Hương Vườn Cũ 25.



Cuối triều Tự Đức trong nước loạn lạc. Ở ngoài thì quân xâm lăng chiếm xong miền Nam kéo ra miền Bắc rồi kéo vô miền Trung. Trong triều thì quyền thần lộng hành. Người dân sống không được yên ổn.
Thời bấy giờ có câu ca dao:

Nước Nam có bốn anh hùng
Tường gian, Viêm láo, Khiêm khùng, Thuyết ngu.
Lại thêm hai chữ vũ phu
Đề Soạn đề Đức cong khu chịu đòn.

Bốn anh hùng thời đại, trong ca dao chỉ nêu tên chớ không nêu họ, xin học mót bà Nữ Oa:
- Nguyễn Văn Tường.
- Hoàng Kế Viêm.
- Ông Ích Khiêm.
- Tôn Thất Thuyết.
Công tội bốn ông ấy như sao đã có các nhà sử gia biên chép. Ở đây chỉ nói về mặt văn chương.

Trong bốn ông ấy, ông Viêm và ông Thuyết nặng về võ nên bỏ ngoại. Còn ông Tường là con nhà văn thuần túy, nhưng không nghe có văn chương lưu thế. Trái lại ông Khiêm nổi tiếng là đánh giặc giỏi và hăng, nhưng lại có thơ truyền tụng. Không có gì lạ: ông Khiêm là một cử nhân văn chương xuất thân.
Ông đậu khoa Giáp Dần năm Tự Đức thứ 8 (1854) tại trường Bình Định. Ông là người Quảng Nam lẽ ra phải thi tại trường Thừa Thiên. Nhưng có lẽ sợ tranh không nổi với sỹ tử miền ngoài nên phải quay vào miền trong. Khoa ấy ông xuýt hỏng, vì có một quyển bị các vị sơ khảo, phúc khảo, giám khảo đều phê liệt. May thay. Quan Chánh Chủ Khảo là Bảng nhãn Vũ Duy Thanh khảo lại, thấy văn chương có khí phách bèn phê BÌNH và lấy đậu.

Ông vốn họ ÔN là họ Chàm. Sau khi đậu cử nhân, vua Tự Đức mới cho đổi thành họ ÔNG.
ÔNG ÍCH KHIÊM có thi tài và rất bặt thiệp. Thơ ông làm nhiều, nhưng vì không ghi chép thành thất lạc gần hết.
Lúc mới thi đỗ, ông có bài VỊNH TẰM:

Cơ dam Tạo hóa khéo vần xoay
Nhộng biến ra tằm nghĩ cũng hay
Mới thấy trong nong xanh nghịt nghịt
Đưa lên trên bủa đỏ gay gay
Tháo vòng thao lược đền ơn chủ
Rút đoạn can trường trả nợ vay
Nhắn với thợ trời tua khéo dệt
Thêu rồng vẽ phụng sẽ ra tay.

Đó là ngôn chí. Không phải chỉ khí khái đầu môi. Ông là người có văn tài lại có võ dũng. Từ lúc thiếu thời đã từng nghiên cứu binh thư, cho nên khi ra làm quan, nhờ quân công mà từ chức tri huyện lên đến chức tiểu phủ sứ rồi đến chức tham tri. Thân tự lập thân chớ không hề có mảy may thần thế. Lại thêm vì tánh khẳng khái bất khuất, còn bị Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết ghét, thường tìm cách hãm hại. Nhưng nhờ đánh đâu thắng đó, nên đối phương không làm gì được ông.
Khi quân Pháp uy hiếp Bắc Hà, Triều đình Huế thuê quân Tàu Mãn Thanh do Phùng Tử Tài, Từ Duyên Húc chỉ huy, và quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc chống cự. Để cung cấp lương thực cho chúng, nhân dân phải quyên liễm hết đợt này đến đợt khác. Bọn lính Tàu tước Tàu lại cậy thế hà hiếp người địa phương. Dân chúng kêu trời không thấu! Ông Ích Khiêm rất bất bình, nhưng cô thế không làm gì được, đành gởi lòng bực tức vào thơ:

Áo chúa cơm vua đã bấy lâu
Đến khi có giặc phải thuê Tàu
Từ phen võng giá mau chân nhảy
Đến bước chông gai thấy mặt đâu!
Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp
Trâu dê ngày hiến lũ răng bầu [1]
Ai ôi hãy chống trời Nam lại
Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu…

Thuê Tàu Mãn Thanh chống Pháp, nếu Pháp diệt được rồi thì trở lại làm nô lệ cho người Mãn và theo phong tục Mãn dân Việt Nam sẽ phải cạo đầu dóc tóc như người nhà Minh. Cho nên Ông chủ trương tự mình ra sức “chống trời Nam lại”. Đó là tinh thần tự cường và bất khuất của dân tộc.
Sau khi vua Tự Đức thăng hà, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết lộng hành, tự chuyên phế lập. Ông Ích Khiêm phản đối, bị bắt hạ ngục rồi đày vào Bình Thuận. Lúc đi đường, có bài Cảm thuật:

Mình ốc mang rêu rửa sạch ai
Rung cây nhát khỉ thói quen hoài
Mèo quào xuể vách còn chi sức
Sứa nhảy qua đăng mới gọi tài
Nhớ kẻ dang roi tung vó ngựa
Đố ai lấy thúng úp mình voi
Truông qua chưa khỏi đừng khinh khái
Chim sổ lồng ra… để đó coi. [2]

Lòng uất hận tràn ngập lời thơ!
Toàn bài dùng phương ngôn tục ngữ. Riêng câu thứ 5 dùng điển tích: Điển “dược mã Đàn Khê”, tức là tích Lưu Huyền Đức bị tướng của Lưu Biểu là Thái Mạo bày mưu hãm hại ở Tương Dương. Nhờ Y Tịch chỉ đường dẫn lối. Huyền Đức lên lưng ngựa Đích Lư chạy thoát trùng vây. Nhưng đến Đàn Khê thì tuyệt lộ. Trước mặt nước ngăn, sau lưng quân địch đuổi theo gần kịp! Huyền Đức đánh liều cho ngựa lội sang khe. Đi mới được mấy bước, ngựa bị sa lầy. Huyền Đức khiếp đảm dang roi quất mạnh vào mông ngựa và quát lớn:
- Đích Lư! Đích Lư! Mày quả là giống hại chủ! [3]
Tiếng quát vừa dứt thì ngựa rút chân ra khỏi lầy và tung vó nhảy vút… Dường bị ném lên từng mây, Huyền Đức kinh hồn nhắm mắt… Khi mở mắt thì thấy đã qua khỏi khe, thân ngồi yên trên lưng ngựa.
Thế là thoát nạn.
Chẳng những thoát nạn, mà nhân đó còn gặp được bậc cao hiền là Tư Mã Huy, và nhờ Tư Mã Huy mà gặp được Từ Thứ, Gia Cát Lượng, Bàng Thống…
Thật là nhờ rủi mà được may.

Ông Ích Khiêm dùng điển ấy là do câu thứ tư gợi ý. Nhân mấy chữ “sứa nhảy qua đăng” mà liên tưởng đến “ngựa nhảy qua suối”. Sao biết? Vì ý kia sanh ý nọ, chuyện nọ gợi chuyện kia…, là sự thường trong việc làm thơ chớ không có chi lạ. Và sức tưởng tượng đã giàu, công hàm dưỡng công tập luyện lại lắm, thì ý động liền tứ sanh, tứ sanh thì chữ đến. Không còn gò gẫm chải chuốt, câu thơ tự nhiên hay:
Nhớ kẻ dang roi tung vó ngựa.

Trong câu này, tác giả ngụ ý nhủ cùng mình nhắn cùng người rằng “Việc rủi hôm nay biết đâu lại không phải là mầm của việc may trong mai hậu”. Và cái ý ấy theo “mạch ngầm” xuống câu kết để hình hiện nơi “Chim sổ lồng ra” và phát tiết nơi “để đó coi”.
Hy vọng thật tràn trề. Nhưng ý muốn không thực hiện được: Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết sợ di họa về sau, ngầm ra lệnh cho kẻ cầm quyền Bình Thuận ám hại Ông Ích Khiêm bằng cách bỏ chết đói trong ngục thất.
Một đời tài hoa, chỉ còn lại mấy vần thơ làm sự nghiệp!
Tuy vậy, thử xem Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, một đời làm mưa làm gió, nhắm mắt rồi, còn lại được gì nơi thế gian?!

Và xem mấy bài thơ còn sót lại, không thấy một điểm nào thể hiện tánh khùng của Ông Ích Khiêm, mà chỉ thấy bóng dáng con người cương cường bất khuất, con người thấy rộng hiểu sâu, con người biết trọng danh dự của Tổ Quốc, con người biết nghĩ tưởng đến đồng bào…
Tiếng KHÙNG ngày xưa có lẽ cũng đồng nghĩa với tiếng GÀN tiếng NGÔNG đời nay. Mà khùng, gàn, ngông mà người đời thường gán cho các nhà thơ các nhà văn các nhà chánh trị…, không có gì khác hơn là tánh không xu thời, không chạy theo kẻ quyền thế, không ham phú quí…, bo bo giữ phẩm giá giữ khí tiết… mặc dù phải chịu cực, chịu nghèo…

Tôi chưa biết rõ về thân thế tánh tình của Ông Ích Khiêm. Chỉ dựa theo thơ mà đoán người. Vì thơ là người, mà mấy bài của Ông Ích Khiêm là thơ, bởi có thanh có vị và đọc rồi còn phảng phất dư âm.


[1] Răng hạt bầu: răng trắng - Răng hạt huyền: răng đen. Ngày xưa hễ lớn  lên đàn ông đàn bà Việt Nam đều nhuộm răng đen. Ai để răng trắng bị chê cười.
[2] Bài này nhiều sách chép đôi chữ khác, đôi câu khác: như câu 2: “Rung cây nhát khỉ thế thường hoài”, “Sao cứ rung cây nhát khỉ hoài”; như câu 5: “… dong vó ngựa”; như câu 7: “Xưa nay ếch giếng chê trời hẹp, chim sổ lồng ra mở mắt coi”.
[3] Có người coi tướng ngựa cho Lưu Bị biết rằng con Đích Lư là ngựa sát chủ, muốn dùng phải cho người dời trước, rồi sẽ cỡi. Lưu Bị không nghe.