Hương Vườn Cũ 20.D



Đã nói đến Kiếm Hồ không thể không nói đến Tây Hồ, vì hai hồ là song nga của viện ngoại Hà Nội, mà Kiếm Hồ là Thúy Vân, Tây Hồ là Thúy Kiều, và:
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn.

Vậy xin nói về Tây Hồ.
Tây Hồ nằm về phía Tây Bắc thành Hà Nội.
Thời Bắc thuộc gọi là hồ Lãng Bạc. Thời Lý Trần gọi là Dâm Hồ. Đời Lê cải là Tây Hồ, sau kiên tên húy của chúa Trịnh đổi là Đoài Hồ. Từ thời Tây Sơn trở về sau gọi Tây Hồ trở lại.
Tây Hồ rộng hàng nghìn mẫu. Chu vi trên 12 cây số. Nước nhẫy mênh mông và xanh lặc lìa. Mùa hạ sen nở hồng cả mặt nước. Quanh hồ có chùa có đền, có liễu thướt tha và nhiều hoa lạ cây quí.
Phong cảnh tuyệt mỹ.

Cao Biền khen Tây Hồ đẹp như chim phụng hoàng uống nước. Văn nhân thi sỹ Việt Nam khen đẹp như một chén đựng rượu, hễ nước sâu thì đất chìm, nước cạn thì đất nổi. [1]

Lại truyền rằng Tây Hồ xưa kia thuộc làng Long Đỗ, là một khu rừng. Trong rừng có một gò đá. Một con hồ ly chín đuôi làm hang ở đó, thường tác hại dân cư vùng lân cận. Thần Long Đỗ bèn tâu lên Thượng Đế. Thượng Đế nổi giận sai Long Vương đi giết hồ tinh. Long Vương và hồ tinh đánh nhau kịch liệt. Để giết hồ tinh, Long Vương làm sụt gò đá thành hồ nước sâu. [2]

Lại truyền rằng một nhà sư đúc một quả đại hồng chung bằng đồng đen. Đúc xong gióng thử, tiếng ngân bay tận bên Trung Hoa. Lúc bấy giờ ở Trung Hoa vua vừa đúc xong một con trâu bằng vàng lớn gấp năm con trâu thiệt. Trâu vàng nghe tiếng chuông ngân, ngỡ mẹ gọi [3], vùng bương ngàn chạy sang Việt Nam. Đến vùng Tây Hồ không tìm thấy mẹ, tức mình vùng vẫy, làm trụt cả một khu rừng thành hồ sâu sóng nổi. Sợ trâu làm trụt thêm đất gây tai nạn cho nhân dân, nhà sư bèn quăng quả chuông xuống hồ. Trâu liền lặn theo chuông chìm xuống đáy.

Phong cảnh đã đẹp, sự tích lại kỳ, nên từ xưa đến nay Tây Hồ quyến rũ không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách.
Thơ đề vịnh Tây Hồ, bên chữ Hán, nổi tiếng nhất là bài trường thiên của Liễu Hạnh Công Chúa liên ngâm cùng Phùng Khắc Khoan và hai họ Ngô Lý. [4]
Còn bên Quốc âm thì hai bài phú của Nguyễn Huy Lượng và Phạm Thái là hai áng văn kiệt tác. 2
Ngoài bài phú “Tụng Tây Hồ”, Nguyễn Huy Lượng còn một bài thất ngôn luật thi, làm theo lối thuận nghịch độc:

Đọc xuôi:
Đây vui thú lạ cảnh Tây Hồ
Có sẵn trời kia nét điểm tô
Mây lẫn nước xanh màu đúc ngọc
Nguyệt lồng hoa thắm vẻ in châu
Cây xòe tán lợp tầng cao thấp
Sóng gảy cầm tâu nhịp nhỏ to
Đầy mãi thú tiên non nước đó
Tây Hồ giá ấy dễ đâu so.

Đọc ngược:
So đâu dễ! Ấy giá hồ Tây
Đó nước non tiên thú mãi đầy
To nhỏ nhịp tâu cầm gảy sóng
Thấp cao tầng lợp tán xòe cây
Châu in vẻ thắm hoa lồng nguyệt
Ngọc đúc màu xanh nước lẫn mây
Tô điểm nét kia… trời sẵn có
Hồ Tây cảnh lạ thú vui đây.
Thật là xảo công! Thơ thuận nghịch độc mà lời văn xuôi ngược đều trôi chảy đẹp đẽ như thế, không phải dễ gì mà làm nên nếu kém tài kém học. Câu:
- Mây lẫn nước xanh màu đúc ngọc
Nguyệt lồng hoa thắm vẻ in châu.
- Châu in vẻ thắm hoa lồng nguyệt
Ngọc đúc màu xanh nước lẫn mây.

Tuyệt đẹp! Thơ cảnh như câu đó không phải nhiều trong thơ Quốc âm.
Chúa Trịnh Sâm cũng có hai bài nhan là TÂY HỒ TỨC CẢNH:

I
Khắp chơi phong cảnh áng hương thành
Ngoạn thưởng âu đây thích tính tình
Phục Tượng ngàn kia lồng bóng thỏ
Ẩn Ngưu dòng nọ bặt tăm kình
Lâm râm xóm nhạn cây pha khói
Lác đác buồm ngư lá nổi doành
Từng trải tiên vương khi thưởng vịnh
Thanh kỳ danh ấy đã nên danh.

