Hương Vườn Cũ 44



Cũng như thơ Nhị Âm, Tam Ngôn, Tứ Ngôn, thơ LỤC NGÔN là một thể thơ cổ.

Thể thơ này gốc của Trung Hoa đưa vào Việt Nam, và thịnh hành trong làng thơ Quốc âm dưới thời Lê, Mạc. Đời nhà Trần, từ lúc Hàn Thuyên dùng luật Đường làm thơ Việt, thể lục ngôn dường như không được đề cập đến, nên trong số thơ còn truyền tụng, không thấy bài Lục Ngôn nào. Hoặc giả thi nhân đương thời có dùng, song tác phẩm bị thất truyền chăng.
Hiện nay chúng ta thường gặp thơ lục ngôn trong các tác phẩm đời Lê và đời Mạc, như Ức Trai Di Tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập triều Lê Thánh Tông, Lê Triều Ngự Chế Quốc Âm Thi, Bạch Vân Quốc Ngữ Tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Thể Lục Ngôn, niêm luật cũng tương tợ như thể Thất Ngôn, duy mỗi câu chỉ sáu chữ. Vần cũng ở cuối câu chn (trừ câu nhất có vần cũng được không cũng được) và khi thì dùng vần bằng khi thì dùng vần trắc.
Xin trích một bài, vần bằng, trong Lê Triều Ngự Chế Quốc Âm Thi:

BỒ ĐỀ THẮNG CẢNH THI

Tịnh Kiền khôn kẽ một bầu
Bao hình thế bốn bề thâu.
Phong lưu hậu xây nền hậu,
Thú vị mầu ngụ ý mầu.
Quán nguyệt trông in đáy nước,
Chày kình vang nện bên lầu.
Yên vui bởi dân thuần cổ,
Ấy xưa sau sở thích cầu.

Và đây một bài vần trắc trích trong Hồng Đức Quốc Am Thi Tập:

VỊNH CHÙA NON NƯỚC

Này hiệu Bồng này hiệu Nhược
Hai bên góp làm Non Nước.
Đá chồng hòn thấp hòn cao,
Sóng trục lớp sau lớp trước.
Phật hư vô cảnh thiếu thừa,
Khách danh lợi buồm xuôi ngược.
Vẳng nghe trên gác boong boong,
Lẩn thẩn dưới chiền lần bước.

Điệu thơ Lục Ngôn đều đặn, không biến hóa, đọc nghe trầm trầm, ít thích thú. Để bớt vẻ bằng phẳng, cổ nhân thường chen những câu bảy chữ vào trong các câu sáu chữ. Số lượng không nhất định, vị trí cũng không nhất định.
Có bài chỉ chen một câu bảy mà thôi. Ví dụ bài TỰ THUẬT của Nguyễn Trãi:

Ngọ thời nằm đói thời ăn,
Việc vàn ai hỏi, áo bô cần.
Tranh treo vách nài chi bức,
Đình thưởng sen năng có gian.
Vườn quỳnh dầu chim kêu hót,
Cõi trần có trúc đón ngăn.
Già vẫn lấy rượu phù khỏe,
Họa lại quên lòng khó khăn.

Câu bảy lẻ loi như thế không bao giờ nằm giữa bài, tức ở trạng hoặc luận, mà chỉ nằm ở câu đầu, câu hai, câu bảy, câu tám, tức nằm ở khởi, thừa, chuyển, kết.

Xin trích thêm một bài của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà câu bảy nằm sau rốt:

Chiếm tự nhiên một tấm lều,
Qua ngày tháng lấy đâu nhiều.
Gió tiễn rèm thay chổi quét,
Trăng kề cửa kẻo đèn khêu.
Cơm ăn chẳng quản dưa muối,
Áo mặc chi nài gấm thêu.
Tựa gốc cây ngồi hóng mát,
Đìu hiu ta hãy một đìu hiu.

Vì thơ Lục Ngôn bát cú cũng như Thất Ngôn bát cú, trạng và luận, đều theo phép đối, nên nếu muốn chen câu bảy chữ vào bài thơ Lục Ngôn, thì phải chen đủ cặp đối nhau, và hai câu bảy chữ chen vào đó phải nằm ở vị trí câu trạng hoặc câu luận, chớ không thể ở trạng một vế, luận một vế.
Ví dụ trong bài TIÊU TƯƠNG DẠ VŨ trích ở Hồng Đức Quốc Am Thi Tập, hai câu bảy chữ nằm ở câu luận:

Ngàn Tương thuở rụng hạt mưa,
Lã chã thâu đêm gió đưa.
Giọt tiếng vàng cao lại thấp,
Rung cành ngọc nhặt thì thưa.
Đành hanh tai khách nằm khôn nhắp,
Lai láng lòng thơ hứng có thừa.
Sớm dậy xem rồng mọc cháu
Nghìn hàng đổng lạ hơn xưa.

