Hương Vườn Cũ 35.




Ngoài những bậc có đại danh như Phan Thanh Giản, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Hữu Huân…, miền Nam còn những người có văn chương truyền thế. Như Đỗ Minh Tâm, Phan Tử Nhàn, v.v…

ĐỖ MINH TÂM hiệu là Minh Giám, nguyên có chân nhiêu học tức là khóa sinh, nên thường gọi là Nhiêu Tâm. Học giỏi nhưng thi mãi không đỗ.
Thời bấy giờ, thực dân Pháp đã chiếm cứ Nam kỳ. Một người như ông tuy không đỗ đạt nhưng muốn xuất sỹ thật không chút khó khăn. Song ông nhất thiết không hợp tác cùng quân cướp nước. Ông ngấm ngầm rèn luyện tâm chí cho đàn hậu tiến để lo việc phục thù cho non sông. Hoài bão của ông hình hiện nơi bài:

THUYỀN QUA SÔNG
Đoàn trước qua rồi đã mỏi tay
Đường xa riêng sợ lớp sau này
Trương buồm lướt sóng e chưa nổi
Thẳng mái ra khơi ngại chở đầy
Lo soát phải kèm tay lái bác
Biết khôn cố giữ sợi neo thầy
Chờ tan giông tố đường xưa lại
Kẻo trẻ bơ thờ khắp đó đây.

Nhưng cơ trời không xoay lại nổi, ông đành lấy thi ca vui sống cùng tháng ngày.
Ông có tài xuất khẩu thành thơ, và thơ ông một đúc mà nên, nhưng lời văn già dặn, ít khi có câu non chữ ép. Ông sở trường về lối thơ phúng thứ.
Thơ ông sách báo xưa nay đã nói đến nhiều. Trước kia có Chương Dân Thi Thoại của Phan Khôi và hiện nay có Giai Thoại Làng Nho của Lãng Nhân là hai quyển sách viết công phu. Trong sách có nhiều thơ của Nhiêu Tâm, mỗi bài thơ đều được nói rõ về nguyên nhân sáng tác.
Để giúp bạn đọc nào chưa đọc hai quyển sách ấy, biết qua thi tài của ông Nhiêu Tâm, tôi xin lục ra đây một đôi bài làm đại biểu:

GHẸO CÔ GÁI BÁN CAU
Hỏi cau ai bán tiếng ai rao
Tốt vóc mà trong biết thế nào
Dấu để trên buồng e đóng đục
Phành ra trước mặt thấy ngon dao
Giốc mua nên phải coi từ vú
Có bán thì cho thử chút mào
Chuốt ngót của mình ai dám chắc
Biết lòng biết mặt xỉa tiền trao.

Bài đó chỉ làm để bông đùa mua vui, chớ không phải để châm biếm, nên không có ý đau độc. Chẳng khác nhát búa bủa vào đầu đương sự, bài VỊNH CỤC PHÂN sau đây:

Bao tử là cha, mẹ: ruột dồi
Sanh ra không chỗ để mày trôi
Chặt chân chẳng nỡ thương thằng quáng [1]
Bụm mũi mà qua gớm đứa bôi [2]
Thiếu chó bắt mèo trông ngứa mắt
Chỉ trê cùng chốt ngậm tràm môi
Lẫn thay ông lão ngồi cầu quẹt
Chấp chứa làm chi cái giống hôi.

Nguyên một nhà giàu ở Vĩnh Long tên là bá hộ Nọn có nuôi một thầy đồ dạy con em trong nhà. Một hôm ông Nhiêu đến chơi. Thầy đồ tỏ vẻ kiêu ngạo. Nhân nghe chủ nhà giới thiệu ông Nhiêu là tay hay chữ giỏi Nôm, mới bảo ông làm thơ nghe thử. Ông khiêm tốn xin ra đề. Thầy đồ buột miệng thốt: “Cục cứt”. Ông Nhiêu ứng khẩu đọc ngay năm vần trên.

Trong Giai Thoại Làng Nho, Lãng Nhân chép có đôi chỗ khác: về đầu đề thì chép là “Vịnh cứt trôi sông”, về thân bài thì chép:
Bao tử là cha, mẹ: ruột dồi
Đặt không nên chỗ để mày trôi!
Trượt chân chẳng nỡ thây nhằm đạp
Bịt mũi mà qua đã gớm rồi

Thiếu chó bắt mèo ngồi tạm nuốt
Có tong cùng chốt rước theo mồi
Lạ thay ông lão ngồi cầu quẹt
Chấp chứa làm chi những giống hôi.

