Hương Vườn Cũ 36.D




Không con cháu nối nghiệp là ông NGUYỄN QUÍ LUÂN.
Tôi đã chứng kiến một cảnh thương tâm không sao quên được:
Năm 1929, như trên đã nói, tôi đi sưu tầm thơ Nôm Bình Định. Nghe tiếng thầy Bảy Phồn ở Phú Văn (thuộc làng Phú Phong, quận Bình Khê) [1] thuộc được nhiều thơ cũ, tôi tìm đến, và được đón tiếp ân cần. Thầy nói rất nhiều về NGUYỄN gia phụ tử và cho biết rằng thầy là học trò của ông Nguyễn Quí Luân. Sau khi đọc cho tôi chép một ít thơ của cụ tú Khuê, cụ nghè Trì, ông Nguyễn Bá Huân, thầy đọc cho nghe bài MẠ BẦN của ông Nguyễn Quí Luân mà thầy thích nhất:

Tám kiếp cha ông cái vận nghèo
Đã đi trốn nó nó còn theo
Vãi ba hột cải không thèm mọc
Trồng một dây bầu chẳng muốn leo
Bài xạo bát bồng lên cả cặp
Me tam chú khách mở ra yêu
Như vầy nghĩ thật đã vô vận
Tết nhất gần đây hết ngõ tiêu.

Thầy ngâm một cách thích thú, tiếng ngâm sang sảng.
Nhận thấy văn chương chất phác, tôi hỏi:
- Ông cụ chắc hiền lành lắm?
- Vâng, tuổi còn trẻ mà tánh tình thuần hậu như người sáu bảy mươi. Có lẽ vì vậy mà không thọ.
Thầy trầm ngâm giây lâu rồi nói tiếp:
- Thầy tôi tuyệt tự. Đệ tử hiện còn một mình tôi. Tôi đã tưởng thầy tôi không còn ai nhắc nhở đến khi tôi tạ thế. Không ngờ lại gặp cậu lo bảo tồn di sản tinh thần của tiền nhân. Tôi sung sướng quá! Thơ Nôm thơ chữ của thầy tôi, tôi chép thành tập có trên vài trăm bài. Để tôi lấy trao cho cậu.
Đoạn bắc thang leo lên lá mái lấy xuống một cuộn giấy gói thật kỹ trong một mo cau, bụi và váng nhện đóng đầy. Thầy trịnh trọng mở ra thì, than ôi! Giấy bị mối ăn nát hết!! Thầy bưng mặt khóc:
- Sao mà vô mệnh thế này! Con trên đời đã không có, chỉ có chút sự nghiệp lưu thế mà trời cũng nhẫn tâm làm tan nát thế này! Thật đau lòng quá!
Than rồi, đem mớ giấy tàn ra giữa sân, đốt hương khấn vái. Đoạn chân lửa đốt lấy tro bỏ lên đầu hàng rào dúi ở trước ngõ, và lau nước mắt than:
- Thế là hết!!
Tôi bị xúc động mạnh! Lòng yêu kính thầy học và quí trọng văn chương như thầy Bảy Phồn thật là hiếm! Tôi hỏi:
- Thầy có thuộc được nhiều chăng?
Thầy bệu bạo đáp:
- Làm gì thuộc được, vì nhiều quá. Thêm nữa thầy tôi mất lúc tôi mới hai mươi tuổi, nay đã gần ngũ tuần rồi, dù lúc nhỏ có thuộc, lúc này cũng quên. Bài thơ MẠ BẦN vì hợp cảnh hợp tình với tôi nên tôi mới nhớ kỹ.
Tôi toan hỏi, song chưa kịp hỏi vì sao lại để cho tập thơ bị mối ăn mà không biết, thì thầy nói tiếp dường như đón được ý tôi:
- Tôi cất quyển thơ của thầy tôi gần 30 năm này. Năm nào tôi cũng đem ra phơi. Hai năm nay trong nhà túng bấn quá, tâm trí dồn vào cả việc chạy ăn từng bữa nên quên lửng tập thơ! Rõ là “vạn tội bất như bần”!
Từ ấy hình ảnh của thầy bảy Phồn in sâu vào tâm khảm tôi và sự kiện kia làm cho tôi thêm quí trọng những di cảo của người trước. Hễ nghe được một bài thơ xưa dù không hay lắm tôi cũng chép lại với tấm lòng thành.

