Hương Vườn Cũ 18.




Vua MINH MẠNG là một ông vua giàu chữ và cũng giàu con hơn tất cả nhà vua Việt Nam từ trước đến giờ.
Nói về nhà vua, thi nhân có câu:
Nhất dạ ngũ giao tam kiết tử. [1]
Nghĩa là:
Một đêm vui thú năm lần
Mà ba lần để nợ nần thế gian.
Như thế làm gì không nhiều con. Nghe đâu nhà vua có đến một trăm mấy chục ông hoàng bà chúa. Thật là nòi rồng tiên chính cống!

Trong các ông hoàng bà chúa, có nhiều vị rất hay chữ và giỏi thơ. Nổi tiếng nhất là:
- Tùng Thiện Vương.
- Tuy Lý Vương.
- Tương An Quận Vương.

Vua Tự Đức có câu:
Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán
Thi đáo Tùng Tuy trúc Thịnh Đường.

Nghĩa là:
Văn như Siêu Quát lu Tiền Hán,
Thơ đến Tùng Tuy trúc Thịnh Đường.

TÙNG TUY  là Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương.
TÙNG THIỆN VƯƠNG là hoàng tử thứ 10.
TUY LÝ VƯƠNG là hoàng tử thứ 11.

Cổ nhân có câu: “Đường thi, Tấn tự, Hán văn chương, nhân gian tuyệt phẩm”. Nghĩa là “Thơ đời Đường, chữ đời Tấn, văn chương đời Hán, đó là những nghệ phẩm tuyệt diệu trong thế gian”.
Như thế nói về Thơ thì thơ Đường hay đến cực điểm vậy.
Vậy mà bảo rằng:
Thơ hay hay đến Tùng Tuy,
Tài đem so sánh còn chi Thịnh Đường.

Thì không biết Thơ của Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương còn hay đến bậc nào nữa?
Vua Tự Đức khen thơ Tùng Tuy hay hơn thơ Đường là khen về thơ chữ Hán. Chớ thơ Quốc âm của hai hoàng tử không nghe truyền được nhiều. Gom góp tất cả không quá 10 bài. Và những bài còn lưu thế, xem ra cũng không lấy gì làm hay. Về thơ Đường luật, thì Tùng Thiện Vương có một bài đề tập “Nữ Phạm Diễn Nghĩa Từ” bằng Quốc âm của Tuy Lý Vương soạn và kể những sự tích các người đàn bà xưa giữ trọn lòng trinh tiết. Bài đó nhan đề là:

PHỤNG SẮC KÍNH ĐỀ NGUYỄN HẬU
Họ Lưu bầy gái đã anh hùng
Dịch lại khen ai cũng có công.
Trải suốt mười thiên dâng điện Bắc,
Chép dần ba phẩm nối tường Đông.
Vẽ bầu theo dạng tài chưa dễ,
Lấy sách làm gương ý chẳng cùng.
Liền chuyện nhớ chừng ngươi Tử Chính,
Một biên liệt nữ bấy nhiêu trung.
Còn Tuy Lý Vương, thì thấy được ba bài, hai bài bát cú và một bài tứ tuyệt. Bài “Đề Nữ Phạm Diễn Nghĩa từ” của Tùng Thiện Vương, rất ít người biết. Còn ba bài của Tuy Lý Vương trong làng thơ không mấy người không đọc qua, có lắm người thuộc lau lảu. Đó là những bài:

THƠ HỌA VẦN KHOAI
Cũng phải xơi ngơi cũng phải chơi
Làm người nào phải bụt lo đời.
Ngày dài dễ đặng ba muôn sáu,
Tháng chẵn lần qua một chục hai.
Việc phủ vua quan giờ có phép,
Tiệc thơ hầu hạ dám nhường ai.
Mua vui ngàn lượng xin đừng tiếc,
Đã thấy co ro cất củ khoai.

ĐỀ NHÀ MÁT
Cửa cỏ rèm lau mặt tả tơi
Sông Hương nội Lách ấy là nơi.
Dẫu cơn mưa gió ta cùng thích,
E nỗi trăng hoa khách khó chơi.
Ghế đá giường tre không chút bợn,
Quần là áo lượt chẳng màng thơi.
Dù ai tưởng tới qua mà nhởi,
Thiếu thốn tôi đâu dám rước mời.

