Hương Vườn Cũ 28.




Trần Kế Xương, tục gọi là Tú Xương, vì đậu tú tài!
Ông Tú Xương là một nhà thơ cận đại được và bị nói đến rất nhiều. Thời Tiền Chiến có một dạo, các nhà phê bình cao hứng đưa ông Tú ra làm đề tài tranh luận trên báo chí. Kẻ thì tôn ông lên hàng Vương Bá, người thì đòi kéo ông ra khỏi làng thơ. Thương nên tốt, ghét nên xấu, khách văn chương làm sao tránh khỏi thường tình trong thế gian. [1]

Theo thiển kiến, Trần Kế Xương là một thi nhân chính cống, tức là một người có thi cốt, thi học thi tài, tức là người có tâm hồn thơ và rành nghệ thuật làm thơ. Không ai có thể phủ nhận. Nhưng chưa phải là bậc thi bá thi vương, bởi chung quanh ông không có một số đông nhà thơ thần phục, coi ông là Bắc Đẩu Thái Sơn. Chức Thi Bá Thi Vương là để cho khách làng thơ phong tặng cho nhau, chớ đâu phải do các nhà phê bình chọn lựa. Làng thơ theo chế độ dân chủ từ nghìn xưa, và luôn luôn giữ vững tinh thần độc lập không bao giờ để người khác làng nhúng tay vào nội bộ, dù cho ngoại thôn thế lực đến đâu. Mà từ trước đến nay, làng thơ Hàn luật chưa hề lập đàn tôn minh chủ hay làm lễ tôn vương, đối với bất kỳ thi nhân nào chớ không riêng gì Tú Xương. Nếu các nhà phê bình có rộng lượng thì gọi ông Tú là thi hào hay đại gia tùy ý. Còn trong làng thơ Hàn luật thì vẫn luôn luôn kính trọng ông là một thi nhân.

Thi nhân Trần Kế Xương xưa nay được khai thác nhiều nhất về mặt phúng thứ. Vì thơ trào phúng của ông rất đặc sắc: khi thì kín đáo, khi thì bộc lộ. Khi thì lời tao mà ý cay, khi thì lời xẳng và ý độc…
Như chế diễu một chàng công tử mà mẹ bị chú tiểu chùa Luông “phạm thượng” nhưng không biết, cứ lên mặt là con nhà danh giáo đi đâu cũng điếu trắp xuê xoang, ông Tú có câu:

Thôi đừng điều trắp xuê xoang nữa
Thằng tiểu chùa Luông nó chửi mày.

Nếu cứ tưởng “chửi” là chửi thật sự chớ không nghĩ đến những chữ mở đầu của lời chửi thông dụng mà chú tiểu đã cụ thể hóa dùm cho viên công tử, thì không thấy chỗ dụng ý của tác giả, không thấy chỗ kín nhẹm của câu thơ.

Như chê học trò thi khóa nọ:
Văn chương chẳng thấy ai rằng tốt
Chỉ tốt hai làng lúa mạ thôi.

Đó là bảo trong bụng đám thi sinh chứa toàn những món riêng có ích cho lúa mạ của hai làng ở chung quanh trường ốc, cho nên văn chương trở nên “bất hảo”.
Thật là thâm mà cũng thật là độc!

Một ông nọ văn dốt võ nhát mà vẫn được ra làm quan. Và một nhà giàu nọ có cô con gái góa, “nghĩ rằng quan lớn thế là sang”, nên đem con mà gả. Ông Tú có thơ chế nhạo nhan đề là “Gái góa lấy chồng quan”.
Sáu câu trên dễ hiểu. Câu kết có phần hiểm hóc:
Ông này ắt hẳn hay nghề sáo
Dây vũ dây văn vụng ngón đàn.

