Hương Vườn Cũ 61



NHƯỢNG TỐNG, tên Hoàng Phạm Trân, là một yếu nhân trong hàng lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng, thời Nguyễn Thái Học. Nhưng sự nghiệp cách mạng của ông không rực rỡ bằng sự nghiệp văn chương.

Nhượng Tống là người có văn tài lỗi lạc.
Ông đã dịch nhiều bộ sách có giá trị của Trung Hoa: Nam Hoa Kinh, Tây Sương ký, Thơ Đỗ Phủ, Lý Tao… và đã sáng tác tập NGUYỄN THÁI HỌC cùng nhiều thơ Xuất Ngôn.
Những bộ sách dịch và tập Nguyễn Thái Học đã được xuất bản. Còn thơ thì chỉ thấy đăng rải rác ở các sách báo, và tôi chỉ nhớ được ít bài:

CẢM ĐỀ LỊCH SỬ

Ba xứ non sông một giải liền
Máu đào xương trắng điểm tô nên
Cơ trời dù đổi trò tang hải
Mặt đất chưa tàn nghiệp tổ tiên
Có nước có dân đừng rẻ rún
Muốn còn muốn sống phải đua chen
Giựt mình nhớ chuyện nghìn năm cũ
Chiêm Lạp xưa kia vốn chẳng hèn.

Tôi liên tưởng đến bài ĐỌC SỬ của Nguyễn Đỉnh Ngọc triều Tự Đức:

Giải bể ngàn đông bụi tít mù
Trải qua chớp mắt mấy nghìn thu
Thành Loa vừa thấy vây vua Thục
Ải Lạng quanh coi đuổi giặc Ngô
Giấc mộng chẳng lâu mà chẳng chóng
Cuộc cờ khi được lại khi thua
Còn non còn nước còn thư thả
Chén rượu Trung Sơn hãy gật gù.

Bài của cụ Nguyễn lời thơ già giặn khí những thơ mạnh mẽ hơn bài của cụ họ Hoàng. Nhưng cụ Nguyễn xem sử với con mắt khách quan với tấm lòng của con người đứng ra ngoài thế sự. Còn họ Hoàng lại nhìn cuộc thịnh suy của giống nòi qua lịch sử và trải niềm ưu ái lên nét chữ vần thơ. Cho nên đọc cụ Nguyễn Đỉnh Ngọc chúng ta thấy thơ thới trong lòng. Còn đọc Nhượng Tống thì tâm hồn chúng ta không khỏi rung cảm, không sao giữ được yên tĩnh. Mỗi bên có một ý riêng, hơn kém tùy quan niệm.

Cuối năm 1929, Tổng Bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng quyết định cử phái bộ ngoại giao sang Trung Hoa và Nhật Bổn. Nguyễn Thái Học và Nhượng Tống được ủy nhiệm vào Huế yêu cầu cụ Phan Sào Nam viết thư giới thiệu cùng các nhà cách mạng hải ngoại. Đến lúc khởi hành lại xảy ra vụ ám sát tên thực dân ác ôn Bazin (17/2/1929). Nguyễn Thái Học phải ở lại Hà Nội, một mình Nhượng Thống vào Huế. Đến Huế nhằm lúc cụ Phan đi vắng. Không tiện ở lại chờ, Nhượng Thống viết một bứt thư gởi cho người nhà cụ Phan và hẹn trở lại.

Bức thư ấy là một bài thơ thất ngôn bát cú bằng Hán văn và bài thơ dịch ra Quốc âm. Tôi nhớ được bài dịch:

Tất tả đường trường dám kể công
Thành xưa ngoảnh lại giục đau lòng
Sống say chết mộng người bao kiếp
Bể đổi dâu thay đất mấy vòng
Nhục rửa sạch đâu sông lộn sóng
Uất còn chứa mãi gió gào thông
Cuối trời đâu tá coi người đẹp?
Thổn thức ngàn lau ánh nguyệt lồng.

Cụ Phan về thấy thơ vừa cảm động vừa vui mừng. Nhưng đợi mãi không thấy khách trở lại. Sau đó mới hay rằng Nhượng Tống đã bị bắt giải về Hà Nội. Cụ khóc:
- Con người có tâm huyết và tài bộ như thế nầy mà lọt vào nanh vút sài lang thì còn gì là tuổi trẻ!
Nhượng Tống bị đưa ra trước Hội Đồng Đế Hình và bị kết án 10 năm cấm cố đày ra Côn Lôn.

Ở Côn Lôn được tin cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị thất bại và Nguyễn Thái Học tuẩn quốc (17/6/30) cùng mười hai liệt sỹ, Nhượng Tống làm thơ khóc:

Nhục mấy trùng cao ách mấy trùng
Thương đời không lẽ đứng mà trông
Quyết quăng nghiên bút xóay gươm súng
Đâu chịu râu mày thẹn núi sông
Người dẫu chết đi lòng vẫn sống
Việc dù hỏng nữa tội là công.
Nhớ lời di huấn cơn lâm biệt [1]
Cười khóc canh khua chén rượu nồng [2]

Lời di huấn đây là lời Đảng Trưởng dặn riêng tác giả lúc vào Huế yết kiến cụ Sào Nam năm 1929, mà cũng có thể là lời Đảng Trưởng trối cùng những người Việt Nam có tâm huyết đêm mười sáu tháng sáu năm 1930, lúc từ giã ngục thất Hỏa Lò lên xe đi Yên Bái cùng mười hai liệt sỹ:
- Chúng tôi đi trả nợ nước đây. Các anh em còn sống cứ công vào việc ấy nhé. Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu. Hoa tự do phải tưới bằng máu. Tổ Quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa, nhiều nữa. Rồi thế nào cách mạng cũng thành công. Thôi kính chào anh em ở lại.