Những bài thơ trên, của Tuy cũng như của Tùng, về thi pháp thì thật già dặn. Rõ là tay thợ tay thầy. Nhưng thi chất không mấy dồi dào, nên đọc xong không còn thấy dư vị.
Dư vị là yếu tố khiến người đọc ưa đọc đi đọc lại bài thơ, khiến bài thơ được lưu truyền và bất tử.
Hai bài của Tuy Lý Vương được nhiều người thuộc, nhiều người đọc, là nhờ có giọng đặc biệt, giọng hoàng phái mà tục gọi là “giọng các mệ”, nhất là nhờ chỗ dụng công khéo léo nơi câu kết.
Trong bài “Thơ họa vần KHOAI”, câu kết mượn chữ và ý trong câu tục ngữ “Chưa lo ngày mai, đã lo cất củ khoai để mốt”. Vận họa đã thoát, mà ý lại vừa tiếp câu chuyển vừa vói khởi thừa, một cách sít sao. Thật là khéo mà cũng thật là tài vậy.

Còn về bài “Đề nhà mát”, muốn thấy rõ cái hay trong câu kết, tưởng nên biết rõ rằng nhà mát của Vương vốn bằng tranh, có mái có chái nhưng không có khu đĩ. Vì không có khu đĩ, nên gọi là “thiếu thốn” và vì “thiếu thốn” nên không dám rước mời khách làng chơi, dù có “tưởng tới qua mà nhởi”. Thật là tế nhị mà cũng thật là mỉa mai.

Nhưng đọc hai câu ấy chúng ta không đến nỗi ớn lạnh như khi Lao Sùng Quang, một vị Tiến sỹ Trung Quốc sang sứ Việt Nam, đọc thơ “Hà Thượng của Tùng Thiện Vương, đến câu:
Thân tự bạch âu tuy xứ túc,
Giao như hoàng diệp nhập thu sơ.

Mà cụ Ưng Trình dịch là:
Người được an nhàn,
Âu trắng ung dung theo ngọn nước.
Bạn dầu sơ khoáng,
Lá vàng tán lạc với hơi thu.

Đọc hai câu ấy, Lao sứ giả than:
Độc đáo “bạch âu hoàng diệp” cú
Mãn hoài tiêu sắc đái thu hàn.

Nghĩa là:
Đọc đến câu “bạch âu hoàng diệp”
Lòng tri âm hiu hắt trời thu.

Khen như thế thật là “hết lời”. Phải chi thơ Quốc âm của Tùng Tuy cũng hay như thơ Hán văn, để mình cũng hết lời khen cho sướng miệng.
Còn bài Tứ Tuyệt là một bài thơ tức cảnh. Rằng:
Mây xây núi túi chim làm tổ,
Khách cách đường trường nốt cột lau.
Lỏng khỏng đào cao nường phậu xấu,
Lơ thơ liễu yếu chị đàu đau.

Nội dung không có gì lạ, nhưng hình thức có chỗ mới. Thể tuy vẫn là thể thất ngôn luật thi, mà cách dùng song thanh điệp vận gây thành một âm điệu mới mẻ, trước chưa có người chủ trương. Lối thơ này, khách làng thơ gọi là “Song thanh điệp vận”.
TUY LÝ VƯƠNG là người khởi xướng ra lối thơ này vậy.

Có mấy câu thơ tuyệt tác sau đây cũng tương truyền là của Tùng Tuy, nhưng không biết có đúng chăng, và cũng không ai biết câu nào của Tùng câu nào của Tuy:
- Ngọn nước chảy xuôi trời lật ngửa,
Mảnh gương úp sấp đất nằm nghiêng.

- Sông e biển cạn bù thêm nước,
Non sợ trời nghiêng đỡ lấy mây.

Hai câu trên đẹp nhưng thuộc hàng tiểu xảo. Hai câu dưới thật hùng hồn, có khẩu khí một bậc đống lương trung hậu.

Một thi nhân danh tiếng đời Thanh là Bồ Tương Xuân có câu:
Cựu tháp vị khuynh lưu thủy bảo
Cô phong dục đảo loạn văn phò.

Nghĩa là:
Tháp cũ chưa nghiêng dòng nước giữ
Non côi muốn ngã đám mây phò.