Chắc Lãng Nhân cũng như tôi, nghe truyền sao chép vậy, chớ không thấy bản thảo của ông Nhiêu để lại. Cho nên không dám quả quyết rằng mình chép y nguyên bản. Để mua vui, thử biện bạch thị phi:

Về đầu đề: Nếu đầu đề là “Cứt trôi sông” thì bài thơ thiếu ý. Bởi trừ câu thừa và vế thứ hai câu luận ra, sáu câu kia đều thiếu ý trôi. Phép làm thơ hữu đề thì cả tám câu phải luôn luôn đi sát với đề, nhất là cặp trạng.
Trước khi hạ bút hành văn, người làm thơ phải xem kỹ coi cái thần của đề nằm ở chữ nào. Trong đề “Cứt trôi sông”, cái thần nằm ở chữ “trôi”. Bởi “Cứt trôi sông” khác với “Cứt nằm đất”. Thế là trong bài hầu hết các câu đều không ngậm ý “trôi”. Như thế là không sát đề. Đã biết rằng thơ làm chơi không cần phải câu nệ, miễn nói được những gì mình muốn nói thời thôi. Song phải nhớ rằng “không nên câu nệ” đâu phải “bất chấp qui củ”, các cụ ngày xưa đối với thơ đâu có chấp nhận việc “nai chạy đồng hoang”.

Theo chỗ tôi được nghe truyền thì câu “để mầy trôi” ông Nhiêu ngụ ý nói mỉa ông Đồ: Ông đồ vốn là người ở xa, vì thất nghiệp phải rời quê hương vào Vĩnh Long dạy học.
Gạt bỏ hai chữ “trôi sông” ra khỏi đầu đề thì bài thơ không còn có chỗ chỉ trích, tức là hoàn hảo.
Ông Nhiêu Tâm ở miền Nam, cũng như ông Tú Xương ở miền Bắc, vì không thể đem tài năng mình ra giúp ích cho nước nhà và lại nhìn thấy trong xã hội có nhiều hạng người bất hảo nên sanh ra bất mãn, thường mượn văn chương để trút bớt nỗi khó chịu trong lòng. Do đó mà thường làm thơ châm biếm.
Bên cạnh thơ phúng thế ông Nhiêu cũng có nhiều thơ tình. Tôi được biết một bài:

KHÓC VỢ
Cái chuỗi sầu riêng xỏ chửa đầy
Hay là bạn chết thế cho đây
Đống xương tiết liệt vun trời đất
Giọt máu cương thường thấm cỏ cây
Sông Hán một năm còn thấy quạ
Non Vu ngàn thuở khó trông mây
Suối vàng hồn mẹ may mà gặp
Xin ngỏ nhà ta nỗi nước này.

Cặp trạng vừa nói về bà Nhiêu, vừa nói về nhiều người đàn bà đã bỏ mình trong thời kháng chiến chống Pháp, vừa nói về lòng đau đớn riêng của ông đối với bà, vừa nói đến nỗi thảm chung của nhân dân đối với đất nước.
Tình ý trong bài thâm hậu, nhưng văn chương cũng như bài Thuyền Qua Sông, không nhu nhuyễn lưu lợi bằng thơ phúng thứ là môn sở trường của ông Nhiêu.

***

PHAN TỬ NHÀN, húy là Tiên, người Gò Công.
Tôi chưa được rõ thân thế của ông như sao. Nhưng xem những bài thơ truyền tụng thì đoán là người có tâm huyết với non sông mà bước đường đời gặp nhiều gian nan lận đận:

TỰ THÁN
Mưa gió hôm mai khó liệu chừng
Đầy vơi còn nỗi bận cho thân
Vách thưa bóng ác không kiên mặt
Sâu rậm người quen nhác để chân
Mụ vợ than đau rơi nước mắt
Thằng con làm nũng quẩn bên lưng
Ngẩn ngơ cái phận làm nam tử
Trăm việc không qua một chữ bần.

BI THU
Rừng phong nay đã nhuộm màu thu
Hỏi lại hôm xuân đã biệt mù
Đống tuổi chập chồng năm Giáp Ất
Lằn thoi thấm thoát bóng tang du
Mãn lo tháng tới hơn người trí
Sực nhớ năm rồi sút kẻ ngu
Nam tử lỡ mang lời với thế
Gắng mà cho có chút công phu.

