Hương Vườn Cũ 38



Nổi tiếng về thơ phúng thế, ở Bắc có Tú Xương Trần Tế Xương, ở Nam có Học Lạc tức Nguyễn Văn Lạc, người Mỹ Tho.
Thơ phúng thế của Tú Xương thường dùng thể phú.
Thơ phúng thế của Học Lạc thường dùng thể tỷ.
Thơ phúng thế của Tú Xương chúng ta đã thưởng thức rồi [1]. Tôi xin giới thiệu thơ của Học Lạc.

Thơ vịnh vật phúng thế của Học Lạc, tôi biết được rất ít, nhưng đủ cho tôi thấy được khí tượng và thi tài, vì bài nào cũng đích đáng:
- Vịnh đôi gà chọi
- Vịnh trâu
- Vịnh chó chết trôi sông
- Vịnh tôm
- Vịnh ông làng hát bội.

Tôi thích nhất bài VỊNH TRÂU

Mài sừng cho lắm cũng là trâu
Coi lại mà coi thật lớn đầu [2]
Trong bụng lam nham ba lá sách
Ngoài nằm lẻm thẻm một chùm râu [3]
Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy [4]
Làm lễ bôi chuông dớn dác sầu [5]
Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ
Năm dây đàn gảy biết nghe đâu.

Văn chương tự nhiên. Chân tướng của trâu được phác họa bằng những nét đơn sơ nhưng linh động. Rõ là một bức tranh truyền thần, nhìn vào không ai có thể lầm vật gì khác hơn trâu.
Như thế là nghĩa đen của bài thơ đã rõ.

Còn nghĩa bóng thì lời giải thích xưa nay có nhiều điểm dị đồng.
Các vị túc nho tiền bối tôi được hầu chuyện giải thích rằng:
- Bài con trâu làm ra để châm phúng bọn lý hương và bọn quan lại thời Pháp mới đặt nền đô hộ lên đất nước Việt Nam. Bọn này phần nhiều là hạng văn dốt võ nhát, bất tướng vô tài, vì dại dột mà cam thân làm trâu ngựa cho lũ thực dân, lắm khi bị chúng lợi dụng một cách quá đáng.

Trong Giai Thoại Làng Nho, Lãng Nhân giải thích: - Nhìn thấy bọn sỹ phu cậy có dăm ba cuốn sách trong bụng mà lên râu với bà con, đến khi gặp giặc thì chạy tơi bời, chỉ sợ máu huyết phải đem làm lễ bôi chuông, giống như nông nỗi con trâu trong bài.

Tôi biểu đồng ý kiến của các vị túc nho tiền bối. Nhưng thiết tưởng bài con trâu không phải ám chỉ tất cả bọn người ra làm thân trâu ngựa cho thực dân Pháp mà chỉ nhắm một số người nào đó trong bọn này, và số người nào đó đã bị thực dân đem làm vật hy sinh trong một vài trường hợp nào đó, nhân dịp bị hy sinh đó, ông Học Lạc mới đem trâu ra mà tỷ. Tức là trường hợp sáng tác bài con trâu, không phải là trường hợp phổ biến, mà là trường hợp đặc biệt. Tôi có ý nghĩ này là do cặp luận trong bài:
Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy
Làm lễ bôi chuông dớn dác sầu.

Điển Điền Đan, điển bôi chuông là những điển thông dụng. Trong bài VỊNH TRÂU GIÀ, cặp trạng:
Đuôi cùn biếng vẩy Điền Đan hỏa
Tai nặng buồn nghe Nịnh Thích ca.
Câu chuyển kết:
Bôi chuông nhớ thuở thân gần lụy
Ơn đội Tề Vương chết được tha.

Tuy cùng một điển, nhưng cách dùng đôi bên khác hẳn nhau. Bên Trâu Già thì dùng theo nghĩa tốt. Bên ông Học Lạc thì dùng theo nghĩa xấu. Đó là do bài Trâu Già là thơ tự nghĩ, còn thơ ông Học Lạc là thơ phúng thế. Còn một điểm khác biệt trong cách dùng của đôi bên nữa là: Tác giả bài Trâu Già nương theo điển, còn ông Học Lạc lại khiến điển theo mình.
Ông khiến điển theo mình bằng hai chữ “mắc mưu”.

“Đốt đít, làm lễ bôi chuông” là sự kiện hiển nhiên ở trước mắt. Còn “mắc mưu” là nguyên nhân sanh ra những sự kiện kia và đã được ông Học Lạc tìm thấy. Không phải nước lã khuấy nên hồ, mà vốn có duyên cớ vững chắc.