Rất được truyền tụng, song so với câu “Sông e… Non sợ…” thì câu này hùng hậu hơn.
Tôi còn nghe truyền một bài nữa của Tùng Thiện Vương:

TRE TRỐC GỐC
Nghĩ mình đã ẩn chốn cao sâu
Đến lúc trời xô cũng chỏng râu
Trảy mắt những lăm đương rổ cá
Vẹt gai khôn ngóng uốn cần câu
Quản bao chú lính qua cào mặt
Thương hại ông quan phải cúi đầu
Những tưởng ngã ra đà tận số
Ai hay dựng lại sống càng lâu.

Đây là thơ ký thác.
Nguyên dưới triều vua Tự Đức, Vương kiêm nhiếp Phủ Tôn Nhơn. Năm Bính Dần (1866) rể của Vương là Đoàn Trưng cùng em là Đoàn Trực và các đồng chí âm mưu đảo chính. Đại sự bất thành, Đoàn Trưng cùng đồng đảng bị tử tội. Vương bị liên lụy, nhưng vua Tự Đức chỉ cách chức và phạt không cho ăn bỗng trong một năm. Được ít lâu nhà vua lại cho phục chức. Vương cố thoái thác nhưng không được.
Bài cây tre trốc gốc làm lúc trở lại Phủ Tôn Nhơn.
Ngoài những vần thơ thất ngôn, Tùng Tuy còn để lại một bài song thất lục bát, liên ngâm cùng Tương An Quận Vương, nhan đề là “Hòa Lạc ca”.

“Hòa Lạc” là tên một chiếc ngự thuyền của vua Minh Mạng. Năm Canh Dần (1830) nhà vua cùng các Hoàng tử ngự chiếc Hòa Lạc đi đến cửa Thuận An duyệt binh. Ngự thuyền gặp giông sắp chìm, nhưng nhờ tiếp cứu cập thời nên thoát nạn. Lúc trở về được bình an, Tùng Tuy Tương cùng nhau liên ngâm để “giúp tiếng chèo xuôi gió về kinh”. Bài này dài đến 64 câu kể lại việc “thuyền rồng đi tuần hạnh Thuận An”, tả cảnh có, tả tình có, ký sự có. Văn chương trang nhã đài các. Xin trích đoạn đầu làm vui:
Trời Nam vừa thuở thái bình,
Non hùm bặt dấu, biển kình biệt tăm.
Ngày hôm rằm, tiết hà đang thạnh,
Vâng chiếu rồng tuần hạnh Thuận An.
Pháo đài bảy tiếng sấm vang,
Thuyền chèo tách nước, cờ phang cuốn trời.
Dậy giữa vời trạo cao một khúc,
Trấn hải thành bỗng chốc đã lên.
Theo chầu sánh hiệp bạn tiên,
Đầy thuyền Hòa Lạc chỉ miền thương ba…
Các đoạn sau văn chương cũng trác luyện như thế.

Bài ca do ba người liên ngâm. Tùng Thiện Vương khởi hai câu, rồi đến Tuy Lý Vương, tiếp theo Tương An Quận Vương… Thế mà giọng văn thuần nhất, khí văn liên tục, như do một người soạn ra. Nghe truyền rằng lúc bấy giờ ba hoàng tử tuổi mới chừng 10, 11, 12!
Không thể nghi ngờ. Vì:
Tùng Thiện Vương sanh năm Kỷ Mão (1819)
Tuy Lý Vương sanh năm Canh Thìn (1820)
Tương An cũng sanh năm Canh Thìn (1820).
Còn năm chiếc “Hòa Lạc” bị bão là năm Canh Dần (1830). Như vậy thì lời truyền quả đúng sự thật vậy. Điều này chứng tỏ rằng ba hoàng tử có sở trường về quốc văn từ lúc nhỏ. Nhưng khi lớn lên, Tùng và Tuy thiên hẳn về Hán văn. Riêng TƯƠNG AN QUẬN VƯƠNG luôn nặng lòng cùng tiếng mẹ đẻ.

***
TƯƠNG AN QUẬN VƯƠNG là Hoàng tử thứ 12 của vua Minh Mạng, cùng với Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương là anh em khác mẹ (Tùng, Tuy cũng là anh em khác mẹ).
Về bên Hán văn, học lực và thi tài của Tương An đối với Tùng, Tuy, hơn kém như thế nào không được rõ. Nhưng về bên Quốc âm thì Tương An hơn hẳn hai anh.

