Hương Vườn Cũ 32.




Vương An Thạch là một trong tám đại gia văn chương Đường Tống [1]. Tác giả Tùy Viên Thi Thoại phê bình:
- Văn Kinh Công thì khó có người vói thấu bâu áo. Nhưng thơ, Kinh Công còn đứng ngoài cửa làng thơ.
Ở Việt Nam trong làng Quốc âm, cũng lắm người văn hay mà thơ không hay.
Như Lê Quí Đôn là một.

Họ Lê là một nhà bác học. Những bộ sách về chữ Hán mà ông đã soạn và còn truyền lại là những bộ sách vô cùng quí giá. Phẩm đã cao mà lượng cũng dày. Về bên quốc văn thì còn truyền lại mấy bài Kinh Nghĩa, Văn Sách phú và một ít thơ Hàn luật.
Bài Kinh Nghĩa “Mẹ khuyên con lúc về nhà chồng” và bài Văn Sách “Lấy chồng cho đáng tấm chồng” cùng bài phú “Mẹ ơi con muốn lấy chồng” v.v… là những bài kiệt tác, trước họ Lê không có ai, sau họ Lê cũng không có ai theo kịp. Tức là những bài văn “không tiền khoáng hậu”.
Còn thơ Hàn luật thì nghe truyền mấy bài:

VỊNH TRƯƠNG LƯƠNG
Khôn thay rất mực bác Lưu hầu
Lui tới thong dong tự trước sau
Vì giận không thành mưu Bác Lãng [2]
Nên đành phải bội ước Hồng Câu [3]
Xuy tiêu khiến giặc lòng sanh chán [4]
Tịch cốc theo tiên kế rất màu [5]
Sách cũ một pho ba tấc lưỡi [6]
Nhà nho như thế thật phong lưu…

VỊNH GIA CÁT LƯỢNG
Long Cương nằm khểnh hát nghêu ngao [7]
Vì cảm ơn sâu biết tính sao
Hai biểu ra quân lòng đã tỏ [8]
Tám đồ bày trận giá càng cao [9]
Tam phân gặp buổi đương tranh vạc [10]
Ngũ Trượng ngờ đâu buổi tối sao [11]
Miếu cũ ngày nay qua tới đó
Tấc lòng khởi kính biết là bao.
Văn chương thật không hơn gì thơ vịnh cổ trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập. Lời cứng vị khô, đọc nghe như những hàng toát yếu những trang lịch sử về Trương Lương và Gia Cát Lượng. Những bài kinh nghĩa, văn sách… của họ Lê ý vị bao nhiêu thì thơ của họ Lê nhạt nhẽo bấy nhiêu.
Cũng thì vịnh Gia Cát Lượng, mà đọc những câu thơ của Đường Đỗ Phủ:
- Tam phân cát cứ vu trù sách
Vạn cổ vân tiêu nhất vũ mao [12]

- Xuất sư vị tiệp thân tiên tử
Trường sử anh hùng lệ mãn khâm. [13]
thì lòng tự nhiên sanh cảm thương Gia Cát Lượng, trong khi đọc thơ Lê Quí Đôn lòng thấy dửng dưng.

Thơ vịnh cổ cũng như thơ cảnh thơ tình, có rung cảm được lòng người mới là thơ hay.
Có thể kết luận rằng thơ Quốc âm là sở đoản của Lê Quí Đôn, và họ Lê là một học giả một văn sỹ lỗi lạc chớ không phải một thi nhân có biệt tài.

***
Trường hợp ĐẶNG TRẦN THƯỜNG cũng không khác Lê Quí Đôn.
Bài TẦN CUNG NỮ OÁN BÁI CÔNG VĂN là một bài tứ lục quán tuyệt thiên cổ.

