Hương Vườn Cũ 39



Thơ phúng thế xưa nay thường nhắm về mặt trái của xã hội.
Người làm thơ mượn lời châm chọc, kích bác, trêu ghẹo, mỉa mai… với mục đích răn điều lỗi, trị thói xấu.

Thơ chia làm hai loại:
- Châm phúng.
- Trào phúng.
Châm phúng nặng về giáo dục.
Trào phúng nặng về hý lộng.
Một bên trong giáo dục có hý lộng.
Một bên trong hý lộng có giáo dục.
Thơ châm phúng thường thường lời lẽ nghiêm khắc gắt gao, như thầy giáo quở học trò, quan tòa kết tội kẻ phạm pháp.
Thơ trào phúng, lời lẽ có phần êm dịu hơn, nhưng vị chua chát đắng cay, càng chíp chắp càng thấm thía. Có thể bảo đó là bàn tay sắt bọc nhung, chén bòn hòn trộn đường cát.

Những bài thơ vịnh vật phúng thế đã trích dẫn ở các chương trước đây, hầu hết là thơ châm phúng.
Và đó là thơ châm phúng dùng thể tỷ.
Thơ châm phúng dùng thể phú, tức là nói thẳng, nói trắng chớ không cần giá một nơi đánh một nơi, tức là trực trần trực cáo, cũng rất thịnh hành trong làng thơ Việt Nam. Sở trường nhất có lẽ là ông Tú TRẦN KẾ XƯƠNG.
Thơ ông TRẦN nhiều khi rất độc.
Như để “sửa lưng” một cậu ấm có bà mẹ bất chính mà hay lên mặt ta đây là con nhà danh giá, ngày ngày điếu trắp xênh xoang, ông Tú có câu:
Thôi đừng điếu trắp xênh xoang nữa
Thẳng tiểu chùa Luông nó chửi mày.

Chú tiểu chùa Luông chửi cậu ấm là chửi bằng hành động chớ không phải chửi bằng ngôn ngữ. Việc chú tiểu cụ thể hóa tiếng chửi thông thường bằng việc làm thật sự, ai ai cũng biết nhưng không ai dám nói ra. Đến khi câu thơ của ông Tú ra đời, thì ai cũng đọc ai cũng thuộc và hễ thấy cậu ấm đi qua là xúm nhau “phát thanh” để cười cợt chế nhạo. Bị búa thanh nghị đập lên đầu, cậu ấm tỉnh ngộ, bà quan giật mình, nhà chùa sảng sốt… Chú tiểu phải bỏ chùa, mẹ con cậu ấm phải dời nhà đi tìm nơi sám hối.

Lại có một người đàn bà mới ba mươi tuổi mà đã có đến bốn đời chồng. Cả bốn đều chết sau khi ăn ở cùng vợ được ít lâu. Nhưng vì tuổi chưa thu, nên người đàn bà còn sửa soạn còn trau tria như thời son trẻ. Thấy chướng mắt, ông tú viết một câu lục bát dán nơi cửa bà ta:
Ba mươi, bốn độ chôn chồng,
Còn mong trang điểm má hồng chôn ai?
Người đàn bà xấu hổ đang đêm lén dọn nhà đi nơi khác. [1]
Tác động thơ châm phúng kể cũng đã mạnh!

Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ cũng thường làm thơ châm phúng. Như trong thơ Vịnh Kiều cụ có câu:
Ba mươi lạng bạc mà xong nhỉ!
Ngày trước làm quan cũng thế a?

Lời nhẹ nhàng nhưng ý thật cay đắng sâu hiểm. Té ra không phải chỉ thời nay mới có nạn hối lộ, mà ngày xưa cũng không khác gì ngày nay! Và thời xưa, thời mà người đời còn trọng liêm sỹ còn biết trọng lễ nghĩa, mà còn có nạn tham nhũng như kia, huống hồ ngày nay là ngày phong hóa đã suy đồi, thì nạn tham nhũng hoành hành biết bao nhiêu nữa! Mượn chuyện người trước để khuyến cáo người đương thời, khuyến cáo một cách xa xôi kín đáo: Đưa tội lỗi cho người có lỗi thấy để tự sửa chữa lấy, chớ không bắt buộc phải sửa chữa theo ý mình.

Mà Yên Đỗ nhắm vào ai?
Nếu tôi không lầm thì nhắm vào viên quan Tuần Vũ Hưng Yên là LÊ HOAN, người đã tổ chức cuộc thi Vịnh Kiều mà người chủ trì là cụ Nguyễn Khuyến và cụ Dương Lâm, còn người trúng giải nhất là ông Chu Mạnh Trinh. [2]
Nhưng riêng gì Lê Hoan mới đáng chỉ trích. Từ khi thực dân Pháp đặt nền đô hộ lên toàn cõi Việt Nam, những sỹ phu có tâm huyết cùng quốc gia dân tộc thì náu mình giữ tiết, những kẻ xuất sỹ hầu hết là phường bôn xu danh lợi chỉ lo việc vinh thân phì gia. Do đó mà tham quan ô lại mỗi ngày mỗi thêm đầy nhẫy trong Chánh quyền. Cụ Yên Đỗ nhân dịp Lê Hoan mở cuộc thi Vịnh Kiều, bèn mượn đem làm đại biểu cho toàn thể quan lại.