Thơ Quốc âm của Tương còn truyền tụng được khác nhiều, và hầu hết đều có câu tuyệt thú. Hay nhất là những bài sáng tác thời Tự Đức, sau khi hoàng tử Hồng Bảo bị bức tử.
Hoàng tử HỒNG BẢO là con trưởng vua Thiệu Trị. Nhà vua băng hà, đáng lẽ Hồng Bảo được kế vị. Nhưng phụng hành di chiếu, đình thần lập hoàng tử HỒNG NHẬM, em Hồng Bảo lên ngôi, lấy niên hiệu Tự Đức. Bất mãn về sự phế lập bất công, Hồng Bảo cùng một số người tâm phúc âm mưu giành lại ngai vàng. Việc lớn không thành, Hồng Bảo bị bắt bỏ ngục.

Tương An Quận Vương đối với Hồng Bảo và Hồng Nhậm, đã là vai hoàng thúc, lại là tay giáo đạo, nên rất được kính nể. Khi Hồng Bảo bị nạn, Tương An năn nỉ cùng vua Tự Đức niệm tình. Vua Tự Đức nhận lời. Hồng Bảo được tha tội chết, chỉ bị hạ ngục. Nhưng sau đó Hồng Bảo tự ải. Người đương thời nghi rằng không phải hoàng tử tự sát mà bị vua Tự Đức bức tử để dứt hậu họa.

Tương An giận vua không giữ lời hứa, có làm bài thơ “Trách Tình Nhân sai hẹn” rằng:
Như nguyện ai ngờ nguyện chẳng như,
Lần lừa canh một đến canh tư!
Chùa thanh cảnh vắng chim kêu rốn,
Sương lọt trăng lồng gió thổi nư
Đoạn thẳm khôn ngăn dài dặc dặc,
Mối tình sao khéo buộc khư khư!
Nghĩ buồn mượn rượu làm khuây khỏa,
Ai bảo say sưa rứa cũng ừ.
Cái chết của Hồng Bảo làm cho Quận Vương vừa đau thương vừa uất hận.

Trước kia, văn chương của Quận Vương cũng có giọng phong lưu đài các như Tùng, Tuy. Ví dụ bài đề tập “Nữ Phạm diễn nghĩa” của Tuy:
Lần hồi chữ lạ hỏi Dương Hùng
Đuôi ký theo đòi dám tiếc công.
Sóng dợn tờ quyên vơi biển Bắc,
Bút dằn ngòi thỏ rạch non Đông.
Khương Nhâm đức trước ngàn thu rạng,
Nghiêu Thuấn nhân nay tám cõi cùng.
Đâu đó chăng là nhuần nhã hóa,
Hóa nhà con thảo, nước tôi trung.

Bài này họa vận bài của Tùng Thiện V. từ khí có phần hơn bài xướng. Nhưng đọc vẫn không hứng thú bằng bài VỊNH TRĂNG NON sau đây:
Khen ai cắc cớ bấm trời tây,
Tỉnh giấc Hằng Nga mới kẻ mày.
Một mảnh lênh đênh chìm đáy nước,
Nửa vành lững thững giợn chân mây.
Cá ngờ câu thả tơi bời lội,
Chim ngỡ cung trương dáo dác bay.
Khuyên chúng chớ chê rằng chếch mác,
Một mai tròn vạnh bốn phương hay.

Tình vui, lời sáng. Người đọc thấy rõ lòng thỏa mãn của người làm thơ. Nhưng sau cái án Hồng Bảo, giọng thơ của Tương An trở nên lâm ly và ý thơ chứa đầy nỗi bi phẫn. Để gói ghém nỗi lòng, ngõ hầu tránh nạn búa rìu của kẻ nắm quyền sanh sát, Tương An đã tạo nên những câu thơ khi thì bóng bẩy xa xôi, khi thì chìm lắng cô đọng. Như:

QUAN CÔNG CƯ TÀO
Tôi chúa đôi phương cảnh quạnh hiu,
Cũng vì một chút nghĩa liu điu.
Ơn Tào dẫu chất nghìn cân nặng,
Nợ Hán còn mang một gánh trìu.
Đuốc ngọc canh khuya trời một góc,
Vườn đào thề cũ ruột trăm chìu.
Ví ai muốn thấu nguồn cơn ấy
Xin hỏi chàng Trương nỗi khúc khiu.

Bài này hay nhất là cặp luận: Lời óng chuốt, tình sâu đậm, sức truyền cảm mạnh mẽ, nhưng dụng ý kín nhẹm, hiểm hóc, cay độc thì là cặp trạng và chuyển kết.
Ơn Tào dẫu chất nghìn cân nặng,
Nợ Hán còn mang một gánh trìu.

