Hương Vườn Cũ 8.


8.

Trong các sách dạy thơ xưa cũng nhưng nay, thường trích Đường Thi làm kiểu mẫu. Những khách ưa ngâm thơ hầu hết cũng lấy Đường Thi làm hứng vị. Thế mà trong làng thơ quốc âm, ảnh hưởng thơ Đường lại không mấy sâu rộng!
Từ đời Trần đến nay, ngót bảy trăm năm, thơ Hàn Luật còn truyền tụng gom góp tất cả chừng mười nghìn bài, mà tìm thấy phong điệu người đời Đường duy có bà Huyện Thanh Quan, Phổ Chiêu thiền sư Phạm Thái, Tương An Quận Vương, Tôn Thọ Tường, Chu Mạnh Trinh.

Trong các nhà nầy, bà Huyện Thanh Quan có nhiều bài mang cốt cách Thịnh Đường hơn hết.
Thơ bà còn lại không quá mười luật. Trừ bài QUA ĐÈO NGANG TỨC CẢNH chỉ được hai câu chuyển kết:
Dừng chân ngoảnh lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Thì bài nào cũng thanh uyển trác luyện.

Chế Lan Viên khen là tuyệt diệu từ, cặp trạng luận bài CHƠI CHÙA TRẤN QUỐC:
Chín tầng sen rớt hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi vẫn rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.

Và bài THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn bền gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Bài nầy Chế đã giải thích đến mười bốn trang giấy manh. Có nhiều khám phá mới lạ. Xin trích ra đây ít đoạn:
Hãy đọc nhanh qua. Chắc ít ra cũng có mười người cùng nhận với tôi rằng: bốn câu đầu đẹp hơn bốn câu sau. Trong bốn câu đầu thì hai câu sau thì lại đẹp hơn hai câu trước. Trong bốn câu sau, hai câu trên lại lấn hơn hai câu dưới. Trong hai câu dưới, câu sau chót lại trội hơn câu trên nó.

Bây giờ chúng ta hãy xoay qua đọc chậm. Đọc chung cả bài thì mỗi câu đến chữ thứ tư, chúng ta bắt đầu rung động nhanh vô cùng. Đến chữ thứ năm, thì rung động siêu tuyệt, và đến đây hình như ta chờ đợi một cái gì…, sắp xảy ra một cái gì…, một sự thỏa mản để kết thúc hồi rung động của ta… hồi trống đánh nhanh lên…, và sau cùng ba tiếng… con sông chảy gấp…, và đây là bể cả dâng xanh… Năm chữ đổ dồn…, và đó là hai chữ sau…, hai chữ Nho chọn lọc như điệp khúc trở đi trở lại như tiếng trống, như mặt bể, để thỏa mãn tâm hồn. Ta sung sướng và cảm thấy rằng có cái gì quen quen. Đó là hai chữ Nho sau mấy chữ Nôm, nhưng ta bỡ ngỡ vì hai chữ Nho lần sau lại là hai chữ Nho khác lần trước… vân vân…

Đó là chúng ta đọc nhanh rồi chậm để thưởng thức. Cũng như là gặp một giai nhân ngoài đời hay trong sách, việc tìm biết tên tuổi, quê quán, đức hạnh… là việc sau, việc của sở căn cước, của nhà điều tra, gọi theo văn chương là các nhà khảo cứu, phê bình. Việc trước hết, việc của nghệ sỹ, là ngắm xem có đẹp không đã. Thưởng thức rồi mới tri thức. Thưởng thức bao giờ cũng đứng trước mà ngắm, khen, chê, gật gù gật gưỡng, có vẻ oai hơn. Tri thức bao giờ cũng chạy theo sau, và bao giờ cũng phải thong thả đĩnh đạc…
Thưởng thức đã vừa lòng, bây giờ chúng ta hãy đọc chậm từng câu để tri thức:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tình sương.
………………………

Hai câu phá thừa mở ra bằng một lời oán trách Tạo hóa, than vãn tháng ngày, ngậm ngùi cảnh vật. Nhưng ông Tạo hóa đã làm những gì, hí trường kia ra làm sao, ảnh hưởng thời gian mau chóng thế nào, thì phải chờ cặp trạng:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu dài bóng tịch dương.
Hai câu đầu như lối cây xanh mở ra một tầm mắt, và cặp trạng là chân trời bật nổi giữa hai con đường kia.

