Hương Vườn cũ 27.



Người xưa luận thi thường lấy thanh đạm tự nhiên làm quí. Người sau bắt chước. Nhưng không nhớ lời dặn của người xưa: “muốn thanh đạm trước phải nùng diệm, muốn tự nhiên trước phải trác luyện công phu”. Lại lầm giản lậu là tự nhiên, khô sấu là thanh đạm. Do đó đua nhau ca tụng những câu như:

Tớ đẻ tháng mười năm Bính Tý
Năm nay Bính Tý sáu mươi năm
Kể vòng hoa giáp quanh đà khắp
Còn nợ non sông chết chửa cam… [1]

Cho là văn chương của bậc đại gia, hay một cách tự nhiên khó mà bắt chước nổi.
Thơ như thế tự nhiên thì tự nhiên thật, song quá khô khan lợt lạt như cơm lứt thiếu muối mè. Tuy thế lời văn già dặn chớ không quê như những câu:

Đủ ý đủ câu là có cách
Trơn vần trơn chữ nói ra bề
Tả cho thực cảnh y như thấy
Nói hết chân tình hẳn dễ nghe… [2]

Thật thà như lời bà lão dạy con. Nhiều người ưng thơ được giản dị dễ hiểu, đã dùng những câu ấy để làm mẫu trong khi nói về thơ.
Những câu thượng dẫn thuộc về loại vận ngữ chớ không phải thơ.
Đại biểu cho thơ tự nhiên và thanh đạm là những bài Thu của Tam Nguyên Yên Đỗ:

THU HỨNG
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Cần trúc lơ thơ gió hắt hiu
Nước biếc trông như làn khói phủ
Song thưa để mặc bóng trăng vào
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái
Một tiếng trên không ngỗng nước nào
Nhân hứng đã vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào. [3]

THU ĐIẾU
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơn gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lững trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng đặng
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

THU ẨM
Ba gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ vắng đêm khuya đóm lập lòe
Lưng dậu phất phơ màu khói nhạt
Làm ao lóng lánh bóng trăng loe
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
Mắt lão không viền cũng đỏ hoe
Rượu tiếng rằng hay hay chẳng mấy
Độ năm ba chén đã say nhè.

Thật là tự nhiên mà cũng thật là thanh đạm.
Những vần thơ trên kia là những con mương đào dẫn nước vào ruộng.
Ba bài thơ thu là những dòng suối trong chảy quanh co róc rách dưới chân núi.
Thanh tuyền tế ẩm tri chân vị. [4]

Nước suối trên non, muốn biết chân vị phải tế ẩm [5]. Muốn thưởng thức chân thú của ba bài thơ thu Yên Đỗ cũng phải “tế ẩm”, nghĩa là đọc kỹ càng, đọc với đôi mắt tế nhị tinh vi, với tấm lòng an nhàn thanh tịnh. Bởi đó không phải là những bức tranh lời vẽ cảnh, mà là những khung cảnh lồng tranh lòng, lòng của một thi nhân đã lắng trần cấu để hòa đồng cùng với thiên nhiên. Mà lòng tác giả đã hòa đồng cùng thiên nhiên để tạo nên những vần thơ thú vị, thì lòng độc giả cũng phải hòa đồng cùng lòng tác giả mới hưởng trọn thú vị trong thơ. Bằng không thì nước suối trên non cũng như nước mương ngoài ruộng.

Ba bài thu của Yên Đỗ do bộng trời mà ra. [6]
Riêng tiếc bài nào câu kết cũng không được thanh thoát như sáu câu trên. Đối với những câu trên, câu kết là con người trần tục nhảy vào dòng suối đương trong đương lặng, khiến bầu không khí thanh thịnh bị vương một ngấn bụi, bị vẩn một tiếng ồn.
Xem đó đủ biết làm được bài thơ xuất sắc có nhiều người làm được, làm được bài thơ toàn bích xưa nay thật ít ai. Bởi nhân vô thập toàn thì thi cũng vô thập toàn vậy.

Trở lại cùng Yên Đỗ:
Yên Đỗ thi tài cao, thi học rộng, lại là người có uy danh trong xã hội, ai ai cũng trọng vọng cũng coi như Bắc đẩu Thái Sơn. Thơ cụ đưa ra, thơ Nôm cũng như thơ chữ, ít ai dám bắt bẻ. Do đó lắm lúc cụ không thận trọng ngòi bút, viết ra những câu vô vị, như:

NHẤT VỢ NHÌ TRỜI
Nghĩ chuyện trần gian cũng nực cười
Trời khôn hơn vợ? - Vợ hơn trời?
Khôn đến mẹ mầy là có một
Khéo như con tạo cũng là hai
Trời dẫu yêu vì nhưng có phận
Vợ mà vụng dại đếch ăn ai
Cớ sao vợ lại hơn trời nhỉ?
Vợ chỉ hơn trời một cái trai. [7]

Chẳng những vô vị mà còn nhảm nhí nữa là khác! Còn được lưu truyền chỉ vì cái danh của tác giả chớ không phải vì thơ. Những văn thơ như thế, trong số thi phẩm của Yên Đỗ có trên một bài.