Lời nghe nhẹ nhàng, đọc qua khó thấy được hậu ý. Nhưng dừng nghĩa lại, và tự hỏi:
- Tào là ai? Hán là ai?
Có phải:
- Tào là kẻ đoạt quyền? Hán là kẻ thất thế? Mà kẻ đoạt quyền lúc bấy giờ có ai khác hơn vua Tự Đức, và kẻ thất thế có ai khác hơn là hoàng tử Hồng Bảo, kẻ đáng được làm vua mà bị truất ngôi!
Câu ấy cho người đọc thấy rõ Tương An đem lòng thương tiếc Hồng Bảo và tỏ ý oán trách Tự Đức, coi Tự Đức là kẻ soán nghịch như Tào A Man.

Còn câu:
Ví ai muốn thấu nguồn cơn ấy,
Xin hỏi chàng Trương nỗi khúc khiu.
Có người cạn cợt chê rằng “lầm lấy rồi”. Thật ra thì là một câu rất hiểm độc.
Trước hết thử hỏi:
- Chàng Trương đây là ai?
Có người không nghĩ kỹ đáp rằng là Trương Phi. Nói thế là sai, vì lúc Quan Công ở với Tào Tháo, Trương Phi đâu có đó mà rõ được sự tình? Chàng Trương đây là Trương Liêu vậy. Và chính Trương Liêu đã bày mưu cho Tào Tháo biệt đãi Quan Công, hầu mong lấy tình để cầm chân người trọng nghĩa, Trương Liêu đã hiểu thấu đáo cảnh ngộ cùng tâm sự của họ Quan.
Đó là “chàng Trương” về nghĩa đen. Còn về nghĩa bóng thì là Trương Đăng Quế.
Trương Đăng Quế được phong tước Quận Công [2], đứng đầu triều, có thế lực, được xuất nhập bất cấm nơi cung điện nhà vua. Có dư luận rằng Hồng Nhậm cũng do họ Trương mưu sử. Nhưng mọi việc đều ở trong vòng bí mật.
Ví ai muốn biết nguồn cơn ấy
Xin hỏi chàng Trương nỗi khúc khiu.
Giá một nơi đánh một ngả, đương sự dù biết thấu cũng đành ngậm đắng nuốt cay.

Bài này chắc chắn Tương An làm sau khi Tự Đức lên ngôi và trước khi Hồng Bảo bị nạn. Cho nên giọng văn chưa phải là tiếng đau thương của con người tuyệt vọng. Trong ánh “đuốc ngọc canh khuya” còn hé đôi tia hy vọng, hy vọng được gặp lại Lưu Hoàng Thúc, hy vọng thực hiện được lời thề “đồng sanh đồng tử” chốn đào viên. “Người còn thời của vẫn còn”. Tương An chỉ tuyệt vọng sau khi Hồng Bảo chết. Lúc bấy giờ văn chương của Tương mới thật ai oán não nùng. Như:

THIÊN MỤ HOÀI CẢM
Thiên Mụ rày xem cỏ lướt mây,
Xe loan qua lại dấu còn đây.
Ngọc Hoàng điện trước ngằn rêu lấp,
Di Lặc chùa sau tiếng dế vây.
Thảm lấp Phủ Câu sông một dải,
Sầu giăng Long Thọ núi liền dây.
Cảnh trời sương khói thêm buồn bã,
Còn thiếu quyên kêu xó gốc cây!

Thật là ảm đạm! Tất cả đều nhuộm sắc tang thương! Chỉ còn thiếu có tiếng cuốc kêu nữa thì hoàn toàn là cảnh mất nước! Nghĩa là chỉ còn có người đứng ra tuyên bố rằng “nước đã mất rồi” để minh chứng thực tế hiển nhiên nữa thôi.
Vì sao Tương An lại thốt ra lời nói ấy?
Bởi vì – như trên kia đã nói – Người trong hoàng tộc phần đông ngờ rằng vua Tự Đức không phải dòng Nguyễn Phúc. Mà dòng khác lên nối ngôi nhà Nguyễn tức là nhà Nguyễn đã mất rồi, và theo quan niệm người xưa, vua là nước! Ngôi vua đã về tay kẻ khác tức là nước cũng mất vào tay người khác, chớ còn đâu!

