Hương Vườn Cũ 16.




Buổi sanh tiền, cùng các thân hữu luận thi, Tiên nghiêm thường nói:
- Đọc thơ không phải để cho vui lòng, mà chính để cho lòng sanh cảm. Những bài thơ không rung cảm lòng người không phải thơ hay.
Lại nói:
- Thơ cổ nhân để lại có nhiều bài hay, nhưng riêng thích ngâm thơ cụ Phan Thanh Giản. Thơ cụ nhã đạm ôn hậu. Không cần đọc tiểu sử, chỉ xem văn chương, cũng biết rằng là một người có đức độ có tài năng.

Từ khi biết xem thơ, tôi luôn luôn lấy lời nói của Tiên nghiêm làm khuôn thước. Riêng hềm chưa được đọc nhiều thơ của Phan Lương Khê.
Tôi được đọc thơ Phan Lương Khê không quá mươi bài. Nhiều bài sách này chép thế này sách kia chép thế kia. Có thể tin là đúng với nguyên văn, chỉ có hai bài:

KÝ NỘI
Từ thuở vương xe mối chỉ hồng
Lòng này ghi tạc có non sông
Đường mây cười tớ ham giong ruổi
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng
Ơn nước nợ trai đành nỗi bận
Cha già nhà khó cậy nhau cùng
Mấy lời dặn bảo khi lâm biệt
Rằng nhớ rằng quên lòng hỡi lòng.

DI BÚT
Non nước tan tành hệ bởi đâu
Một vùng mây bạc cõi Ngao châu [1]
Ba triều công cán đôi hàng sớ [2]
Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu
Ải Bắc ngày trông tin nhạn vắng
Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu
Minh tinh chín chữ lòng con tạc [3]
Trời đất từ đây bặt gió thu.

Hai bài đó cũng là hai bài hay nhất trong những bài tôi được đọc. Văn chương do chỗ chí tình mà ra, nên tự nhiên mà thấm thía. Rõ là tấc lòng gởi vào thiên cổ, chớ không phải ngấn mực của tài ba. Tiên nghiêm khâm phục là phải lắm.

***
Các cụ ngày xưa làm thơ Nôm ít hay chép lại. Do đó những bài còn lưu thế, phần nhiều bị tam sao thất bổn khiến kẻ khảo cổ lắm lúc hao công tốn sức mà không thể phân biệt được thị phi.
Như bài DI BÚT trên đây, hầu hết những người có học ở Trung và Nam đều biết là của cụ Phan Thanh Giản. Nhà thơ Đông Hồ, người đáng tin cậy nhất, đã lục đăng bài đó ở Nam Phong số 110 năm 1926 và ghi rõ tác giả là cụ Phan. Thế mà trong sách Văn Học Việt Nam của Dương Quảng Hàm lại chép là thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu viếng thăm cụ Phan Thanh Giản. Vì sách của ông Dương là sách giáo khoa soạn từ 1939 và từ ấy đến nay các trường Trung Học trong nước đều dùng nên đã cấy mầm sai lầm vào óc con em một cách vững chắc, vững chắc đến nỗi cha anh trong gia đình muốn nhổ cũng không đủ sức nhổ lên! Chính tôi đã bị “cái nạn” ấy!!

Đó là trường hợp có bằng chứng chắc chắn, mà còn phải chịu thua người nói có sách, nhất là sách giáo khoa, huống hồ gặp những trường hợp còn có chỗ hồ nghi. Như trường hợp những bài sau đây:

ĐI SỨ QUA ẢI ĐỒNG QUAN
Buổi sứ trình đêm mưa dặm tuyết
Bạn cố tri mảnh nguyệt quan san
Rạng ngày đến cửa Đồng Quan
Tiếng xưa “thập khứ nhất hoàn” là đây. [4]

KHI TÀU ĐÃ CẬP BẾN
Gió đưa dương liễu cành cành nguyệt
Cụm tỏa ngô đồng lá lá sương.
Thuyền mọn năm canh người Bích Hán [5]
Địch dài một tiếng khách Tầm Dương [6]

Sách Văn Đàn Bảo Giám chép là của Phan Lương Khê. Nhưng tôi được nghe các bậc tiền bối cho biết rằng bài “Qua ải Đồng Quan” là một đoạn trong bài “Bắc Hành” của Lý Văn Phức, còn bài “Tàu cập bến” là một bài tức cảnh của Nguyễn Tư Giản lúc đi sứ sang Trung Hoa. Tôi chưa được đọc bài “Bắc Hành” của Lý Văn Phức, cũng chưa được đọc thi phẩm của Nguyễn Tư Giản, nên không dám quả quyết lời của các vị tiền bối là đúng hay sai.
Cụ Phan Thanh Giản đi sứ nhiều lần. Dưới triều Minh Mạng, cụ đi sứ sang Hạ Châu (Tân Gia Ba) và Trung Quốc (1832). Dưới triều Tự Đức sang Pháp để chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Việt (1863).

