Hương Vườn Cũ 42



THƠ BA CHỮ tức là Tạm Tự thi hay Tam Ngôn thi, cũng như thơ hai chữ là một thể thơ cổ ở Á Đông, Việt Nam cũng như Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, bài thơ tam tự xưa nhất có lẽ là bài ca tụng đức độ của hai vị tướng quốc là Mạnh Thường Quân Điền Văn và Bình Nguyên Quân Triệu Thắng:

Tự ngã bão,
Y ngã ôn
Du lỳ quán
Tức kỳ môn
Tề Mạnh Thường,
Triệu Bình Nguơn,
Giai công tử,
Hiền chử nhân.

Nghĩa là:
Cơm ăn no
Áo mặc ấm
Chơi sẵn nơi
Ngủ sẵn chốn
Tề: Mạnh Thường
Triệu: Bình Nguyên
Công tử tốt
Chủ nhân hiền.

Bài này sản xuất từ thời Chiến Quốc (403-221 trước TC). Các đời sau này ít hay dùng. Về đời Đường (618-907). Mặc dù thể thơ Thất Ngôn thịnh hành, thể thơ tam tự vẫn không bị các thi gia có tài khinh bỏ. Trương Kiến có bài VỊNH VỌNG PHU THẠCH rằng:

Vọng phu xứ
Giang du du.
Hóa vi thạch
Bất hồi đầu.
Sơn đầu nhật nhật phong hòa vũ,
Hành nhân qui lai thạch ưng ngữ !

Nghĩa là:
Trong nơi trông chồng
Lòng sông mênh mông,
Hóa thân thành đá,
Đầu không ngoảnh trông.
Non cao mưa tạt gió lồng,
Người đi có lại đá mong ngỏ lời.

Ở Việt Nam ngày xưa tiền nhân đã dùng thể Tam Ngôn soạn sách giáo khoa cho trẻ em học. Một bộ sách rất được lưu hành trong quảng đại quần chúng. Người mới được khai tâm, học dễ nhớ, đến khi học đã thông rồi, ôn lại càng thấy ý nghĩa sâu xa. Đó là bộ “Tam Tự kinh”, mà đoạn mở đầu như thế này:

Nhơn chi sơ
Tánh bổn thiện.
Tánh tương cận
Tập tương viễn
Cẩu bất giáo
Tánh nãi khiên.
Giáo chi đạo.
Quí dĩ chuyên.
Tích Mạnh Mẫu
Trạch lân xử,
Tử bất học
Đoạn cơ trử.
Đậu Yên Sơn
Hữu Nghĩ phương,
Giáo ngũ tử
Danh cu dương…



Nghĩa là:
Người sanh đầu tánh vốn lành
Tánh cùng gần gũi tập tành xa khơi.
Nếu chẳng dạy tánh bèn dời
Quí chưng đạo dạy chớ chầy phải chuyên.
Xưa Mạnh Mẫu chọn láng giềng,
Giận con chẳng học dứt liền cửi đi.
Đậu Yên Sơn nghĩa thường ghi,
Dạy năm con học đồng thì đăng khoa.

(Người xưa dịch)

vân vân..
                                                           
Còn về bên Quốc âm thì thể tam ngôn không thấy có trong các tác phẩm còn lưu truyền của các danh gia. Chúng ta chỉ tìm thấy trong những áng văn bình dân ở nơi hang cùng ngõ hẻm, trên miệng các em bé nô đùa. Nhiều khi bài ca chỉ gồm những câu bắt vần, ý nghĩa rời rạc, có khi lại không có nghĩa gì hết. Ví dụ:

Chập chuồn chuồn
Luồn rau muống.
Con cà cuống
Lội đáy ao
Con chớp mào
Đầu đội mũ.
Con sáo sậu
Đậu lưng trâu…                      
                        vân vân…

Hoặc:
Chập chành chành
Đanh thổi lửa,
Ngựa ba chân  
                        vân vân…

Hoặc:
Xỉa cá mè
Đè cá chép
Chân nào đẹp
Đi giao men    
                        vân vân…

Thỉnh thoảng cũng có đôi bài hài hước, lời lẽ ý tứ rất khả ái. Như:

Con se sẻ
Đẻ mái tranh.
Vác miểng sành
Quăng chết giãy
Nấu một bảy
Dọn một mâm
Đem về dâng ông.
Ông hỏi thịt gì ?
Thưa thịt se sẻ !

Chỉ có một con se sẻ mà nấu được một nồi bảy !
“Một con se sẻ nấu ngọt một nồi bảy canh” mới nghe như trái với ý “ba voi nấu không ngọt bát xáo”. Nhưng xét lại thì ra cũng là “khoét láo một phường”. Một phường “quyền hạn hạt cải” nhưng để lòe đời, tuyên bố huênh hoang toàn những chuyện “lật trời dời đất”.