Đối với cậu ấm, với cô gái góa là người ít học, ông Tú Xương phải nói rõ cho dễ lọt vào tai. Còn đối với đám tham ô có học, cụ Tam Nguyên Yên Đỗ nghĩ rằng chỉ đánh khẽ cũng đủ làm cho giật mình.
Song không phải lúc nào cụ Yên Đỗ cũng nhẹ nhàng kín đáo như thế đâu. Lắm lúc giọng thơ cũng xẳng lắm. Như để trả đũa ông án Chu tặng cụ một chậu trà là thứ hoa có sắc không hương trong lúc cụ đã mù, cụ có câu: [3]
Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi
Đếch thấy hơi hương một tiếng khà!

Mượn hoa trà hữu sắc vô hương để chê họ Chu hữu tài vô hạnh. Thật đau độc! Song vẫn còn bóng gió. Xát muối vào mặt đối phương không chút vị nể, thì như bài:

TẶNG HÀ NAM TỔNG ĐỐC TRẦN
Ai rằng ông dại với ông điên
Ông dại sao ông biết lấy tiền
Cậy cái bảng vàng treo nhị giáp [4]
Khoét thằng mặt trắng lấy tam nguyên [5]
Dấu nhà vừa thoát sừng trâu đỏ [6]
Phép nước không chừa móng lợn đen [7]
Chỉ cốt túi mình cho nặng chặt
Trăm năm mặc kệ tiếng chê khen.

Không được rõ quan Tổng Đốc họ Trần kia là ai, cũng không rõ vì sao cụ Yên Đỗ lại nặng lời thóa mạ như thế. Song qua văn chương cũng đoán biết được rằng:
Họ Trần thi đỗ đến Đại khoa và làm quan đến Tổng Đốc, đáng lẽ biết trọng nhân phẩm biết quí thân danh. Nhưng vì vốn con nhà hạ tiện may phước làm nên, lại được Pháp tín dụng, nên sẵn quyền sẵn thế lo vơ vét cho đầy túi tham. Tiếu mạ mặc ai, cứ giả bộ điên điên dại dại. Nhân dịp họ Trần đè đầu một bạch diện thư sinh nào đó để ăn hối lộ ba đồng bạc, cụ Yên Đỗ thấy con người bất cố liêm sỹ, không thể chịu nổi mới làm thơ đả kích kịch liệt hầu mong có hồi tâm.
Nhưng có người cho biết:
- Họ Trần đây là TRẦN ĐÌNH TÚC làm Tổng Đốc Hà Nam rồi thăng Tổng Đốc Hà Nội. Khi cụ Yên Đỗ mới đậu Tam Nguyên (1871) về tỉnh nhà (Hà Nam) bị Trần Tổng Đốc cậy quyền hiếp đáp, tức mình làm thơ chống lại.
Và câu thứ tư bài thơ chính là: Hiếp thằng mặt trắng đỗ tam nguyên.

Câu chuyện có thể tạm tin, nhưng câu thơ không thể chấp nhận. Bởi “thằng mặt trắng” do chữ “bạch diện thư sinh” mà ra, mà Bạch diện thư sinh là người học trò chưa đỗ đạt chi cả, như thế đem “đỗ tam nguyên” ghép cho “thằng mặt trắng” thì khác gì lấy mâu đâm vào thuẫn để thuẫn hất mâu ra.
Lấy TAM NGUYÊN là cấp bậc khoa bảng mà đối với NHỊ GIÁP thì thật là xứng đào xứng kép. Song sao lý thú và thâm độc bằng dùng TAM NGUYÊN là ba đồng bạc. Bởi đem BA ĐỒNG BẠC TRẮNG đối với BẢNG VÀNG NHỊ GIÁP là ngụ ý nhủ thầm rằng cái Bảng vàng của quan Tổng Đốc giá trị ngang với ba đồng bạc trắng của chàng bạch diện thư sinh.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá văn chương ấy mới hời! [8]

Trong Văn Đàn Bảo Giám, câu thứ sáu trong câu ấy chép là:
Phép nước xin chừa móng lợn đen.
Không hiểu thủ nghĩa như sao, song nhận thấy lời thơ không tiếp liền với câu thứ bảy thứ tám, nên không dám tin ở sách chép mà tin ở miệng truyền, để cho mạch văn được thông ý thơ được thuận:
- Quan lớn mới từ nơi hạ tiện bước ra, tánh xấu chưa đổi, lại nhờ có thế lực của thực dân là là bọn đê hèn như lợn, nên bất chấp dư luận, chỉ cốt lo cho nặng lưng chặt túi mà thôi.
Trong bài thơ, câu thứ năm bồi ý cho câu thứ ba, câu thứ sáu bồi ý cho câu thứ tư và chuyển ý xuống câu bảy tám để hồi cố lên khởi thừa.
Ý độc địa văn đanh thép.
Nếu quan Tổng Đốc họ Trần mặt chưa lấy làm dày, xương chưa đến nỗi đã lạnh, thì khi tiếp được bài của Yên Đỗ gởi tặng chắc phải toát mồ hôi trán như khi Tào Tháo đọc bài hịch của Trần Lâm.