Vì số câu bảy chữ chen vào thơ Lục Ngôn không nhất định là bao nhiêu, nên có khi một, có khi hai, có khi ba, có khi bốn, có khi đến năm, sáu. Nếu những câu bảy nằm ở khoảng giữa bài thì nhất định phải đối nhau. Còn nếu nằm ở khởi, thừa, chuyển, kết thì không phải đối. Và nằm ở những câu này thường là những câu lẻ. Những câu bảy chữ nằm chung với nhau một chỗ, hoặc nằm cách nhau, câu trên đầu câu ở cuối, hay vài câu ở giữa, vài câu ở đầu có cuối có.
Đây một bài Lục Ngôn mà ba câu bảy chữ nằm một chỗ:

Góc thành Nam lều một gian
No nước uống thiếu cơm ăn.
Con đòi trốn dễ ai quyến,
Bầy ngựa gầy thiếu kẻ chăn.
Ao bởi hẹp hòi không thả cá,
Nhà quen xuế xóa ngại nuôi vằn.
Triều quan chẳng phải ẩn chẳng phải
Góc thành Nam lều một gian.

Đó là bài “Tự trào” của Nguyễn Trãi làm lúc quân nhà Minh bắt an trí ở Thăng Long [1]. Bài sau đây cũng của Nguyễn Trãi, làm lúc đã về náu ở Côn Sơn:

Lánh trần náu thú sơn lâm
Lá thông đàn tiếng trúc cầm.
Sách cũ ngày tìm người hữu đạo,
Trì thanh đêm quyến nguyệt vô tâm.
Suy hết tấc lòng hồng hộc
Hỏi làm chi sự cổ câm.
Thế sự dù ai hay buộc bện,
Sen nào có bén cùng lầm.

Ba câu bảy mà hai câu nằm chung một câu nằm riêng như thế rất thường gặp.
Trong những bài Lục Ngôn bát cú, mà số câu bảy và số câu sáu ngang nhau, nghĩa là mỗi thứ bốn câu, thì có bốn câu bảy nằm giữa, khi bốn câu sáu nằm giữa, khi thì nằm xen kẽ lẫn nhau.
Đây một bài của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà bốn câu sáu nằm giữa:

Chưa dễ ai là bụt Thích Ca,
Mọi niềm Nhân Ngã nhẫn thì qua.
Lòng vô sự trăng in nước,
Của thảng lai gió thổi qua.
Những khách xuân xanh khi trẻ,
Mấy người đầu bạc tuổi già,
Thanh nhàn ấy là tiên khách,
Biết thú ta là có thú ta.

Đây một bài mà bốn câu sáu bốn câu bảy nằm xen kẽ lẫn nhau, trích ở Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, nhan đề là Vịnh Canh Năm:

Canh chầy đèn hạnh lâm dâm,
Xao xác lầu canh trống điểm năm.
Nguyệt đầu non treo chếch chếch,
Sương mặt đất ứa dầm dầm.
Rừng kia bồ cốc còn khuya gióng,
Làng nọ nông phu đã thức nằm.
Bóng ác đông trời đã rạng,
Tiếng gà thôi trổi tiếng hàn châm.

Gọi là thơ Lục Ngôn mà cây bảy chữ chiếm hết phân nửa! Kể cũng đã hơi lạm. Thế mà còn có lắm bài câu bảy lại nhiều hơn câu sáu!
Đây một bài có đến năm câu bảy và chỉ ba câu sáu trích trong Quốc Âm Thi tập của Nguyễn Trãi:

Lộc trời cho đã có ngần
Tua hay thửa phận chớ phàn nàn.
Giàu nhiều của con chẳng có
Sống hơn người mệnh khó khăn.
Hễ kẻ danh thơm hay được phúc,
Mấy người má đỏ phải nhiều lần.
Vắn dài được mất dù thiên mệnh,
Trải quái làm chi cho nhọc nhằn.

Vua Lê Thánh Tông cũng rất ưa dùng thể Lục Ngôn, và có lắm bài số câu bảy lấn số câu sáu, như Nguyễn
Trãi:

TỰ THUẬT

Lòng vì thiên hạ những lo âu,
Thay việc Trời dám trễ đâu.
Trống dời canh còn đọc sách,
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu.
Nhân khi cơ biến xem người biết,
Chờ thuở kinh quyền xét lẽ mầu.
Mỡ ểu áo vàng chăng có việc,
Đã muôn sự nhiệm trước vào tâu.

Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có lắm bài như thế. Ví dụ:

Làm người chen chúc nhọc đua hơi,
Chẳng khác nhân sinh ở gởi chơi.
Thoa nhật nguyệt đưa thấm thoát,
Áng phồn hoa khá nhạt phai.
Hoa càng khoe nở hoa nên rữa,
Nước chứa cho đầy nước ắt vơi.
Mới biết doanh hư là có số,
Ai từng dời được đạo trời.