ĐÊM TRĂNG CẢM HOÀI
Một mình ngơ ngẩn giữa đêm trăng
Thầm nghĩ hai vai gánh nặng quằng
Gây nghiệp trẻ sau non mới đắp
Lấp ơn người trước biển chưa bằng
Ba mươi tuổi tác chau mày gấu
Nghìn dặm non sông chắt lưỡi lằn
Cái phận làm trai ngao ngán nỗi
Cao xanh kìa hỡi thấu cho chăng?

QUA CHỐN CŨ NHỚ NGƯỜI XƯA
Lối cũ Thiên Thai viếng Ngọc Chân
Cỏ hoa chào khách lạ trăm phần
Đờn xưa lóng điệu nghe hơi gió
Đá cũ quen chân lấp bợn trần
Khuyên rượu thương người trưa bóng ác
Giăng tay buồn lúc dạo vườn xuân
Tình riêng quyên giục càng ngơ ngẩn
Đứt nối lòng tơ biết mấy lần.

Văn chương tao nhã, không mang tánh chất khô khan của các nhà thơ tiền bối [3]. Chất thơ đượm đà, nhạc thơ êm ái. Đọc thơ xong  còn hưởng được dư vị, dư âm.
Thơ Tử Nhàn chắc còn nhiều. Ước ao được có thêm chừng mươi bài nữa để thưởng thức cho được thỏa thuê.
***
Tôi còn được nghe truyền một bài thơ mà giá trị văn chương không nhượng thơ Tử Nhàn. Đó là bài CẢNH TIÊN CHÂU của Nguyễn Hữu Đức: 2
Tiên Châu giăng trước Vĩnh Long thành
Đây rộn rực người đó vắng tanh
Khuất nửa cỏ cây nhà trắng trắng
Chia đôi trời nước liễu xanh xanh
Đồng quê ngày tháng ba thằng mục
Chùa Phật hôm mai một tiếng kình
Danh lợi ví như lòng chẳng tưởng
Năm hồ trăng gió có ai tranh.

Nguyễn Hữu Đức là ai, tôi chưa được may mắn biết rõ. Nhưng cũng như Phan Tử Nhàn, cách điệu của thơ tình tứ trong thơ đã cho thấy rõ là một tâm hồn thơ phong phú. Nói về mặt kỹ thuật thì Nguyễn Hữu Đức còn lão luyện hơn Phan Tử Nhàn.
Thơ Nguyễn Hữu Đức cũng như thơ Phan Tử Nhàn là thơ tài tử, không còn chịu ảnh hưởng nặng nề của lối thơ cử nghiệp.

Luật thơ Đường đã được điển chế nghiêm mật. Khi đem dùng vào việc khoa cử lại còn bị phiền phức hóa thêm bằng những chi tiết rắc rối để lung lạc đám sỹ tử, kiến người làm thơ mãi lo giữ gìn cho đúng qui luật mà lắm khi xao nhãng nội dung. Do đó thơ chỉ có xác.
Nhưng người học thơ Đường luật mà không biết rành qui tắc của trường thi cũng không được. Phải biết rõ những chỗ rắc rối, những chỗ khó khăn, để tránh né được dễ dàng khi gặp phải. Chẳng những phải biết mà còn phải tập luyện cho thuần thục, để có thể vứt bỏ khi cần vứt bỏ và áp dụng khi cần áp dụng, vứt bỏ và áp dụng một cách thích đáng khi thấy có lợi cho thơ.

Trong thơ cũng như ngoài đời, không có gì tuyệt đối tốt, cũng không có gì tuyệt đối xấu. Xấu hay tốt tùy quan niệm tùy trường hợp, tức tùy người tùy lúc tùy nơi.
Và học thơ cũng như học Đạo, không nên chấp sắc cũng không nên chấp không. Nghĩa là không nên làm nô lệ cho thi pháp mà cũng không nên bỏ thi pháp. Phải thủ xả tùy nghi.
Phan Tử Nhàn và Nguyễn Hữu Đức nhờ biết tùy nghi nên đã sáng tác được những vần thơ hay, những vần thơ đọc đi đọc lại mãi không chán.


[1] Tục ngữ “mỗi lần đạp cứt mỗi lần chặt chân”.
[2] Tục ngữ “lấy cứt bôi chân người” (vu cáo).
[3] & 2 Phan Tử Nhàn cũng như Nguyễn Hữu Đức là người gần đây.