Hương Vườn Cũ 36.L



Cũng như Mai Xuân Thưởng, TĂNG BẠT HỔ là một hào kiệt gồm đủ tài văn võ.
Tên thiệt là TĂNG DOÃN VĂN. Sanh năm Kỷ Tỵ (1859) tại làng An Thường, quận Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Bạt Hổ là vinh hiệu do Mai nguyên soái tặng (Bạt Hổ tướng quân).
Năm Ất Dậu (1885), cùng Mai Xuân Thưởng lãnh đạo nghĩa binh Cần Vương. Làm Tổng Trấn miền Bắc Bình Định. Sau khi nghĩa binh bị bại, Ngài tránh được nanh vuốt giặc và trốn ra hải ngoại.
Truyền rằng:
Khi Tăng Tổng rấn lên đèo Dốc Đót để theo đường núi ra khỏi tỉnh Bình Định, thì gặp một con cọp chận đường. Tổng trấn bình tĩnh nói:
- Tôi vì đại nghĩa mà phải băng ngàn. Nếu Ngài có thương kẻ mang nặng quốc thù trong mình thì hãy tránh đường cho tôi đi. Bằng không thì xin biếu Ngài tấm thân bảy thước. [1]
Cọp liền tránh đường.

Tăng Tổng trấn sau khi ra khỏi vùng vây chận của giặc rồi thì đến cùng Lưu Vĩnh Phúc. Sau làm thủy thủ một tàu buôn, qua lại Trường Kỳ, Hoành Tân, rồi xung vào Thủy Quân Nhật Bản. Tổng trấn có công lớn trong các trận Đại Liên, Lữ Thuận, được Nhật Hoàng thưởng huy chương quân công.
Trong bữa tiệc Nhật Hoàng khao thưởng các tướng sỹ thắng trận năm 1905, Tăng Tổng trấn có tham dự. Nhật Hoàng tự rót rượu thưởng. Tổng Trấn uống cạn rồi khóc lớn, kể nỗi nước mất nhà tan. Ai nghe cũng cảm động.
Sau đó Tổng Trấn xin viện binh về Việt Nam đánh Pháp. Thủ Tướng Khuyển Dưỡng Nghị khuyên nên lo phát triển tinh thần duy tân trong nước trước đã, và hứa giúp du học sinh Việt Nam được phép cư trú ở Nhật và được miễn học phí. Tổng Trấn bèn về nước cùng Phan Sào Nam gây phong trào Đông Du.
Tăng Tổng Trấn về nước hai lần. Lần thứ nhì, bị bệnh mất tại nhà chĩ sỹ Võ Bá Hạp [2]. Mất ngày 19 tháng 7 năm Đinh Vỵ (27-8-1907).

Chí sỹ Đặng Thái Thân ở Nghệ An, nghe tin làm câu đối điếu:
Quân khởi kỳ sanh tác hý ư thời gia? Đề binh thập nẫm, khứ quốc trấp dư niên, ký khốc ư Xiêm, ký khốc ư Hoa, ký khốc ư Nga, hốt hốt nhiên đại khốc ư Đông; thùy giao tứ nhập thu phong, hướng ngã thần kinh mai hiệp cốt.
Ngã bất tri tử chi vi hà vật giả, độc thư ngũ châu, kết giao sổ thập bối, hoặc chiến dĩ thiệt, hoặc chiến dĩ bút, hoặc chiến dĩ não, đoan đoan trích thực chiến dĩ thiết, yếu đắc huyết lưu ôn đới, vị quân hoàng chủng thụ hồng kỳ.

Chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng dịch:
Người há sinh làm giỡn với đời sao? Cầm binh một độ, bỏ nước hai mươi năm, đã khóc với Xiêm, đã khóc với Tàu, đã khóc với Nga, đùng đùng sang khóc lớn bên Đông, ai dè gió phất trời thu, nắm cốt về chôn thành đất Huế.
Ta chả biết chết là cái gì vậy! Đọc sách năm châu, kết giao vài chục bạn, hoặc đánh bằng lưỡi, hoặc đánh bằng bút, hoặc đánh bằng não, khăng khăng chỉ độc đánh bằng sắt, thề quyết máu trôi đất nóng, cờ đào tỏ mặt giống da vàng.