Tản Đà rất tự phụ về hai câu:
Đất Nam Sở đỉnh chung người đội gạo
Bến Tầm Dương mây nước chiếc thuyền nan.

Cho rằng thơ không dùng qua một động từ, một hình dung từ nào, chỉ toàn danh từ thôi. Thế mà vô cùng cảm động!
Ai đọc thơ Pháp kỹ, hẳn thấy rằngVictor Hugo hay nhờ thiện dụng tiếng Verbe, thơ Beaudelaire hay nhờ thiện dụng tiếng Adjectif…, và phần nhiều văn thơ hay nhờ dùng hai loại tiếng đó. Bởi phải có một hành động gì, câu thơ mới có linh hoạt; phải có một hình dáng gì, câu thơ mới có sắc màu… theo nghệ thuật hội họa, thế là có mouvement, có couleur…, và cần có một forme nữa…

Nhưng trong câu thơ của bà Thanh Quan cũng như trong câu của Tản Đà, tất cả đều là danh từ… chỉ kêu tên vật lên mà thôi, chẳng nói chúng làm gì cả. Thế mà chúng đủ sắc màu, khác nào chỉ vẽ hình người bằng thủy mặc mà linh động, mà huy hoàng…
Hai câu của bà Thanh Quan đó nghĩa là sao?

Những sách dạy quốc văn ở học đường đã giảng. Họ giảng đúng chữ. Còn nghĩa thì…! Đức Phật nói rằng mạt pháp, cư sỹ sẽ hơn tăng già, phụ nhân sẽ hơn cư sỹ. Thi nhân cũng có thể nói rằng: đến đời mạt pháp, những người dốt chữ sẽ hiểu được thơ, được đạo cả, hơn các ông cụ khệnh khạng làm sách giáo khoa… cái hay một câu thơ không chính là câu thơ đó, mà là chút linh hồn bao chung quanh câu thơ. Thức ngủ mất còn ai có biết đâu…! Họ giảng: xưa là lối xe ngựa mà nay là lối cỏ thu; xưa là lâu đài mà nay chỉ có bóng mặt trời sắp lặn… Thật là gần gũi cận tiện… thật là trước mặt trên tay… Thơ không phải là việc trước mặt trên tay… thật là chữ nào nghĩa nấy… 
Bởi vậy đức Phật lại nói: Y kinh giảng giải, tam thế Phật oan [1]. Giảng theo các sách giáo khoa như vậy chẳng qua bà Huyện Thanh Quan đến thành Thăng Long, một buổi chiều mùa thu, đấy ư? Ôi! Hồn thu thảo, bóng tịch dương, nếu thế, chỉ còn là một phần cảnh vật bên ngoài, rơi rớt lúc nào không biết, thay thế thế nào cũng được, chớ đâu phải là những trạng thái tâm hồn xuất tự bên trong? Hiểu như thế đó, cho nên nhiều bạn trẻ đã hiểu được hai chữ Paysage humain (cảnh con người) của Verlaine vẫn còn cho thơ Đường là thơ tả cảnh!

