Hương Vườn Cũ 6-7.




Nhà Lê bị nhà Tây Sơn dứt, vua Chiêu Thống cùng bầy tôi trung nghĩa chạy sang Tàu mưu việc phục hưng. Trải qua bao nhiêu năm khốn quẩn tủi nhục, vua thăng hà nơi quê người. Lúc lâm chung vua căn dặn bầy tôi:
- Sau này thế nào cũng cố gắng đưa hài cốt ta về nước phục táng vào sơn lăng liệt thánh, để tỏ bụng ta.

Sau khi vua Gia Long lên ngôi, cựu thần nhà Lê dòm thấy không có điều nguy hại, bèn đưa linh cữu vua vua Chiêu Thống về nước. Một vị lão thần có thơ khóc trước linh cữu:

Nằm gai nếm mật mấy năm thừa
Nắm cỏ đem về tấc đất xưa
Bể bắc chín tầng rồng lẫn sớm
Non nam một đỉnh hạc về trưa
Tưởng câu năm nọ như ngày nọ
Nghĩ đến bao giờ khóc bấy giờ
Thua được cuộc đời thôi để đó
Gội ơn cây cỏ vẫn còn lưa.[1]

Lời thơ lâm ly thống thiết. Văn chương do chỗ chí tình mà ra nên cảm lòng người vừa sâu vừa mạnh.
Bài thơ dùng nhiều điển tích.
Câu thứ nhất dùng tích Câu Tiễn lúc hàng Ngô, để tả chí phục thù của vua Chiêu Thống.
Cặp trạng thoát ý câu thơ khóc Văn Thiên Tường của người đời Nguyên:
Vân ám Đỉnh Hồ long khứ viễn
Nguyệt minh ba biểu hạc qui trì.

Hai câu nầy vế trên dùng điển vua Hoàng Đế cỡi rồng lên trời, bầy tôi chạy theo không kịp. Vế dưới mượn tích chàng thư sinh nước yên là Đinh Linh Uy đi tu tiên đắc đạo, đêm trăng hóa hạc bay về nơi ba biểu trước lăng vua Chiêu Vương kêu:
Đinh Linh Uy!
Đinh Linh Uy!
Khứ gia thiên lý kim lai qui
Hà bất học tiên? Trủng luy luy!

Nghĩa là:
Đinh Linh Uy! Đinh Linh Uy!
Người bỏ nhà ra đi xa nghìn dặm, nay trở về.
Người đời sao chẳng học tiên,
Để đến nỗi mả mồ giăng từng lớp từng lớp.

Câu chữ Hán khóc Văn Thiên Tường, vế trên nói về vua Tống, vế dưới nói về Văn thừa tướng nằm trong ngục đến ba năm, khi nhận thấy không có cơ cứu vãn được tình thế nữa, mới tuẫn quốc.
Câu quốc âm hai vế đều nói về vua Chiêu Thống. Vế trên nói về việc vua mất sớm. Vế sau nói về việc đưa linh cữu vua về nước quá chậm.
Cặp luận nhắc lại lời của vua Chiêu Thống lúc lâm chung.
Câu này cho chúng ta biết rằng tác giả là một vị trong số quần thần chạy theo vua sang Tàu và được chứng kiến phút lâm chung của vua Lê Chiêu Thống. Câu kết “Gội ơn cây cỏ vẫn còn lưa” làm cho chúng ta tin rằng lời đoán của chúng ta không thể sai được. Câu kết còn cho chúng ta thấy rằng đến giờ phút đó mà hàng trung thần còn sống sót vẫn nuôi hy vọng có ngày đền được ơn vua.
Vua Chiêu Thống là một nhà vua thiếu tài thiếu đức, mà bầy tôi tòng vong đều là những bậc tận trung, và lòng trung nghĩa chứa chan trong từng câu từng chữ.



7.

Kẻ có tài không được trọng dụng, người bề tôi trung nghĩa không được tin yêu, cũng như kẻ có sắc trong cung vua không được sủng ái, thường đeo mối hận bên lòng, người có tài thường mượn lời người có sắc.
Cho nên đề tài Cung Oán là đề tài rất thông dụng trong làng thơ quốc âm cũng như làng thơ Hán Tự, bên Việt Nam cũng như bên Trung Hoa.