Thơ châm phúng của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ thua thơ ông tú Trần Tế Xương về giọng sắc bén nhưng hơn về điểm sâu sắc độc địa. Song cả hai đều phải nhượng bà HỒ XUÂN HƯƠNG. Bài VỊNH QUẠT của bà Hồ, nhất là câu:
Mát mặt anh hùng tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa.

Văn chương đã lên đến bậc thượng thừa. Cả thơ Quốc âm lẫn thơ Hán văn, cả thơ Việt Nam lẫn thơ Trung Quốc, chưa thấy bài nào có thể sánh vai.[9]
Còn các nhà thơ khác, từ đời Trần đến nay, hầu hết đều có thơ châm phúng, kẻ nhiều người ít và có bài được truyền có bài không được truyền. Cho nên thơ châm phúng trong làng thơ Quốc âm không đến nỗi hiếm.
Xin lục đôi bài nữa:

VỊNH CON TÔM

Loài ở lộn bùn cũng mọc râu
Ngo ngoe nỏ biết mốc gì đâu
Cong lưng cứ ỷ tài đâm bắn
Lố mắt khôn dò lạch cạn sâu
Ngoài ủ xum xoe càn múa gọng
Trong oi co quắp đít ngang đầu
Giỡn rồng ta bảo đứng quen thói [10]
Một nhủi là xong, lọ tát câu.

Tác giả là chí sỹ TRẦN CAO VÂN. Chí sỹ mượn con tôm để châm biếm bọn võ quan tay sai của Pháp, cậy thần thế xem thường cả vua.
Thời Pháp thuộc là thời mà nền đạo đức cũ đã bị phá đổ, nền đạo đức mới chưa được xây nên, khiến xã hội sanh nhiều cảnh chướng mắt. Các nhà thơ không thể dằn lòng công phẫn. Nhưng để tránh nanh vút cường quyền, họ phải dùng lời bóng bẩy quanh co, giá một nơi đánh một ngả. Kẻ có tật sau khi giật mình, muốn buộc tội kẻ thù không thể vin vào đâu để mà buộc. Cho nên thời Pháp thuộc, thơ vịnh vật ngụ ý châm biếm sản xuất nhiều hơn bao giờ hết.

Chẳng những họ ngụ ý châm biếm trong các vật mà còn lồng vào lối chơi chữ một cách tinh vi. Như mừng cụ Hoàng Cao Khải ăn lễ thất tuần:

Vượng khí Lam Hồng đúc vỹ nhân
Trời ban thêm tuổi chúa thêm ân
Huân danh sự nghiệp: Hiến Thành Lý
Phú quý vinh ba: Nhật Duật Trần
Con cháu một nhà hai tổng đốc
Pháp Nam hai nước một công thần
Tuần này hạ thọ là tuần bảy
Còn biết sau đây mấy chục tuần!!

Cụ Hoàng Cao Khải vốn người Hà Tĩnh, đậu cử nhân, nhờ công đánh dẹp các cuộc kháng Pháp của Văn thân mà bước công danh lên đến tột bậc. Con cháu đều làm quan to. Hai người con trai làm đến Tổng Đốc.
Kể cũng đã thật hiển hách.

Nhưng cũng như Nguyễn Thân, Trần Bá Lộc, họ Hoàng từ xưa đến nay luôn bị búa rìu thanh nghị.
Cho nên đem sánh họ Hoàng cùng Tô Hiến Thành, Trần Nhật Duật, là hai bậc trung thần đời Lý đời Trần, tài cao đức cả, danh thơm còn để muôn đời, thì chẳng khác khen một người sức trói gà không chặt, học chưa biết chữ nhất mấy ngang, là lực ngang Hạng Võ, tài sánh Đông Pha. Đó là mỉa mai, là châm chích, mỉa mai châm chích theo lối để sắc trắng bên sắc đen, đặt Dương Quí Phi cạnh Chung Vô Diệm.

Để cho độc giả dễ nhận thấy điểm dụng ý (lời xuôi ý ngược) trong câu thơ, tác giả dùng phép đảo ngữ: Lý Hiến Thành nói là Hiến Thành Lý, Trần Nhật Duật nói là Nhật Duật Trần.
Ý phúng thích ở câu luận lại càng sâu sắc hơn:
Pháp Nam hai nước một công thần.

Theo danh giáo thì Trung thần bất sự nhị quân. Thế mà họ Hoàng lại là công thần của hai nước Pháp Nam, thì lòng trung đâu còn là một? Mà lòng trung không duy nhất thì đâu còn có thể gọi là trung thần?
Câu này làm cho ý châm phúng trong câu trạng thêm rõ.
Con người như thế mà gọi là vỹ nhân, mà cầu chúc trời thêm tuổi thọ, thì thật là hài hước!
Cụ Hoàng Cao Khải là người giỏi thơ Quốc âm, đọc bài thơ Mừng thọ kia chắc là xốn xang tâm bào lắm, nhưng chắc cũng phải khen thầm là văn chương già dặn sâu sắc.