Hãy tưởng tượng rằng bà Huyện Thanh Quan đến thành Thăng Long một buổi sáng mùa xuân “cỏ cây chen đá lá chen hoa”, và cảnh vật chẳng có gì buồn cả. Chúng ta có thể nghĩ rằng một chút xanh hoa đỏ lá bên ngoài mà tấm lòng hoài cổ của bà tiêu tán đi chăng? Trái lại cái cảnh nhắc cho Lý Bạch chớ đến cung Lý Nhân của vua Ngô không phải là vườn xưa đài cũ, mà chính là sắc liễu xanh rờn, khúc ca lướt gió… Ở đây cỏ hoa đã che lấp cả. Nào lâu đài xưa lối cũ đã tàn tạ đi rồi như hồn cỏ hoa thu đã chết, nhường cho sự ngạo nghễ của hoa cỏ mùa xuân… Nào đâu đền cũ lâu đài? Nó cũng tắt đi như bóng tịch dương chiều hôm qua, chiều bữa trước, nhường cho ánh sáng đẹp đẽ buổi mai nầy. Bắt bài thơ nầy ở trong cảnh chiều phải vào cảnh sáng, cũng như bắt đội quân trong trận đồ đáng lẽ ra cửa sanh, phải ra cửa tử… chỉ để thử thách mà chơi đó thôi.

Thử thách song rồi, chúng ta có thể nói tác giả đến đây một buổi chiều thu nữa đấy… Cỏ thu quả có lúc bấy giờ… tịch dương lúc bấy giờ cũng có… nhưng cảnh ở đâu thì là cảnh. Cảnh đã vào trong thơ thì đấy là tình. Qua một chiếc máy lọc, bao nhiêu nước hồ ao đều thành nước uống, thì qua một con vật hữu tình là người, thì bao nhiêu cảnh cũng đều nhân hóa mà thành cảm tình. Cho nên cảm tình không những chỉ hồn thu thảo mà còn nền cũ lâu đài, không những chỉ bóng tịch dương mà còn lối xưa xe ngựa…

Đứng trước cảnh xưa kia lâu đài nguy nga, ngựa xe rộn rịp mà nay chỉ còn phất phơ hồn cỏ, gang tấc nắng chiều, thì tâm tình chúng ta như sao?… nhà thơ phương Đông mà bao giờ cũng dẹp bản ngã mình trước đại ngã của gia đình, tổ quốc, nhân loại, trước vô ngã của đất trời, lần nầy lại ẩn bóng hình mình, bóng hình nhân loại, sau đá nước:
Đá vẫn bền gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương.
Lá gan trung thành cùng chúa cũ tuy trải qua bao năm tháng vẫn bền vẫn vững, nhưng tấm lòng tích cổ thương kim thì dù tang thương xa cách mà vẫn còn khiến người ủ mặt chau mày…

Tại sao nói về câu trên, tác giả lại dùng chữ VẪN, tỏ ý cương quyết, vế dưới lại dùng chữ CÒN, tỏ ý chịu đựng? Phải chăng vì trước một tình trạng mà có những thái độ? Phải chăng vì hai nhân vật, bên thì ý chí trung, cứng cỏi, bên thì cảm tình sầu, mềm yếu? Cũng có thể nói thế. Nhưng sự thật thì có đến hai tình trạng. Đó là điểm quan trọng của hai chữ tuế nguyệt và tang thương. Ngày tháng dù có tàn phá đến đâu cũng không bằng bình hỏa do thói dâu biển của con người gây nên mà xưa nay nơi nơi điều chung chịu. Con roi đánh trên hòn đá chỉ là con roi nhỏ, nhẹ…, chỉ làm cho nay rụng lá, mai rơi hoa. Chứ còn roi đánh trên nước hồ là con roi tàn bạo, làm cho máu tuôn thịt nát! Một bên thì đến bây giờ vẫn chưa chuyển động. Một bên mãi đến bay giờ mà vẫn còn thương đau!

Cặp luận là để tỏ ý tỏ tình. Nhưng nếu đa sự chúng ta cho nó là tả cảnh như hai câu trên, thì lại thêm một điều nầy cho chúng ta nhận xét nữa. Ấy là trong bốn câu trạng luận dùng để thích thực đầu đề, thì hai câu trên tả cảnh nhân tạo, hai câu dưới thích cảnh thiên nhiên: cảnh nhân tạo, nào xe ngựa nào lâu đài, bây giờ đã hóa ra cảnh thiên nhiên nắng thu cỏ úa. Còn cảnh thiên nhiên thì dù cho thủy lưu ba tạ vô tình, dù đá sắt không cảm động đi nữa, mà đứng trước tuế nguyệt đứng trước tang thương, nếu chẳng cảm xúc mà chau mày, cũng phải bền gan mà đối phó.

