Hương Vườn Cũ 20.B



Ở Ninh Bình có hòn Non Nước. Ở Quảng Nam cũng có hòn Non Nước.
Hòn Non Nước của Quảng Nam nằm trong dãy Ngũ Hành Sơn ở phía đông nam Đà Nẵng cách chừng bốn năm cây số.
Ngũ Hành Sơn gồm có Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Danh thì có năm, nhưng thiệt thì đến sáu. Vì Hỏa Sơn gồm đến hai ngọn: Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn. Sáu ngọn núi đứng tranh vanh đột ngột giữa một động cát mênh mông. Phía tây có sông Trường Giang, phía đông có bể Đông hải.
Trừ hòn Thổ Sơn, phần lớn là đá thường, các hòn khác đều là đá cẩm vân. Mỗi hòn mỗi sắc đá khác nhau. Đá nơi Hỏa Sơn và Kim Sơn sắc thủy mặc, nơi Mộc Sơn sắc trắng, nơi Thủy Sơn sắc hường.

Trong sáu hòn, hòn nào cũng có kỳ quan thắng tích.
Nhưng hòn Thủy Sơn, tục gọi là hòn Non Nước, xưa nay được khách du quan khách hàn mặc thường tới lui hơn các hòn khác. Bởi hòn Thủy Sơn cao lớn hơn tất cả và cũng có nhiều cảnh đẹp hơn tất cả. Những cảnh nổi tiếng toàn quốc như động Huyền Không, động Tàng Chơn…, đài Vọng Giang, đài Vọng Hải…, chùa Linh Ứng, chùa Tam Thai…, hang Âm Phủ…, đều ở trên hòn Thủy Sơn.

Ngũ Hành Sơn là một danh thắng của Trung Việt.
Thơ đề vịnh rất nhiều. Nhưng phần nhiều là thơ chữ Hán. Thơ Quốc âm làm theo thể Đường luật, chỉ nghe truyền có hai bài:

Một bài của bà Bang Nhãn:

Cảnh trí nào hơn cảnh trí này
Bồng Lai âu hẳn cũng là đây
Khói lồng sắc đá non phơi gấm
Chùa nức hơi hương biển kéo mây
Ngư phủ gác cần ngơ mặt nước
Tiều phu chống búa tựa lưng cây
Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách
Vút mắt Trường Sơn ác xế tây.

Một bài của Thái Duy Thanh:

Hay là ông Lý Khổng Lồ xây
Mới có non non nước nước này
Ngó lại ngó qua năm đống đá
Tu lên tu xuống mấy ông thầy
Lên đài Vọng Hải trông xa mú
Vào động Huyền Không ngó trống quầy
Lếu láo ngâm đưa ba chén rượu
Cõi trần âu cũng có tiên đây.

Thái Duy Thanh là người đồng châu và đồng thời cùng bà Bang Nhãn. Song khẩu khí đôi bên khác hẳn nhau. Một bên thì trang trọng, một bên thì phóng dật, xem khinh mọi cảnh vật bên ngoài.
Không thể đem so hơn kém, vì mỗi bài có một cốt cách riêng, một phong vị riêng.

Gần đây BÍCH KHÊ cũng có hai bài, lời mới tứ lạ, nhan đề là TIỀN NGŨ HÀNH SƠN, HẬU NGŨ HÀNH SƠN.
Đây bài Tiền:

Lên chơi Hòn Non Nước
Gót trổ ngọc song song…
Chàng ơi, đêm đã ướt
Mắt sao trên trời cong.
Long lanh, ngời, sáng, mướt:
Là gấm hay là nhung
Dệt lên đá linh lung
Những hình điêu khắc nổi
Sặc sỡ - Voi uốn ngà,
Cánh dơi nghe phất phới,
Tiên đồng bước giữa hoa,
Mục đồng lưng trâu cỡi
Thổi sáo bên rừng mai…
Bí mật trời Thiên Thai,
Động Huyền Không bốc khói!
Lờ mơ đường lên mây,
Chén trăng vừa tầm vói,
Chàng ơi, vàng ròng đây
Kề môi say ân ái…
Nhàu nhàu đệm rêu xanh
Dàu dàu màu sơn huỳnh,
Là là buông ren lụa.
Gót trổ gần mà xa…
Hiện lên đôi thạch nhũ,
Sữa trắng như tuyết pha
Nhi nhỉ nơi một vú…
Chàng ở, lòng vữa sao
Khi hứng giọt thơm ngào?