***

Vì là “công thần hai nước” nên Hoàng Cao Khải được chính quyền Pháp cắt một vùng đất lớn ở ngoại ô Hà Nội cấp cho làm thái ấp để làm nơi hưu dưỡng, gọi là ấp Thái Hà. Nhân họ Hoàng có bài thơ Vịnh Thành Cổ Loa [11], một thi nhân phỏng theo bài vịnh sử đó làm một bài Vịnh ẤP THÁI HÒA:

Thái ấp mây mờ cỏ lẫn rêu
Pháp Nam trung tín cả hai triều
Hòa thân trót đã lầm hai chữ [12]
Ân oán xui nên đủ mọi điều
Nước Việt dẫu rằng cơ tạo đổi
Làng Tơ như có nợ tình đeo [13]
Hưng vong biết chửa anh Tường Thuyết
Hục hặc bao nhiêu chết bấy nhiêu. [14]

Mượn lời người để phúng thích người bằng cách sửa đổi một đôi chữ cho thích hợp hoàn cảnh, như bài trên, thì thật là tài tình. Mượn gậy ông đập lưng ông, người đập đã sướng tay, mà người bị đập vừa đau lại còn vừa tức, tức cho mình sơ hở để người có thể thừa cơ.

Có người bảo rằng thơ vịnh sử của Hoàng Cao Khải nhiều bài ký thác tâm sự. Bài Vịnh Thành Cổ Loa tác giả có ý hối hận về việc phủ dụ Phan Đình Phùng và việc hòa thân Pháp Nam bằng cách làm công thần cả hai nước, đồng thời biện bạch rằng mình hành động như thế là do lòng thành tín chớ không phải vì lợi danh.
Nếu quả đúng như thế thì ý châm phúng bài phóng tác trên đánh vào tâm hồn họ Hoàng lại càng thêm mạnh mẽ, càng thêm sâu sắc.

Hoàng công thần có người ái cơ ở làng Tơ, lại có một người thứ thất ở làng Bông. Nhờ đó mà tên hai làng được vào văn chương. Làng Tơ đã vào thơ Vịnh Ấp Thái Hà. Còn làng Bông thì phải đợi đến ngày bà thứ thất qua đời mới len vào thơ tả đám tang.
Đám tang bà thứ thất làng Bông tổ chức cực kỳ long trọng. Đưa đám có cả quan Toàn Quyền Đông Dương, quan Thống sứ Bắc kỳ và các nhà tai mắt tỉnh Nam Định (nơi Hoàng Mạnh Trí làm Tổng Đốc) tỉnh Hà Đông (nơi Hoàng Trọng Phu ngồi Tổng Đốc). Người xa gần đến xem chật cả đướng sá.

Nhà thơ PHAN ĐIỆN quán Hà Tịnh có thơ ĐÁM TANG BÀ BÔNG rằng:

I
Hỏi đám nhà ai ấp Thái Hà?
Người xem nô nức khắp gần xa…
Toàn quyền Thống sứ nâng tay cụ
Nam Định Hà Đông nể mặt cha [15]
Xe điện đông nêm người tứ xứ
Vòng hoa để chật bãi tha ma [16]
Tàu bay nghiêng cánh bay qua lại
Cái gái làng Bông sướng dữ a!

II
Thay cả quốc dân khóc cụ bà
Non sông nay chỉ thấy ông già
Biết bao đau đớn người Nam Việt
Há những xôn xao đất Thài Hà
Lầu đá ngàn năm tơ tưởng ngọc
Cầu ô một dải ngậm ngùi hoa
Khen con cháu cụ nhà gia pháp
Cụ nghĩ làm sao phải đạo cha!

Cũng thì nhắm vào một người, mà bài VỊNH ẤP THÁI HÀ cũng như bài MỪNG THỌ THẤT TUẦN thuộc loại thơ châm phúng, còn bài thơ ĐÁM TANG BÀ BÔNG thứ I thuộc loại thơ trào phúng.
Bài này thuộc loại thơ trào phúng vì thiên về hý lộng tức bông đùa trêu cợt.

Đến bài ĐÁM TANG thứ II thì giọng đùa cợt lẫn giọng châm chích mỉa mải, lại còn ngậm ý răn dạy là khác.
Chua chát và đau độc nhất là câu kết:
Khen con cháu cụ nhà gia pháp
Cụ nghĩ làm sao phải đạo cha ?