Phải có trăm nghìn nghĩa đâm ngang dọc bài thơ như trăm nghìn con dao, ta mới mong ráo nghĩa bài thơ. Bởi bà Huyện Thanh Quan viết bài thơ thì có một câu, nhưng sau mỗi câu thơ là một tâm hồn, mỗi tâm hồn là một bầu trời, mà mỗi bầu trời dọc ngang biết bao nhiêu hướng. Hãy dọc ngang để cho chim bay. Hãy tung hoành để cho chim bay. Hãy tung hoành để xem rõ ý tướng. Cũng như ta, sau một chữ ta thấy nhiều nghĩa, sau đường thẳng của chân trời ta đoán vạn núi sông, thì sau một cảnh tàn phá bày ra trước mắt, bà Huyện Thanh Quan chợt thấy cả bao nhiêu chuyện phế hưng từ trước đến giờ.

Nghìn năm gương cũ soi kim cổ.
Câu nầy vừa gói cảnh Thăng Long trước mắt, vừa gợi cảnh Thăng Long ngay xưa, vừa thoát ra khỏi Thăng Long để trùng trùng bao ảnh tượng khác…
Đấy là lúc cảm tình đã vào sâu trong lòng thi sỹ, đấy là lúc sắp bật nổ ra một cái gì. Quả nhiên câu chót đến:
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Nếu ví cảnh đấy là con dao, người đây là tác giả, thì luống đoạn trường là máu chảy. Nếu ví cảnh đấy là bầu tâm sự chan chứa, người đây là dây đàn, thì luống đoạn trường là khúc tiêu tao…
Từ trên đến đây ngấm ngầm tình người. Từ trên đến đây ngấm ngầm sự xung đột tình người và cảnh… Nhưng không… Nhưng đến đây, khi cái cảnh trước mắt không những là cảnh trước mắt, mà là cảnh xưa…, không những là cảnh ngày xưa mà là cảnh kim cổ, không những là ở đây mà là ở mọi nơi… khi đã như thế thì sự xung đột phải rõ rệt… cảnh đấy…, hai chữ ấy nhưng dồn tất cả bao nhiêu cảnh ở trên làm một đội quân. Người đây…, hai chữ đó cũng như dồn tất cả những đau buồn rải rác ở trên làm một đội binh. Hai đạo binh đã xung đột nhau: ấy là luống đoạn trường. Cảnh đấy…, hai chữ ấy nhưng dồn cả cảnh vật bỏ lên một đầu cân, và đầu bên kia là tất cả tình người. Tình người đã thua và chìm xuống. Đó là ý nghĩa của luống đoạn trường………………………

Đó là Chế Lan Viên lấy con mắt và tấm lòng của con người mới, con người mới nhưng không phụ cũ, để đọc và hiểu thơ xưa. Chế đã làm nổi bật ý thơ xưa, tình thơ, vị thơ, tức là tinh thần bài thơ, trong Thăng Long Thành Hoài Cổ. Đó là một cách đọc, một cánh hiểu, một cách giải thích riêng biệt của Chế Lan Viên. Tôi đưa ra chỉ để cho rộng thêm đường nghị luận, chứ không phải mong làm phương pháp chung, mẫu mực chung.

Bài THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ xưa nay đã được nhiều học giả bình giảng. Ai nấy điều công nhận là hay. Và nói đến bà Huyện Thanh Quan, hầu hết những bạn yêu thơ điều đem bài nầy ra nói trước nhất.
Nghĩa là phần đông điều thích bài THĂNG LONG.

Tôi lại riêng thích bài CHIỀU HÔM:
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng  hôn
Tiếng ốc xa xưa lẫn trống đồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn chương đài người lữ thứ
Lấy ai mà ngõ nỗi hàn ôn.