Hai câu thơ ngó như lời nói thường, thế mà ngấm ngầm dụng điển, lại dùng đến hai điển!
Câu “hay nghề sáo” mượn chuyện Tề Tuyên Vương.
Tuyên Vương thích nghe sáo. Có kẻ muốn cầu chút công danh đem đàn đến trước đền rồng mà gảy. Gảy ngót ba năm mà không được nhà vua hỏi đến. Kẻ ấy giận, gắt:
- Ta đánh đàn cả quỉ thần cũng say mê, thế mà nhà vua không đoái tưởng!
Có người nghe nói, cười:
- Vua thích nghe sáo, bác lại gảy đàn. Dù cho đàn bác hay đến đâu đi nữa mà vua không thích thì làm thế nào được. Bác chỉ giỏi ngón đàn chớ không hay nghề sáo, thì chớ nhọc công cầu danh ở nước Tề này.
Câu “vụng ngón đàn” mượn tích Tư Mã Tương Như nhờ gảy khúc Phụng Cầu Hoàng mà lấy được Trác Văn Quân là một cô gái góa có tài có sắc và con nhà giàu.
Cả hai điển đều dùng với ý đảo ngược. Điển trên ý đảo ngược một cách gián tiếp; điển dưới, ý đảo ngược một cách trực tiếp.

Hai câu thơ đại ý nói rằng: Ông quan kia vốn “võ văn vô hữu”, mà được vua dùng làm quan, được nhà giàu gả con gái, đó có lẽ là nhờ những ngón xảo trá đánh nhằm sở thích của kẻ có thẩm quyền, chớ không phải nhờ tài năng như Tư Mã Tương Như đời Hán.

Dụng điển mà ngó như không dụng điển. Người biết điển đọc hiểu theo điển, người không thuộc điển cũng có thể hiểu đại ý theo chỗ nhận xét thông thường: “Ông này không có tài gảy đàn, nhưng hẳn có tài hót hay như sáo cưỡng, nên mới được như thế”.
Cách dụng điển như hai câu trên, cổ nhân gọi là “Ám trung dụng điển”.

Những câu thơ như những câu thượng dẫn, nếu không tiềm tâm thì không thấy trọn chỗ dụng ý của tác giả. Và đó là những câu tiêu biểu cho lối hiểm hóc trong thơ phúng thế của Trần Tế Xương.
Nhưng không phải bài nào cũng hiểm hóc mắc mỏ. Phần nhiều đều dễ hiểu, như:

VỊNH ÔNG CÒ HÀ NAM
Hà Nam danh giá nhất ông cò
Trông thấy ai ai chẳng dám ho
Hai mái trống trơn đành bỏ dột
Tám giờ chuông đánh phải nằm co
Người quên mất thẻ âu trời cãi
Chó chạy ra đường có chủ lo
Ngớ ngẩn đi xia may vớ được
Chuyến này ý hẳn kiếm ăn to!

Đau đớn nhất là cặp luận: Người Việt Nam đi trong nước Việt Nam mà phải mang thẻ thuế thân theo luôn luôn, nếu rủi đánh mất hay bị bỏ quên ở nhà thì bị tù tội! Cả đến chó rủi sẩy chạy ra đường, chủ nhà cũng bị phạt! Nhưng chó có tội thì còn có chủ lo, chớ người rủi phạm lỗi nào có ai lo cho đâu! Rõ là chó còn có phước hơn người!

Nguyễn Vỹ có câu “Nhà văn khổ như chó”. Tản Đà rầy: “Sao anh sánh nhà văn với chó?” Nguyễn Vỹ đáp: “Sánh như thế chó mất danh giá chớ nhà văn à?”
Câu thơ của Trần Tế Xương và lời nói của Nguyễn Vỹ nói lên chỗ cay đắng, nổi tủi nhục, của người mất nước, từ đám có học cho đến đám người quê mùa, và nói lên chánh sách khắc khe độc địa của bọn thống trị, sự bất lực của bọn người Việt Nam tự cho mình là cha mẹ của dân!

Cặp trạng nhờ cặp luận mà ý được sáng thêm mạnh thêm.
Nhưng những câu trạng luận mới nêu sự độc ác của chế độ mà viên cò làm đại biểu. Câu kết mới là một nhát búa đánh lên đầu bọn thực dân.
Bài  “Ông cò” lời xẳng. Lời ngọt mà ý sâu cay thì như bài:

CÔ HẦU GỞI CHO QUAN LỚN:
Biết trách người sao chẳng trách mình
Mình trung chi đó bảo người trinh
Áo dày cơm nặng bao nhiêu đức?
Chiếu cạnh màn bên mấy hột tình?
Tơ tóc nỗi riêng thì xét nét
Giang san nghĩa cả nỡ mần thinh
Cổ cong mặt lệch người đâu tá
Cái cóc bôi vôi khéo dại hình!

Sáu câu đầu chỉ là “lời thỏ thẻ” của giai nhân. Đó là mật gấu pha mật ong. Nhưng đến câu 7, 8 thì nỗi bực tức không còn đè nén được nữa!
Cũng có đôi bài, người bị diễu cợt nghe chỉ tức cười chớ không khó chịu, vì không có ác ý. Như bài:

 LẤY L
Cha kiếp sinh ra phận má hồng
Khéo thay một nỗi lấy chung chồng
Mười đêm chị giữ mười đêm cả
Suốt tháng em nằm suốt tháng không
Hầu hạ đã cam phần cát lũy [2]
Nhặt khoan còn ỏi giọng Hà Đông [3]
Ai về nhắn với đàn em bé
Có ế thì tu chớ có chung.

Thử đem so cùng bài của Hồ Xuân Hương:
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chông chung
Năm thì mười họa nên chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
Chịu đấm ăn xôi xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn mướn không công
Thân này ví biết dường này nhỉ
Thà trước âu đành ở vậy xong.

Bài của họ Hồ có phần chua chát hơn. Bài của ông Tú có vẻ thản nhiên. Đó là do một bên chủ quan một bên khách quan. Ông Tú “thấy vậy mà thương mà nói vậy” chớ đâu đã biết được thực chất của nỗi khổ “có cũng không”, như họ Hồ.
Bài thơ LẤY L thuộc về loại hài hước. Xem đó đủ biết ông Tú không phải gặp ai cũng châm chọc cả.
Và thơ phúng thứ của ông Tú có nhiều giọng chớ không phải chỉ rặc giọng xẳng xói cay độc, như những bài trên đây đã chứng tỏ.
Nhưng giữ vững địa vị thi nhân trong muôn thuở, không phải nhờ số thơ phúng thứ, mà chính là do số thơ ngôn tình của Trần Kế Xương.
Thơ ngôn tình của Trần Kế Xương còn truyền lại cũng được nhiều như thơ phúng thứ, và có nhiều giai tác:

GÁI Ở CHÙA
Con gái nhà ai dáng thị thành
Cớ chi nỡ phí tuổi xuân xanh
Nhạt màu son phấn say màu đạo
Mở cánh từ bi khép cánh tinh
Miệng đọc nam mô quên chín chữ
Tay lần bồ tát phụ ba sinh
Tiếc thay thục nữ hồng nhan thế
Nỡ cắt tóc thề với quyển kinh.

GỬI TÌNH NHÂN
Vướng vít tơ vương biết mấy vòng
Mối tình này quyết gỡ cho xong
Vẽ người thanh lịch khi đưa mắt
Câu chuyện phong tao lúc tỏ lòng
Bình tước mặc tranh treo trước án [4]
Cầu ô sẵn nhịp bắt qua sông [5]
Sắc tài đôi lứa nên dan díu
Dan díu thì xin chớ ngại ngùng.

KHÓC BẠN TÚ TÀI Ở PHONG CHÂU
Quả núi Phong Châu mới bắt cầu
Thương anh về trước chị về sau!
Tên đề bảng phấn ai không tiếc
Tiếng khóc non xanh vượn cũng sầu
Có mẹ tưởng là vui gượng lại
Không chồng hồ dễ sống chi lâu
Bắt thang lên hỏi ông cầm sổ
Cao tít mù xanh ngất một màu!