Một bài ca bị người lớn xem khinh, một thể thơ bị các bậc đại gia văn chương không để ý đến, có ngờ đâu lại chứa đựng ý nghĩa sâu sắc như thế, có ngờ đâu lại có thể dùng để sáng tác những bài ca bài thi có ý nghĩa sâu sắc như thế.

Bởi vậy chúng ta không nên xem thường đám “dân ngu khu đen” đương sống ngoi ngóp trong những nơi nhà tranh vách nát kia, cũng như đừng nên khinh thường những bài ca “trẻ em” nhị âm, tam tự… kia vậy. Và nếu chúng ta - những người yêu Quốc âm - ra công khai thác những áng văn chương bình dân ấy, những thể thơ bị bở quên ấy, thì chúng ta cũng có thể góp phần vào công việc xây dựng nền văn học cho dân tộc.

Thời Tiền Chiến, có một ít nhà thơ đã sử dụng thể tam ngôn một cách hữu hiệu. Nguyễn Vỹ và Lưu Trọng Lư là hai nhà thơ có công phát huy và có nhiều giai tác. Nhưng thể tam ngôn không được hai nhà dùng toàn vẹn trong một bài nào, mà thường hợp cùng những thể khác, hoặc nhiều hoặc ít.
Ví dụ bài Hoàng HônXuân Về của Lưu Trọng Lư.

HOÀNG HÔN
Bên thành con chim con
Hót nỉ non
Giục lòng em bồn chồn
Buổi hoàng hôn.
Em trách gì con chim con,
Em oán gì con chim con ?
Em chỉ hận:
Đã để tình lang em lận đận
Chốn xa xôi
Nơi tuyệt vời,
Trong lúc con chim trời
Bên mư nó hót những lời
Nước non…

XUÂN VỀ
Nằm vừa rồi
Chàng cùng tôi
Nơi vùng giáp mộ
Trong gian nhà cỏ,
Tôi quay tơ,
Chàng ngâm thơ.
Vườn sau oanh giục giã.
Nhìn ra hoa đua nở,
Dừng tay tôi kêu chàng:
- Này, này ! Bạn ! Xuân sang !
Chàng nhìn xuân mặt hớn hở.
Tôi nhìn chàng lòng vồn vã…
Rồi ngày lại ngày
Sắc màu: Phai !
Lá cành: Rụng !
Ba gian: Trống !
Xuân đi,
Chàng cũng đi !
Năm nay xuân còn trở lại,
Người xưa không thấy tới !

Đó là những “khúc đàn lòng” bình dị, phảng phất hương vị hoa cau hoa bưởi lúc canh khuya.
Nhạc điệu của thơ tam ngôn mà chúng ta thấy trong các bài Hán tự, các bài đồng dao trích dẫn trên đây, đã đổi khác trong các bài của họ Lưu. Họ Lưu đã tạo riêng cho thơ mình một nhạc điệu mới thích hợp với nhịp lòng rạo rực, thổn thức… trước bóng hoàng hôn, trước cảnh xuân sang… và những nhạc điệu ấy rất Á Đông. Những bạn ưa tân nhạc chắc là không thích mấy.

Bài HAI NGƯỜI ĐIÊN trong tập HOANG VU của Nguyễn Vỹ, nhiều câu tam ngôn chen với những câu nhị âm và tứ tự, tạo nên một nhạc điệu “bất thường” biểu diễn được thái độ và hành động của con người “bất thường”. Người điên nhưng không điên:

Một xó Sài Gòn
Một căn phố con
Hoang vu thanh vắng,
Bốn về phẳng lặng.
Nàng, tôi, hai người,
Chỉ ôm nhau cười,
Không nói.
Ôm nhau nằm lăn,
Cả ngày không ăn,
Không đói.
Không ăn,
Không nói.
Chỉ hôn nhau
Thật lâu
Từng sợi tóc.
Và cắn nhau
Thật đau
Để cho khóc.
Rồi hai người
Ôm nhau cười
Lăn lóc.
Nàng và tôi,
Hai đứa,
Thật xứng đôi,
Vừa lứa.
Nàng với tôi
Đều mồ côi,
Gặp nhau.
Rồi yêu,
Rồi nhớ,
Rồi mớ,
Suốt đêm suốt ngày,
Như dại như ngây.
Trưa hôm nay
Chúng tôi say,
Nằm thiêm thiếp
Vừa một chặp,
Hai nàng Tiên
Bay qua đấy,
Trông thấy,
Sẽ nhủ:
- Để yên
Hai người điên
Đang ngủ !

Đó nếu biết sử dụng, thì thể thơ nhị âm, tam ngôn cũng có thể sản xuất được những giai tác. Trong khi đi tìm thể thơ mới, nếu các thi nhân hiện đại nghĩ đến các thể thơ có sẵn của nước nhà, như thể nhị âm, tam ngôn… (hầu như đã bị quên lãng), thì tưởng vừa có lợi cho mình vừa có lợi cho việc phát huy tinh thần dân tộc.