Trong bài này, lòng sầu thảm tuy lai láng nhưng vẫn không che kín được niềm uất hận cố đè nén, cố giấu giếm. Lòng phẫn uất tan hòa theo lòng thương thảm, và phát ra tiếng khóc não nhân, thì như bài VÔ ĐỀ sau đây là một:
Bên cảnh bên tình khéo vấn vương
Sầu thu đưa hạ chạnh trăm đường!
Tiếng ve dài dặc nghe thêm thảm,
Mặt nguyệt tròn hin ngó dễ thương!
Vàng thếp giếng ngô sa lá gió,
Bạc xuy giậu cúc nảy chồi sương.
Dầu chong trắng dĩa chưa yên giấc,
Lăm phá thành sầu đã hết phương!

Thật là não ruột! Người xưa bảo “những khúc hát đau thương nhất là những khúc hát đẹp nhất”. Bài Vô Đề của Tương An Quận Vương là một bằng chứng hùng hồn. Và đẹp nhất là cặp luận:
Vàng thếp giếng ngô sa lá gió,
Bạc xuy giậu cúc nảy chồi sương.

Văn chương vừa diễm lệ vừa cổ kính, tình ý vừa thâm viễn vừa tế nhị. Đọc qua thì dường như một câu thơ tả cảnh mùa thu, một cảnh huy hoàng lộng lẫy, vàng thếp bạc xuy, cúc đâm chồi, ngô trải lá… Nhưng gẫm lại thì là một câu thơ tả tình, một mối tình đau xót buồn thương ngấm ngầm ở dưới lớp vàng son rực rỡ!
Cảnh huy hoàng của giếng, thử hỏi nhờ đâu mà có? Có phải nhờ cảnh tàn tạ của ngô? Và nhìn ánh rực rỡ của hàng giậu phủ sương, có ai tưởng tới nỗi lạnh lùng của cúc?
Câu “vàng thếp…” ám chỉ vua Tự Đức.
Câu “bạc xuy…” ngụ ý than cảnh ngộ của Quận Vương.
Hai câu thơ cảnh mà tình, tình mà cảnh. Nếu bảo là cảnh thì cảnh ấy đã biến thành tình. Nếu bảo là tình thì tình kia đã hiện thành cảnh. Hai câu nầy cũng như hai câu:
Thảm lấp Phủ câu sông một dải,
Sầu giăng Long Thọ núi liền dây.
trong bài “Thiên Mụ…”, có thể gọi là “tâm cảnh nhất như”. Đó là những câu thơ thượng thừa vậy.

Phải mạnh dạn nói rằng:
- Thơ Đường luật của Tương An Quận Vương như những câu trên thật ít người sánh kịp.
Thơ Lục Bát và Song Thất Lục Bát của Quận Vương cũng rất điêu luyện. Và những bài được truyền tụng cũng là những bài thương đau về cảnh cốt nhục tương tàn vì ngôi báu. Như bài:

HOÀI CỔ NGÂM
Sắc trời Tống Ngọc buồn thu,
Mượn tình gió Nữ mưa Ngâu sụt sùi.
Cảnh tự nhiên ai xui nên thế?
Nguyệt dòm song tiếng dế gióng canh.
Sầu kia ai đắp nên thành?
Giao chan đũa ngọc tằm đoanh khúc vàng.
Giấc hoàng lương mơ màng cũng lạ!
Cõi hồng trần hả hả cười khan!
Ghê cho con Tạo đa đoan,
Quây người múa rối, rũ màn chiêm bao.
Thấy đâu nào sớm còn tối mất,
Cánh phù du rật rật những bay.
Nghìn xưa tình nặng nghĩa dày,
Trời già đất rục non thay biển mòn.
Thấy đâu còn thể ngồi hầu kể,
Khéo léo đâu ai để phù danh?
Cơ chi có đá ba sinh,
Dập sầu lấp thảm cho đành dạ nhau.
Mở quyển vàng trước sau gắm ghé,
Chạnh ngàn xưa nhớ kẻ tri âm:
Xiết bao khóc tủi buồn thầm,
Tiếng tiêu Ngũ Tử, khúc cầm Ung Môn.
                                                                                                                                                            vân vân…
Khúc ngâm dài 100 câu kể lại những sự tích của những người có tài có đức, nhưng thân phận hẩm hiu, phải chịu nhiều nỗi đau khổ, những trung thần, liệt nữ, tài tử giai nhân… bị “tình đời chưa trưa đã nắng” làm lụy thân danh…
Khúc Hoài cổ, Quận Vương soạn sau khi Hồng Bảo chết. Giọng văn thật lâm ly. Rõ là tiếng than não nuột của con người ruột đứt từng cơn!
Thể văn tuy dùng thể song thất lục bát, nhưng có đôi đoạn xuống hai hoặc ba cặp lục bát liên tiếp. Như:
Hoa chào thu, khuynh thành nhan sắc,
Người vì đâu thắc mắc sầu đoanh!
Phân tay bốn giọt lệ tình,
Lầu cao trăm thước xem mình như không.
Non Hầu tiếng hạc mênh mông,
Cửa qua bóng ngựa người trong hoa đèn…