Văn chương bình dị nhưng có cảm, không trau chuốt nhưng đẹp đẽ và êm ái. Chính nhờ giọng thơ êm ái, tức âm nhạc đã đưa tình ý trong thơ vào lòng người đọc. Chớ thiếu nhạc thì lời thơ dù đẹp đến đâu, ý thơ dù thâm hậu đến mấy, cũng khó mà rung động lòng người. Cho nên phái tượng trưng Pháp tuyên bố:
- De la musique avant toute chose. [6]

Và thi hào Viên Mai nói:
- Thi hữu thanh vô vận thị ngõa phẩu giã. [7]

Đông Tây đều quí âm điệu. Và thơ khác văn một phần, theo thiển ý phần lớn, do âm điệu.
Thơ Trần Kế Xương, mặc dù không chú trọng âm điệu như phái tượng trưng Âu Á [8], mà giọng du dương uyển chuyển, nhất là thơ tình [9], như những bài tiêu biểu thượng dẫn.
Những bài thượng dẫn là những bài thơ hay trong số thơ hay của nhà thơ Trần Kế Xương. Nhưng tôi chưa thích bằng bài thơ tặng bà Tú và bài Mùa Nực Mặc Áo Bông:

TẶNG BÀ TÚ
Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi nấng năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi bãi vắng [10]
Eo xèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc [11]
Có chồng hờ hững cũng như không!

MÙA NỰC MẶC ÁO BÔNG
Nóng bức nhưng mình vẫn áo bông
Tưởng rằng ốm dậy hóa ra không!
Một tuồng rách rưới con như bố
Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng
Đất biết bao giờ sang vận đỏ
Trời làm cho bỏ lúc chơi ngông
Gần chùa gần cảnh ta tu quách
Cửa Phật quanh năm vẫn áo sồng.

Cả hai bài thơ đều nhất khí quán hạ. Ngó như lời nói chuyện nhưng không có một chữ non một tiếng ngọng. Thật tự nhiên mà cũng thật hồn nhiên!
Bài Tặng Bà Tú mới đọc qua thì có vẻ thản nhiên, nhưng càng gẫm càng thấm thía. Bởi chỉ đưa tình trạng ra chớ không nói đến tâm trạng mình trước tình trạng ấy. Nhưng nói lên những tình trạng làm gì nếu mình không thiết tha đến chúng? Những chữ “lặn lội, eo xèo, âu đành, dám quản” ngầm chứa nỗi xuýt xoa nỗi bức rức của tác giả. Câu:
Có chồng hờ hững cũng như không.
Vừa bông đùa vừa than trách. Bao nhiêu tình ý đều dồn nơi chữ “hờ hững”. Đọc câu này phải ngó lên câu thứ nhì:
Nuôi nấng năm con với một chồng.

Nếu “hờ hững” thì sao có đến năm con? Đừng nghĩ vơ mà mang tội. Ông Tú đã đắp bờ con rồi đó. Cái bờ con ấy là chữ “một chồng”. “Năm con với một chồng” vừa có nghĩa là “năm đứa con và một ông chồng” mà cũng có nghĩa là “năm đứa con của một ông chồng” [12]. Ông chồng “hờ hững” mà có đến năm con, thì nếu “không hờ hững” còn có đến mấy chục nữa? Hờ hững đây không phải hờ hững trong công việc có con, mà hờ hững trong công việc làm ăn… Hờ hững trong công việc này mà không hờ hững trong công việc kia, tức là gieo thêm nợ cho bà Tú. Gieo nợ thì gieo, chớ đối với vợ hiền miễn tình thâm là được. Mà tình ông Tú đối với bà rất thâm như đã trình bày trên kia. Cho nên nếu bà Tú hay chữ và hiểu thơ sâu sắc thì chắc phải ngâm:
Tu đáo nhân gian tài tử phụ
Mạc hiềm thanh sấu tợ mai ba. [13]

Còn về bài MÙA NỰC MẶC ÁO BÔNG, thần tình nhất là câu:
Tưởng rằng ốm dậy hóa ra không.
Trực tiếp nói đến cảnh thiếu mặc, gián tiếp nói đến cảnh thiếu ăn. Vì thiếu mặc nên phải dùng áo trái mùa, vì thiếu ăn nên thân hình võ vàng gầy gọ như mới ốm dậy. Thiếu mặc là bề nổi, ai cũng thấy rõ, thiếu ăn là mặt chìm, phải để ý mới biết. Ngoài thực tế là thế, trong câu thơ cũng thế.
Lời thơ thật là giản dị mà ý thơ thật là hàm súc. Và giọng thơ ngó như bông đùa mà vị thơ thật là đắng mà cũng thật là cay!
Đó là một tuyệt cú, một ông vua ngồi trên ngai vàng mà các câu khác là bá quan văn võ đứng chầu hai bên tả hữu.