Xem ba bài trích dẫn, chúng ta nhận thấy số câu bảy chữ tuy lấn nhưng vị trí quan trọng trong bài thơ bát cú là cặp trạng vẫn dành cho câu sáu chữ, và những cây bảy chữ không có vị trí nhất định, như trên đã nói.
Gọi là Lục Ngôn mà những câu bảy chữ lấn những câu sáu chữ như thế là khách lấn chủ, theo thường tình mà xét, thì cũng đã “khó coi” lắm rồi. Vậy mà còn thấy lắm bài gồm đến sáu câu bảy chữ, và chỉ có hai câu sáu chữ, như:

Bài VIÊN PHỐ QUI PHÀM của Nguyễn Xung Ý đời Thịnh Lê:

Bãi tạnh thuyền ai bến liễu đời,
Buồm về nơm nớp mé bên trời.
Lèo ăn gió dầu dùi thẳng,
Cánh bíu mây mặc lộng khơi.
Thuyền tếch thênh thênh chèo nhẹ nhẹ,
Khói tan thức thức lục ơi ơi.
Có người tác hứng chưng khi ấy,
Nước Sở sông Ngô mặc vẽ vời.

Trong bài tuy khách lấn chủ, nhưng vẫn còn dành cho chủ một địa vị xứng đáng. Chủ nhân còn được ngồi nơi “ghế danh dự”. Có nhiều khi Chủ nhân trở thành Thượng khách mời tới để hoặc “ban huấn từ”, hoặc “phát biểu cảm tưởng” thay thế cho lời “tuyên bố bế mạc”. Ví dụ:

VỊNH MỸ Ê

Thờ chúa thờ chồng hết tấc thương,
Một mình lọn đạo việc cương thường.
Non thiêng dễ hóa hồn Tinh Vệ
Nước biếc khôn nhìn mặt Phạn Vương.
Dòng bạc thề cùng thu có nguyệt,
Sử xanh chép để bút còn hương.
Rày mừng thấy tin rồng đến,
Phủ mưa rào khắp bốn phương.

Thậm chí có bài chỉ có vỏn vẹn một câu sáu chữ nằm hoặc ở khởi hoặc thừa, hoặc chuyển, hoặc kết. Ví dụ:
Bài NGƯ THÔN TỊCH CHIẾU của Nguyễn Xung Ý:

Lúp xúp bên giang bảy tám nhà,
Trời xoay bóng ác giải tha la.
Chan chan thuyền đỗ đầu doi liễu,
Sát sát chài bơi cuối vũng hoa.
Pha khói chim về cây điểm phấn,
Quáng dòng cá đớp nước tuôn la.
Có người đợi nguyệt chèo khoan vẩy
Trổi Thương lang một tiếng ca.

Chỉ có một câu sáu chữ mà cũng gọi là thơ Lục Ngôn. Xem thế thì đối với thơ, DANH không cần phải CHÍNH như đối với Đạo Đức Luân Lý. Cổ nhân đặt ra LUẬT THƠ, đặt ra nguyên tắc, qui củ này nọ chỉ để hướng dẫn tứ thơ đi cho khỏi lộn xộn mà thôi, chớ không coi đó là “khuôn vàng thước ngọc bất khả di dịch”, nghĩa là không cố chấp. Nhà thơ tùy nghi thay đổi cho hợp với nguồn cảm xúc, luồn tư tưởng… của mình. Trong thơ Lục Ngôn có chen thơ Thất Ngôn vào là do lòng không câu nệ của cổ nhân vậy. Nhiều bạn thanh niên chưa có dịp nghiên cứu, đọc những bài Lục Ngôn có chen nhiều câu thất ngôn, nhất là những bài chỉ có một câu lục ngôn, thì tưởng là người sao lục chép sai.
Thơ Lục Ngôn thịnh hành thời Thịnh Lê và thời Mạc.

Đó là vì thời Lê Mạc hàng sỹ phu trong nước chịu ảnh hưởng Nho Giáo rất sâu đậm, bởi thời buổi ấy Nho giáo độc tôn. Con người sống về lý trí nhiều hơn tình cảm. Mà lý trí ưa những gì rõ ràng gãy gọn. Thể Lục Ngôn âm điệu ngắn gọn, giống như những tiếng săn tiếng đá, nghe khô khan cứng rắn, phù hợp với nhịp lòng của người đương thời, nhất là hàng trí thức học vấn. Cho nên được thịnh hành là lẽ tất nhiên.

Rồi sang thời Lê Trung Hưng, thời thế đổi thay, xã hội có một sắc thái đặc biệt. Tâm hồn con người bị hoàn cảnh chi phối. Những bức thành đạo lý bị rung rinh rồi lần lần tan vỡ. Phạm vi cảm hứng mở rộng. Giá trị văn chương không còn bó hẹp trong vòng đạo đức luân lý nữa, mà mỗi ngày sức tác động về tình cảm mỗi phong phú thêm. Cho nên thể Lục Ngôn không còn thích hợp, bị các thi nhân bỏ rơi. Đến triều nhà Nguyễn thì bị quên hẳn, đến nỗi có người không ngờ rằng có thể LỤC NGÔN.




[1] Đó là theo bài tựa của Trần Khắc Kiệm đề ở Ức Trai di tập. Song có người bàn rằng đây là tình cảnh lúc tác giả bị Lê Thái Tổ bắt bỏ ngục về vụ án Trần Nguyễn Hạn, được ít lâu rồi được tha ra ở tạm nơi góc thành Nam.