Hương Vườn Cũ 24.



Các nhà văn thiên về mặt đạo đức dù cho quyển Kiều của Nguyễn Du là dâm thư đi nữa, cũng vẫn phục tài nhả ngọc phun châu của Tiên Điền tiên sinh.
Văn chương truyện Kiều thật là tuyệt diệu.
Đó là bức gấm Ngân Sơn mà tơ chỉ và màu sắc từ Trung Hoa đem về pha chế để nhuộm và kéo xe để dệt theo sở thích và kiểu mẫu của người Việt Nam. Đó là một tổ mật ong vừa thơm vừa dịu do tinh ba của hương của phấn rút nơi trăm hoa trong vườn thơ Đường, Tống, Minh, Thanh… đem về nhào trộn cùng hương hoa của đất nước mà gầy nên.
Nếu chúng ta chịu khó ngồi phân chất, chúng ta sẽ thấy được xuất xứ rõ ràng.
Ví dụ:
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Hoặc:
Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói đầu cành mỉa mai.

Thật là những câu thơ tự nhiên hết sức, tự nhiên đến thành thiên nhiên, những câu thơ tả những cảnh thông thường, ai cũng thấy được, cũng tả được, những câu thơ dường như đối cảnh sanh tình, xuất khẩu thành chương… Có ngờ đâu đó lại là những câu thơ thoát thai ở thơ Trung Quốc!
Câu “Cỏ non…” đã dịch câu:

Phương thảo liên thiên bích,
Lê chi sổ điểm ba.

Nghĩa là: “Cỏ thơm liền sắc biếc của trời, cành lê lác đác hoa vài điểm”.

Còn câu “Lơ thơ…” thoát ý câu:
Dương liễu âm trung thùy nhược tuyến,
Hoàng ly học ngữ thí tân xoang.

Nghĩa là: “Trong bóng dương liễu tơ mềm mại rũ xuống, con oanh vàng vừa học nói đương ca thử khúc ca mới”.

Chắc có bạn bẻ:
- Như thế những cảnh trong truyện Kiều đều là những cảnh trong sách vở chớ không thật, mà thơ cảnh cần phải chân.
Xin thưa:
- Mỗi phái thơ có một quan niệm về cảnh vật. đối với những nhà thơ cổ điển Việt Nam cũng như Trung Quốc, cảnh vật là tấm gương phản chiếu tâm hồn. Cảnh vật ở dưới ngòi bút của các nhà thơ Cổ Điển đều được lý tưởng hóa. Họ tả cảnh không phải vì cảnh mà chính vì tình. Họ mượn cảnh để lồng tình, để gợi tình, để đại diện cho tình… Phần nhiều là những cảnh tưởng tượng, những cảnh ước lệ. Nếu là cảnh thực thì họ lựa trong đám phức tạp bao la, những nét, những điểm thích hợp với tâm tình mà đưa ra giấy mực. Và một khi đã nằm vào văn chương thì cảnh vật chỉ giữ được những gì có thể giữ được, còn sắc thái thì hoàn toàn là sắc thái của tâm hồn người thơ.

Nguyễn Du tiên sinh là một nhà thơ cổ điển. Quan niệm của tiên sinh đã biểu lộ trong câu:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Cho nên cũng như những câu thượng dẫn, những câu sau đây đều là bóng dáng của con tâm Thúy Kiều và Kim Trọng trong buổi chiều hội Đạp Thanh:

- Nao nao dòng nước uốn quanh,
Nhịp cầu nho nhỏ cuối gành bắt ngang.

- Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.

Những câu ấy vì có mang cảnh vật, nên tạm gọi là những câu tả cảnh đó thôi, chớ chiếc cầu kia, dòng nước kia, cụm liễu kia… dưới con mắt của người khác thì đâu có những dáng dấp ấy sắc thái ấy.
Và cũng như những câu trên, chúng đều thoát ý ở thơ Trung Quốc:

Nhất cừ xuân thủy lộng sàn sàn.
Dương liễu kiều biên ẩn ánh gian.