Khách làm thơ Hàn luật thường dồn tâm thần của mình vào một câu hoặc một cặp, không nhất định là câu nào cặp nào. Người xem thơ, muốn thấy rõ chiều sâu trong bài thơ, tưởng nên tìm cho thấy chỗ dụng tâm của tác giả.
Hai bài trên đây có lẽ là hai bài đắc ý nhất của Trần Kế Xương, trong số thơ nói về hoàn cảnh gia đình nói về thân thế. Đắc ý vì nói lên được, nói được một cách đầy đủ và kín đáo, những nỗi niềm tâm sự và theo đúng lời dạy của cổ nhân:
- Thơ quí ở phác chớ không xảo, nhưng phải thật xảo rồi mới phác. [14]

Ý nói thơ chất phác không phải “nói chuyện làm sao thì làm thơ cũng vậy” mà được. Phải dày công trác luyện, trác luyện cho đến mức tự nhiên. Lời thơ đã đến mức tự nhiên thì chân tình cũng tự nhiên phát hiện. Chân tình phát hiện trên lời thơ tự nhiên là phác. Mà phải phác trong xảo, chớ không phải phác trong vụng. Phác trong vụng gọi là thô phác. Phác trong xảo gọi là thanh phác. Thanh phác mới là thơ.

Hai bài thơ Tặng Bà Tú và Mùa Nực Mặc Áo Bông là thơ thanh phác.
Một bài thơ thanh phác giống như một kẻ sỹ đã lập được công danh hiển hách với đời rồi về ở nơi thôn dã, ăn cơm rau, mặc áo vải, tháng ngày vui thú cùng ruộng lúa nương dâu. Người tầm thường trông thấy cho là một ông lão nhà quê. Nhưng người có đôi mắt sáng suốt thì nhận thấy những nét cao sang thấp thoáng ở bên ngoài, những độ thâm thúy dấu giếm ở bên trong.
Cho nên đọc những bài thơ thanh phác, tự nhiên, như thơ Tặng Bà Tú, Mặc Áo Bông của ông Tú Xương, đừng tưởng dễ mà hững hờ. Nước sông trong thấy đáy, nhiều khi làm cho người vô ý tưởng sông cạn mà lội bừa, bị sụp uống nước thường lắm. Thơ lời cạn mà ý sâu, trong số thơ của tiền nhân để lại, không phải riêng gì Trần Kế Xương, và trong thơ Trần Kế Xương, không riêng gì hai bài trên đây. Cho nên người đọc, để khỏi đem lòng kỳ thị mới cũ, tưởng nên dụng công ít nhiều lúc xem thơ xưa.

Có nhiều người bằng theo bài ngũ tuyệt sau đây, không biết là của ông Tú tự trào hay của người khác nhạo ông Tú:

Vỵ Xuyên bác Tú Xương
Dở dở lại ương ương
Cao lâu thường ăn quỵt
Tổ đĩ lại chơi lường.
mà cho ông Tú là người phóng đãng, không có lòng với tổ quốc nhân quần, cho là con người vị kỷ chỉ vì lận đận trên đường công danh mà sanh ra khinh thế ngạo vật. Đó là thường tình trong thiên hạ. Tôi không nghiên cứu kỹ về thân thế về hoàn cảnh của ông Tú Xương, nên không dám quả quyết rằng lời phê bình kia là đúng hay không đúng. Từ trước đến giờ đối với thi nhân Trần Kế Xương cũng như các thi nhân tiền bối khác, tôi luôn luôn nhìn con người - đúng hơn là nhìn tâm hồn - qua thơ, chớ không khi nào nhìn thơ qua con người. Bởi cái đáng quí, đáng gìn giữ là những gì còn lại trong thơ, chớ không phải những cái đã mất theo thể xác. Tìm cho thấy bóng dáng của tác giả chỉ để xác định những gì đã nhận thấy trong thơ mà thôi, chớ không phải vì yêu thích cá nhân của tác giả.
Qua thơ văn Trần Kế Xương, tôi nhận thấy tác giả là một người thiết tha với quốc gia xã hội:

Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò. [15]

Con người không có lòng với nước non, với nòi giống, con người chỉ nghĩ đến bản thân đến danh lợi, thì làm gì có được những vần thơ thâm trầm thống thiết như kia!
Cũng thật thâm trầm thống thiết bài:

HỌC TRÒ NGỦ CẠNH THẦY [16]
Chẳng phải mình con ngủ cạnh thầy
Con xin con kể để thầy hay
Sử kinh chưa trải mùi ngon ngọt
Trò chuyện càng nhiều nỗi đắng cay
Nước bốn nghìn năm hồn chửa tỉnh
Người hăm lăm triệu giấc còn say
Bên giường dẫu ngáy nhưng còn sợ
Nghe mõ thầy truyền thức dậy ngay. [17]

Tâm chí của tác giả dồn ở cặp luận.

Con người có tâm có chí mà không thực hiện được chí hướng của mình thì làm sao khỏi bất mãn. Trong khi bất mãn không biết làm sao giải thoát được những nỗi u uất trong lòng, đành đem tâm sự gởi vào thơ, để cho vơi được phần nào hay phần nấy.
Biết rõ được tâm chí của Trần Kế Xương, nên Phan Sào Nam đã tìm gặp.
Phan Sào Nam đậu thủ khoa năm Canh Tý (1900). Thi đậu không phải để đi làm quan, mà để đi làm cách mạng cho dễ. Sau khi kết nạp được một số đồng chí ở miền Trung, năm Giáp Thìn (1904) cụ ra miền Bắc và gặp ông tú Vỵ Xuyên. Không biết ông có nhận một nhiệm vụ gì trong công cuộc giải phóng dân tộc hay chăng. Chỉ biết rằng sau khi cụ Phan sang Trung Quốc, ông Tú có bài thơ nhớ bạn:

Ta nhớ người xa cách núi sông
Người xa - xa quá! - Nhớ ta không?
Đã từng vui lắm xui buồn bã
Vừa mới quen nhau hóa lạ lùng
Lúc thấy thấy gì cơn mộng tưởng
Khi riêng riêng cả mảnh tình chung
Tương tư lọ phải là trai gái
Một ngọn đèn khuya trống điểm thùng. [18]

Và sau đó, nhân có ông bạn đồng chí của cụ Phan sang Trung Quốc, ông Tú làm thêm một bài nữa gởi sang cụ:

Mấy phen vượt bể lại trèo non
Em hỏi thăm qua bác vẫn còn
Mái tóc giáp thìn đà nhuộm tuyết
Điểm đầu canh tý chửa phai son [19]
Vá trời gặp hội mây năm vẻ
Lấp bể ra công núi một hòn [20]
Vi được như ai mà chẳng chết [21]
Dang tay chống vững trụ kiền khôn.

Ông bạn đọc thuộc lòng cả hai bài. Khi gặp cụ Phan, ông nói:
- Ông tú Vỵ Xuyên có gởi cho cụ tấc lòng đây.
Cụ Phan mừng rỡ:
- Đâu? Đưa mau.
Ông bạn vén áo vỗ bụng cười thích thú, rồi thong thả đọc… Cụ Phan vô cùng cảm động…
Và trong khoảng thời gian cụ bị bọn thực dân Pháp bắt về an trí tại Bến Ngự Huế, những khi khách văn chương ở xa đến thăm, cụ thường nhắc đến hai bài thơ trên và khen là kiệt tác.




[1] Không nhớ tên các tờ báo , chỉ nhớ quyển sách Trần Kế Xương của Trần Thanh Mại, và nhớ chừng như vì họ Trần ca tụng thái quá mà thành ra bị phản ứng.
[2] Cát lũy: dây sắn dây bìm, chỉ người vợ bé (Chữ mượn ở Kinh Thi: Nam hữu cù mộc, cát lũy lôi chi…)
[3] Hà Đông: sư tử Hà Đông: vợ ghen. (Chữ mượn trong thơ Tô Đông Pha trêu người sợ vợ: Hốt văn Hà Đông sư tử hống, trụ trượng lạc thủ tâm man nhiên).
[4] Bình tước: Xưa Đậu Nghị kén rể cho con, vẽ hai con chim sẻ trên bình phong, hễ ai bắn trúng mắt chim sẽ gả con.  Sau Lý Uyên bắn trúng.
[5] Cầu ô: Tích ô thước bắt cầu qua sông Ngân để chàng Ngưu và ả Chức sang thăm nhau đêm mùng bảy tháng bảy.
[6] Câu thơ đầu trong bài L’ART POETIQUE của Verlaine, nghĩa là “âm nhạc trước hết mọi sự”.
[7] Thơ có lời mà không có âm vận (tức nhạc) là phẩu đất vậy.
[8] Viên Mai tuy chú trọng tâm linh, nhưng bàn về thơ rất giống phái tượng trưng của Pháp.
[9] Thơ tình là thơ thiên về tâm, về tình cảm, chớ không phải riêng thơ tình ái.
[10] Có chỗ chép là “khi quãng vắng”, hoặc “khi sóng cả”.
[11] Cha mẹ đây là tiếng chửi đổng.
[12] Thơ ông Tú Xương rất lắt léo, phải hiểu một cách lắc léo mới hưởng được trọn những cái hay kín đáo trong thơ.
[13] Câu thơ trong một bài tuyệt cú của một nữ sỹ Trung Hoa thời xưa (quên tên và quên triều đại), nghĩa là: “Kiếp trước nhờ  tu mà kiếp này được làm vợ kẻ tài tử, nên óm o gầy gọ như khóm mai cũng chả cần.
[14]  Lời trong Tùy Viên Thi Thoại. (Thi nghi phác bất nghi xảo, nhiên tất tu đại xảo chi phác)
[15] Nhan đề là Vỵ Hoàng hoài cổ - sông Vỵ Hoàng ở quê Tú Xương, trước kia là nơi hẹn hò của các nhà ái quốc mưu đồ đại sự.
[16] Ngủ đây là ngủ gật, ngồi nghe sách mà ngủ.
[17] Mõ: Thầy học dùng mõ để kêu gọi học trò, nên có câu: Mộc đạc truyền thanh (mõ gõ truyền tiếng).
[18] Câu này sách Văn Đàn Bảo Giám chép nhiều chỗ khác:
- Câu 2: Người xa xa có nhớ ta không?
- Câu 3: Sao đương vui vẻ ra buồn bã.
- Câu 4: Vừa mới quen nhau đã lạ lùng.
- Câu 5: Lúc nhớ nhớ cùng trong mộng tưởng.
- Câu 6: Khi riêng riêng cả đến tình chung.
- Câu 7: Tương tư lọ phải là mưa gió.
                Hai bài tôi chép trên đây được nghe các vị tiền bối đọc lúc tôi làm việc ở tòa Khâm Huế (1930). Tôi tin là đúng hoặc gần nguyên văn hơn bài trong Văn Đàn Bảo Giám vì quí cụ thường qua lại cùng cụ Phan.
[19] Giáp Thìn đây là năm hai bên gặp gỡ nhau, chớ không phải tuổi của cụ Phan hay tuổi của ông Tú, vì cụ Phan sanh năm Đinh Mão (1867), ông Tú sanh năm Canh Ngọ (1870).
[20] Vá trời: Nữ Oa rèn đá vá trời.
   Lấp bể: Tinh Vệ ngậm đá lấp bể.
   Cụ Phan sang Tàu nhằm lúc có phong trào ngũ tộc cộng hòa, quốc kỳ Trung Hoa có 5 giải năm sắc chạy song song, mỗi màu tượng trưng một sắc dân Hán, Mông, Mãn, Tạng, Hồi. Cho nên mới nói “gặp hội mây năm vẻ”. Lại có ý chúc “vá trời thành công” vì thời cơ đã đến.
[21] Nhiều sách chép: Há phải như ai mà chẳng chết.