Hương Vườn Cũ 36.G




Ở Bình Khê và An Nhơn còn nhiều nhà Nho học có danh, song không thấy văn thơ truyền tụng.
Có văn chương truyền tụng và nổi danh nhất ở Tuy Phước là cụ NGUYỄN DIÊU và cụ ĐÀO TẤN.

Cụ NGUYỄN DIÊU tự là Quỳnh Phủ người làng Nhơn Ân, đậu tú tài, người Bình Định thường gọi là cụ tú Nhơn Ân.
Thời Tự Đức ở Bình Khê, An Nhơn, Tuy Phước có tám nhân vật mà ai cũng biết tiếng, gọi là “Bát danh tam huyện” gồm có bốn nhà phú hộ là Bình, Danh, Hanh, Huệ, và bốn nhà văn học là Đằng, Diêu, Trinh, Hiển. [1]
Cụ tú Nhơn Ân đứng vào hàng thứ nhì trong bốn nhà văn học nổi tiếng.
Thế mà suốt đời đi thi chỉ đậu tú tài!
Tuy chỉ đậu tú tài, song danh sỹ trong ba huyện, phần đông là môn sinh của cụ. Nhiều người thành đạt như cụ Đào Tấn là một.
Cụ đã hay chữ lại giỏi Nôm.

Cụ có bổn tuồng NGŨ HỔ BÌNH TÂY văn hay, dựng lớp khéo. Cụ Đào Tấn dâng lên vua Tự Đức. Nhà vua khen là văn chương thanh lệ. Nhờ bổn tuồng Ngũ Hổ và lời tâu của cụ Đào mà vua Tự Đức biết rõ được tài năng cùng cảnh lận đận nơi trường ốc của cụ tú Nhơn Ân. Nhà vua thương tình đặc cách cho cụ được thi Hội. Song lúc bấy giờ cụ đã già yếu, không thể lai Kinh. Để đền ơn vua, cụ soạn một bổn tuồng thứ hai là tuồng LIỄU ĐỐ nhờ cụ Đào Tấn dâng ngự lãm.
Tuồng Liễu Đố văn chương trác luyện, song xem thì hay, mà đem ra diễn không hấp dẫn. Cho nên nơi kịch trường chỉ thường dùng bổn Ngũ Hổ Bình Tây.

Truyền rằng cụ Nhơn Ân bị lụy khoa là do quả báo:
Lúc nhỏ đi học, cụ tư tình cùng người con gái nhà trọ. Hai bên đã nặng lời nguyền và đối với nhau “non vợ chồng, già nhân ngãi”. Nhưng sau khi đậu tú tài thì có người kêu gả con. Bà thân sinh ép phải ưng thuận. Vì hiếu cụ phải cắn răng phụ tình. Người con gái hay tin liền nhảy xuống giếng tự tử. Nàng đã có mang mấy tháng, và khi người nhà hay thì sự đã lỡ rồi!
Sau cụ đi thi nữa. Mỗi khi cụ vào trường thì thấy một người đàn bà bồng con, mặt mày tiều tụy, đứng nhìn cụ giây lâu rồi biến mất. Cụ khiếp vía, tay run lòng rối. Nếu không phạm trường quy thì làm vấy mực vào quyển. Khoa nào cũng thế nên mãi đến lúc đầu bạc mà vẫn giữ chân tú tài.
Cụ không buồn về nỗi công danh lận đận, mà rất buồn về cuộc tình duyên dở dang. Tam sự ấy dụ đem ký thác vào tuồng Ngũ Hổ.

Lớp Địch Thanh vì nghe tin mẹ bị Bàng Hồng sàm tấu, nhà vua bắt hạ ngục, phải bỏ Trại Ba Công Chúa để đi bình Liêu trong lúc công chúa đương có mang, là hoàn cảnh đau thương của tác giả được hóa trang. Những câu than của Trại Ba Công Chúa khi Địch Thanh trốn đi:
Tâm khổ hỹ! Tâm khổ hỹ! Lụy nan càn! Lụy nan càn!
Nỡ phụ thề lục thủy thanh san,
Mà tách dặm thiên nhai hải giác!
Bạc nên quá bạc! Chồng hỡi là chồng!
Rượu giao hoan mùi đã mặn nồng,
Tình phân ngoại cớ sao lạt lẽo?!
Chim ven trời chừ đành đoạn cao xa!
Vô duyên thay chút phận đàn bà!
Bạc tình bấy hỡi người quân tử?! [2]
………………………………