II
Lọ là đồn hỏi chốn Bồng Doanh
Này thú này âu cũng có tình
Đôi đóa nhụy hồng in dáng tía
Một doành nước biếc ánh trời xanh
Làu làu các nọ phong rèm nguyệt
Văng vẳng chiều kia dõi tiếng kình
Lần trải nắng sương đà mấy tá
Kim ngưu dấu trước hãy rành rành.

Lời thơ già dặn, song không êm đẹp bằng bài của Nguyễn Huy Lượng.
Cổ tích của Tây Hồ rất nhiều. Cổ nhân đã viết thành tập nhan là Tây Hồ Chí.
Dấu xưa chuyện cũ tuy nhiều, song Nguyễn Huy Lượng chỉ dùng thi liệu trước mắt. Có điển mà không dùng điển cũng như có thế mà không dựa thế. Nhưng trong trường hợp Huy Lượng, có lẽ vì đã dùng điển trong bài phú quá nhiều rồi nên chán dùng nữa đó thôi, chớ không phải tánh vốn thích tự lập.
Còn chúa Trịnh Sâm chỉ dùng có một điển Kim ngưu ở bài thứ hai. Trong bài thứ nhất, hai tiếng Phục Tượng và Ẩn Ngưu là tên núi và tên sông.

Núi Phục Tượng là một ngọn trong dãy Vạn Bảo Sơn ở phía nam hồ Tây. Truyền rằng Cao Biền sang nước ta trù ếm, đào đứt long mạch núi Phục Tượng. Thần núi hóa hình trâu phóng ánh sáng vàng chạy ngược dòng Đường Giang lên ẩn náu tại Tây Hồ. Người quanh vùng dựng miếu thờ, gọi là Kim Ngưu từ, và khúc sông Đường Giang gần Tây Hồ gọi là Ẩn Ngưu.
Hai bài thơ của chúa Trịnh cũng như bài của Nguyễn Huy Lượng là những bài thơ cảnh có giá trị song không đặc sắc. Bởi chỉ cho chúng ta thấy những cảnh đẹp nho nhỏ, những cảnh đẹp mà nơi nào có nước có cây có lầu có các, đều có thể có chớ không riêng gì Tây Hồ. Tác giả không làm nổi bậc những điểm đặc biệt của Tây Hồ, không gợi được cái cảnh bao la bát ngát của mây nước, cái vẻ cổ kính thanh u của cây cối chùa đền ở chung quanh Tây Hồ. Đem những bài kia đổi đầu đề và đổi một ít chữ cần thiết trong bài, thì có thể dùng để nói đầm Nha Trang, hay hồ Đalat vẫn được.

Cảnh trong thơ tuy là ý cảnh song vẫn phải giữ những nét đặc biệt của thực cảnh, chớ đâu phải một khi cảnh đã vào lòng rồi thì cảnh nào cũng theo một rập như bột vào khuôn bánh in. Thi nhân với đôi mắt tinh vi chọn trong toàn thể của cảnh vật, những nét đặc sắc, những chi tiết riêng biệt, rồi hòa lòng mình vào để tạo ý cảnh cho thơ. Có vậy thì thơ mới độc đáo. Và muốn vậy thì trước hết thi nhân phải sống với cảnh, phải hòa lòng với cảnh. Nhà văn Nguyễn Hiến Lê nói câu này:
- Cảnh thiên nhiên cũng như thiếu nữ: dù tầm thường tới đâu cũng có vẻ đẹp riêng, nhưng vẻ đẹp đó chỉ hiện lên một lúc nào thôi, và phải là hạng nghệ sỹ có tình riêng với non sông mới nhận ra được, cũng như phải yêu một thiếu nữ nào mới nhận ra được cái duyên kín của nàng. [5]

Hay và đúng lắm! Nhưng không phải chỉ yêu rồi mới nhận ra được cái duyên kín của nàng, mà có khi ngược lại chính vì đã nhận ra được cái duyên kín nên đâm ra yêu da diết một nàng trông tầm thường. Lại có những vẻ đẹp hết sức kín đáo không hiện lên dù chỉ trong một lúc nào mà phải khổ công mới tìm thấy, vạch cỏ dại mới lộ nét hoa, và chỉ lộ riêng cho người khổ công tìm với con mắt nghệ sỹ và tâm hồn thi nhân.
Thật là lời nói của người đã sống mãnh liệt và sâu sắc, đã từng hòa lòng vào cảnh, ôm cảnh vào lòng.
Thi nhân sống cho được đến mức tâm cảnh bất nhị, tâm cảnh nhất như, thì thơ nói chung, thơ cảnh nói riêng, sẽ đi tới diệu xứ.



[1] Nguyên văn: Tây Hồ chi thủy như trảng trung tô, thủy thâm thổ một, thủy thiển thổ phù.
[2] Sách Tây Hồ Chí có chép rõ.
[3] Cổ nhân bảo rằng Đồng Đen là mẹ các loài kim khí, hễ vàng bạc đồng chì… mà nghe hơi tiếng mẹ thì liền tụ tập.
[4] & 2 Những bài này đã có nhiều sách chép rồi. Các bạn muốn xem cũng dễ tìm thấy.
[5] Văn số đặc biệt 150: Thi sỹ Vũ Hoàng Chương - trang 103