong bài “Đưa ông Táo” trên kia, hoặc nửa mở nửa úp như bài “Mừng cháu đậu luật khoa cử nhân”:

Bác cử nhân Tàu cháu cử Tây,
Bút nghiên hai chữ học hai thầy.
Cũng vì việc võ xưa hờ hững
Nên nỗi nghề văn mới đổi thay
Con hát mẹ khen ừ cũng phải
Tre tàn măng mọc mãi càng hay
Gài đai đội mão ra sân khấu
Ngoảnh lại năm châu vận hội này.

Có khi nỗi buồn trước cảnh đổi thay của giang san không nén nổi mà phải dạt dào trên nét chữ hàng thơ:
Mấy ai qua lại bãi sa trường
Mà chẳng bâng khuâng lối tịch dương
Tinh vệ lấp hờn đâu nõ thấy
Dã tràng xe cát mãi càng thương
Mây giăng lố nhố hình thương cẩu
Sóng vỗ lao xao tiếng đoạn trường
Trấn Hải đài xưa nay ngó lại
Tấm bia hòn đá vẻ tang thương.

Đó là nỗi lòng của tiên sinh khi đứng trên bãi biển Thuận An, gần đài Trấn Hải, một buổi chiều năm Canh Thìn (1940), lúc tiên sinh làm Viện trưởng Dân biểu Trung kỳ. Bài thơ có ngụ ý về thời cuộc. Câu kết chứa chan niềm buồn thương tưởng tiếc cho cơ nghiệp của nhà Nguyễn nói riêng, cho Tổ quốc nói chung.

Có nhiều bài ẩn chứa niềm u hận lẫn mỉa mai, như bài:

CẢNH MỚI NHÀ THƯƠNG BẠC

Thuở thầy Đại Pháp mới sang chơi
Thương Bạc là đây chổ rước mời
Võng bác Thượng thư ra trước bến
Thuyền ông Nguyên soái đậu ngoài khơi.
Giảng hoà mực ký xong hai chữ
Bảo hộ cờ treo đã sáu đời!
Nhớ lại tích xưa vì cảnh mới
Vì hoa khoe thắm liễu khoe tươi.

Nhà Thương Bạc làm từ đời vua Tự Đức để tiếp sứ ngoại quốc đến thương thuyết. Năm Giáp Thân (1884) ông Patenôtre, đại diện nước Pháp cùng các ông Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan, đại diện triều đình Huế, ký hoà ước tại nơi này. Nhưng sau khi nước Pháp đặt xong nền đô hộ trên toàn cõi lảnh thổ Việt Nam thì việc thương thuyết phải đem vào trong viện Cơ Mật. Nhà Thương Bạc bỏ hoang, bìm giăng lau mọc. Mãi đến năm 1936, chánh Phủ Pháp mới triệt hạ nhà cũ, cất lại một ngôi nhà thông phong kiểu mới, đắp bồn hoa, trồng cây kiển chung quanh, sửa sọan thành một cảnh vườn thượng uyển chốn Thần Kinh, trên bờ sông Hương, trước thành Ngự. Gọi là vườn Thương Bạc, Tiên sinh cảm tác bài trên.

Giọng văn ngó thản nhiên, nhưng ý thơ thật mỉa mai chua chát. Mỉa mai chua chát nhất là câu kết! Chửi đời quên cái nhục vong quốc, bằng lời thơ mềm như liễu dịu như hoa! Đó là những điểm sâu sắc, tế nhị trong thơ Thúc Giạ. Nhưng vì vẻ phong lưu của văn chương và cuộc đời của tác giả đã làm cho phần đông độc giả không nhận thấy được tâm sự thầm kính gởi gắm trong thơ.

Thúc Giạ Tiên sinh là người có địa vị trong xã hội. Các tập thơ của tiên sinh cũng được phổ biến rộng rãi trong tòan quốc. Song thời Tuyền Chiến cũng như thời Hậu Chiến, các nhà soạn sách Thi Tuyển, các nhà phê bình Thi Ca, các nhà viết Văn Học, Sử…, ít nhà nhắc nhở đến Tiên Sinh, đến văn chương của Tiên Sinh.

Tại sao vậy?
Nếu tôi không lầm thì Tiên Sinh dùng thơ làm món tiêu khiển trong nhất thời, chớ không dùng làm nơi gởi tâm sự vào thiên cổ. Vì nhắm mục đích gần, khi làm thơ Tiên sinh không cần chọn đề tài, không cần đi sâu vào cảnh vật vào nội tâm để tìm những nét độc đáo những niềm u ẩn, mà thường bằng lòng diễn tả những sự vật những tình ý phổ thông, miễn sao nghĩa nghe xuôi văn đối chỉnh đủ làm vui tai mắt bạn bằng là được. Do đó phần nhiều thơ của Tiên Sinh thiếu chất thơ thiếu sức truyền cảm, không đủ năng lực lôi cuốn lòng người và cầm giữ lòng người. Những bài giai tác như những bài thượng dẫn thuộc vào số ít. Chúng bị số đông những bài thù tạc vãng lai che khuất, khiến các nhà viết sách coi các tập Tình Thúc Giạ, đời Thúc Giạ là những tập vận văn chớ không phải là những thi phẩm, nên không đề cập đến.
Như vậy kể cũng có chỗ bất công và quá nghiêm khắc.

Thúc Giạ Tiên sinh là một cây Gió cổ thụ có trầm hương. Trầm hương chỉ nằm một nơi nào đó trong thân cây, chớ đâu phải chạy khắp ngọn ngành lá rễ. Chúng ta nên cưa khúc nào có trầm mà lấy, còn bao nhiêu thì bỏ lại cho người làm nhan.

Thế là làng thơ đã khỏi mất những vần thơ hay, mà người làm thơ cũng được vui lòng nơi chín suối.