Hương Vườn Cũ 59



PHAN KHÔI là một nhà Nho tiến bộ, là một nhà văn nổi tiếng trong phái cựu học.
Văn phẩm của ông đã được đăng tải trên các báo chí như Lục Tỉnh Tân Văn, Đồng Tháp Thời Báo, Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn, Trung Lập, xuất bản ở Sài Gòn, Nam Phong, Thực Nghiệp Dân Giáo, Phụ Nữ Thời Đàm, xuất bản ở Hà Nội, và Tràng An, sông Hương xuất bản ở Huế, thời Pháp thuộc.
Ông là người có văn tài mà lại có khí tiết. Cho nên người đương thời đối với ông rất là trọng vọng. Khi đất nước chia đôi ông ở miền Bắc gây nên phong trào Nhân Văn làm cho Chánh Quyền phải một phen nao núng.
Nay tuy ông đã ra người thiên cổ, nhưng đám trí thức trong nước vẫn thường nhắc nhở đến tên ông

PHAN KHÔI là một nhà văn. Nhưng rất sành thi pháp và thỉnh thoảng cũng có làm thơ. Ông rất ít làm thơ. Nhưng một khi  cao hứng thì những thi làm ra đều đặc sắc. Như bài “Viếng Mộ Lê Chất” sau đây là một:

Bình Tây trấn Bắc sử nghìn thu,
Áy cỏ mờ rêu đất một u!
Ấy dũng ấy trung là thế thế!
Mà ân mà nghĩa ở mô mô?
Chim gào hờn sót xuân ầm ỹ,
Hùm thét oai lưu gió vụt vù.
Cái chuyện anh hùng ai giở đến,
Hồ Tây còn vẳng tiếng chuông bu.

Để có thể nhận thức được hết ý nghĩa của bài thơ, tưởng cũng nên kể sơ qua thân thế của Lê Chất.

LÊ CHẤT là một công thần của nhà Nguyễn. Sau khi nhà Nguyễn cầm quyền trong toàn cõi Việp Nam, thì Lê Chất được cử làm trấn thủ Bắc Hà. Sau vua Minh Mạng nghe lời dèm pha của bọn gian thần, kết án “bất trung bất chính, đại ác đại gian…” và xử lăng trì. Song lúc kết án thì Lê Chất đã chết rồi. Triều thần đình nghị nên “bổ áo quan lục thây, khiêu thủ để thị giới”. Vua Minh Mạng giảm việc quật mả, giết thây mà chỉ san bằng mộ và khắc bia dựng lên trên với những hàng chữ lớn “chổ nầy là nơi Lê Chất phục pháp!”  
Chỗ ấy gần vườn Bách Thú Hà Nội. Người đời sau thương tình dắp một nấm nhỏ, lâu ngày đã “áy cỏ mờ rêu”

Bài này có gọng cảm khái, bất bình. Ý tứ dồi dào chặt chẽ. Lời văn lại cứng cáp mạnh mẽ. Thật là một bài thơ hay trong những bài thơ hay còn truyền tụng.
Cặp luận vừa tả được cảnh tượng trước mắt, vừa nói lên được cái khí tượng của người dưới mồ. Câu này trước kia được nhiều người ca tụng. Có nhiều lời ca tụng thái quá khiến tác giả phải lên tiếng rằng “Chỉ tả cảnh trước mắt (gần mộ có chuồng cọp trên cây có nhiều chim) chớ không có ngụ ý gì khác”. Đó là vì “bị ca tụng quá mức”, tức mình phủ nhận “cho vui” vậy thôi. Chớ sự thật thì nhà thơ có bao giờ tả cảnh vì cảnh.
Thơ Lục Bát và song thất lục bát của ông rất hay. Nhưng đương thời có nhiều sách hay hành thế, nên thơ ông ít được nhiều người lưu tâm.
Mùa thu năm 1927, vào Cà Mau chơi. Một hôm nhân bơi thuyền du ngọan trên thuyền Tân Trào, ông làm một bài song thất lục bát tả cảnh ghê rợn trên rạch và tỏ chút tâm sự của mình lúc bấy giờ. Bài ấy dài. Đây là đọan kết:

Tâm ưu bước đã quá xa,
Cảnh khuya, sương nặng liệu mà về đi.    
Xoàng hơi cúc khì khì cười mãi,
Tóc phất phơ dưới trải bóng trăng.
Giữa dòng chiếc lá thung thăng,
Lần dò lối cũ bâng khuâng chạnh niềm:
Gẫm thân thế ba chìm bảy nổi,
Lại phen nầy lạc lối tới đây.
Một đêm cảnh vật đổi thay,
Rồi ra sao nữa sau này trăm năm!
Ngâm mấy vận tạm làm du ký,
Chép gởi người tri kỷ đường xa.
Người như rõ biết ý ta,
Thì nâng chén rượu mà ca khúc nầy.

Lời văn tao nhã phong lưu. Ý thơ buồn man mác dễ khiến người đọc bị buồn lây .
Tuy là một nhà “thơ cũ”, nhưng ông không chịu nổi những qui luật khắc khe của luật thơ Đường. Ông muốn phá bỏ tất cả những gì ràng buộc để cho nguồn hứng tự do lưu hành. Do đó ông đứng ra khởi xướng việc đập vỡ khuôn khổ thơ cũ và gây nên phong trào “Thơ Mới” .

Bài TÌNH GIÀ sau đây là một trong những bài Thơ Mới đầu tiên của ông:

Hai mươi bốn năm xưa,
Một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
- Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng
Mà lấy nhau hẳn là không đặng,
Để đến nỗi tình trước phụ sau,
Chi bằng sớm liệu mà buông nhau.
- Hay! mới bạc làm sao chớ!
Buông nhau sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng nấy,
Chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy.
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng,
Mà tính cuộc thủy chung?
Hai mươi bốn năm sau,
Tình cờ đất khách gặp nhau.
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được.
Ôn chuyện cũ mà thôi.
Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi.

Vì là một bài “tiên phong” nên được nhiều người đọc, nhiều người thuộc nhờ giá trị văn chương không cao lắm. Tuy thế chúng ta vẫn tìm thấy trong bài, 1 thứ âm điệu mới lạ, không có trong thơ cũ, cũng không có trong các loại thơ mới thời tiền chiến và hiện kim. Chúng ta nghe nó “quê quê, thật thật” lắm lúc lại nhí nhảnh, có lúc lại ngập ngừng như e như thẹn… thật là “độc đáo” vậy. Với giọng điệu nầy, trong làng thơ Việt Nam không có bài thứ hai.

Ở đời cái gì ít cũng quí. Bởi vậy trong làng thơ đã trải nhiều dâu bể, mà bài “Tình Già” vẫn không chìm mất theo thời gian.

Nói tóm lại là Thơ của Phan Khôi, cũ cũng như mới, đều mang một sắc thái riêng biệt. Nhưng vì sự nghiệp bên tản văn của ông làm lu mờ sự nghiệp thi ca, nên từ trước đến nay ít ai để ý thi tài của ông vậy.
Nay xin có mấy lời để tưởng niệm một bậc tiền bối rất có công trong công việc xây dựng nền văn học nước nhà, mà nắm xương còn gởi ngoài đất khách.