Hương Vườn Cũ 36.C




Văn chương của cụ NGUYỄN TRỌNG TRÌ về bên Hán tự đã được  cụ Huỳnh Thúc Kháng ca tụng trong tập Thi Tù Tùng Thoại. Ở đây chỉ xin giới thiệu một ít thi ca Quốc âm.
Và trước khi nói đến văn chương, xin nói qua về thân thế của cụ.
Ở Bình Định các sỹ phu thường gọi cụ Nguyễn là cụ Nghè Vân Sơn chớ ít khi gọi tên. Đó là do lòng kính trọng bậc có tài có đức, có danh vọng cao.
Vân Sơn là tên làng của cụ.
Còn Nghè là tiếng tôn xưng những người được triều đình ban cho hàm Hàn Lâm viện. [1]
Cụ Vân Sơn được hàm Hàn Lâm là vì cụ đậu cử nhân và có xuất sỹ. Cụ làm tư vụ cơ mật dưới quyền Tôn Thất Thuyết.

Tôn Thất Thuyết là người tàn bạo, những quan lại lớn nhỏ đều sợ khiếp via. Nhất là các quan hành tẩu, thường gọi là ông Nghè, mỗi lần ôm trắp công văn đến hầu chữ, là mỗi lần khổ tâm. Phải chầu chực cả buổi mới được vào hầu. Lắm khi còn bị trách mắng thậm tệ! Cụ Vân Sơn cũng là một trong những vị quan bưng trắp đi hầu chữ. Nhưng được Tôn Thất Thuyết biệt đãi. Ông Thuyết biệt đãi cụ là vì cụ không sợ uy quyền, hễ thấy việc trái là nói, nghe lời trái là cãi, và ông Thuyết biết cụ là người có tài lại có tâm huyết. Ông Thuyết biết tài cụ từ khi cụ chưa vào ngạch quan lại.
Nguyên một hôm nhân trời mưa vua Tự Đức ra câu đối:
- Thủy trích bích tường sanh khổng tử.

Nghĩa là: “Nước mái hiên nhỏ xuống thềm sanh những giọt nho nhỏ không đứng yên”.

Đình thần không ai đối được.
Không đối được là vì chữ “Khổng tử” vừa là những giọt nước nhỏ không đứng yên, vừa là tên của đức Thầy muôn đời.
Lúc bấy giờ cụ Vân Sơn đương nằm nơi quán trọ chốn Thần Kinh để đợi bổ dụng. Nhân quen cùng người thân cận ông Thuyết nên biết được câu đối của nhà vua. Ngồi nhìn ra hồ sen trước quán, thấy lá biếc gió lay, cụ cao hứng đối ngay câu đối vừa nghe đọc:
- Phong xuy hà diệp kiến nhan uyên.

Nghĩa là: “Gió thổi lá sen làm cho người trông thấy mặt ao”. “Nhan uyên” vừa là mặt ao vừa là tên một vị trong bảy mươi hai ông hiền môn đồ đức Khổng Tử.
Ai cũng khen là tài.

Được một người có tài ở dưới quyền mình, ông Thuyết cũng rất lấy làm hãnh diện, cho nên đối với cụ Vân Sơn có phần kiêng nể yêu vì. Tuy thế cụ không cho là vinh. Cụ có bài thơ tự trào:
Tro mạc thương thay mấy chú nghè
Biểu đừng bớn tớn biểu đừng khoe
Ngày hai cơm quán ăn qua bữa
Tháng một lương vua lãnh lấy lề.
Chỉ thắm đeo bài trông cũng lịch
Trắp sơn hầu chữ gẫm mà ghê.
Chi bằng lơ láo quan trên quở
Cho nữa làm chơi chẳng nữa về.

Được ít lâu, kinh thành Huế thất thủ. Chê ông Thuyết là người ngu lỗ không đảm đương được việc lớn, cụ bỏ về Bình Định cùng anh hùng Mai Xuân Thưởng ứng nghĩa Cần Vương.
Nghĩa binh Cần Vương bị bại, các võ tướng đều tuẩn quốc. Cụ là văn quan được tha chết, về sống một cuộc đời ẩn dật lấy thơ rượu dạy học làm vui cùng ngày tàn.

Thơ Quốc âm cũng như thơ Hán tự của cụ còn truyền được nhiều. Vì cụ có nhiều học trò thành đạt. Mỗi người nhớ một ít, tích thiểu thành đa.
Văn chương Quốc âm của cụ rất thanh lão, như bài “Ông Nghè”. Cũng lắm bài hùng tráng. Như bài Vịnh Cây da, cặp trạng:
Chẳng cán tham thiên sao có một
Cũng tàn tuế nhật mới nên ba.

Hoặc bài VỊNH CHỮ TRUNG:
Nghiêu Thuấn truyền nhau một chữ Trung
Xưa qua nay lại ngõ đi chung.
Lớn dường chưa thấy khuông trời đất
Gần thiệt từ nơi cuộc vợ chồng.
Thấp đến kẻ ngu không vói tới
Cao lên người trí cũng nào mong
Đã lòng mộ đạo thời nên gắng
Nghiêu Thuấn truyền nhau một chữ Trung.

TRUNG đây là trung dung, là trung hòa.
Và bài này rút những điểm cốt yếu của chữ TRUNG để đúc thành thơ. Muốn hiểu thấu triệt ý nghĩa thì nên đọc Khổng Học Đăng của Phan Sào Nam và Nho Giáo của Trần Lệ Thần. Ở đây chỉ là Vườn Hoa Thơ chớ không phải Vườn Hoa Đạo, nên chỉ xin đưa ra những “điển” khó, để bạn đọc dễ nhận thức cái hay cái đẹp trong bài thơ mà thôi.

Trước hết xin nói qua về nghĩa chữ TRUNG:
TRUNG là chính đáng, cân bằng, không chếch lệch, không thái quá, không bất cập.
Đạo TRUNG rất khó theo. Để theo cho đúng, vua Nghiêu truyền cho vua Thuấn:
- Duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung.
Tức là dạy vua Thuấn phải giữ tâm mình cho tinh thuần và chuyên nhất thì mới có thể theo đúng được đạo Trung.
Rồi vua Thuấn truyền xuống cho vua Vũ:
- Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi; duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung.
Tức là vua Thuấn muốn cho vua Vũ hiểu rõ hơn, mới thêm vào đoạn đầu “Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi” nghĩa là “tâm người thì nguy, tâm đạo thì vi” cho nên phải giữ tâm mình cho tinh thuần và chuyên chất thì mới giữ được đạo Trung.
Đó là “điển” dùng trong câu phá đề.

Cặp trạng mượn ý trong sách Trung Dung:
- Quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ, cập kỳ chí giã sát hồ thiên địa.

Phan Sào Nam giải thích câu này rất cặn kẽ, rằng: Bởi vì đạo của quân tử là chân lý sở dĩ có ra loài người, mà loài người sở dĩ sinh hoạt được mãi mãi cũng chỉ sinh hoạt ở trong vòng chân lý ấy. Nguyên lúc đầu sở dĩ có vũ trụ có loài người, chỉ vì nhất âm nhất dương tự nhiên hòa hiệp mà sanh ra trời đất muôn vật; gây mối cho đạo người thì bắt đầu chỉ một trai một gái thành vợ chồng mà sau mới có cha con anh em cho đến thảy cả loài người trong thế giới. (Tạo đoan hồ phu phụ).

Chữ PHU là nói chung về phần trai. Chữ PHỤ là nói chung phần gái. PHU là nhất dương lử trong chữ ĐẠO. Kinh Dịch đã nõi: “Nhất âm nhất dương chi vị Đạo”. Cho nên nói “Phu phụ là mối tại ra đạo của quân tử”. Nhưng Đạo tuy tạo đoan ở nơi phu phụ, mà há phải chỉ phu phụ mà hết được công dụng của Đạo đâu. Do nơi phu phụ suy ra cho triệt để thì dầu thiệt cao cho đến tận trời, thiệt rộng cho khắp mặt đất, thì cũng chỉ là chân lý của nhất âm nhất dương, tràn trề rực rỡ, không biết bao giờ là cùng tận. Cho nên nói: “Cập kỳ chí giã sát hồ thiên địa”… Nói là “sát hồ thiên địa”, bởi vì thiên địa là phu phụ lớn, mà phu phụ tức là thiên địa nhỏ; người với trời đất chung nhau một chân lý tự nhiên mà thôi.
Lời giải thích của Sào Nam tiên sinh vừa làm sáng nghĩa câu sách, vừa làm rõ ý câu thơ. Mượn đem vào đây thật là nhất cữ lượng tiện.

Câu luận bài thơ, tác giả mượn lời đức Khổng Tử:
- Đạo chi bất hành dã, ngã tri chi hỹ: Trí giả quá chi, ngu giả bất cập dã.

Nghĩa là:
- Đạo Trung Dung sở dĩ không thi hành được, ta đã biết cớ vì sao. Đó là do loài người có hai hạng, một hạng tư chất cao trí thức rộng gọi là người trí, một hạng tư chất quá ư thấp trí thức quá ư hẹp gọi là kẻ ngu. Người Trí thường thường xu hướng cực đoan mà làm việc vượt qua trung dung; người Ngu thường mắc bệnh tự khí nên đến khi làm việc chẳng bao giờ theo kịp trung dung.

Cặp trạng thích thực chữ TRUNG.
Cặp luận giải thích vì sao đạo TRUNG lại bất hành và ngầm khuyên kẻ học đạo chớ theo người Trí đi thái quá, cũng đừng theo người Ngu mà trở thành bất cập.
Dư ý của lời khuyên được cô đọng lại ở câu chuyển, để nhấn mạnh một lần nữa ý nghĩa và mức quan trọng của chữ TRUNG đã nói ở câu đề.
Chỉ vỏn vẹn tám câu thơ mà nói được Đạo TRUNG tương đối đầy đủ như thế, thì lòng phải thấm nhuần Đạo, bút phải sẵn sàng tài. Bằng không thì chỉ là kết quả của công trình “trói voi bỏ rọ”.

Bài VỊNH CHỮ TRUNG thuộc lối thơ tải Đạo mà các bậc túc nho thường dùng.
Bên cạnh những bài thơ đạo, cụ cũng có những bài thơ tình. Như:

GỞI NHẮN NGƯỜI TIỂU TINH
Nửa năm hơi tiếng mới làm quen
Hương lửa bao đành phụ tấc nguyền
Khắng khít nợ đà mang lấy nợ
Đèo bòng duyên cũng nặng vì duyên
Non xa tin nhắn nhàn khôn thấu
Nước thẳm thơ trông cá luống phiền
Tình có soi cùng hay chẳng nhẽ?
Mựa đam ai bạc trách ai đen.
Nguyên cụ đã lớn tuổi mà chưa có con trai, nên phải cưới tiểu tinh hầu mong khỏi mang câu bất hiếu. Nhưng về ăn ở được nửa năm thì đành phải kẻ Nam người Bắc, bởi vì bà chính thất không có lượng bao dung. Bài thượng dẫn là thư cụ gởi cho người cũ.
Chân tình chan chứa!
Đọc bài này sao khỏi liên tưởng đến câu “Gần thiệt từ nơi cuộc vợ chồng” trong bài VỊNH CHỮ TRUNG, à nhận thấy câu đó chẳng những chí lý mà còn hữu tình, chứng tỏ rằng tác giả không phải là người khô khan chỉ sống theo lý trí.

Cụ là người giàu tình cảm và tuy tánh hiên ngang, lòng chánh trực, cụ thường bị tình cảm lôi cuốn. Ví dụ:
Một hôm cụ đi chợ Tết, mình mặc chiếc áo đoạn của một người học trò cũ may tặng. Tình cờ cụ gặp quả phụ của người bạn đồng chí. Hỏi thăm gia thế biết rằng mẹ con sống trong cảnh bần hàn, cụ liền cởi chiếc áo đoạn:
- Chị hãy đem bán đi để sắm chút đỉnh gì cho lũ cháu.
Bà quả phụ chưa kịp ngỏ lời, cụ bỏ áo vào rổ bà ta, rồi vội vã đi thẳng, lưng phơi trần vì không mặc áo lót.

Thường thường cụ rất nghiêm, lắm khi nghiêm đến khắc! Những môn đồ, nhiều người đã có địa vị trong xã hội mà rủi có điều sơ xuất lọt vào tai mắt cụ, thì nhất định là bị quở trách nếu là lỗi nhẹ bị đánh đòn nếu tội nặng. Một ông hương hào bị căng đánh trước sân đình Phú Phong vì ham chơi tài bàn, ba vị tân khoa bị căng đánh tại chợ Vân Sơn vì ham xem hát quên giữ lễ phép.
Nghe những chuyện ấy, nhiều người tưởng rằng không bao giờ cụ cười cợt bông đùa. Sự thật, cụ không hay câu nệ, và những khi không có điều bực tức trong lòng thì rất hiền từ vui vẻ. Để mua vui, cụ thường làm thơ châm phúng hài hước. Song vui đùa chừng mực, chớ không bao giờ đi đến chỗ khinh bạc như Tú Xuất Tú Xương. Xin trưng một bằng chứng:

KHÔNG CHỒNG TRÔNG BÔNG LÔNG
(Dĩ đề vi vận)

Lẽ thường ắt có cớ sao không?
Trong đục mơ màng khổi nỗi chồng!
Gần ước tiện nơi xa cũng ước
Sớm trông gặp hội muộn càng trông
Thẹn thùng hiên nguyệt người chào bóng
Mong mỏi vườn xuân khách bẻ bông
Ướm hỏi thế tình hay chăng nhỉ?
Trông bông lông vậy nhớ bông lông.

Những thơ Đường luật của cụ hầu hết văn chương đều tao nhã như các bài thượng dẫn.
Tôi được đọc một số bài làm theo thể lục bát, song thất lục bát, ca trù…, lời thơ cũng rất trôi chảy óng chuốt. Rất tiếc hiện không có trong tay để đưa ra cho bạn đọc đồng lãm.
Ngoài ra cụ còn để lại hai bổn tuồng hát bội là Lý Phụng Đình và Phụng Hoàng Anh. Về tuồng Lý Phụng Đình ở Bình Định có câu ca dao:
Bầu Đông đóng Lý Phụng Đình
Dù chồng có đánh thì mình cũng đi. (đi coi hát).

Chắc sự nghiệp văn chương của cụ Vân Sơn không bị thời gian và binh hỏa phá hoại. Vì cụ có con cháu nối nghiệp, nhất là các bà con gái, bà nào cũng biết làm thơ, như bà tú Năm ở Phú Phong là một. Nếu ra công sưu tầm hẳn sẽ gặp được nhiều vàng ngọc.



[1] Ông Nghè: Ở ngoài Bắc những người đậu tấn sỹ mới gọi là ông Nghè. Còn ở Trung từ Huế trở vô, những người được hàm Hàn Lâm viện, dù chỉ biết vài ba chữ, cũng được gọi là ông Nghè. Các ông hành tẩu “trắp sơn hầu chữ” cũng thường gọi là “quan Nghè”.
Ở Bình Định “Nghè” do tiền bạc mà có, hoặc do công tác xã hội mà có, khá nhiều. Hiện nay vẫn còn có người lấy làm vinh, thường đem “chưng” nơi đám tiệc. Nhân đọc bài thơ của cụ Nghè Trì, một người nói: “Nghè thật mà kẻ trí thức còn cho là tro mạc, huống hồ nghè xin nghè mua”.