Hình ảnh thật là giàu, hình ảnh do tâm cảnh phối ngẫu mà sinh thành. Nhưng chưa linh động bằng đoạn tiếp:

Thôi lên đài Vọng Hải
Nhìn kim cương rưng rưng!
Nhạc vàng đâu hãy lại,
Trời nước lộn trong sương…
Hình trập trùng múa nhảy
Trên nền sóng rung rinh
Những tiên nữ trắng tinh
Ngang thân làn biếc khỏa.
Ty trúc nhấn gần xa,
Lay bay hơi báu tỏa…
Miệng nào giục điệu ca?
Tóc nào buông lõa xõa?
Mắt nào điện long lay?
Tay nào như sắp bay?

Cảnh tượng ở đoạn trên là cảnh tượng trên núi. Cảnh tượng ở đoạn dưới là cảnh tượng ngoài biển. Vẻ đẹp cả hai đều lộng lẫy và trong sáng. Nhưng khi thi nhân đưa chúng ta xuống hang Âm Phủ dưới chân núi, thì chúng ta không khỏi rùng mình:

Gió lồng hang Âm Phủ, [1]
Hoa mộng thẫm màu thâm!
Bóng đa phờ tóc rũ:
Ở con tinh đứng , nằm
Đưa võng hát ru con,
Điệu buồn trơn giọng cú
Làm úa mảnh trăng lòn!
Hai ta là mảnh vỡ
Của ngai báu Thiên Đường;
Hai ta là chất bổ
Cắn ở trái Đau Thương…
Chàng ơi, đêm nín thở
Để hồn biến ra hương…
Chập chờn trong nữ yêu,
Vào ra theo răng lựu;
Chập chờn trong ba tiêu,
Dường mưa thu nhỏ giọt;
Chập chờn trong tiếng chuông
Điểm kinh - ngân thánh thót;
Chập chờn trong bể sương,
Lượn theo nếp y thường…
Hai ta là mảnh vỡ
Của ngai báu Thiên Đường;
Hai ta là chất bổ
Cắn ở trái Đau Thương…
- Ái ân là ô thước;
Cây ngọc trổ văn chương -
Lên chơi Hòn Non Nước,
Ôm nhau chết bên đường,
Mơ màng trăng hạc rước…

Tứ thơ vừa tân kỳ vừa phong phú! Tác giả thổi hồn mình vào cảnh vật và biến cảnh vật thành những hiện tượng như có như không, nửa thực nửa mộng! Thật là kỳ thú! Người đọc bị hấp dẫn phải chạy theo dòng thơ đến cuối cùng, lắm lúc muốn dừng, nhưng không hề hoặc không nỡ dừng lại.
Bài Tiền làm năm 1941. Bài Hậu làm năm 1943. Đó là do hai bài của bà Bang Nhãn và của Thái Duy Thanh, cùng hai bài Tiền Xích Bích Phú, Hậu Xích Bích phú của Tô Đông Pha gây hứng.
Bài Hậu dài 82 câu, hình ảnh cũng rất giàu và sức truyền cảm cũng mạnh mẽ. Xin trích một đoạn:

…  Kim Mộc Hỏa Thổ lạy,
Trên dưới đất trời chầu.
Vàng sao trời mắt rạng;
Sương châu nhỏ giọt sa
Gọi sắc cỏ thơm dậy
Lẩn quất khí rừng hoa.
Gọi hồn đại hải lại
Nhập khói động Huyền Không.
Điểu thú về hết thảy;
Phụng hoàng múa theo công;
Rồng xuống khoe năm vẻ;
Bạch viên ngoạm trái đào;
Thần tiên rủ yêu quấy,
Cử lên nhạc Tiêu Thiều
Sực nức lò hương xông;
Trập trùng màu xiêm áo;
Lớt đớt trận mưa bông;
Phật Như Lai thoạt hiện
Trên bảy sắc cầu vồng.
Quái thay hòn Non Nước
Nghe giảng đủ mười tông!
Muôn năm lòng đá rắn
Nhuần thấm giọt từ bi
Biển xanh thay chất mặn,
Rừng thẳm lọc hơi sầu!
………………

NGŨ HÀNH SƠN hiện dưới mắt mỗi người mỗi khác, bởi tâm hồn không giống nhau. Ngũ Hành Sơn ví như Tánh, những hiện tượng dưới mắt người là Tướng và tâm hồn của mỗi người nhìn núi là duyên. Tánh bất biến, còn tướng tùy duyên. Cho nên Ngũ Hành Sơn chỉ có một, mà những cảnh tượng tả trong thơ muôn sai nghìn khác.
Người xem thơ không nên chấp tướng thì mới hưởng được chân thú chân vị của thơ.


[1] Hang Âm Phủ ở dưới chân hòn Thủy Sơn, tức hòn Non Nước (Tiếng Non Nước do chữ Thủy Sơn mà ra).