Bố cục không được chỉnh đốc. Tác giả nhớ đến người nào nói người nấy. Đương nói đến người trung nghĩa, tiếp đến người tình chung, rồi lại sang đến người hy sinh vì rồi lại trở lui nói chuyện những gái hiếu vợ hiền… Tình cảnh không tương quan, ý tứ không liên lạc. Tuy vậy lời thơ cuồn cuộn như những đợt sóng đuổi theo nhau, tiếp tiếp liền liền không đứt, và có sức hấp dẫn lạ lùng… khiến người đọc mãi theo dòng thơ mà không để ý đến sự lộn xộn trong cách xếp đặt. Nhiều câu tuyệt hay, nhiều câu hay một cách độc đáo. Như:
Mã Ngôi muôn dặm thẳng giong,
Thuyền quyên hồn tắt, anh hùng lệ sa!
Bốn giây ứa máu tỳ bà,
Ngỡ ngàng trăng Hán, phôi pha gió Hồ.

Trong Đoạn Trường Tân Thanh có câu:
Một cung gió tủi mưa sầu,
Bốn dây giỏ máu năm đầu ngón tay.

Ai cũng khen là hay. Nhưng đọc đến câu:
Bốn giây ứa máu tỳ bà,
Ngỡ ngàng trăng Hán, phôi pha gió Hồ.

Thì nhận thấy câu của Tiên Điền lùi lại đến năm bước. Câu nầy nếu là của một nhà thơ Tân học thì nhất định bị ngờ rằng đã mượn ý của một nhà thơ Pháp (quên tên), tác giả câu:
“L’archet mord jusqu’au sang du violon.”

Nghĩa là “Dây cung cắn thấu vào máu cây vĩ cầm”.

Một bên thì ăn vào, một bên thì ứa ra. Nhưng có ứa ra vì đã ăn vào, và có ăn vào lẽ tất nhiên rồi sẽ ứa ra… Ngó thì khác song thật ra chẳng khác. Đối với nhau không khác, nhưng đối với câu của Tiên Điền thì khác hẳn: Câu của Tiên Điền gợi hình ảnh thường: đầu ngón tay giỏ máu. Câu của Tương An, cũng như câu của nhà thơ Pháp, gợi hình ảnh phi thường: Dây đàn ứa máu! Một bên là người. Một bên là quỉ. Thơ của Tiên Điền chỉ gợi cảnh đau thương  Câu của Tương An vừa gợi cảnh đau thương vừa khiến cho người đọc phải rùng rợn! Hay đến thế thật là “sơn cùng thủy tận”!

Trong bài có nhiều câu thoát ý như những câu thơ cổ. Và cũng như Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh, Tương An Quận Vương đã biến chế thành những giọt mật ong ngon thơm hơn cả mật hoa nguyên chất. Như:
Chốn sa trường đống xương trắng nhẽ,
Người diễn khơi hồn ghé khuê môn.

Thoát ý câu thơ Đường:
Khả lân Vô Định hà biên cốt,
Do thị xuân khuê mộng lý nhân.

Nghĩa là “Khá thương đống xương ở bờ sông Vô Định! Đó đều là những người trong mộng của khách phòng xuân”.
Hoặc như:
Biết đâu gan ruột gởi mình,
Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân.

Thoát ý câu:
Bất tri can đảm hướng thùy thị,
Linh nhân khước ức Bình Nguyên Quân.

Nghĩa là “chẳng biết đem gan mật gởi cho ai, khiến người lại nhớ đến Bình Nguyên Quân”. Bình Nguyên Quân là tướng nước Triệu đời Chiến Quốc, đãi khách rất hậu, trong nhà lúc nào cũng có trên ba nghìn khách khứa đủ hạng người.
Những câu thơ Việt có phần bóng bẩy, tha thiết hơn những câu thơ chữ Hán. Thật là tài tình!

