Hương Vườn Cũ 33.



Đặng Xuân Bảng hiệu Hy Long, đậu Tấn sỹ khoa Bính Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 9 (1856). Bên Hán văn, văn chương có tiếng là hùng tráng. Bên Quốc âm, còn để lại chừng vài mươi bài thơ Hàn luật. Phần nhiều là thơ cảnh. Lời văn cổ nhã, như bài Đề Núi Dục Thúy đã trích dẫn ở trước kia [1] và bài Đề Động Bích Đào sau đây:

Động Đào mở khóa dễ ai hay
Ngó tựa Thiên Thai giữa cõi này
Róc rách một dòng khe cuốn gió
Rỡ ràng năm sắc đá chen mây
Cờ tiên cuộc trải vòng kim cổ
Thơ thánh câu đề giọng tỉnh say
Ướm hỏi chủ nhân đâu vắng tá?
Nga Sơn còn đó động còn đây. [2]

Thơ nhiều tài mà ít tình, có cảnh có thú mà ít vị. Cho nên không quyến rủ được lòng người thưởng cảnh trong thơ.
Thích thú nhất trong số thơ Hy Long mà tôi được đọc là bài:

ĐỀ ẢNH
Chen vai quả đất đứng trên vòng
Trời sanh ra ta có ý không?
Trải kiếp chưa phai hồn cố quốc
So gan mới biết mặt anh hùng
Mấy hàng tóc bạc từng dâu bể
Một tấm lòng son giãi núi sông
Gió Á mưa Âu thay đổi mặc
Trơ trơ như đá vững như đồng.

Văn hùng, khí tráng, đọc thấy phấn khởi trong lòng. Nhưng có người bảo:
- Hay thì hay thật, song không sát đề. Bởi theo phép làm thơ, cặp trạng phải thích thực đầu đề, nghĩa là phải nói thế nào cho người đọc thấy rõ là ảnh, chớ đây hoàn toàn nói người. Đó là một bài thơ “Cảm thuật” chớ không phải “Đề ảnh”.
Đánh giá như vậy cũng phải và đó là theo quy tắc trường ốc mà phê phán. Chớ thường thường thi nhân làm thơ không theo một qui tắc nào hết mà chỉ theo trào lòng của mình. Lúc cao hứng thì ngâm tràn viết tràn. Thành thơ rồi mới đặt đầu đề, cũng như con sanh rầu mới coi mặt đặt tên. Hoặc lấy vài ba ý tứ chính của bài thơ mà mệnh danh.

Bài “Đề ảnh”, nếu tôi không lầm thì là nhân nhìn bức ảnh mình, tác giả cao hứng nói lên thân thế và tâm sự mình, rồi sẵn bút sẵn nghiên mới viết thơ vào bức ảnh để trước mắt. Chỉ chép tám câu thơ mà thôi. Sau này những người thấy hay chép lại để xem, mới thêm đầu đề vào để gọi dễ nhớ. Chớ nào phải lấy bức ảnh mà ra đề để làm thơ đâu mà buộc phải sát đề.
Thơ cử nghiệp là hữu đề chi thi.
Thơ của các thi nhân chân chính thường là vô đề chi thi.
Tùy Viên gọi Hữu đề mà hay là nhân xảo, Vô đề mà hay là thiên công.

Nhưng xét cho kỹ, bài ĐỀ ẢNH đâu có phải là không ăn đề. Chữ PHAI là “hình thức nổi” để nói về ảnh. Còn năm câu từ câu bốn trở xuống đều có nói gạnh đến ảnh, nghĩa là đều dùng “phương pháp chìm” để “đề cao” ảnh. Đại để: nếu không so gan thì tưởng là một vật vô tri vô giác, có tướng không tâm, chớ nếu người đời đem gan mình ra đọ thì sẽ thấy đó là một bậc anh hùng, bởi vì người đời chạy theo thời, mà ảnh vẫn giữ vững chân tướng trước những cuộc bể dâu biến đổi.
Huống nữa Người chẳng phải là ảnh, nhưng ảnh lại là người:
Ngã bất thị cừ cừ tức ngã
Thân ly ư ảnh ảnh đồng thân. [3]

Cho nên nói người tức là nói ảnh. Mới ngó thì như không ăn đề, nhưng nghĩ kỹ thì thật sát đề. Nếu vào trường thi, gặp được quan trường sáng suốt, không đợi thần áo đỏ gật đầu cũng phải lấy đậu.
Tôi liên tưởng đến BÀI NÓI CHUYỆN VỚI ẢNH của Tản Đà:

Người đâu cũng giống đa tình
Ngỡ là ai lại là mình với ta
Mình với ta tuy hai nhưng một
Ta với mình sao một mà hai?
Năm nay mình mới ra đời
Mà ta ra trước đã ngoài đôi mươi
Cuộc nhân thế câu cười tiếng khóc
Nghề sanh nhai lối dọc đường ngang
Đầu xanh ai điểm hơi sương [4]
Những e cùng thẹn những thương cùng sầu.
Đôi ta vốn cùng nhau một tướng
Lạ cho mình sung sướng như tiên
Phong tư tài mạo thiên nhiên
Không thương không sợ không phiền không lo
Xuân bất tận trời cho có mãi
Mảnh gương trong đứng lại với tình
Trăm năm ta lánh cõi trần
Nghìn năm mình giữ tinh thần chớ phai.

Tản Đà cũng như Hy Long mượn ảnh để nói mình. Nhưng mỗi tác phẩm là một góc trời riêng biệt, tánh chất khác nhau, sắc thái khác nhau.
Hy Long phơi bày ý chí.
Tản Đà diễn tả tâm tình.
Một bên thiên về lý trí.
Một bên thiên về tình cảm.
Một bên hùng hồn.
Một bên uyển chuyển.
Cả hai đều có sức tác động: Đọc bài của Hy Long, người đọc phấn chí; đọc bài của Tản Đà, người đọc bùi ngùi trong tâm. Tức là hai bài thơ về ảnh thượng dẫn đều rung cảm người đọc. Như thế là thơ hay.

Thơ của Hy Long Đặng Xuân Bảng hầu hết đều thiên về lý trí, thơ cảnh cũng như thơ tình. [5].
Bài thơ đề Động Bích Đào và bài Đề Ảnh tiêu biểu cho thơ cảnh và thơ tình của họ Đặng.


[1] Xem bài số 20 ở trước nói về Núi Dục Thúy.
[2] Động Bích Đào ở núi Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa.
[3] Cặp trạng bài thơ “Tự đề tiểu ảnh” của Thái Hư thiền sư. Đại ý nói: Ta chẳng phải mày nhưng mày lại là ta; thân vốn lìa xa ảnh, song ảnh vẫn cùng chung với thân. Đó là nói về bản thể và ứng hóa thân.
[4] Tản Đà tiên sinh bạc tóc sớm.
[5] Thơ cảnh và thơ tình nói đây là theo nghĩa rộng.
   Thơ cảnh không phải là thơ tả cảnh, vì thơ Việt Nam cũng như thơ Trung Hoa không có thơ tả cảnh, như trước đây đã nói (xem bài số 8 và số 20).
Thơ tình cũng không phải thơ nói về tình ái. Cũng như cổ nhân nói “thi ngôn chí”, chí không phải chỉ nói về ý chí hay chí hướng của con người. Tình cũng như chí là chỉ tất cả những gì thuộc về phần tinh thần của con người.