I
Nguyệt lão ghen chi khách má hồng
Triện tàn vắng vẻ chốn phòng không
Canh khuya nửa gối trùng eo óc
Xuân khóa đầy song nguyệt lạnh lùng
Buồn gợi đèn tàn soi bóng dáng
Biếng soi gương sáng sửa bông vòng
Mảnh tình u uất khôn bày tỏ
Vẩy khắp câu lơn giọt lệ trong.

II
Chớ đọc Tương Như chữ đoạn trường
Đọc thôi châu lụy nhỏ hai hàng
Oanh rầu rĩ tiếng chùng dây sắt
Loan lẻ loi hàng thẹn bóng  gương
Thảm chất chẳng thành mà chất ngất
Sầu tuôn không biển cũng mênh mang
Thân nầy ví biến dường nầy nhẽ
Quê kệch điền viên lại vẻ vang.

III
Gang tấc đền phong cách mấy vời
Song the quạnh quẽ cánh huê rơi
Canh tàn nương gối chiêm bao vẩn
Xuân muộn buông rèm nước mắt vơi
Cầm trổi lầu tây sao vắng tiếng
Thơ đề dòng ngự khó nên lời
Ả Hồ nông nổi là dường ấy
Còn tiếng tỳ bà lọt đến nơi!

IV
Một mình ngày vắng lại đêm thâu
Chẳng thấy chi vui thấy những sầu
Bụi lấp gương loan soi đã biếng
Tuyết xâm chăn thúy nhắp nào lâu.
Thẹn lòng thấy nước khôn gieo lá
Phải kiếp cùng dê lọ rắc dâu
Trẻ nhỏ con hầu dầu quyến luyến
Hương hoa cấp nấp chắc về đâu.

Tác giả mấy bài Cung Oán trên đây không biết là ai, là những ai. Bảo rằng “vì không được yêu dùng mà than thở”, đó là dựa theo thói thường xưa nay. Chứ đã không biết tác giả là ai thì không thể biết rõ vì sao mà có. Song xem giọng thơ buồn bã oán trách, tưởng không phải là lời khóc mướn thương vay. Bởi những nhà thơ chân chính làm thơ không phải để phấn sức cho tài ba trong nhất thời, mà cốt để gởi tấc lòng vào thiên cổ. Nếu dựa vào văn chương mà đoán thì tác giả những bài Cung Oán đây không phải là tầm thường, không phải là nàng Đông Thi không đau bụng mà nhăn mặt. Tác giả những bài đó là người, là những người có thi tài, có tâm sự, mượn văn chương khơi vơi bớt u hoài.

Trong sách “Phép Làm Thơ” của ông Diên Hương có chép hai mươi bốn bài CUNG OÁN THI và ghi là của ông ÔN NHƯ HẦU. Bài III và bài IV thượng dẫn nằm trong số hai mươi bốn bài đó.
Có chỗ đáng ngờ là Ôn Như Hầu có Cung Oán Ngâm Khúc, chớ không nghe có Cung Oán Thi.

Lại nghe truyền NGUYỄN HUY LƯỢNG, tác giả bài Tụng Tây Hồ Phú, có tập CUNG OÁN THI bằng quốc âm rất được khách phong nhã đương thời tán thưởng. Nhưng tôi chưa được đọc, chưa được thấy, nên không biết như sao. Cũng không biết những bài ông Diên Hương sao lục có phải của Nguyễn Huy Lượng chăng, và những bài thượng dẫn có bài nào của họ Nguyễn chăng.

Bốn bài CUNG OÁN trên đây cũng như bài ông Diên Hương chép vào sách phép làm thơ, đều là những áng văn chương giá trị. Lời thơ trôi chảy êm đẹp, tình tứ nồng nàn, nhất định là sản phẩm thời thịnh đạt của thơ Hàn Luật, tức là thời Lê mạt Nguyễn sơ.
Rất mong các nhà khảo cổ học tìm ra được tác giả đích thực của Cung Oán Thi để khách yêu thơ có thể đi sâu vào tấc lòng gói ghém trong hàng chữ.





[1] Trong Văn Đàn Bảo Giám chép “…vẫn còn thưa”. Tôi nghe truyền “…vẫn còn lưa” và nhận thấy “còn lưa” có nghĩa hơn.