Đó là một cách nói mà người bình dân gọi là “nói mắc”, nói “đâm họng”. Vì đã con cháu nhà gia giáo mà còn bảo “làm sao phải đạo cha”.
Nhưng ai có biết việc quan Tổng Đốc Nam Định đánh quan Tổng Đốc Hà Đông trước mặt Duyên Mậu công Hoàng Cao Khải trong dịp đám tang bà Bông, thì mới thấy chỗ sâu cay độc địa của câu thơ.
Bài Đám Tang thứ nhất, giọng thơ mỉa mai, nhưng ý thơ không thâm độc.
Bài thứ nhì, giọng có vẻ dịu dàng xinh xắn nhưng ý vừa độc vừa thâm.
Cho nên bài I là thơ trào phúng mà bài II là thơ châm phúng vậy.

Mà chia ra châm phúng trào phúng là chia để cho dễ nói chuyện với nhau mà thôi. Chớ ranh giới giữa hai bên không được như ranh giới giữa Trung Quốc và Việt Nam đã có thiên thư định phận và có núi cao ải vững chắn ngăn, mà chỉ vạch một cách “mềm dẻo” như ranh giới giữa Việt Nam và Cao Miên, tức là trên bản đồ thì chấm chấm ngang ngang rành mạch, nhưng trên thực tế thì xích bên nay một chút hay xê bên kia một chút, vẫn không ai nói năng chi. Song đó là lúc bình thời. Chớ nếu có sự tranh chấp với nhau thì gây ra nhiều rắc rối.

Để cho ranh giới giữa châm phúng và trào phúng được rõ ràng thêm phần nào, tưởng nên thêm vào lời phân định trên kia một vài điểm nữa:
- Trào phúng lấy trêu cợt làm đầu.
- Châm phúng lấy chỉ trích làm gốc.
- Trào phúng làm cho người có tật giật mình.
- Châm phúng làm cho người có tật tím ruột.
Về châm phúng thì cụ Tam Nguyên Yên Đỗ và ông Tú Vỵ Xuyên nhượng bà Hồ Xuân Hương, như trên kia đã nói.
Nhưng về trào phúng thì không một nhà thơ nào có thể sánh với hai nhà, bên lượng cũng như bên phẩm.

Nói đến thơ trào phúng của Yên Đỗ, khách phong tao thường nhắc đến bài HỎI THĂM BẠN MẤT CƯỚP:
Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông
Nó lại lôi ông đến giữa đồng
Lấy của đánh người quân tệ nhỉ!
Xương gà da cóc có đau không?
Bây giờ mới thấy sầy da trán
Ngày trước đi đâu mất mảy lông
Thôi cũng đừng nên ky cóp nữa
Kẻo mang tiếng dại với phường ngông.

Người bạn bị mất cướp của cụ Yên Đỗ là một quan Tuần hưu trí quê ở Châu Cầu. Quan Tuần tánh hà tiện, tiền của có đó mà không dám tiêu. Lúc về vườn dồn được một số bạc kha khá. Quân gian biết được bèn đến bắt khảo của. Cụ Yên Đỗ được tin gởi thư trêu cợt. Quan Tuần đáp lại:
Ông hỏi thăm, tôi cảm ơn ông.
Nó có lôi tôi đến giữa đồng…
Những tưởng vun thù phòng lúc thiếu,
Ai ngờ cóp nhặt cũng như không!
Chém cha thằng quỉ đen tai mắt,
Chẳng nể ông già bạc tóc lông!
Ông muốn khuyên tôi…, tôi biết vậy,
Thương ông tuổi tác cháu thì ngông. [17]

Đó là lời hai ông bạn già đùa nhau. Quan Tuần Châu Cầu bị cụ Yên Đỗ cười là dại. Cụ Yên Đỗ nghèo mà lại phóng túng nên bị quan tuần chê là ngông. Cười chê để bỡn cợt chớ không có ác ý. Nhưng chíp chắp giây lâu thì thấy hơi cay cay, nhất là bài của Yên Đỗ, nhưng là chất cay của gia vị, nên không chạm đến tình bạn mà chỉ làm tăng thú cho văn chương.
Cho nên hai bài trên có thể coi là thơ hài hước.[18]
Có thể tiêu biểu cho thơ trào phúng là bài VAY NỢ SƯ KHÔNG ĐƯỢC của ông Tú Vỵ Xuyên:
Ông bám ông ăn đứa trọc đầu!
Đầu không có tóc bám vào đâu?
Nghĩ mình nghiện nặng cho nên kiết;
Đành nó ăn chay ý hẳn giàu.
Một vốn bốn lời mong có lãi,
Năm liều bảy lĩnh cũng không câu.
Thế mà không được buồn cười nhỉ!
Không được thì ông lại xuống tàu.

Một anh nghiện vay nợ một nhà sư! Rõ là một hài kịch trên trường đời, một bức hí họa bằng xương thịt. Với ngọn bút sắc sảo của ông tú Vỵ Xuyên, bức họa sống động trên mặt giấy, vở kịch tẩm dầm nhiều vị chua chát đắng cay.
Ông tú Vỵ Xuyên đối với cụ Tam Nguyên Yên Đỗ là hàng hậu bối. Xem thơ ông Tú cụ Tam Nguyên nói:
- Kế dư chi hậu nhi Xương hồ.
Nghĩa là “Sau này nối ta là anh Xương vậy”.