Nguyễn Hữu Chỉnh bị vua Quang Trung bỏ rơi, khi từ Thăng Long vượt thuyền vào Nghệ An, trên thuyền làm một bài cũng mượn lời Tần Cung Nữ oán trách Bái Công đã nghe lời Trương Lương mà rời khỏi Cung A Phòng, để ám chỉ vua Tây Sơn. Đem bài họ Nguyễn so với bài họ Đặng, thì bài họ Nguyễn kém thua.
Cho nên bài Tần Cung Nữ Oán Bái Công Văn của Đặng Trần Thường, cũng như các bài Văn Sách, Phú, Kinh Nghĩa của Lê Quí Đôn, trước sau đều không có địch thủ.
Nhưng cũng như họ Lê, thơ họ Đặng không mấy xuất sắc. Đơn cử một bài:

NAM HÀNH
Quốc bộ gian nan lặn lại trèo [14]
Bắc nam đôi ngả lối quanh queo
Một hơi kéo miết chân chồn dại
Nửa chữ không còn bụng đói meo
Hoa chửa tan sương cười dở khóc
Nước còn vương đá chảy vừa reo
Ước gì thân hóa ra chim nhỉ
Muôn dặm đồ nam cánh nhẹ vèo. [15]

Bài này họ Đặng làm lúc bị Ngô Thời Nhiệm bãi đãi, quyết chí vào Gia Định phò Nguyễn Ánh.
Văn chương lão luyện. Song thiếu sức truyền cảm, đọc không thấy hào hứng, nghe xong không còn dư âm.
Như thế cũng đủ thấy rằng không phải bụng chứa thiên kinh vạn quyển mà làm thơ hay, không phải hễ văn tinh diệu thì thơ cũng tinh diệu. Khách phong tao cũng như người đời không ai thập toàn, ai ai cũng có sở trường sở đoản.

Cũng như đối với Lê Quí Đôn, thơ là môn sở đoản đối với Đặng Trần Thường.
Trong đời có lắm người không sở trường về thơ mà lại sính làm thơ.
Đường thi có câu:
Ngâm thi hảo tợ thành tiên cốt
Cốt lý vô thi mạc lãng ngâm.

Nghĩa là:
Ngâm thơ đẹp để thành tiên
Không thơ trong cốt chớ phiền ngâm thơ. [16]

Thời nào, nơi nào cũng có người “trong người không có chất thơ” mà ưng lãng ngâm. Để cảnh cáo, tác giả Tùy Viên Thi Thoại có câu:
- Ông Cao Dao có làm ca từ, ông Võ Tắc không nghe có ca từ. Ông Châu ông Thiệu có làm thi, ông Thái Công không nghe có thi. Thầy Tử Hạ, thầy Tử Cống có nói thi, thầy Nhan thầy Mẫn không nghe nói thi. Như thế người đời gắng sức làm thi mà làm chi vậy?

Ý Viên Mai muốn nói hễ có tài có đức thì danh lưu thiên cổ, hà tất phải hao công nhọc sức làm ra những câu thi vần ca không có gì đặc sắc.
Có lẽ đã thấu suốt chân lý, nên họ Đặng cũng như họ Lê không để nhiều thơ lại hậu thế.
Và chính vì số ít ỏi đó làm cho những bài thơ còn sót lại trở thành quí giá.

***
Đặng Trần Thường cùng Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích, Nguyễn Huy Lượng là bốn nhà văn học có thanh danh cuối đời Lê. Họ Đặng vào Nam giúp nhà Nguyễn Gia Miêu. Họ Ngô, họ Phan, họ Nguyễn ở lại Bắc phò nhà Nguyễn Tây Sơn.

NGÔ THỜI NHIỆM không thấy có văn thơ truyền tụng. Song xem như khi nhà Tây Sơn bị diệt, họ Ngô bị Đặng Trần Thường bắt làm nhục để trả mối thù bị bạc đãi khi xưa, mà đối đáp một cách dễ dàng lanh lẹ, thì biết rằng là người có tài về Quốc âm.
Họ Đặng ra câu đối:
- Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai.
Họ Ngô đối ngay:
- Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế.