Chúng ta thử nghĩ: Tại sao bị đốt đít, bị bôi chuông? Có phải tại bị mắc mưu chăng? Và tại sao lại bị mắc mưu? Có phải tại dại (lớn đầu), tại dốt (lam nham ba lá sách), tại ưa lên mặt ta đây là kẻ cả, là kẻ tuổi tác giàu kinh nghiệm (lẻm thẻm một chùm râu), tại không biết nghe điều hay lẽ phải (năm dây đàn gảy biết nghe đâu) hay chăng?

Như thế “mắc mưu” là nguyên nhân của việc đốt đít, bôi chuông, nhưng là hậu quả của dại, dốt, ưa lên mặt, không biết nghe điều hay…
Ông Học Lạc nắm được “nhân quả” của sự việc trong điển nên điều khiển điển được dễ dàng.
Mà dốt, dại, ưa lên mặt, không biết nghe điều hay lẽ phải là tánh chất chung của trâu. Song:
Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy
Làm lễ bôi chuông dớn dác sầu
không phải là tình trạng chung của giống “nghé ngọ già đời quen nghé ngọ”. Đó chỉ là trường hợp riêng của một số nghé ngọ bị mắc mưu nào đó mà thôi. Số nghé ngọ đó nhất định có liên quan hoặc nhiều hoặc ít với tác giả, và trường hợp đó nhất định đã được tác giả hoặc mắt thấy hoặc tai nghe.

Nghĩ vậy nên tôi mới dám bảo rằng trường hợp sáng tác của bài VỊNH TRÂU là một trường hợp đặc biệt.

Vì không rõ trường hợp kia như sao nên không thể đi sâu vào bài thơ để khám phá những bí ẩn mà tôi cảm thấy có, ngoài những điều các vị túc nho tiền bối và ông bạn Lãng Nhân đã tìm thấy.

Tôi đã dài dòng văn tự, mục đích chẳng phải chỉ để chứng minh lời nói của mình, mà còn để mách lẻo cùng bạn tri âm:
- Tìm biết trường hợp sáng tác một bài văn bài thơ, cũng như thời kỳ sáng tác, nguyên nhân sáng tác, động cơ sáng tác, rất cần thiết cho việc tri thức và thưởng thức văn chương.
- Điển cố cũng như tiền bạc, là kẻ làm tôi tốt mà là kẻ làm chủ xấu. Chúng ta nên bắt chước ông Học Lạc, sử dụng với tư cách chủ nhân ông.
Cổ nhân thường nói:
- Có điển mà không dùng, cũng như có thế mà không cậy.
Xem đó đủ thấy rằng dùng điển là sự bất đắc dĩ.

Những nhà văn nhà thơ ưa dùng điển là những chàng trọc phú khoe giàu, chỉ làm oai được với những hàng thấp kém.
Có nhiều bạn lầm tưởng rằng văn thơ có dùng điển mới súc tích. Không phải thế. Văn chương hàm súc thâm viễn là do công uẩn nhưỡng phanh luyện của tác giả, là nhờ tác giả đã sống một đời sống mãnh liệt và sâu sắc, rồi chuyển sức sống của mình sang văn chương.
Điển cố chỉ giúp phần nào vậy thôi.

Điển cố thường giúp tác giả dễ xoay chuyển trong những trường hợp khó khăn, như nói được nhiều với số chữ quá ít, như nói được kín đáo những gì không muốn hoặc không tiện nói trắng ra v.v…

Điển cố cũng như đồ trang sức. Đẹp không phải do nhiều mà do biết cách trang sức. Và nếu tướng xấu tánh xấu thì gấm vóc châu ngọc không thể biến Đông Thi thành Tây Thi, mà còn làm trò cười cho kẻ thức giả.
Vì vậy không nên lạm dụng. [6]

Ông Học Lạc là người khéo dùng điển, như chúng ta đã thấy. Nhưng ông lại ít hay dùng điển. Thơ ông tôi đọc chưa được nhiều. Song những bài tôi đã được biết, phần nhiều đều tự xuất tân ý, phần nhiều đều dùng những sự những vật ở trước mắt để tải ý diễn tình. Như:

CHÓ CHẾT THẢ TRÔI SÔNG
Sống thời bắt thỏ thỏ kêu rêu
Chết thả trôi sông xác phập phều
Vằn vện sắc còn phơi lẩn vẩn
Thúi tha danh hỡi nổi lêu bêu
Tới lui bịn rịn bầy tôm tép
Đưa đón lao xao lũ quạ diều
Một trận gió dồi cùng sóng dập
Tan tành xương thịt biết bao nhiêu! [7]

Không cần đến điển, không có một chữ khó, mà lời thơ già dặn, ý thơ hàm súc. Đọc lên là thấy ngay cảnh tượng chó chết thả trôi sông và càng đọc kỹ càng thấy những ẩn ý nằm dấu mình ở dưới hàng chữ.