Cụ Yên Đỗ và ông Vỵ Xuyên từ Bắc chí Nam ai ai cũng biết danh. Thân thế của hai nhà cũng như thi nghiệp đã được nhiều sách nói đến.
Trong làng thơ Quốc âm còn nhà thơ phúng thế có tài, ngoài cụ Tam Nguyên và ông Tú. Những văn chương không được phổ biến nên sau những cuộc đổi thay trong nước, người yêu thơ chỉ còn giữ được một vài phần trăm. Như trường hợp ông Huyện Nẻ là một.

HUYỆN NẺ là tên bình dân của ông NGUYỄN THIỆN KẾ vì ông là người làng Nễ Đô tục gọi là làng Nẻ thuộc tỉnh Hải Dương, và đậu cử nhân làm quan đến chức tri huyện. Ông là anh rễ Tản Đà tiên sinh và cũng chính là người đã khuyến khích nhà thơ sông Đà núi Tản bước vào đường văn chương.

Ông nổi tiếng về thơ phúng thế. Thơ ông phần nhiều nhắm vào đám qua trường tham ô, vào đám người có địa vị cao trong xã hội mà không biết trọng phẩm cách. Ông kịch liệt đả kích những thói hư tật xấu, nhiều khi đi đến chỗ thóa mạ nặng nề mất phong độ của làng tao nhã. Cho nên thơ ông hầu hết thuộc về loại châm phúng. Có thể coi là thơ trào phúng, bài VỊNH TRI PHỦ VĨNH TƯỜNG CÕNG ĐẦM:
Thằng cha phủ Vĩnh thế mà thâm!
Nịnh bố cu Tây cõng mẹ đầm.
Đôi vú ấp tai đầu nghễnh nghễnh,
Hai tay bưng đít mặt hầm hầm… [19]
Cũng may cứng cánh nhờ ơn tổ,
Nếu rủi sa chân chết bỏ bầm. [20]
Chẳng kể mề đay cùng tưởng lục
Ngửi tay tủm tỉm miệng cười thầm. [21]

Tác giả không có ý mạ lỵ viên tri phủ. Thấy việc vui mắt thuật lại cho vui vậy thôi. Cho nên giọng thơ không gay gắt, người bị trêu chọc tuy xốn ý, nhưng chắc “tủm tỉm cười thầm” chớ không thù hằn, căm tức.
Đề tài mang nhiều chất hài hước, song vì câu văn không có duyên, nên người đọc không lấy làm thích thú. Đó là món ăn ngon nhưng nấu không được khéo, khiến vị không quyến rũ được khách ưa khẩu khoái tâm.
Không ai không thích thú, không mấy ai có thể nhịn cười được, khi đọc bài VỪA VĂN VỪA RẮM của ông tú NGUYỄN KHÁNH DOANH ở Nam Định:
Phương xú lưu gì ở thế gian,
Vừa văn vừa rắm hỡi anh Đoan?
Vẽ voi thế cũng đòi thi cử!
Khéo nhỉ! Sao mà vãi ruột gan?
Làm mất tiếng thơm cho đất Bắc!
Thẳng đưa hơi thúi đến Trường An!
Vô duyên cái mũi Hồ Quang Bí,
Ngửi rắm lâu ngày phải hỏng oan!

Nguyên dưới triều Thành Thái (1889-1907), một năm các cử tú miền Bắc vào Huế thi Hội, trong đó có ông tú Nguyễn Khánh Doanh và ông cử Trịnh Văn Đoan. Vào trường thi, ông cử Đoan bị dở bụng…, làm cho ông cử Hồ Quang Bí người Trung, ngồi bên cạnh không chịu nổi phải kêu trời! Thi xong treo bảng, người Bắc bị hỏng nhiều mà ông cử Hồ cũng chung phậm hẩm! Về quán trọ các vị hỏng thi cho chuyện Đoan Bí là một giai thoại trường thi, và thách nhau làm thơ, lấy đề “vừa làm văn vừa đánh rắm” và hạn vận “Đoan”. Bài ông tú Doanh được chấm đậu hạng nhất.

Văn thật già, phép thật vững! Lấy việc lưu phương lưu xú mà mở đề, để thừa ý đi vào sát chỗ quan yếu, rồi cứ một câu thì văn một câu thì rắm, giải thích đề tài một cách chỉnh túc và linh động. Lại dùng ông Cử Đoan để khai mạc, ông cử Hồ để bế mạc. Rõ là tay lão luyện và tài ba. Ông Đoan và ông Bí bị đem ra chế giễu, nếu có bực tức thì cũng bực tức trong giây phút rồi nguôi, vì bài thơ chỉ có tánh cách bông đùa chớ không có ác ý, lại thêm văn chương quí giá, lẽ nào lại không bình tâm để thưởng thức những gì gởi gắm trong lời văn thoát sáo và có duyên.

Bài của ông Huyện Nẻ, đề tài tục mà văn cũng tục. Bài ông Tú Doanh, đề tài tục mà văn lại thanh. Nói về giá trị văn chương, thì bài ông Tú hơn bài ông Huyện. Nhưng về giá trị lịch sử, thì bài ông Huyện là một tài liệu rất quí vì phản chiếu cho người đời nay thấy lại được phần nào tư cách của đám quần thần thời Pháp thuộc.