Sau khi Phan Sào Nam về ở nơi Bến Ngự, bia mộ của Tăng Tổng Trấn mới dựng. Nhưng để bọn Thực Dân Phòng Kiến khỏi biết, bia không mang tên họ của Tổng Trấn, mà mang tên trại là: LÊ THIỆU DẦN. 
Dần là Hổ. Nhưng không hiểu sao lại lót chữ Thiệu và lấy họ Lê.
Tăng Tổng Trấn lại còn một biệt hiệu là ĐIỀN BÁT TỬ. Cũng không hiểu thụ nghĩa như sao.
Hiện nơi quê hương của Tổng Trấn chưa có đài tưởng niệm, nhưng đi ngang qua Hoài Ân, nhìn lên hòn Dinh là nơi Tổng Trấn đóng mật khu khi xưa, thì người có tâm cùng đất nước đều lắng nghe người địa phương hát:

Mây chiều quấn quít hòn Dinh
Nhớ Tăng Tổng trấn hết mình cứu dân
Non sông chưa sạch bợn trần
Nắng mưa bao quản tấm thân quê người
Tre tàn còn có măng tươi
Gương sưa còn tỏ còn người soi gương.

Gương Tăng Tổng Trấn nêu cao là gương phấn dũng.
Ở Bình Khê, trông vào Linh Đỗng nơi mật khu của Mai Nguyên soái, người địa phương hát:
Hầm Hô cữ nước còn đầy
Còn gương phấn dũng còn ngày vinh quang.

Thì ở Hoài Ân nhìn gương phấn dũng treo nơi Hòn Dinh, đồng bào cũng cất cao giọng hát:
Tre tàn còn có măng tươi
Gương sưa còn tỏ còn người soi gương.

Hy vọng tràn trề trong lòng Côn giang, Lại giang và nhẫy đầy mọi lòng người yêu quê hương yêu chủng tộc ở Bình Định nói riêng ở Việt Nam nói chung.
Đó là công nghiệp anh hùng.
Còn sự nghiệp văn chương?
Tăng Tổng Trấn học giỏi nhưng không chịu đi thi, và không thích luyện văn bằng luyện võ. Trong những án văn chương quốc cấm thời Thực Dân Phong Kiến, còn truyền lại một bài của Tổng Trấn:

Á TẾ Á
Á Tế Á năm châu đệ nhất [3]
Người nhiều hơn mà đất rộng hơn
Cuộc đời mở hội dinh hoàn
Anh hùng bốn bể giang san một nhà.
Ngẫm từ thuở Âu La tiếm đất [4]
Vượt Chi Na qua đất Triều Tiên [5]
Xiêm La Diến Điện gần liền
An Nam Chân Lạp thông miền Ai Lao.
Thịt một miếng trăm dao bâu xé
Chiếc kim âu đã mẻ khôn lành
Lang sói Pháp muỗi ruồi Anh
Nén hơi đại Đức nép mình cường Nga
Gương Ấn Độ chẳng xa đâu đó
Chẳng máu đào cũng họ da vàng
Mênh mông một giải Đông Dương
Nước non nô lệ trông càng thêm đau…

Đoạn giữa, đoạn dài nhất, kể rõ tình trạng nước Việt Nam dưới ách đô hộ Pháp và dưới tay đè nén của vua quan tôi tớ.
Kế đến là đoạn hô hào đồng bào lo việc duy tân để giành lại độc lập cho đất nước.
Đoạn kết nói qua về thân phận riêng mình:

Thân phiêu bạt đã đành vô lại
Bấy nhiêu năm Thượng Hải Hoành Tân
Liêu Đông nhân lúc tùy quân
Tủi thân bôn bá theo chân khải hoàn
Bưng chén rượu ân ban hạ tiệc
Gạt hàng châu khép nép quì tâu
Trời Nam mờ mịt ngàn dâu
Gió thu như thổi cơn sầu năm canh
Biết bao nỗi bất bình khôn giải
Mượn bút hoa mà gởi quốc âm
Thân lương bao quản cát lầm
Khuyên ai dốc chữ đồng tâm sau này…

Bài ca đã làm sôi nổi lòng đồng bào Việt Nam, và mặc dù bọn cầm quyền ngăn cấm, ảnh hưởng vào tận nơi hang cùng ngõ hẻm ở khắp nước Việt Nam. Người có tâm cùng thổ võ không ai không thuộc lòng ít ra cũng một đôi đoạn. Ở Bình Định nhiều ông lão bà lão thuộc từ đầu đến cuối. Các cụ khoái nhất là khi đọc đến những đoạn như:

Nhiều hạng thuế kể chi cho xiết
Thuế “phát xia” mới thiệt lạ lùng! [6]
Nói ra luống những đau lòng
Cha con khổ nhục vợ chồng lìa tan
Cũng có lúc bầm gan tím ruột
Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra
Cũng xương cũng thịt cũng da
Cũng dòng máu đỏ con nhà Lạc Long…
Thế mà chịu trong vòng trói buộc
Mấy mươi năm nhơ nhuốc lầm than
Than ôi! Bách Việt giang san
Thông minh đã sẵn khôn ngoan có thừa.
Hồn mê mẩn tỉnh chưa? Chưa tỉnh!
Anh em mình phải tính sao đây?
Hoa là bạn Nhật là thầy
Trí khôn phải học điều hay phải tìm… [7]

Đọc những đoạn ấy và đoạn kết, nhiều khi các cụ cắn răng vào nước mắt, tay run theo lời ngâm. Và ngày nay đọc lại, chúng ta cũng khó nén lòng bi phẫn cảm khái.

Tăng Tổng Trấn đã nói:
Thân lương bao quản cát lầm
Khuyên ai dốc chữ đồng tâm sau này.
Thì chúng ta kính cẩn thưa:
Tre tàn còn có măng tươi
Gương xưa còn tỏ còn người soi gương.




[1] Có người lại truyền rằng: Tổng trấn bị cọp chận đường, phải cùng cọp đánh nhau cả buổi. Sau cọp đuối sức không dám đấu nữa phải bỏ chạy.
Ở Bình Định, người cùng cọp đánh nhau là chuyện thường xảy ra. Song chuyện đánh cọp hay nói chuyện nhân nghĩa cùng cọp ở trong núi sâu, ai thấy mà biết? Có lẽ người ta bày ra để giải thích tên Tăng Tổng trấn vì không biết sự thật Bạt Hổ là danh hiệu do nguyên soái Mai Xuân Thưởng tặng: Bạt Hổ tướng quân.
[2] Thân sinh ông Võ Như Nguyện. Ông Nguyện lo việc hương hỏa cho Tăng Tổng Trấn, từ khi cụ Võ Bá Hạp qui thần.
[3] Á Tế Á: phiên âm chữ Asie tức Châu Á.
[4] Âu La: Âu La Ba, phiên âm chữ Europe tức Châu Âu.
[5] Chi Na: phiên âm chữ Chine là nước Trung Hoa. Đông Dương thường gọi là An Độ Chi Na là dịch chữ Indo-Chine ra.
[6] Thuế phát xia là thuế cầu tiêu.
[7] Bái Á Tế Á này, có nhiều người nói là của cụ Tham Tán Nguyễn Thiện Thuật, có người lại nói của cụ Mai sơn Nguyễn Thượng Hiền, lại có người bảo là của cụ Phan Sào Nam. Nhưng đều sai vì năm 1905 quí vị ấy đều không có ở Nhật. Huống đoạn kết đã kể rõ việc “đổng khốc” khi Nhật Hoàng ban rượu. Như thế đủ chứng minh rằng tác giả là Tăng Tổng Trấn.