Nếu hai bài trên quả là của Phan Lương Khê thì là tác phẩm sản xuất thời Minh Mạng chớ không phải thời Tự Đức như Văn Đàn Bảo Giám đã “ngầm bảo” [7]. Bởi vì:
- Sang Pháp, không đi qua ải Đồng Quan.
- Bến tàu một nước rầm rộ máy móc như nước Pháp thì không làm gì có những cảnh mơ mộng “cành trăng dương liễu, lá sương ngô đồng”, “thuyền mọn năm canh, địch dài một tiếng” là những cảnh chỉ có thể hiển hiện trong những nơi yên tịnh cõi Đông Phương.
Đó là nội dung. Còn hình thức thì thơ cụ Phan, như chúng ta đã thấy ở hai bài trước, bình dị tự nhiên. Hai bài thơ đây, lời trau chuốt sửa soạn trái với tánh tình của cụ Phan. Cho nên tôi không tin rằng là tác phẩm của cụ. Còn của ai thì cũng chưa biết được rõ ràng.

Còn một bài nữa, một bài giá trị rất cao, mà kẻ thì bảo là của cụ Phan, kẻ lại bảo của thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa:

LAI KINH THỌ TỘI
Trải bảy mươi hai trạm tới kinh
Bao nhiêu non nước bấy nhiêu tình
Hồn quê muôn dặm mây lòn núi
Dạ khách năm canh sóng bủa ghềnh
Gió bụi đất từng quen với mặt
Nắng mưa trời cũng biết cho mình
Lá lay chỉ bởi nơi con tạo
Ghen ghét nhau vì một chữ danh.

Bảo là của cụ Phan không phải là không có cớ, mà bảo là của ông Bùi cũng không phải là “nói giữa trời”.

Về cụ Phan:
Năm Nhâm Tuất (1862) vua Tự Đức phong cụ làm Chánh sứ Toàn quyền Đại thần, Lâm Duy Nghĩa làm phó sứ, vào Gia Định thương thuyết cùng thực dân Pháp về ba tỉnh miền Đông Nam Việt bị xâm lăng. Sau mấy ngày bàn cãi, cụ Phan buộc lòng phải ký hòa ước cùng tướng Bonard của Pháp và tướng Palanca của Y-Pha-Nho (5-6-1862). Nội dung hòa ước trái ngược với chủ trương của vua Tự Đức và Triều đình Huế. Cho nên cụ Phan trở về triều, tưởng chắc là phải bị tội nặng. Nỗi lo sợ tả trong thơ rõ là nỗi lo sợ của con người biết rằng mình là kẻ có tội đương nằm nơi dịch đình đợi ngày xét xử của bề trên. May thay! “Nắng mưa trời cũng biết cho mình”, nên nghe kết quả cuộc đi sứ, vua Tự Đức chỉ than:
- Ôi! Con dân mấy triệu, tội gì đến thế! Đau lòng thay! Hai ngươi chẳng những là tội nhân của bản triều mà còn là tội nhân của muôn đời nữa.

Về ông Thủ Khoa Bùi: Ông Bùi đã đậu thủ khoa rồi, nhưng chưa được bổ dụng. Vì nhà túng thiếu nên khoa thi nọ vác lều chiếu vào thi mướn cho một thí sinh. Công việc bị phát giác, ông bị bắt giải về Kinh đô Huế để triều đình định tội. Bài “lai kinh…” làm vào lúc tới kinh, nằm nơi ngục đợi án.
Bài truyền là của ông Bùi, câu trạng lại có người đọc là:
Cảnh nhà túng rối nên quyền biến
Việc nước răn he dám dễ khinh.

Cụ Phan và ông Bùi là người đồng thời, đồng xứ. Bài thơ lại chỉ tả tâm trạng chớ không nói cảnh ngộ. Cho nên thật khó biết là của vị nào nếu không nắm được bằng cớ chắc chắn.
Những bài thơ trên đều là những bài quí giá. Tên tác giả rất cần để đi sâu vào nội dung. Các nhà khảo cổ sống lâu ngày ở miền Nam bộ chắc đã có nhà biết rõ trắng đen. Rất mong được sớm công bố.




[1] Ngao châu: Bãi Ngao ở làng Bảo Thạnh thuộc tỉnh Vĩnh Long ngày xưa, tỉnh Kiến Hòa ngày nay, quê hương cụ Phan.
[2] Ba triều: Cụ Phan làm quan trải ba triều: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
[3] Minh tinh: Cây triệu đưa linh. Trước khi nhắm mắt, cụ dặn con đề chữ triệu và khắc nơi bia chín chữ: Hải Nhai thư sinh Phan Lương Khê chi cữu (nơi triệu thì để “chi cữu” nơi mả thì đề “chi mộ”) chớ không cho để chức tước.
[4] Thấp khứ nhất hoàn: Mười người đi may được một người về.
[5] Bích Hán: sông Ngân Hán – Mượn tích Trương Khiên đi sứ lạc lên sông Ngân.
[6] Tầm Dương: Nơi Bạch Cư Dị gặp người kỵ nữ, cảm hứng soạn ra khúc Tỳ Bà hành bất hủ.
[7] Trong Văn Đàn Bảo Giám không ghi rõ hai bài kia làm thời Tự Đức, nhưng để chung cùng những bài của cụ Phan làm lúc nhận sứ mệnh sang Pháp và trên đường bể sang Pháp:
                Mây nước sang qua cùng Pháp quốc
                Rước đưa mừng rỡ cuộc hòa ninh.
Bài “Khi tàu cập bến” chép ngay ở sau bài “Mây nước sang qua cùng Pháp quốc”.