***

Phần đông các nhà thơ phúng thế thường lấy cá nhân, lấy những trường hợp lẻ tẻ…, làm đề tài ngâm vịnh. Chỉ trích những thói hư tật xấu chung của xã hội…, phê bình một cách tổng quát những nhân vật bất hảo của thời đại.., thì trước kia có NGUYỄN BỈNH KHIÊM, gần đây có NGUYỄN CÔNG TRỨ.
Thơ của hai nhà đã được nhiều sách sưu tập, nhiều tay biên khảo khai thác. Nên ở đây chỉ xin trích dẫn một ít để làm chứng cứ mà thôi:

- Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm:
+  Những buổi đắc thời mèo đuổi chuột
Đến khi thất thế kiến tha bò.

+ Chữ vị là vì biếng nói năng
Há rằng chẳng biết việc nên chăng
Nhá rau lại tiếc mùi canh ngọt
Nếm ếch còn thăm có giống măng
Vuốt mặt còn chừa qua mũi nọ
Rút dây lại né động rừng chăng?
Dù ai nghị luận điều lành dữ
Chữ vị là vì biếng nói năng.

+ Mâm thịt mỡ bùi ruồi đến đỗ
Chén bòn hòn đắng kiến đâu bò.
+ Trước đến tay không nào đón hỏi
Sau vào gánh nặng lại vui cười. [22]

- Thơ Nguyễn Công Trứ:
+ Lúc ghét dệt thêu ngay hóa vạy
Khi thương tô diểm méo nên tròn.

+ Hễ không điều lợi khôn thành dại
Đã có đồng tiền dở hóa hay. [23]

+ Tiền tài hai chữ son khuyên ngược
Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi. [24]

+ Cho hay trống thủng có làng bưng
Đã dễ rồi còn muốn dễ dưng!
Mặc sức đâm thùng và tháo đáy,
Tha hồ tráo đấu lại lường thưng.
Khéo đem muối nọ toan gieo biển,
Nghĩ rút dây kia sợ động rừng.
Xấu máu xin đừng ăn của độc,
Rượu làng thời uống rượu mua đừng. [25]

Thơ phúng thế thiên về lý trí và thường thường nhắm vào mặt trái của sự vật, của xã hội. Nên câu thơ thường cứng, giọng thơ thường gắt, vị thơ thường khô, khó làm cho người đọc nghiêm khắc thích mắt sướng miệng khoái lòng.
Đối với thơ phúng thế, các nhà thơ thuần túy, các bạn ưa thơ thuần túy cũng “kính nhi viễn chi”.
Nhưng đời đâu phải chỉ gồm những người chỉ ưa cái Trong, cái Đẹp.
Huống nữa nếu đừng chấp tha chấp ngã, mở rộng cõi lòng mà đón lấy tất cả những di sản tinh thần của ông cha để lại, thì:
Cảnh cũ vẫn còn non nước cũ
Chốn nào là chốn chẳng xuân phong. [26]