Lời đã hay, ý lại sát với cảnh ngộ. Nếu không phải tay lão luyện, làm gì một đúc mà nên.
Có lẽ vì bị Đặng Trần Thường ám hại, nên sự nghiệp văn chương của họ Ngô không ai dám săn sóc mà bị trôi theo thời gian. Chớ lý nào một người học vấn uyên thâm, tài nghệ mẫn thiệp như thế, mà bình sinh lại không có tác phẩm văn chương.

NGUYỄN HUY LƯỢNG nổi danh về bài phú Tây Hồ Tụng. Một bài phú vừa giàu vừa sang. Phạm Thái cố công họa vận để công kích, nhưng một bên phong lưu hào mại, một bên gò bó câu mâu. Về mặt văn chương, hơn kém rõ rệt. Ngoài ra còn truyền tụng: Hồi Loan Khúc, Bình Tây Khúc, Ngự Đạo Hành Cung Nhật Trình, và một ít Hàn thi.
Về thơ, Nguyễn Huy Lượng cũng không phải tay kiệt hiệt. Bài Vịnh Tây Hồ làm theo lối hồi văn cách là một bài thơ được phổ biến nhất, chỉ thuộc vào hàng tiểu xảo mà thôi. [17]

PHAN HUY ÍCH có tác phẩm lưu thế nhiều hơn Nguyễn Huy Lượng và Đặng Trần Thường.
Bên chữ Hán thì có:
- Dụ Am Văn Tập.
- Dụ Am Ngâm Tập.
- Vân Du Tùy Bút Tập.
Bên Quốc âm thì có:
- Trên mươi bài văn tế.
- Chừng mươi bài thơ Hàn luật.
- Bản dịch Chinh Phụ Ngâm.

Họ Phan sở trường về văn tế hơn về thơ.
Về văn tế, nếu đem so sánh cùng tác phẩm của Đặng Đức Siêu, thì lời văn của Phan công có phần sút: giọng không được du dương, chữ dùng đôi khi có hơi quê chớ không được óng chuốt như của Đặng công: [18]

Đóa thượng uyển hây hây đua nở, giọt sương ngưng mà hiu hắt màu hoa;
Vầng thái âm vằng vặc sáng lòa, hơi vụ ngất dễ mịt mờ bóng quế.
Nhẽ đổi thay máy tạo khôn dò,
Cơn tan hợp đoạn tình xiết kể!
Nẻo thuở doành Hoàng phô vẻ, trau vàng chuốt ngọc vẹn mười phân;
Trải phen bến vị đưa duyên, phím sắc xoang cầm vầy một thể.
…………...........................
                                                                        (Văn tế Ngọc Hân Công Chúa)

Về thơ, thì văn chương có phần khô và cứng. Như:

TIỄN QUAN TRẤN PHỦ
Xôn xao xe ngựa vội lai kinh
Kẻ vọng trần thêm nặng gánh tình
Chuông rượu ngập ngừng cơn hội tiễn
Túi thơ e ấp nẻo qui trình
Từng mây xa ngóng tòa thai sáng [19]
Bên gác lần nghe tiếng đẩu canh
Dành tiệc sum vầy non nước cũ
Cam nguyền hương lửa vẹn ba sinh.

Thêm một bài nữa:

Non nước sum vầy trước chiếu thơ
Giục người sang cũ vẻ xuân giờ
Dùng dằng dặm liễu dừng chân ngựa
Bát ngát doành châu lét ngọn cờ
Hương lửa xiết bao niềm kính mến
Bèo mây dễ mấy chốn nương nhờ
Tiễn diên vâng đội lời vàng ngọc
Tấc bóng am tây luống thẫn thờ.

Bài này đầu đề là: “ Lạp trung hồi sơn, họa Trấn quan tiễn vận”. Nghĩa là Giữa tháng Chạp về núi, họa vận bài quan trấn thủ đưa tiễn.
Cả hai bài đều thiếu chất thơ. Thật giống những đóa hoa bằng giấy, những trái cây bằng sáp. Người đọc không còn thấy dư thú khi đọc xong.
Còn về bản dịch Chinh Phụ Ngâm, có nhiều học giả như Nguyễn Hữu Tiến, Hoàng Xuân Hãn… bảo rằng bản bấy lâu truyền là của Đoàn Thị Điểm, chính là của Phan Huy Ích.
Tôi không tin.
Chẳng những vì không có bằng cớ chắc chắn, mà còn vì văn chương trong khúc ngâm và văn chương của Phan Huy Ích khác hẳn nhau.

Văn chương của Phan Huy Ích như chúng ta đã thấy nơi văn tế và thơ, lời tuy dụng công trau chuốt nhưng vẫn giữ vẻ chất phác, có đôi khi đi đến chỗ quê vụng:

Kiếp nam nhi vẹn nghĩa ấy nên danh,
Đạo sư suy suy tình mà đặt lễ.
……………………………
Tồn tuất cho nhờ có điển thường,
Khao thưởng đều thỏa chừng phận nghị.
……………………………
                                                (Văn tế tướng sỹ trận vong)

Còn văn trong Chinh Phụ Ngâm tương truyền của bà Đoàn, thì nhẹ nhàng tươi đẹp. Để một bên những văn thơ của ông Phan, thật chẳng khác một cô gái xuân đứng cạnh một vị quan lớn sắp ăn lễ thất tuần.
Bản dịch của Phan Huy Ích biết đâu lại chẳng phải là bản mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn bảo là của bà Đoàn. Nếu không phải bản đó thì là bản nào khác nữa, chớ không thể là bản được phổ biến sâu rộng bấy lâu.
Nói tóm lại PHAN HUY ÍCH là một nhà nho hay chữ, một nhà văn học rộng, chớ không phải một nhà thơ như Ôn Như Hầu, Phạm Thái, Đặng Đức Siêu…

***
Sang triều Nguyễn, các nhà đại khoa như Ngô Thế Vinh, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Quý Tân, Vũ Duy Thanh…, tuy nổi danh một thời, mà tác phẩm để lại không mấy, lại những bài thơ lưu thế không được nhiều người thuộc. Đó là vì thơ của quí vị, cũng như thơ của Phan Huy Ích, thiếu sức truyền cảm. Mà thơ có sức truyền cảm chẳng những nhờ tình thâm ý hậu mà còn nhờ câu văn có nhiều hình ảnh, giàu âm nhạc, đọc nghe ý nhị, thú vị.
Thơ thiếu hình ảnh gọi là “hữu cán vô ba”.
Thơ thiếu âm nhạc gọi là “hữu thanh vô vận”. [20]
Thơ thiếu ý nhị gọi là “hữu cách vô thú”.
Âm nhạc tức là thanh. [21]
Hình ảnh tức là sắc.
Ý nhị tức là thú, tức là vị.
Thanh, sắc, vị là ba yếu tố của thơ. Và sức truyền cảm do ba yếu tố đó sinh ra.

Những bài thơ bài văn còn sót lại của các bậc tiền bối kể trên đã được nhiều sách chép, như Văn Đàn Bảo Giám của Trần Trung Viên, Giai Thoại Làng Nho của Lãng Nhân. Trong Giai Thoại Làng Nho có nhiều bài xưa nay rất ít người biết. Để cho bạn đọc nào không có hai quyển sách này trong thư viện gia đình, tin lời nói của tôi, tôi xin trích dẫn ra đây một ít:

TỰ THUẬT
Chửa chết cho nên phải sống dai
Sống dai như tớ cũng buồn cười
Đổi liều cừu mã chừng ba chén
Bán rẻ văn chương quá nửa đời
Bút giấy ông Đào còn trách trẻ
Gió trăng thầy Thiệu dám thua ai
Trời cho một chữ nhàn là quí
Chẳng cứ dù xe với mũ đai.