Thi nhân có đại gia và danh gia.
Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ thuộc hàng đại gia. (Grand)
Bà huyện Thanh Quan thuộc vào hàng danh gia. (Pur)
Trong Tùy Viên Thi Thoại có nói rõ về điểm này:
“Có người bảo: “Tài đại gia như nước sông Hoàng Hà muôn dặm, cùng bùn cát chảy xuống”. Ta cho đó là thô tài chớ không phải đại tài. Đại tài như nước biển tiếp chân trời, sóng tắm mặt nhật. Trông thấy toàn vàng bạc lâu đài, hoa kỳ cỏ lạ, chớ đâu lại có cát bùn làm nhơ mắt người. Lại bảo: “Đại gia không hềm điều tạp nhạp, danh gia tất phải chọn chữ chuốt câu”. Ta nói: kẻ làm thơ phải tự mạn cho mình làm danh gia, để người đời sau đưa mình vào hàng đại gia, chớ nên tự mạn mình là đại gia khiến người đời sau đuổi mình ra khỏi hàng đại gia”.

Đó là lời nói đáng ghi lòng.
Nhưng dù đại gia, dù danh gia, từ xưa đến nay từ đông lên tây không một ai thập toàn. Huống nữa vào trong một vườn hoa, nhất là vườn rộng rãi, thì làm sao tránh khỏi rác rến, tránh khỏi lá úa nhánh khô. Để khỏi uổng công vào vườn, khách tìm hoa tưởng nên bỏ qua những cảnh không đẹp mắt thích lòng để rảnh rang mà thưởng thức những hương thơm sắc đẹp.
Trong vườn hoa thơ của Yên Đỗ những bài thu kia là những đóa cúc nở sương, những đóa bạch ngọc cúc, cánh thanh hương dịu. Còn nhiều giống cúc khác:

VỊNH THÚY KIỀU
Kiều nhi giấc mộng bật như cười
Tỉnh dậy xuân xanh quá nửa rồi
Số kiếp bởi đâu mà lận đận
Sắc tài cho lắm cũng lôi thôi
Cành hoa vườn Thúy duyên còn bén
Ngọn nước sông Tiền nợ chửa xuôi
Không trách chàng Kim đeo đẳng mãi
Khăng khăng vớt lấy một phân đuôi.

KIỀU VIẾNG MẢ ĐẠM TIÊN GẶP KIM TRỌNG
Ví chẳng đua chơi hội Đạp Thanh
Làm chi mang lấy nợ ba sanh
Kẻ còn người khuất hai hàng lệ
Trước lạ sau quen một chữ tình
Nghĩ đến suối vàng thương phận bạc
Nỡ đem lá thắm phụ xuân xanh
Trong khuôn tài sắc trời hay ghét
Trăng gió xưa nay chẳng một mình.

Thơ Vịnh Kiều của Yên Đỗ tôi được đọc trên năm bài. Không biết những bài đó có phải do cuộc thi Kiều của Lê Hoan mà ra chăng? [8] Hai bài thượng dẫn là những đóa kim cúc, sắc đẹp những không lõa, hương thắm nhưng không nồng. Sau đây là những đóa dã cúc:

Bóng thuyền thấp thoáng dờn trên vách,
Tiếng sóng long bong lượn trước nhà.
                                                            (Vịnh lụt)
Trâu già núp bụi phì hơi nắng
Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người.
                                                            (Cảnh trưa mùa hạ)
Bạn già lớp trước nay còn mấy
Chuyện cũ mười phần chín chẳng như.
                                                            (Cảm hứng)    
Khi buồn chén rượu say không biết
Ngửa mặt lờ mờ ngọn núi xa.
                                                            (Cáo quan về nhà)                                                      
vân vân…
đều là những vần thơ hay. Nhưng không thanh thoát cao nhã bằng ba bài thơ thu.
Cho nên hễ nói đến Tam Nguyên Yên Đỗ thì phải nói đến ba bài thu trước nhất, và nói đến thơ thanh đạm tự nhiên cũng phải đưa ba bài thơ thu ra làm tiêu biểu trước nhất.


[1] Thơ của cụ Huỳnh Thúc Kháng - Thơ 8 câu, đăng ở Tiếng Dân, được các nhà cựu học tán thưởng.
[2] Thơ cụ Nguyễn Hữu Bài trong tập Thơ Nôm Phước Môn xuất bản năm 1959.
[3] Đào Tiềm đời Tấn, bỏ quan về nhà ở ẩn. Bài này cụ làm lúc còn làm quan, nên mới thẹn với ông Đào.
[4] Câu chuyển bài LINH PHONG TỰ của Đào Tấn, ý nói nước thanh tuyền uống một cách chậm rãi kỹ càng thì biết được chân vị. (Quanh chùa Linh Phong có suối trong mát.)
[5] Tế ẩm là uống một cách thong thả, vừa uống vừa lắng lòng cho thanh tịnh, uống với vị giác tinh tế, vừa uống vừa quán tưởng.
[6] Bộng Trời là Thiên lại - Đã nói ở các bài trước rồi.
[7] Cái trai tức con trai ở biển, hình hơi giống con ngao nhưng dẹp chớ không tròn.
[8] Xem bài số 22 ở trước.