 ***

Cụ tú NGUYỄN KHUÊ và bốn ông con, “tình nghĩa” nửa thuộc Bình Khê nửa thuộc An Nhơn. Hoàn toàn An Nhơn thì có cụ NGUYỄN ĐỨC NHUẬN và cụ NGUYỄN ĐÔN PHỤC.
Cụ NGUYỄN ĐỨC NHUẬN, đậu tú tài, thân nho nhã mà lòng mang vũ trụ. Cụ ứng nghĩa Cần Vương và tuẩn quốc một lần cùng anh hùng Mai Xuân Thưởng.
Văn chương bặt thiệp. Nổi tiếng hay chữ từ lúc còn nhỏ. Nổi tiếng do một cuộc thi thơ của quan Tổng Đốc Bình Định dưới triều Tự Đức. Thi thơ Quốc âm, đề thi là “Gái lấy chồng già” và hạn: Từ Thứ vận, thượng cầm, hạ thú, nhất cú nhất vị được.
Quyển nạp hàng trăm. Bài cụ được chấm giải nhất:

Chim quyên bả đậu nhánh choi voi
Mang bạch đầu ông nõ mặn mòi
Phụng ước thung dung ăn trái trúc
Thỏ đâu cam toại ấp nhành còi
Liên kiều thước bắt so le nhịp
Sơn giác ngựa leo hụt chạc roi
Loan chạ từ cô đừng chuyện ấy
Kén lừa quân tử giá ngàn thoi.

Thật “điêu trùng tuyệt kỷ”. Quan Tổng Đốc thưởng một cây lụa đậu tư và hai nén bạc.
Đó là thơ buổi nhỏ còn sót lại. Tuy là thơ chơi, song vẫn ẩn chứa chí khí của kẻ làm trai: giữ vững tiết tháo, dù nghèo khó vẫn không chịu đem thân phục vụ cho kẻ có quyền thế mà thiếu thiên lương, cũng như người con gái thà chịu ế chồng chớ không thèm lấy người già cỗi.
Tương truyền thơ cụ làm nhiều. Song sau khi cụ bị cường quyền cho là giặc, thì không ai còn dám giữ dám đọc văn chương của cụ, thành ra bị mai một lần lần. Tôi chỉ nghe truyền được năm ba câu cụ làm lúc cùng Mai anh hùng chung lo việc nước:

- Ngọn rau tấc đất nhờ ơn nước
Kiều ngựa thanh gươm trả nợ trai.

- Mài nguyệt chi lo đầu sớm bạc,
Nhắp thù đã thấm mật càng ngon.

- Biển chửa lấp bằng chim chửa nghỉ
Đường càng xa vút ngựa càng hăng.

- Vó ngựa gập ghềnh mây ải nhạn
Hồn quyên não nuột gió đêm trăng.

Đó là những mảnh lòng gởi vào thiên cổ. Rt tiếc không tìm được trọn luật và được nhiều câu, để cùng các bạn gần xa thưởng thức.
Cụ NGUYỄN ĐÔN PHỤC nổi tiếng về bài “Bằng Hữu Kim Ký” dùng toàn tục ngữ chép thành:

Người trong trời đất,
Học dõi thánh hiền.
Sang giàu đã có máy thiên,
Thương ghét mặt dù tình thế.
Cha nói ngang quan nói hiếp, hiếp ngang phận phải chìu lòn;
Cú rằng có vọ rằng không, không có công mô đội chối.
Đất đã đắp, đắp cho nên núi, chín chày phải gắng công lao;
Đường dù đi, đi dốc tới nơi, nghìn dặm chi nài khó nhọc.
Có thân phải cóc, có vóc phải toan.
Đừng theo người múa gậy vườn hoang,
Chớ học kẻ trống qua cửa sấm.
Nghề tài trí xem còn chưa lắm, hát xay lúa múa lại tắt đèn;
Mỗi nhân duyên gẫm lại biết hèn, khóc hổ ngươi cười ra nước mắt.
…………………………………

Bài dài đến trên trăm câu, đối chọi nhau rất chỉnh, và mạch lạc rất sít sao.
Mục đích sáng tác là để ngụ ý châm phúng các quan đầu tỉnh Bình Định, trong lúc cụ làm tri huyện Bình Khê. Nghe rằng cũng vì bài này mà quan Tỉnh kiếm chuyện làm cho cụ bị cách chức.
Lúc cụ ngồi tri huyện Bình Khê, thường nhóm bạn văn chương đến xướng họa.
Một hôm, nhân người nhà sắp làm thịt một con gà cồ để làm gỏi đánh chén, một ông bạn đề nghị làm một bài hịch lên án gà cồ trước rồi hạ sát sau. Một bài được ai nấy khen là xuất sắc:

Tánh ưa bôi mặt,
Sao chẳng biết thân?
Thoát Mạnh Thường tài gã thấy đâu, chẳng qua là mô hồ tiếng khách nhân, nghìn thuở cũng khoe khoang công cứu nạn;
Khuông Đường thất mặt ngươi sao vắng, để đến nỗi lẫy lừng hơi Võ thị, bất nhiêu năm inh ỏi giọng tư thần!
Đức nghiệp gì đầu đội văn quan, trau chuốt xuê xoang hoài phấn nước;
Tài cán mấy chân đeo võ cự, lăm le bươi chải nát nhà dân!
Trời tạnh sáng chưa kêu, công báo biểu không xong một nỗi;
Mổng cối xay ăn quẩn, tội xẻ phay đã đáng mười phân.

