Hương Vườn Cũ 20. A



Núi Dục Thúy ở Ninh Bình là một danh thắng của Việt Nam.
Núi tục gọi là hòn Non Nước, nằm trên sông Vân Sàng, ba mặt nước bọc, một mặt dính vào đất liền. Đứng xa trông thì thấy núi chìm vào màu xanh của nước. Do đó nhà văn hào đời Trần là Trương Hán Siêu mới đặt tên là DỤC THÚY, tức là Tắm sắc xanh.
Trên núi có ngọn cổ tháp dựng từ đời Lý. Tháp lâu đời bị sập đổ, đến đời Trần được xây lại. Trương Hán Siêu dựng bia làm kỷ niệm.
Dưới chân núi có hang đá cao rộng, day mặt ra sông. Trong hang có chùa thờ Phật, tục gọi là chùa Hang. Những khi triều dâng thì nước ngập cả hang, muốn vào chùa phải đi bằng thuyền.
Cách Dục Thúy không xa có hòn Hồi Hạc và hòn Phi Diên tức hòn Cánh Diều. Hai hòn này hợp cùng hòn Dục Thúy thành một bức tam sơn thiên nhiên làm tiền án cho Ninh Bình.

Khi về trí si, TRƯƠNG HÁN SIÊU cất nhà và mở trường dạy học ở trên núi Dục Thúy. Cúc trồng dầy cả bốn bên. Và từ bấy đến nay, mỗi ngày sanh sản mỗi nhiều. Đến mùa thu hoa nở vàng cả núi.
Ngoài chùa, tháp và hoa cúc, Dục Thúy còn có thơ, thơ Hán tự thơ Quốc âm, lớp viết bằng mực bằng sơn, lớp khắc vào cây vào đá. Hằng hà sa số, phải công phu lắm mới phân biệt được mắt cá hạt châu.

Về thơ chữ Hán, được nổi tiếng nhất là bài của Phạm Sư Mạnh người đồng thơì cùng Trương Hán Siêu:
Hỗ tất nha đầu phố
Đình chu thủy thạch nham
Kình ba thiên thượng hạ
Ngao bối hải đông nam
Bồng đảo liên tăng tháp
Doanh châu chính khách phàm
Hành niên lục thập lục
Tứ độ phỏng Già lam.

Nghĩa là:
Theo hầu ngự qua Nha đầu phố
Sóng quanh thuyền thuyền đổ bên non
Trời mây trên dưới chập chờn
Đông Nam biển nổi xanh dờn lưng ngao.
Bóng tăng tháp treo cao Bồng Đảo
Buồm lãng du lướt nẻo Doanh Châu
Năm nay sáu sáu tuổi đầu
Thú vui non nước đã hầu bốn phen.

Bài thơ của vua Thiệu Trị và của Nguyễn Thượng Hiền cũng là những giai tác. [1]
Còn về thơ Quốc âm thì được chú ý nhất là bài của Hy Long ĐẶNG XUÂN BẢNG, tiến si đời Tự Đức:
Nửa phần thị tứ nửa thanh u
Dưới nước trên non giữa khói mù
Đá trắng mờ rêu phai nét mực
Cúc vàng lẫn cỏ nhuộm màu thu
Hỏi người chủ động giờ đâu vắng
Thấy cảnh chùa tiên cũng muốn tu
Bể nổi dâu chìm đà lắm cuộc
Bức tranh sơn thủy dễ sờn ru.

Văn chương thanh lão, song ý vị không được nồng, chưa thích thú bằng bài sau đây của một thi nhân khuyết danh:
Tháp Lý Trần đâu? Đám cỏ hoang!
Cung Lê rày hỏi cũng mơ màng! [2]
Cuộc đời khôn thấu cơ vần chuyển
Cửa Bụt còn chờ nét điểm trang
Dìu dặt rượu thơ làn sóng biếc
Xôn xao xe ngựa bóng ô vàng
Thú thanh lịch đãi người phong nhã
Non nước mừng thay có chủ trương.

Bài này không nặng về cảnh thiên nhiên mà nặng về ý cảm hoài. Cảnh tình tương xứng, theo tôi, là bài của Nguyễn Đỉnh Giác, một Cử nhân ở Hưng Yên:
Trơ trơ chích thạch bến Vân Sàng
Hỏi núi chờ ai đã mấy sương?
Uốn éo lưng ghềnh ba mặt sóng
Phá toang cửa động một chùa hang
Bóng mây thấp thoáng hồn Diên Hạc
Vách đá lờ mờ nét Phạm Trương
Cũng muốn bể dâu bàn chuyện cũ
Gió thu hiu hắt khóm hoa vàng.