Bài này phải chăng là làm để ám chỉ bọn chó săn của thực dân Pháp? Để tâng công cùng chủ, bọn này đã làm hại đồng loại biết bao nhiêu người! Nhưng đến khi không còn bắt được thỏ nữa thì thân phận chúng có ra cái quái gì! Công lao của chúng, một khi chúng tắt thở, trôi theo dòng nước chảy, nhưng tội ác của chúng danh nhơ của chúng vẫn còn mãi trên thế gian.
Bọn chó săn đã là bọn thúi tha nhơ bẩn. Song bên cạnh chúng lại còn những bọn thúi tha nhơ bẩn hơn. Đó là những bọn sống trên xác chết, ngoài mặt thì giả nhân giả nghĩa, mà trong lòng thì chỉ chực xé thịt moi gan người để nuôi thân cho béo bổ. Bọn người này đã được lũ quạ diều bầy tôm tép tượng trưng.

Ông Học Lạc chỉ cốt vẽ hình tướng bọn người sống bắt thỏ chết thả sông. Nhưng khi tô màu, ông lại làm xuất hiện thêm những hạng người hễ nghe mùi thây ma là xum xoe kéo nhau tới. Chỉ bắn một phát tên mà trúng đến hai ba cái đích. Có thể gọi là thần tình!
Ông lại còn nhủ thầm thế gian:
- Hễ lúc sống lo làm hại người thì lúc chết không thể giữ toàn thây.
Thơ như thế là súc tích.
Trong loại thơ Vịnh Vật, bài này có thể liệt vào hàng thượng thừa.

Bài này cũng như bài Vịnh Trâu ra đời đã trên dưới một thế kỷ [8], nhưng không mất thời gian tính, bởi thời đại nào lại không có trâu ngựa, không có chó săn, không có quạ diều tôm tép, và thời thế tuy đổi thay, nhưng bản chất của những giống kia có bao giờ thay đổi. Do đó, người đời nay đọc thơ vẫn thấy hay thấy thích.

Nhưng có lắm bài vịnh những vật mà hiện nay không còn nữa hoặc còn mà đã thay hình đổi dạng quá nhiều, bạn trẻ nhìn vào thơ không thể hình dung rõ rệt được những vật sở thuyết ấy, nên không thể lãnh hội được những cái hay cái khéo trong thơ. Bài VỊNH ÔNG LÀNG HÁT BỘI của ông Học Lạc sau đây bị rơi vào trường hợp ấy:

Chi chi trong khám sắp hai hàng
Xem kỹ thời ra mấy bợm làng
Trong bụng trống trơn mang cổ giữa
Trên đầu trọc lóc chít khăn ngang
Vô buồng gọi tổ châu đầu lạy
Ra rạp làm con nịt nách mang
Dám hỏi hàm ân người lớp trước
Hay là cũng rặt lũ quân hoang.

Chỉ đôi nét chấm phá mà vẽ được trọn vẹn những nét độc đáo của ông Làng Hát Bội. Văn chương không kém gì bài VỊNH TRÂU và VỊNH CHÓ CHẾT THẢ TRÔI SÔNG. Nhưng phải biết ÔNG LÀNG HÁT BỘI là vật gì, hình dáng ra sao và dùng để làm gì thì mới thấy rõ tài ngâm vịnh của ông Học.

Tôi dám nói thế là vì đã gặp nhiều bạn thanh niên sanh thời kháng chiến chống Pháp trở lui, bị lúng túng, ngơ ngác, trước bài VỊNH ÔNG LÀNG.

Không có gì lạ. Hát bội đã bị cải lương làm chết dần chết mòn gần nửa thế kỷ nay. Những gánh hát bội còn sống sót đã không đủ khả năng lôi cuốn tuổi trẻ, lại không còn giữ được tánh chất cổ nhã của ngày xưa. Từ kiểu áo xiêm của bạn hát đến cách trang trần sân khấu đều đã bị canh cải rất nhiều. