Hương Vườn Cũ 23.b



Cách đây 35 năm, tôi được đọc và chép lại một tập thi nhan là KIM VÂN KIỀU THI TẬP gồm trên vài chục bài Đường luật cũng vịnh từng hồi của truyện Kiều như tập thơ của Chu Mạnh Trinh. Tập thơ đó xuất bản đã lâu và không có tên tác giả. không biết có phải thơ dự thí trong cuộc thi Vịnh Kiều do quan Tuần Vũ Lê Hoan tổ chức mà Chu Mạnh Trinh đã giật giải quán quân đó chăng? Có chỗ ngờ như thế là vì tuy cũng vịnh từng hồi của Truyện Kiều, song việc chia hồi trong tập này không giống hẳn tập của họ Chu. Nhiều đề mục ở tập này có, ở tập họ Chu không có, ở tập họ Chu có, ở tập này không có. Mà phép thi cử thì thí sinh đều phải theo một qui tắc.
Về mặt văn chương thì tập này không sánh kịp tập của Chu Mạnh Trinh. Tình tứ cũng không bì được.
Đây chúng ta thử so sánh đôi ba bài trong tập này với những bài chúng ta đã đọc của họ Chu:

KIỀU ĐI THANH MINH
Đầu tiết xuân sang liễu rũ mành,
Dập dìu ai cũng hội Thanh Minh.
Tro tiền rải rắc đường xe ngựa,
Gò đống gần xa nức yến anh.
Nắm đất thương đau người chín suối,
Bên cầu gặp gỡ khách ba sinh.
Tình kia nỗi nọ càng lai láng,
Trở gót hài hoa ác đã chênh.

Bức tranh xuân này có vẻ tầm thường, không khêu gợi không hấp dẫn. Và cũng thì nói đến “người chín suối, khách ba sinh”, mà câu của họ Chu:
Phận bạc ngậm ngùi người chín suối,
Duyên may run rủi khách ba sinh.
làm cho chúng ta rung cảm, đọc xong vẫn còn thấy vị ngòn ngọt của hớp trà Võ Di Sơn. Còn đọc câu:
Nắm đất thương đau người chín suối,
Bên cầu gặp gỡ khách ba sinh.
thì chúng ta không thấy cảm động về nỗi thương đau, và vui mừng cho sự gặp gỡ. Nghĩa là lòng ta vẫn dửng dưng. Đó là vì câu sau thiếu sức truyền cảm. Mà thiếu sức truyền cảm vì nghệ thuật không được cao. Cũng thì một ý thơ, mà một bên làm cho chúng ta thích thú, một bên không. Xem đó cũng đủ thấy rằng hình thức quyết định nội dung. Nhưng nếu tác giả không thật sự rung cảm thì cũng không thể có được những câu thơ làm rung cảm lòng người đọc một cách sâu sắc.

Chu Mạnh Trinh quả đã “thương người tài sắc” với một tấm lòng thành thật và sâu đậm, nên mới có thể truyền cảm sang chúng ta bằng những vần thơ sinh động như thế.
Bài thơ “Chơi Thanh Minh” là bài mở đầu của hai tập thơ Vịnh Kiều.
Và sau khi đi Thanh Minh về cho đến khi Kiều gặp Kim Trọng, tác giả tập thơ khuyết danh vịnh đến ba bài:

KIM KIỀU TƯƠNG TƯ
Bóng trăng chênh chếch giải bên lầu
Ngồi với trăng mà nhớ những đâu!
Trăm mối vò tơ lần khắc diễn,
Một mình nương triện suốt canh thâu.
Ba sinh âu hẳn còn vương nợ,
Chín khúc xui nên khó dập sầu.
Mới biết tương tư là thế ấy,
Thôi thôi chớ trách kẻ ôm cầu.

KIỀU MỘNG THẤY ĐẠM TIÊN
Trước loan tựa gối giấc vừa yên,
Chợt thấy người đâu bạn thiếu niên.
Tha thướt phô màu in Phật Tổ,
Thanh tân dường dấu chốn Đào Nguyên.
Giấc tan gối điệp bâng khuâng những…
Sầu vẩn canh gà chất chứa nên.
Còn nghĩ chưa xong duyên phận ấy,
Bóng trăng đâu đã xế ngoài hiên.

HOA VIÊN GẶP KIM TRỌNG
Thơ thẩn vườn xuân dạo gót chơi
Thướt tha bóng liễu buổi êm trời.
Bên đào dường đọ hoa cười gió,
Góc núi xa nghe khách ướm lời.
Ngơ ngẩn hương e cùng phấn lệ,
Vội vàng cải rụng với kim rơi.
Một rằng duyên hai rằng là nợ,
Mây nước lòng người dễ chắc thôi.

Văn chương lưu loát. Tuy không phải Dương Xuân Bạch Tuyết, song không đến nỗi Ba Hạ Lý Nhân. Nếu không có thơ của họ Chu, thì nơi tường đông hẳn cũng dập dìu ong bướm. Chỉ vì thơ của họ Chu đẹp quá, nên Đường Minh Hoàng đã rẻ rúng cả ba nghìn son phấn trong cung.
Thật vậy, từ lúc Kim Kiều mơ tưởng nhau cho đến lúc gặp gỡ nhau, tác giả tập thơ khuyết danh phải nói đến 24 câu mà chưa đủ, còn Chu Mạnh Trinh chỉ gói ghém một cách trọn vẹn trong 8 câu:

Hết nghĩ gần thôi lại nghĩ xa,
Hiu hiu án sách ngọn đèn tà…
Gương loan phảng phất hồn cung quế,
Giấc bướm mơ màng khách trước sa.
Mười vận sầu tuôn đôi giọt ngọc,
Trăm năm duyên bén một cành thoa.
Mái Tây bỏ lúc chờ trăng dựng,
Rày đã vườn xuân tỏ mặt hoa.

Cảnh tình đã đủ, mà bức tranh lòng nửa mở nửa cuốn, như có như không, mơ màng phảng phất, gây trong tâm hồn người đọc một ấn tượng nhìn người đẹp trong chiêm bao:

Sương in mặt tuyết pha thân,
Sen vàng lãng đãng như gần như xa

Có thể nói rằng thơ của Chu Mạnh Trinh là những nét chạm trong mây, và thơ trong tập vịnh Kiều khuyết danh kia là những nét vẽ trên gỗ. Tập thơ này làm cho chúng ta thấy rõ thêm giá trị tập thơ của họ Chu.
Nhưng trích dẫn một ít thơ trong tập ra đây chẳng những để làm tăng thêm giá trị của tập Thanh Tâm Tài Nhân mà còn để phổ biến được phần nào một tập thơ xưa hầu như không mấy người biết, tuy rằng trong tập cũng có nhiều bài đáng yêu, như những bài trên kia và sau đây:

KIỀU VỀ VỚI MÃ GIÁM SINH
Giấc mộng còn mơ nghĩa cố tri,
Tiếng gà đâu đã giục ra đi!
Trông mây nhường vẽ tình lưu lạc,
Nghe gió như đàn khúc biệt ly.
Ví biết thân này ra phận ấy,
Thời đừng ngày trước nặng nguyền chi!
Còn non còn nước còn trăng gió,
Thời nợ Châu Trần cũng có khi…

KIỀU VỀ NHÀ TÚ BÀ
Từ ngày xa cách chốn gia hương
Xót phận lưu ly dãi gió sương.
Dồi má những là dơ dạng phấn,
Chau mày thêm để thẹn thùng gương.
Trời ghen chi mấy người tư sắc,
Tên bắt đem chua sổ đoạn trường!
Nông nổi nhường này ai kẻ biết,
Một mình mình nghĩ một mình thương.

Những bài khác trong tập, văn chương đại khái cũng trôi chảy như thế. Toàn thiên thì thanh lão, nhưng không có câu nào làm cho người đọc khoái chí, kinh tâm. Người xưa gọi thơ như thế là “Hữu thiên vô cú”. Tuy vậy trong số thơ Đường luật từ đời Trần cho đến nay, những bài thơ như trên không phải dễ kiếm cho nhiều được. Vốn là con nhà nghèo, nên một đồng một trự cũng đều lấy làm quí, huống hồ đây tuy không phải tiền vàng, nhưng cũng không phải là tiền kẽm, mà là tiền đồng. Vậy chúng ta cần phải gìn giữ kẻo mất uổng.
Và để cùng quí bạn mua vui chốc nữa, tôi xin giới thiệu thêm một bài nữa trong tập:

KIỀU GẶP THÚC SINH NƠI QUAN ÂM CÁC
Trần ai kia biết bởi vì đâu,
Dẫu tuổi xuân xanh cũng bạc đầu.
Đọng giọt huỳnh hoa tan giọt lụy,
Lấp cung bạc mệnh trổi cung sầu.
Khôn hay lặn lội đo mồm cá,
Mà biết vuông tròn uốn lưỡi câu.
Ai đã có thương người phận bạc
Liệu mà xin mở cửa cho nhau.

Để cho có chị có em, xin đưa ra đây bài của họ Chu:

THÚC SINH LÊN THĂM KIỀU NƠI QUAN ÂM CÁC
Những căm giàm buộc mặc tay già!
Nửa bước đường đi mấy dặm xa
Án bút thẩn thờ người viết kệ,
Rừng thiền lấm lét khách tìm hoa.
Câu kinh bối điệp câu thơ họa,
Giọt nước dương chi giọt lệ pha.
Bỗng phút lưng trời cơn sét dậy,
Tường đông sư tử lộ đầu ra.