Thà đó đành phụ ngãi, đây há dám vong tình.
Giục vó lừa phỉ dặm non xanh,
Cắp bảo kiếm dò lần dặm tía.
(C.C. hát nam): - Bảo kiếm dò lần dặm tía
Nguyện theo chồng trọn nghĩa tòng phu
(Thế nữ hát tiếp): - Nghĩ thầy tớ cũng thêm sầu
Chim kêu ngao ngán hà châu một mình.
(C. Chúa): - Hữu tình mà hóa vô tình,
Bơ vơ thân thiếp linh đinh nỗi chàng!
(Thế nữ): - Non xanh nước biếc muôn trùng
Người quen cảnh lạ thẹn thùng với ai!
(C. Chúa): - Cang thường một gánh hai vai
Cũng nguyền sông giải non mài mà thôi. [3]

Đó là tác giả mượn Công Chúa Trại Ba thay lời người yêu để trách mình phụ bạc, và đề cao lòng trinh tiết của người yêu.
Và những lời than của Địch Thanh cùng Công Chúa khi Công Chúa đã bằng lòng để cho Địch Thanh lên đường:
(Công Chúa):  Nếu cầm chân nguyên soái,
Khó che miệng thế gian.
Cắn răng mà ngậm chữ đoạn trường,
Nhắm mắt lại chờ ngày tái hợp.
………………………

Chưa lạt rượu giao hoan một chén
Đã xem hình vĩnh biệt ngàn trùng!
Khó theo chân tảo tặc nguyên nhung,
Xin soi dạ tư phu thục nữ.
(Nam): Soi dạ tư phu thục nữ,
Đoạn thâm tình khứ khứ lưu lưu!
(Địch Thanh): - Ruột dường dao cắt chín chiều
Sương bay trước mặt gió hiu bên đàng.
(Công Chúa): - Cái duyên Chức nữ Ngưu lang
Cầu ô mới bắt lại toan dứt cầu!
(Địch Thanh): - Dùng dằng nghĩa trước tình sau
Dây phiền đó buộc chuỗi sầu đây mang.
(ĐT và CC): - Dứt tình một khúc Dương quan
Tây Liêu anh tới, Đơn Bang em về…
Đó là những tiếng đoạn trường của cụ Tú mà gió mưa không thể nào làm phai lạt nổi.

Xem đó đủ biết rằng câu chuyện “phụ tình vì hiếu” là chuyện có thiệt. Còn chuyện quả báo thì u u minh minh không dám tin hẳn cũng không dám ngờ hẳn.
Và chỉ đọc qua mấy đoạn văn thượng dẫn, cũng đủ thấy rõ thi tài của cụ Nhơn Ân. Bút pháp đã lên đế chỗ tinh diệu. Tình cảnh riêng của mình gói ghém trong lời văn câu thơ một cách khéo léo. Người đọc nếu không để ý thì không thấy được những chỗ dụng công. Như câu:
Cắn răng mà ngậm chữ đoạn trường
Nhắm mắt lại chờ ngày tái hợp.

Những chữ “ngậm chữ đoạn trường”, “nhắm mắt lại” ngụ ý nói đến cái chết của người yêu, chết một cách đau đớn, chết nhưng vẫn còn mong “tái hợp” ở kiếp sau, ở nơi chín suối.
Tình của cụ đối với người bạc mệnh bên ngoài thì là bạc mà bên trong thì thâm hậu vô cùng. Câu:
            Cang thường một gánh hai vai
            Cũng nguyên sông giải non mài mà thôi.
là tâm chí của người yêu mà cũng là tâm chí của tác giả.

Khuất Nguyên không bị đày ra Tràng Sa, thì đâu có Ly Tao để nối Kinh Thi, Tư Mã Thiên không bị thiến thì đâu có bộ Sử Ký làm rạng rỡ nền văn học Trung Hoa. Cụ tú Nhơn Ân nếu không có mối tình đau đớn, thì chắc chi đã có tuồng Ngũ Hổ Bình Tây, mà dù có đi nữa chắc chi văn chương đã thâm trầm và có sức truyền cảm như thế.
Âu Dương Tu nói:
            - Cái dũ cùng tắc dũ công.

Nghĩa là “Đời càng khốn cùng thì thơ càng hay”.
Là vậy đó.

Nhưng Âu công lại nói:
            - Nhiên tắc phi thi chi năng cùng nhân, đãi cùng giả nhi hậu công dã.

Nghĩa là: “Không phải thơ làm cho người ta cùng khốn, mà chính vì có cùng khốn rồi mới thơ hay”.
Cho nên cái rủi trong đời tình ái của cụ tú Nhơn Ân trở thành cái may cho đời văn chương của cụ.
Và trong đời văn chương xưa cũng như nay, tình giai nhân là phân là nước bón cho vườn hoa thơ thêm sắc thêm hương.
Riêng tiếc không biết được danh hiệu người tình của cụ tú để ghi lại làm gương.
Văn nghiệp của cụ, ngoài hai bổn tuồng tuyệt tác, còn rải rác một ít thơ chữ Hán và thơ Quốc âm.
Thơ chữ Hán của cụ, văn chương tao nhã, thanh điệu phảng phất thơ đời Đường:
Cố quốc bồi hồi thiên lý nguyệt [4]
Cựu gia trù trướng ngũ canh kê.

Nghĩa là:
Nợ nước trăng soi sầu vạn dặm
Tình nhà gà giục lệ năm canh.
Nhưng thơ Quốc âm của cụ phần nhiều chất thắng văn:

CHÁN ĐỜI
Ra cửa phăng phăng bước ngoạn du
Lạnh lùng đôi mắt nhắm công hầu
Văn hay chẳng khỏi mồ xanh cỏ
Võ giỏi rồi ra tóc bạc đầu
Hoa lác đác rơi oanh giận gió
Cúc le the nở nhạn hờn thu
Chùa chiền vui thú đời thanh tịnh
Lọ phải trông mong vạn hộ hầu.

So với văn tuồng và thơ chữ Hán thật kém xa. Do đó mà không phổ biến được rộng. Duy có một bài mà đời nay cũng như đời trước, ai đọc cũng phải thích, vì thời nào cũng có bọn hút mãu mỡ dân và thời nào người ta cũng ghét bọn tham nhũng. Văn chương lại khinh khoái lưu lợi. Đó là bài:

CON MUỖI
Muỗi hỡi muỗi ơi sướng đủ điều
Còn chi chi nữa hỡi còn kêu
Lầu son gác tía ngày qua lại
Má ngọc da ngà thú ấp yêu
Béo miệng nào thương con trẻ dại
Cành hông chi sá lũ dân nghèo
Trong tay mà có ba tiêu phiến
Xử tội nhà ngươi quyết chẳng nhiêu.
Nói tóm lại, cụ tú Nguyễn Diêu sở trường về tuồng hát bội. Và chính tuồng hát bội làm cho tinh thần cụ bất tử, làm cho danh Bình Định thêm thơ.





[1] Bốn nhà phú hộ: Bá Bình ở Thuận Nghĩa, Thiên hộ Danh ở Mỹ Đức, Bá hộ Hanh ở An Vinh, tục gọ là ông Dinh Điền, Bá Huệ ở Tri Thiện.
  Bốn nhà hay chữ: Cụ tú Đằng ở Tri Thiện, cụ tú Diêu ở Nhơn Ân, cụ cử Trinh ở Vinh Thạnh, ông phủ Hiển ở Phụng Sơn.
Bình Khê, An Nhơn, Tuy Phước là địa phận cũ của huyện Tuy Viễn đời Lê. Đến đời Nguyễn mới chia huyện cũ ra làm ba huyện (cho nên con sông Côn xưa gọi là sông Ba Huyện), sau mới đổi An Nhơn, Tuy Phước làm phủ. Thời Việt Minh đổi lại thành huyện tất cả. Nay tất cả đều gọi quận. Tên đất thay đổi, lòng người có thay đổi về sắc thái còn tánh chất thì còn như xưa. Điều này thấy rõ nơi văn chương.
[2] Tác giả mượn lời Trại Ba công chúa để tự trách mình.
[3] Sông giải non mài: Sông cạn nhỏ lại như chiếc giải áo, núi mòn nhỏ lại như hòn đá mài dao. Do chữ “Hoàng hà như đái, Thái sơn như lệ” trong lời thề của quần thần nhà Hán thề hết lòng trung với vua mà ra.
[4] Có chỗ chép là: “Thiên lý nhạn”