Đó là bài được chấm giải nhất trong cuộc thi do viên Tuần Vũ Ninh Bình là Từ Đạm mở năm Khải Định thứ 4 (1920) [3]. Văn chương cổ nhã, khí mạnh thần sáng, thanh sắc vị gồm đủ. Bao nhiêu thơ vịnh Dục Thúy xưa và nay mà tôi được đọc, cả những bài của Nguyễn Can Mộng, Đoàn Như Khuê mà nhiều sách đã chép, đều không thể sánh kịp. [4]

Cũng thì một cảnh Dục Thúy, mà cảnh tượng hiện dưới mắt mỗi thi nhân một khác. Đó là do tâm hồn của mỗi người. Bởi cảnh vật đối với các nhà thơ cổ điển, chỉ là khung động tác của tâm hồn. Những cảnh phô bày trên mặt giấy đều là ý cảnh (Verlaine gọi là paysage humain). Đó là hình ảnh của tâm hồn nhập vào cảnh, là những nét lòng của người họa sỹ tài ba chớ không phải phong cảnh in trên giấy láng do máy nhiếp ảnh chụp được. Mà ngay cảnh chụp trên giấy ảnh cũng là nét lòng của người nhiếp ảnh có tài. Cũng cảnh ấy mà chụp thấy vui, buồn sâu lắng hay nhộn nhịp…

Những bài Vịnh Dục Thúy - cũng như thơ Thu Vịnh, Thu Điếu, Thu Ẩm của Yên Đỗ [5] - không phải là thơ tả cảnh. Quả như lời Chế Lan Viên đã nói trong bài bình giảng bài Thăng Long Thành Hoài Cổ của bà huyện Thanh Quan [6], thơ Cổ điển Á Đông (Hoa và Việt) không có thơ tả cảnh, mà chỉ có thơ vịnh cảnh.

Tả và vịnh khác nhau. Tả là vì đối tượng, Vịnh là vì tâm hồn. Vì đối tượng nên tả phải đúng với thực tế trên thực tại khách quan. Vì tâm hồn nên vịnh chỉ mượn đối tượng để làm chiếc đinh để móc bức tranh lòng, để làm ông đồng bà cốt để nói lên tiếng nói mà tâm hồn không tự hoặc không tiện thốt ra được.

Ba bài thơ Dục Thúy trên đây đều mang tâm sự của tác giả. cụ Đặng thì núp lòng sau cảnh. Nhà thơ khuyết danh thì mượn cảnh để tả lòng. Ông Cử họ Nguyễn thì hòa lòng với cảnh, lấy cảnh làm lòng. Những bài thơ đó gọi là Thơ Cảnh.
Gọi là Thơ Cảnh để phân biệt với Thơ Tình thuần túy đó thôi. Cho nên nghe nói Thơ Cảnh đừng tưởng lầm là thơ tả cảnh vậy.
***

[1] Trong Giai Thoại Làng Nho của Lãng Nhân có chép đủ.
[2] Chắc đời Lê vua chúa có xây cung ở Dục Thúy. Hiện không còn thấy dấu tích.
[3] Trong Giai Thoại Làng Nho, ông bạn Lãng Nhân chép là của ông F cử Dự ở Nam Định. Bài thơ có chỗ đôi khác:
- Câu 1: Một hòn trơ đứng ngọn Vân Sàng
- Câu 3: Uốn éo bên ghềnh ba ngọn nước.
- Câu 5: Bóng trăng thấp thoáng hồn vân hạc.
- Câu 6: Nét đá lờ mờ dấu Phạm Trương.
Bài tôi chép trên đây chỉ nghe truyền, chớ không phải thấy được bản thảo của tác giả, nên không dám quả quyết rằng đúng nguyên văn. Song xét từ lý thì thấy có hơn bài của Phùng quân chép, nên chép theo sở văn. Vân Sàng là con sông chảy qua Ninh Bình, nên không nói ngọn Vân Sàng được. Câu 3 tả hình dáng hòn Dục Thúy bị ba mặt nước bao vây. Diên Hạc là trỏ hòn Hồi Hạc và hòn Phi Diên “Vách đá… Nét Phạm Trương” là chỉ những thơ văn của Trương Hán Siêu và Phạm Sư Mạnh khắc trên vách đá đã mờ hết nét.
[4] Giai Thoại Làng Nho và Thắng Cảnh Việt Nam Qua Thi Ca có chép.
[5] Vì những bài này ai cũng thuộc nên miễn chép.
[6] Xem bài số 8 ở trước.