Thơ hay mỗi bài hay một vẻ. Xem thơ mỗi người thích mỗi cách. Cho nên bảo “thích bài nầy hơn bài kia” không phải bảo rằng bài mình thích hay hơn những bài mình không thích hay ít thích. Không phải bảo rằng bài nầy hơn bài kia.
Thơ bà Huyện Thanh Quan hầu hết đều trang nhã đài các, bài nào cũng có cốt cách Thịnh Đường, như trên đã nói: giàu âm nhạc, giàu hình ảnh và sức truyền cảm, sức hấp dẫn vừa mạnh vừa bền. Đọc rồi vẫn còn dư vị, đọc nữa vẫn thấy thích thú.
Cũng như các bài khác, bài Chiều Hôm có “Nội vị chi vị, ngoại huyền chi thanh”. Nhưng lấy chỗ hồn thành mà luận thì phải để bài Chiều Hôm ở hàng đầu.
Bài nầy là một bài thơ cảnh, nhưng cảnh đả biến thành tình, tình đã hợp nhất cùng cảnh. Ngoại cảnh chỉ là hình ảnh của nội tâm, mỗi nét ở bên ngoài là một dáng dấp ở bên trong. Nói một cách khác là bức cảnh chiều hôm nhuốm đậm sắc thái tâm hồn của tác giả. Đó là nỗi lòng của người lữ thứ trước cảnh chiều hôm. Bà soạn ra bài nầy lúc vào Phú Xuân làm Cung Trung giáo tập theo lệnh vua Tự Đức. Xa gia đình, xa quê hương, sống lẻ loi trong nơi không người quen thuộc, bà bị niềm viễn biệt nỗi cô đơn làm ảm đạm tâm hồn, làm cho tâm hồn ít khi được yên tịnh, ít khi được thảnh thơi. Lòng buồn un đúc ấp ủ lâu ngày, một khi gặp cảnh thích nghi, liền tuôn trào theo cảnh và hòa đồng với cảnh.

Trong bài chữ dùng tài tình nhất là VIỄN PHỐ và CÔ THÔN, vì vừa biểu lộ được nỗi niềm tâm sự (viễn biệt cô đơn), vừa cho người đọc thấy rõ rằng tác giả là người ở trong nơi đất khách lạ lùng: thấy thuyền câu không biết thuyền về đậu nơi bến nào, thấy kẻ lùa trâu không biết lùa về nghỉ ở thôn nào, không biết vì là người xứ khác, không biết nên đành nói trổng: bến nọ thôn kia. Nhưng vì sẵn mối thương tâm vì lẻ loi, vì xa cách, nên kia nọ liền được thay bằng viễn cô:
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.

Và chút dư tình dư ý của VIỄN của CÔ chuyền xuống cặp luận để nổi lên lượn sóng lòng thứ hai nơi chữ BAY MỎI và BƯỚC DỒN:
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
BAY MỎI cho chúng ta thấy lòng mong trở về đã năm dồn tháng chứa.
BƯỚC DỒN nói lên nỗi bồn chồn bôn bức của lòng muốn trở về, và cho biết rằng tuy lòng mong về đã quá sức mỏi, song không khi nào ngớt mong.

Trong thơ, những ngư ông, mục tử, chim, khách, phố, thôn, sương, gió là cảnh, còn viễn, cô, bay mỏi, bước dồn là tâm. Cho nên khi tâm đã hòa đồng với cảnh, cảnh đã hợp nhất cùng tâm, thì VỀ, LẠI, BAY, BƯỚC trong thơ là những nhịp rung cảm của tâm chớ không còn là sự chuyển động của cảnh.
Chế Lan Viên bảo thơ Đường không có thơ tả cảnh là vậy đó.
Nói tóm lại bài CHIỀU HÔM là bức tranh lòng của bà Huyện Thanh Quan, một bức tranh lòng vẽ bằng lời, đầy màu sắc, giàu âm nhạc và vô cùng linh động.
Bà Huyện đã đến được diệu xứ của Thơ.