(Một dòng nước xuân chảy dợn dợn trong khoảng nửa ẩn nửa hiện của cây dương liễu thướt tha bên cầu).

Khê hạ nhất hoằng lưu thủy bích,
Tiểu kiều tà bạng tịch dương đê.

(Dưới khe một dòng nước chảy lục lìa. Bên chiếc cầu nhỏ bắt xiêng xiêng, bóng mặt trời chiều ngã thấp xuống).
Những câu trên chỉ dịch thoát ý.

Có nhiều câu ý nghĩa dịch rất sít sao. Như:
Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Đó là dịch hẳn nghĩa câu:
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào ba y cựu tiếu đông phong.

Những câu trên đều mượn cảnh để tả tình.

Có lắm câu hoàn toàn tả tình mà Tố Như tiên sinh cũng mượn của cổ nhân. Như:
Sống làm vợ khắp người ta,
Hại thay thác xuống làm ma không chồng.

Thoát ý câu:
Sinh vi vạn nhân thê,
Tử tác vô phu quỉ.

Hoặc như:
Ví dù giải kết đến điều
Thì đem vàng đá mà liều với thân.

Xuất từ câu:
Thương thiên nhược giải đồng tâm kiết,
Kim thạch vi minh ngã dữ quân.

(Trời xanh dù có cởi mối dây đồng tâm đã buộc đi nữa, thời lời thề vàng đá ta cùng mình vẫn giữ vững như xưa).

Nhiều khi Tiên sinh lấy ý cả bốn câu thơ cổ một lần để dệt thành một đoạn thơ của mình. Như hai đoạn tả tiếng đàn của Thúy Kiều gảy cho Kim Trọng nghe khi sơ ngộ và lúc tái ngộ.
Đây tiếng đàn lúc mới gặp nơi vườn Thúy:

Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa…

Đó là thoát ý bài “Văn Tranh” của Tôn Thị:
Sơ nghi táp táp hương phong động,
Hựu tự tiêu tiêu mộ vũ linh.
Cận nhược thanh tuyền lai bích chướng,
Viễn như huyền hạc hạ thanh minh.

(Mới nghe thì ngờ là gió thơm bay phất phất, rồi lại như mưa đêm tuôn rào rào. Gần giống như tiếng suối từ nơi hố biếc chảy về, xa dường chim huyền hạc từ trên không kêu vọng xuống).

Đoạn thứ hai, lúc hai bên đoàn tụ:
Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy hồn hồ điệp hay là Trang Sinh.
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ quyên.
Trong sao châu nhỏ doành quyên,
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!

Thoát ý bài “Cẩm Sắc” của Lý Thương Ẩn:
Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp,
Vọng Đế xuân tâm hoán đỗ quyên.
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,
Lam Điền nhật noãn ngọc sanh yên.

(Mộng sớm của Trang Sinh mê thành con bươm bướm, lòng xuân vua Thục Đế hóa làm chim cuốc cuốc. Bóng trăng soi sáng biển xanh, hạt châu có nước mắt, mặt trời sưởi ấm cõi Lam Điền, hạt ngọc sanh ra khói).

Những câu Kiều tuyệt diệu. Tinh thần của nguyên tác đều lột được một cách tài tình. Dù mất nhiều công phu, chúng ta cũng không thể tìm thấy ngấn tích phiên dịch. Lắm khi chúng ta lại ngờ rằng “cành kia chẳng phải cội này mà ra”.
Lại có khi tiên sinh dồn hai ba câu chữ Hán, rồi nhào trộn, biến chế thành hai vế lục bát hết sức tài tình. Như hai câu nói về người khách viễn phương đến tìm Đạm Tiên:

Thuyền tình vừa ghé đến nơi,
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ.