Cụ huyện Phục xem qua rồi cười:
- Các anh làm căn ưng nói lớn lối, mà nội dung rỗng như bồ trống!
Thấy các bạn chưa hiểu ý, cụ nói tiếp:
- Phàm lên án thì phải dựa luật. Những tội trạng nêu trong bài hịch kia phạm vào điều luật nào? Phạt vi cảnh còn chưa được huống hồ buộc đến tội “xẻ phay”.
Tác giả bài hịch thách:
- Thì quan lớn buộc tội xem.
Cụ liền đọc:
            Mái chẳng chịu cũng lên lưng, coi sức nó đã ngang quá ghẹ;
            Con có kêu thời mặc cẳng, sá chi mầy mới ló đuôi tôm.
Và nói:
- Tội hiếp dâm và hiếp cô, mỗi ngày phạm không biết mấy trăm lần, rõ đáng khép tử tội. Không còn kêu ca vào đâu.
Ai nấy đều vỗ tay cười lớn:
- Thật là “đao bút”. [2]

Cụ NGUYỄN ĐÔN PHỤC có tài xuất khẩu thành thơ. Cụ có tài làm thơ từ lúc nhỏ.
Một hôm cùng các bạn đi học về, gặp một cô con gái nhà giàu trong một nơi vắng vẻ. Các bạn thách cụ làm thế nào bóp vú cô ả mà không bị đánh bị chưởi. Cụ liền bước đến gần cô con gái, vừa đi vừa đọc:
            Đã bấy nhiêu lâu gặp chị này
            Lấy chi cho thỏa tấm lòng đây?
            Kề vai đọ thử lưng cao thấp,
(vừa xích lại gần vừa đọc tiếp)
            Xuống cánh rờ xem yếm mỏng dày.

Miệng đọc tay làm theo miệng. Cô ả vì tai mắc nghe thơ nên trí không rảnh rang để phản ứng kịp thời. Cụ đọc tiếp:
            Cũng đã thỏa tình trăng giỡn thỏ
            Nhưng chưa phỉ chí nhạn trông mây.
            Bên đường vắng vẻ không ai biết
            Vuốt giận thôi thôi chị chớ ngầy.
Một lần nữa cụ thực hiện thuyết “ngôn hành hiệp nhất”.
Thật là mẫn tiệp!

Các học trò ngày xưa không biết tán gái, mà chỉ biết chọc gái. Bóp vú là một cách chọc. Gái bị chọc, thường “đáp từ” bằng những câu không mấy êm tai, lắm khi còn vào trường mắng vốn thầy là khác. Cho nên thơ “bóp vú” có những câu:

- Con cháu nâng niu đôi nấm đất
Ông cha lừng lẫy bốn phương trời. [3]

- Tay ngọc nâng niu đôi chúa trẻ
Tiếng vàng sang sảng chín tầng cao. [4]

- Quảng vắng dần lân tay đớp nhụy
Sân trường vun vút đít ăn mây. [5]

- Ngực tròn chi lắm tay sanh ngứa
Miệng lấp không xong đít nổi vồng. 4

Hai câu trên tả cảnh bị gái chửi. Hai câu dưới tả cảnh bị thầy đánh. Cụ huyện Phục tránh được cả hai nạn. Cho nên ai cũng khen là tài.
Tài nghệ lanh lẹ như cụ Nguyễn Đôn Phục thì nhất định sáng tác phải có nhiều. Nhưng vì chưa có người ra công sưu tầm, nên đành thưởng thức chừng nấy.




[1] Tên chữ là Trần Hoàng, nhưng tên này ít người biết. Tên tộc là Bích, còn Phồn là tên con. (Ở Bình Định thường lấy tên đứa con đầu lòng mà gọi cha mẹ).
[2] Ý nói bỡn: “Bút bén như đao” tức là giết người bằng bút.
[3] Thơ của Phan Sào Nam.
[4] Thơ của Trương Đăng Quế.  (Đã nói ở chương thi sấm).
[5] & 4 Thơ của nhân sỹ Bình Khê (không biết tên) do cụ Chuyết Nhân Nguyễn Dật đọc cho nghe.
Tiếng Bình Định đọc những chữ có G và không G như nhau nên chữ Vắng lầm với chữ Vắn, nên Trường đối với Vắng (Vắn) quí cụ thích thú lắm: Đối tiếng tức bạch đối.
Chữ Miệng lấp cũng có vị; vừa mượn chữ trong câu tục “cả vú lấp miệng em” vừa thủ nghĩa không làm cho cô gái mạnh miệng được.