Lời của Đảng Trưởng rỏ ràng từng câu từng chữ. Tất cả người bị giam trong các trại, thường phạm cũng như cánh trị phạm, kẻ khóc người reo hô, lời kêu gọi của Đảng Trưởng, tiếng đáp ứng của những tấm lòng thành thực, trong cơn lâm biệt nảo nùng, vang rộng khắp khu hỏa lò và vang vọng mãi trong tâm hồn người Việt Nam Yêu giống nòi yêu đất nước.

Nhượng Tống ở Côn Lôn chưa mãn hạn mười năm thì được ân xá. Đó là thủ đoạn ban ơn của Mặt Trận Bình Dân Pháp khi lên cầm quyền quốc gia (1936). Cùng với Nhượng Tống gần có trăm đảng viên Việt Quốc được phóng thích. Tất cả đều đưa về nguyên quán quản thúc thay vì phải biệt xứ năm năm. Đến năm 1941 sau khi hết hạn quản thúc, Nhượng Tống cùng các đồng chí Việt Quốc hoạt động trở lại và năm 1948 được mời ra cố vấn chánh trị cho Tổng Trấn Bắc Hà Nghiêm Xuân Thiện. Được ít lâu thì bị ám sát (20/8/49). Thọ 45 tuổi.

Ngoài những tác phẩm đã xuất bản thượng dẫn, Nhượng Tống còn để lại 1 số sách dịch nữa: Đạo Đức Kinh, Sử Ký Tư Mã Thiên, Hồng Lâu Mộng… [3]

Về thơ, ngoài những bài trên đây, không thấy đăng trên sách báo, tôi được một vị lão nho đọc cho nghe ba bài HOÀI HỰU:

I          
Dứt tiếng ly ca ném chén vàng
Bồi hồi từ giã đất Tuyên Quang.
Biết tìm đâu thấy người trong mộng
Khéo não lòng thay cảnh dọc đường
Cây cỏ ba đông trời cô quốc
Nước non nghìn dặm bóng tà dương.
Xanh xanh sông nọ bao nhiêu khúc
Một khúc xa nhau một đọan trường.

II
Ta một phương trời bạn một phương
Đôi lòng ai dắt sợi tơ vương?
Không quen thuộc dễ thành dan díu
Có biệt ly đành phải nhớ thương
Ơn nặng chưa đền cho non nước
Tình riêng tạm gởi với văn chương
Thăm nhau muốn mượn đường trong mộng
Núi Tản sông Lô mấy dặm trường.

III
Người bén sông Lô kẻ chợ Bờ
Nhìn nhau chẳng thấy ruột vò tơ
Chiếc thân đất khách ta buồn lắm
Giấc mộng canh trường bạn tỉnh chưa?
Lần trước đã đành ra thế ấy
Đường xa sớm liệu tự bây giờ
Mênh mông bốn mặt ai tri kỷ?!
Canh vắng đèn tàn tiếng gió mưa…

Văn chương êm đẹp, biểu thị một mối tình chân thật, thiết tha của một Kinh Kha, một Tiêu Sơn Tráng sỹ.
Không biết người trong nhớ là ai? Vì lão nho đọc cho nghe ba bài này bảo rằng đó là Nguyễn Thái Học và tác giả đã làm trong lúc vào Huế gặp cụ Sào Nam. Tôi không dám tin chắc, vì nỗi lòng buồn thương trong thơ không hợp với hoàn cảnh và con người ra đi với niềm hi vọng chứa chan, thời Đảng đang hoạt động mạnh. Có lẽ Nhượng Tống làm vào khoảng thời gian bị quản thúc hoặc khoảng thời gian hoạt động cách mạng trở lại. Và người trong nhớ ngờ rằng là một nữ đồng chí thân yêu. Vì tình của giai nhân thường làm cho văn chương thêm dịu dàng đằm thắm; ba bài này so với những bài trên thật trội hơn về mặt văn chương và sức truyền cảm.



[1] Trong sách “Việt Nam Quốc Dân Đảng” của ông Hòang Văn Đào chép: “Nhớ anh nhớ lúc khi lâm biệt”. Trong quyển hồn thơ Đất Việt thế kỷ XX của Lam Giang chép “nhớ lời di huấn cơn lâm biệt”. Có lẽ đúng nguyên tắc nên theo.
[2]  Bài này tôi chắc Nhượng Tống làm trong lúc viết quyển Nguyễn Thái Học, tức sau khi ở Côn Lôn về, chớ không phải lúc còn ở Lôn Côn như lời truyền. Vì ở Côn Lôn làm gì có rượu nồng.
[3] Dường như Nhượng Tống giao hết cho Tân Việt.