Đó là thơ của Ngô Thế Vinh.
Họ Ngô đậu Tiến sỹ khoa Kỷ Sửu năm Minh Mạng thứ 10 (1829). Khoa ấy trúng tuyển chín người hầu hết đều là những thanh niên tuấn tú. Người đậu đầu là Nguyễn Đăng Huân mới 25 tuổi. Một nữa là Phạm Quý cũng mới 25 tuổi. Nguyễn Trữ 26 tuổi. Ngô Thế Vinh và Phạm Thế Hiển 27 tuổi. Còn bốn người khác từ 33 tuổi trở lên. Khoa ấy nhờ tuổi thanh niên của các vị tân khoa mà tiếng nổi như phao. Riêng tiếc là thơ Quốc âm để lại quá ít, mà lại không phải ánh dương nương sương móc. [22]
PHẠM VĂN NGHỊ đậu sau Ngô Thế Vinh đến ba khoa, tức chín năm. Cụ là thầy học của hai danh sỹ Nguyễn Khuyến và Trần Bích San. Thơ Nôm của cụ chỉ còn truyền lại hai bài tuyệt cú:
Ta chẳng hơn ai chẳng kém ai
Ơn vua về ở động Thiên Thai
Thiên Thai chỉ có non cùng nước
Non nước vui chơi gác chuyện ngoài.
II
Tay vác cần câu tới Thạch Bàn [23]
Cá tuy không được vẫn ngồi gan
Có ai xem giỏ cười không cá
Không cá nhưng ta đã được nhàn.

NGUYỄN QUÝ TÂN thi đậu Tấn sỹ đời Thiệu Trị khoa Nhâm Dần (1842). Truyền rằng ông có tài nhưng học lực không uẩn súc, và hạnh lại không cao. Nhưng theo bài Về Vườn sau đầy thì thấy tâm hồn không tục:
Đường mây qua lại vó câu dong
Chán mặt non sông nghĩ thẹn thùng
Mùi thế thử chơi chừng ấy đủ
Cuộc đời đã hẳn lúc nào xong
Thôi thôi xin vái cùng chung đỉnh
Kẻo kẻo còn rầy với kiếm cung
Lếu láo điền viên vui thú nhỉ
Hoa đào năm cũ gió cơn đông.

Bài này và bài của Ngô Thế Vinh từ điệu tương tợ. Nếu không biết rõ, có thể lầm là của một tác giả.
THÁI DUY THANH đậu Bảng Nhãn thị Trạng Nguyên [24] khoa Bác Học Hoành Từ năm Tân Hợi, Tự Đức tứ niên (1851).

Năm ấy ngoài hai khoa thi thường lệ là thi hương và thi hội, nhà vua cho mở thêm kỳ thi chế khoa, gọi là Bác Học Hoành Từ.
Khoa thi này thể thức cũng tương tợ như khoa thi hội thường lệ, chỉ khác:
- Thường lệ chỉ những người đậu cử nhân mới được ứng thí.
Chế khoa cho phép tất cả mọi người tự thấy mình học lực uyên bác mà đã đậu được tú tài rồi thì được ứng thí.
Thường lệ, những người đậu Phó Bảng không được phép thi hội trở lại để lấy Tấn sỹ.
Chế khoa cho phép các vị Phó bảng và các quan lớn chưa đậu Tấn sỹ được phép thi.
- Những vị trúng tuyển khoa thường lệ gọi là Tấn sỹ.
Những vị trúng tuyển khoa Hoành Từ gọi là Cát sỹ.
Thái Duy Thanh đậu Phó bảng kỳ thi hội thường lệ năm Tân Hợi. Đến khoa Hoành Từ tiếp theo thi đậu Bảng Nhãn. Vì triều Nguyễn không lấy Trạng Nguyên, nên mới gọi Bảng Nhãn thị Trạng Nguyên.