Có người chê rằng thơ bà Huyện Thanh Quan dùng nhiều chữ Nho làm giảm bớt tinh thần dân tộc.
Không đúng.
Những chữ bà Huyện Thanh Quan dùng đều là những chữ đã Việt Nam hóa và rất phổ biến trong làng thơ. Những chữ ấy chẳng những không làm mất dân tộc tánh trong thơ, mà còn làm cho câu thơ bài thơ thêm phần phong lưu trang trọng. Dùng đồ ngoại quốc không có hại, mà chỉ có hại ở cách dùng, ở thái độ dùng. Bà Huyện Thanh Quan đã thiện dụng tiếng Hán Việt. Nhờ tài thiện dụng của bà mà những chữ Hán Việt kia đã tạo cho thơ bà một sắc thái riêng biệt không thể lầm lẫn cùng giai phẩm của bất kỳ một nhà thơ nào của Việt Nam.
Lại có người nông nổi tưởng rằng thơ của bà Thanh Quan mang được tánh cách Đường thi là nhờ ở những chữ Hán Việt. Cả tấm áo cà sa choàng lên lưng còn chưa thành được hòa thượng huống hồ chỉ vài mảnh hàng trắng hàng vàng.

Nhưng muốn biết rõ thơ bà Huyện Thanh Quan giống Đường thi ở những điểm nào, thì trước hết phải biết những đặc điểm của Đường thi.
Mà từ xưa đến nay ai đã nói được một cách cụ thể những đặc điểm ấy? Bởi làm thế nào tả cho nổi sắc đẹp của giai nhân. Tây Thi đẹp như sao, Điêu Thuyền đẹp như sao, Chiêu Quân đẹp như sao, Lục Châu đẹp như sao? Và tứ đại giai nhân ấy khác nhau ở điểm nào? Đã ai nói được?
-       Tây Thi: Nghiêng nước nghiêng thành,
-       Chiêu Quân: Nhạn sa cá lan,
-       Điêu Thuyền: Hoa nhường nguyệt thẹn,
-       Lục Châu: Sắc nước hương trời.
Là nghĩa làm sao? Nói cho có nói, chớ thật không nói được gì hết!

Làm sao phân tách được mùi hương?
Xuân Diệu nói đúng.
Như vậy thì biết làm sao bây giờ?

Muốn biết nước nóng lạnh sao thì phải tự uống lấy, nghĩa là phải thể nghiệm, thể nhập. Tức là đọc thơ bà Huyện Thanh Quan cho chín và đọc thơ Đường cho nhiều rồi tự mình nhận thức, nhận chân.
Nhưng muốn vào động sâu, muốn lên núi cao, tưởng cũng cần có những chỗ vịn. Xin bày ra đôi chỗ vịn hầu mong giúp cho những bạn chưa từng leo núi vào động và không có phương tiện nào khác hơn đôi tay trắng, đôi chân không:

Cũng những thơ Đường, thơ bà Huyện Thanh Quan dùng chữ chính xác, thanh nhã; luyện câu tinh xảo chỉnh tề; gióng điệu điều hòa uyển chuyển; tránh hẳn những bệnh phù, hủ, thường, nhàn nhược, sanh cường, vô vị…; và tạo được bầu không khí lành mạnh chớ không rét mướt, trong trẻo nhưng mơ màng chớ không rực rỡ, bầu không khí của sớm mùa thu, của chiều mùa xuân, có sương có nắng, nắng sương hợp nhất và phảng phất mùi hoa cúc, hoa lan…

Cao Bá Quát dặn rằng:
- Trước khi đọc văn Hoa Tiên phải rửa tay đốt trầm.
Đọc thơ Đường và thơ bà Huyện Thanh Quan cũng phải theo gương họ Cao thì mới hưởng được chân thú chân vị.


[1] Nương theo thời lời giảng kinh một cách sơ lược giản tiện đó là gieo oan cho phật tam thế.