[1] Về thơ Tú Xương đã nói nhiều ở chương 28, ở đây chỉ lặp lại đôi điểm cần thiết và nói qua đôi điểm chưa đề cập.
[2] Đã nói rõ ở chương 22, 23.
[3] Xem trọn bài ở chương 23 - Ở đây chỉ trích câu kết.
[4] Nhị giáp: khoa cử có từ đời Lý, năm Ất Mão niên hiệu Đại Ninh thứ 4 (1075), nhưng qui chế chưa chặt chẽ. Đến đời nhà Trần thi Thái Học Sinh (tức thi Tấn sỹ) mới bắt đầu chia làm ba giáp: Đệ nhất giáp, thì có Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa. Đệ nhị giáp gọi là Giáp bảng. Đệ tam giáp gọi là Ất bảng gồm những người trúng tuyển từ Hoàng Giáp trở xuống. Sang triều Lê phép thi mới định lại một cách rõ ràng chặt chẽ. Ở các Đạo thì mở khoa thi Hương. Ở Kinh đô thì mở khoa thi Hội. Cứ ba năm mở khoa một lần. Đến niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484) đổi Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa gọi là Tiến sỹ cập đệ; Chánh bảng (tức là Giáp bảng) gọi là tiến sỹ xuất thân; Phó bảng (tức Ất bảng) gọi là Đồng tiến sỹ xuất thân. Từ đó thi Hương có bốn trường, thi Hội có 3 giáp: Đệ Nhất Giáp Tấn sỹ cập đệ, Đệ Nhị Giáp Tiến sỹ xuất thân, Đệ Tam Giáp Đồng Tiến sỹ xuất thân. Qua triều Nguyễn còn thay đổi nhiều ít nữa: Bỏ Trạng Nguyên. Người trúng tuyển Đệ Nhị giáp gọi là Hoàng giáp, dưới Hoàng giáp là Tấn sỹ (Giáp bảng) và Phó bảng (Ất bảng). (Phó bảng là người thi Hội được đủ số điểm nhưng không được vào thi Đình).
[5] Tam nguyên: Ba đồng bạc. Mặt chữ giống y Tam Nguyên là người đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, Hội, Đình.
[6] Sừng trâu đỏ: Trong luận ngữ có câu: “Lê ngưu chi tử tuynh thả dác, tuy dục vật dụng, Sơn xuyên xả chư”. (Con của giống trâu vằn mà sừng đỏ, tuy người có ý không muốn dùng, song Thần Sơn Xuyên há bỏ ư). Đó là lời đức Khổng Tử nói để an ủi thầy Trọng Cung.
                Thầy Trọng Cung là một bậc hiền nhân, song ông thân sinh là kẻ hạ tiện lại hay làm điều quấy, người đời đàm tiếu. Đức Khổng Tử bác đi. Đại ý nói: Thầy Trọng Cung cũng như con trâu vằn nghé có sừng đỏ kia, tuy con nhà hạ tiện song đạo đức cao trọng. Kẻ phàm phu không biết xem thường, nhưng kẻ thức giả vẫn trọng vọng.
Trong bài, Tam Nguyên Yên Đỗ dùng về nghĩa xấu, ngụ ý bảo rằng quan Tổng Đốc họ Trần kia vốn con nhà hạ tiện xuất thân.
[7] Móng lợn đen: Súng lục liên, vì súng lục hình giống giò lợn.
  Tác giả dùng súng lục để tượng trưng cho quyền lực của Pháp, vì thời bấy giờ chỉ có người Pháp và người Việt được Pháp tin dùng mới được dùng súng lục.
[8] Câu luận thơ Vịnh Ông Nghè Tháng Tám của cụ Yên Đỗ.
[9] Đã nói về thơ Hồ Xuân Hương ở chương 9, nên ở đây chỉ nhắc qua về điểm châm phúng.
[10] Thơ xưa có câu: Rồng nằm nước cạn tôm lờn mặt
                                  Cọp xuống đồng bằng chó ngoắc đuôi.
[11] Bài đó như vầy:    Thành ốc mây mờ cỏ lẫn rêu
        Biển tê trăng lặn nước dâng triều
        Hòa thân trót đã lầm hai chữ
       Ân oán xui nên đủ mọi điều
      Qui thảo dẫu rằng cơ tạo đổi
      Nga mao như có nợ tình đeo
      Hưng vong biết chửa người thiên cổ
     Thành tín bao nhiêu dối bấy nhiêu.
[12] Tường, Thuyết chủ trương chiến, Hoàng chủ trương hòa.
[13] Làng Tơ là quê quán người ái cơ của họ Hoàng. Người này đã gây nhiều ân oán trong dân gian làm cho họ Hoàng đã mang tiếng thêm mang tiếng.
[14] Ý nói Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết chủ trương chống Pháp đều bị thất bại, sao bằng họ Hoàng chủ trương hòa thân để làm tôi trung tín cả hai triều Pháp Nam, làm quan đến tột phẩm lại được có thái ấp dưỡng hưu.
[15] Vì bà Bông không phải mẹ đẻ của hai quan Tổng Đốc Nam Định (Hoàng Mạnh Trí) và Hà Đông (Hoàng Trọng Phu). Hai quan nể mặt cha mà về dự tang lễ đó thôi.
[16] Trong Giai Thoại Làng Nho thấy chép là: “Ô tô để chật…”
[17] Quan Tuần phần bị mất cướp phần bị bạn trêu mà vẫn không bực tức. Lời thơ thản nhiên và vui đùa một cách nhẹ nhàng lý thú. Nếu là người keo kiết thì bụng dạ hẹp hòi, làm gì có được những lời dễ thương như thế.
[18] Về thơ hài hước sẽ nói rõ ở đoạn sau.
[19] Mặt hầm hầm vì đầm nặng phải ráng sức bình sanh chớ không phải vì giận.
[20] Tiếng thổ âm, nghĩa là mẹ.
[21] Trong Giai Thoại Làng Nho, Lãng Nhân có lục đăng nhiều bài và có kể nhiều câu chuyện lý thú.
Thơ ông Huyện cũng có nhiều bài thanh nhã. Nhưng ở đây chỉ nói về thơ phúng thế và chỉ dẫn một bài trào phúng.
[22] Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, những bài ca tụng cảnh nhà cũng như những bài nói về nhân tình thế thái, đều không có đề.
[23] Thơ Nguyễn Công Trứ đều có đề. Hai cặp trên, một ở trong bài TRÒ ĐỜI, một ở trong bài THÓI ĐỜI.
[24] Trích trong bài NGÁN CUỘC ĐỜI.
[25] Nhan đề là “Phường danh lợi”. Bài này dùng toàn tục ngữ.
[26] Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
  Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như thơ Nguyễn Công Trứ chẳng phải gồm toàn thơ phúng thế, mà có nhiều loại khác. Vì mục này nói về thơ phúng thế, nên không đề cập đến các loại kia.