Vì sao lại mở khoa Hoành Từ?
Trong tờ sắc của nhà vua chỉ nói là “để lượm hết anh hào không cho lọt ra ngoài lưới bủa, mà cũng không để dê với cọp chung lộn cùng nhau”.
Nhưng nghe truyền rằng: Khoa thi hội năm Tân Mão, Phạm Thanh người Thanh Hóa đậu Bảng Nhãn. Khi treo bảng xong, vua Tự Đức nằm mộng thấy có người bảo “khoa này bỏ sót nhân tài” rồi đưa ra một tấm bảng có hai chữ THANH. Tỉnh dậy vua rất lấy làm phân vân, bèn sắc tứ mở khoa Hoành Từ. Khoa Hoành Từ, Thái Duy Thanh đậu Bãng Nhãn, ứng vào điềm mộng của nhà vua. [25]

Câu chuyện nghe vui vui. Tôi chợt nhớ đến chuyện một vị đại thần thời xưa bên Trung Quốc, chấm thi mệt quá ngồi ngủ gà ngủ gật. Trong lúc mơ mơ màng màng thấy một vị thần mặc áo đỏ hiện đến. Hễ chấm đến quyển nào thấy thần gật đầu là lấy đậu. Sau xét lại thấy những quyển lấy đậu đều trúng cách, mới biết là thần linh. Do đó mà có câu:
Văn chương tự cổ vô bằng cứ
Đản nguyện Châu y ám điểm đầu. [26]

Cho nên xưa nay trong việc thi cử người gặp may cũng nhiều mà người gặp rủi cũng không phải ít. Học tài thi phận là vậy đó.

Nhưng đó là việc văn chương trong trường ốc, quan trường chỉ có một nhóm người, mà nhóm người đó chắc chi toàn là người có thực học chân tài. Vì vậy mới có sự may rủi .
Còn việc văn chương ngoài đời thì hễ hay thì được truyền tụng lưu thế. Bằng dở hoặc không mấy hay thì bị tiêu diệt. Vì quan trường là toàn thể nhân dân. Người này ngủ, nhóm này ngủ, thì có người kia thức, nhóm kia thức, không cần phải có thần áo đỏ mới phân biệt được giá trị của văn chương. Thêm nữa ngoài dân gian tuyển trạch thi phẩm văn phẩm để thưởng thức, chỉ bằng vào giá trị của văn chương chớ không cần đến địa vị danh vọng của tác giả. bởi vậy thơ của các vị Bảng nhãn Thám hoa mà không mấy hay thì vẫn không được lưu truyền hậu thế, nhất về bên Quốc âm.

Bảng nhãn Thái Duy Thanh có tiếng là sở trường về Quốc âm. Ông có tài xuất khẩu thành thơ. Như năm Tự Đức bát niên (1855) vào làm chánh chủ khảo trường Bình Định, đi ngang qua đèo Hải Vân, nằm trên cáng ông làm một bài tập cổ: [27]

Vân khởi cao đài nhật vị trầm
Đạm yên sơ khánh tản không lâm
Tam xuân nguyệt chiếu thiên sơn lộ
Lục mạc thiên không vạn lý tâm
Tử giản thượng thiêm hoàng chỉ án
Ngọc thư ưng niệm tố trần xâm
Nhất danh sở hệ vô cùng sự
Nhật mộ liêu vi Lương Phủ ngâm.

Mượn tám câu thơ trong tám bài thơ của tám thi nhân khác nhau để đúc thành một bài thơ ý liền, đối chỉnh, vần linh, như thế thật là tài tình! Rồi trong khoảnh khắc, tự dịch ra Quốc âm:

Mây phủ đài cao bóng ác tà
Khánh đâu rừng vắng vẳng nghe qua
Ba xuân trăng tỏ nghìn non quạnh
Sáu cõi trời cao vạn dặm xa
Ân nặng bao phen tờ dụ xuống
Tình riêng những ngại bụi đời nhơ
Cái danh ràng buộc thêm nhiều việc
Khúc cũ ngâm tràn luống ngẩn ngơ.

Lời văn lưu loát và lột được ý của những câu Hán văn.
Ở trường thi, nhớ thầy học là thủ khoa Phạm Thục mười năm trước làm đốc học Bình Định, Thái Duy Thanh có bài thơ cảm cựu:

Giấc mộng phù sinh bóng bạch câu
Cõi đời thấm thoát có bao lâu
Theo đường xe ngựa mau chồn bước
Nhuốm vẻ quan san dễ bạc đầu
Tiếng sóng bên gành cơn gió thoảng
Ngọn đèn trước án bóng trăng thâu
Tuyết hồng nhớ chuyện mười năm trước
Một nén tâm hương gợi mối sầu.

Thơ Quốc âm của Thái Duy Thanh, ngoài tập Giai Thoại Làng Nho, chưa thấy sách nào nói đến. Trong Giai Thoại Làng Nho, ông bạn Lãng Nhân sưu tập được mươi bài thơ và một bài phú. Tôi được các bậc tiền bối ở Bình Định đọc cho nghe thêm một bài nữa:

GỞI ĐỒNG BÀO NAM KỲ
Nam bắc đâu đâu cũng đội trời
Tấc vàng tấc đất hỡi ai ơi
Trăm năm công đức nên ghi dạ
Một gánh cương thường phải ghé vai
Thế sự ngán thay cơn gió bụi
Anh hùng bao quản bước chông gai
Hoài Nam khúc cũ ai còn nhớ [28]
Còn nhớ cùng nhau họa mấy bài.

Bài này làm vào khoảng Tự Đức thứ 12 (1859) lúc Pháp đã lấy ba tỉnh Nam Kỳ, Nguyễn Tri Phương, bạn thâm giao của ông, vào quân thứ chống với Pháp. Bài này ông gởi cho ông Nguyễn mang vào Nam để phổ biến trong hàng nhân sỹ.

Tất cả thơ của Thái Duy Thanh mà tôi được đọc, văn chương già dặn, song khô khan.
Một bài thơ hay, theo thiển ý, là một bài thơ làm rung cảm người đọc về mặt tâm lý, sinh lý hay trí tuệ. Những bài thơ của Thái Duy Thanh cũng như của các vị đại khoa kể trên, vẫn có tình, vẫn có ý song đọc rồi không còn thấy dư âm.

Như bài Qua đèo Hải Vân, tình ý trong bài thơ dịch vốn là tình ý trong bài thơ Hán tự. Nhưng đọc bài Hán tự thấy đượm đà, còn đọc bài dịch lại thấy lợt lạt! Vì sao vậy? Chỉ vì trong thơ Hán văn, thanh sắc giàu hơn trong thơ Quốc âm. Thanh sắc hợp cùng tình ý tạo nên vị. Có vị mới có thú. Có thú mới cảm được lòng người khi đọc, giữ được lòng người khi đọc xong.
Nhưng có nhiều vị túc nho thích những bài thơ như các bài thượng dẫn hơn loại thơ diễm lệ, khắc hoạch. Có lẽ vì các cụ đã quen với lối thơ cử nghiệp, tức là lối thơ nằm trong khuôn khổ của trường ốc, hoặc vì tánh người xưa thường ưa những gì lợt lạt giản dị.

Đối với những người đã chịu ảnh hưởng thơ Đường của Trung Hoa, thơ lãng mạn, thơ tượng trưng… của Pháp thì chỉ thích loại thơ:

Vơ vẩn tơ vương hồn Đại Việt
Thanh tao thép luộc giọng Hàn Thuyên.

Tuy vậy, khách yêu thơ vẫn quí trọng, vẫn gìn giữ những án văn chương của người xưa còn sót lại, vì là những viên đá quí của nền văn học Việt Nam.




[1] Bát đại gia: Hàn Dũ, Liễu Tôn Nguyên (Đường), Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Tăng Tử Cố, Vương An Thạch (Tống).
[2] Trương Lương thuê lực sỹ thích khách Tần Thủy Hoàng tại Bát Lãng, nhưng việc không thành.
[3] Bái Công đã đính ước cùng Hạng Võ cắt sông Hồng Câu làm giới hạn cho Hán và Sở để giảng hòa, nhưng Trương Lương, để báo thù cho nước Hàn bị Hạng Võ diệt, bèn xúi Bái Công bội ước, ra binh đánh Hạng Võ.
[4] Hạng Võ bị vây ở Cai Hạ, Trương Lương thổi tiêu làm cho quân sỹ nhớ nhà bỏ đi hết.
[5] Sau khi Bái Công nhất thống sơn hà thì Trương Lương tịch cốc tòng tiên để tránh nạn tru di như Hàn Tín.
[6] Sách cũ: sách binh cơ đồ trận Huỳnh Thạch Công tặng.
[7] Long Cương: nơi Gia Cát Lượng cao ẩn.
[8] Hai biểu ra quân: Khổng Minh dâng hai lần biểu cho Lưu Thiện xin đi đánh Ngụy.
[9] Tám đồ bày trận: Bát trân đồ vây Lục Tổn tại bến Ngư Phúc.
[10] Tam phân đảnh túc: Tam quốc.
[11] Ngũ Trượng: Gò Ngũ Trượng. Khổng Minh đóng binh ở đó. Khi nhuốm bệnh, xem thiên văn thấy sao bổn mạng bị mờ, biết rằng sắp chết.
[12] Câu thơ đại ý nói: Đã trù tính sẵn thế cắt giữ bằng cách chia ba thiên hạ, nhưng muôn dặm ngoài mây xanh chỉ có một chiếc lông vận chuyển.
[13] Câu thơ ý nói: Ra binh chưa thắng được giặc mà thân đã chết, khiến kẻ anh hùng thương xót, nước mắt mãi mãi dầm bâu áo.
[14] Quốc bộ: Vận số của nước nhà.
[15] Đồ nam: tính qua bể Nam. Mượn chữ trong Nam Hoa Kinh tích chim bằng chuẩn bị bay sang biển Nam. Nghĩa bóng: chí vọng cao xa.
[16] Ngâm đây không phải là đọc mà là làm, cho nên có chữ Khổ ngâm là làm thơ một cách khắc khổ. Câu dịch chữ ngâm thành ngâm nga. Biết vậy nhưng không làm khác được!
[17] Đã dẫn ở chương 20 nói về thơ vịnh cảnh Tây Hồ ở trước.
[18] Văn tế của Đặng Đức Siêu đã phổ biến từ học đường đến dân gian, ai ai cũng đã rõ, nên không trích.
[19] Tòa thai: Sao tam thai ví với chúa tam công trong triều.
   Tiếng đẩu: diêu đẩu là một vật dùng trong khi hành quân thuở xưa. Vật ấy bằng đồng lớn bằng đấu đong lúa, ban ngày dùng nấu ăn, ban đêm dùng làm phèn la canh gác.
[20] Đã nói ở các bài trước.
[21] Xin chớ lẫn chữ “thanh” đây với chữ “thanh” trong câu “hữu thanh vô vận”. Chữ thanh kia đồng nghĩa với chữ vận này.
[22] Phỏng dịch chữ “Dương a đới lộ” là tên một khúc đàn cao đẹp sau Dương Xuân Bạch Tuyết.
[23] Thạch Bàn ở tỉnh Ninh Bình.
[24] Triều Nguyễn không lấy Trạng Nguyên - Truyền rằng chức Trạng Nguyên nhượng cho Trung Quốc.
[25] Trong Giai Thoại Làng Nho kể tường tận, đây chỉ lược.
[26] Câu ấy đại ý nói: Từ xưa đến nay không có gì có thể đo lương được mức hay dở của văn chương, nên chỉ nguyện cầu thần áo đỏ gật đầu để ám trợ. Ý nói là cầu may chớ không tin ở não sáng suốt của các quan trường.
[27] Trong Giai Thoại Làng Nho, Lãng Nhân giảng giải rất kỹ về bài thơ này - Về Thái Duy Thanh, trong Giai Thoại cũng nói đầy đủ - Có nhiều chuyện lý thú.
[28] Hoài Nam khúc là khúc hát của ông Hoàng Quang người Thừa Thiên, soạn thời Tây Sơn, để tỏ lòng nhớ các chúa Nguyễn đã khuất.