Bài TRĂM THƯƠNG sau đây cũng là một áng văn chương có giá trị.
Bài này làm ra cũng để trút bớt nỗi u hoài. Tác giả dùng thể lục bát, thỉnh thoảng chen vào đôi câu song thất. Và tuy để là “Trăm thương” nhưng bài dài chỉ có 36 câu [3], nghĩa là dù khéo gói ghém đến đâu cũng không đủ “trăm thương” vậy. Xin trích đôi đoạn làm duyên:

Lao xao như buổi chợ đông,
Kẻ qua người lại, đi không về rồi!
Thương ôi! Chi xiết… Thương ôi!
Trăng tròn cũng khuyết bể vơi khôn đầy!
Thương ôi! Như vượn lìa cây,
Như chim vỡ tổ, như mây xa ngàn.
Thương ôi! Chiếc nhạn lìa đàn,
Như uyên chích cánh, như loan giao đầu.
Thương ôi! Bóng ngã ngàn dâu,
Ngựa qua cửa hé, sao sầu ban mai.
Thương ôi! Xuân bất tái lai,
Kẻ tài người sắc còn ai đó chừ?
Thương ôi! Nay khóc người xưa,
Người xưa biết có bây giờ mà thương!
…………………………………
Gẫm thân chừ ta chưa thương hết,
Hết chi thương đi một thương ai!
Thương ai thương hủy thương hoài,
Thương thầm thương kín thương dài thương dông!
Thương sao thương khéo lông bông,
Thương chi cảnh có người không, thương gì?!
Thương là thương sinh ly tử biệt,
Khiến người dưng thảm thiết lọ ta.
Thương thay con tạo khéo ngoa,
Thấy người nằm đó biết ta đời nào!
Thương thay đổi vật dời sao,
Biển sâu cũng cạn non cao cũng bằng…

Văn chương “Trăm Thương” đối với “Hoài Cổ ngâm” tuy không chải chuốt bằng, song vẫn có sức rung cảm mạnh. Vẫn là tiếng kêu thương của tấm lòng đau xót, tấm lòng cần phải “kêu lên một tiếng cho dài kẻo căm”.
Mượn thi văn trút bớt nỗi đau buồn, nhưng nỗi đau buồn vẫn không vợi bớt! Tương An Quận Vương bèn đóng cửa tạ khách, một mình vò võ với “mối tình buộc chặt” và “đoạn thảm khôn ngăn”. Không bao lâu nhuốm bệnh nặng rồi mất! Mất năm Tự Đức thứ 7 (1854) hưởng dương được 35 tuổi, tuổi đương nẩy nở tài năng!

Bình sinh Quận Vương sáng tác nhiều. Thơ chữ Hán có, thơ Quốc âm có. Thơ chữ Hán được chép lại thành tập, nhan đề là “Khiêm Trai Thi Tập”. Còn thơ Quốc âm, vì không chép để, nên chỉ còn truyền chừng mươi bài. Nhưng chỉ xem những bài thượng dẫn, chúng ta cũng đủ thấy rõ thi tài của Quận Vương. Không kể đến lượng, chỉ nói về phẩm, thì bấy nhiêu bài còn sót lại đó cũng đủ đưa tác giả lên hàng ghế nhất trên Tao đàn Việt Nam. Riêng nói về thơ Đường luật, từ đời Trần đến đời Tự Đức, sản phẩm tuy nhiều, song không có mấy nhà vượt qua Tương An, nhất là về mặt âm điệu. Hiện nay tuy chưa được nhiều người tán thưởng, vì chưa được phổ biến rộng rãi, nhưng rồi đây ngọc Biện Hòa ra khỏi đá thì giá liên thành há mất đi đâu mà lo.


[1] Có người đọc: Nhất dạ ngũ dâm tam hữu dựng.
[2] Triều Nguyễn chỉ Trương Đăng Quế được ba nhất: - Tước Quận Công. - Diệu hàm cầu chánh. - Cung hàm Thái Tử Thái Sư. Còn những người khác như Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Nguyễn Hiển Bắc… đều chỉ hai là: Quận Công, cầu chánh còn cung hàm đều chỉ Thái Tử Thái Phó.
[3] Tôi ngờ rằng bài nguyên tác dài đến trăm câu hoặc hơn nữa song người sau chỉ còn nhớ bấy nhiêu.