Lâu nay giảng Kiều nhiều người chỉ dựa trên hai câu này:

Kim nhật tình châu phương đáo ngạn
Bình trầm ba chiết dĩ đa thì.

(Ngày nay thuyền tình mới đến bến, mà bình chìm hoa gãy đã từ lâu).

Vì chỉ dựa trên hai câu ấy mà giảng, nên có người đã ngờ rằng câu Kiều kia bị người sau chép sai nguyên tác, và đề nghị sửa lại là “Thì đà HOA gãy bình rơi bao giờ” cho đúng nghĩa câu thơ cổ đã sanh ra.
Có ngờ đâu Tiên Điền đã mượn ý hai câu trên để làm vế lục “Thuyền tình vừa ghé đến nơi”, còn vế bát “Thì đã trâm gãy bình rơi bao giờ” lại mượn chữ và ý trong bốn câu đầu bài thơ trường thiên cổ thể của người đời Đường:

Tỉnh để dẫn ngân bình,
Ngân bình dục thượng ti thằng tuyệt.
Thạch thương ma ngọc trâm,
Ngọc trâm dục thành trung wương chiết.

(Đáy giếng kéo bình bạc, bình bạc hầu lên dây tơ đứt. Trên đá mài trâm ngọc, trâm ngọc hầu thành, nửa chừng bị gãy đôi).

Lấy da nách chồn, nơi này một ít nơi kia một ít, để may chiếc áo cầu không thể thấy đường chắp vá như thế thì thật là khéo. Phải là tay thợ trời mới có thể đến được diệu xứ một cách dễ dàng như thế kia.
Đọc câu:
Thuyền tình vừa ghé đến nơi,
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ.

Không cần biết đến những câu thơ chữ Hán, chúng ta vẫn hiểu trọn được ý nghĩa. Chỗ hơn người là đó.

Những câu trích dẫn trên đây chỉ là một phần nhỏ. Truyện Kiều của Tiên Điền phần nhiều mượn ý trong thơ chữ Hán, như trên đã nói. Trong tập Bút Hoa, cụ Phan Mạnh Danh (1866-1942) đã dùng văn Kiều mà dịch thơ cổ, và dùng thơ cổ để dịch văn Kiều, một cách sít sao và tài bộ. Ví dụ dịch câu:

Ấy ai dặn ngọc thề vàng
Bây giờ kim mã ngọc đàng với ai!

Cụ lấy một câu trong Tình Sử, một câu trong Tống thi, ráp lại thành một cặp thơ chữ Hán rất hay, mà ý nghĩa sát với câu Kiều, có thể nói là từng chữ:

Dát ngọc tương kim thành để sự,
Ngọc dường kim mã thuộc hà nhân!

Và mượn một câu thơ Tống một câu thơ Đường ghép lại:
Cửu thập thiều quang kim quá bán
Đầu thoa yên tử dĩ phi lai.

để dịch câu:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Thật là thú chơi thanh nhã của bậc hay chữ, một thú chơi giúp cho kẻ hậu sinh biết được xuất xứ của văn chương truyện Kiều và thấy rõ được tài “ăn dâu, hút mật” của Tố Như Tiên sinh.
Nói tóm lại, văn chương truyện Kiều, những câu thơ thoát ý thơ cổ cũng như những câu sáng tác, đều là những câu thơ hồn thành: Những ngấn chạm trổ, những đường may vá không thể tìm thấy. “Dụng xảo vô phủ tạc ngấn, dụng điển vô điền xế ngấn” như thế tức là đã nhập diệu vậy. Những câu thơ thoát ý, nhiều câu chúng ta nhận thấy văn chương lại có phần êm đẹp hơn cả nguyên tác! Rõ là những giọt mật ong, mùi vị thơm ngon hơn nhụy hoa còn nguyên chất, những bức gấm màu sắc rực rỡ gấp mấy lần tơ chỉ lúc chửa lên khuôn.

Tài tình thay Tố Như!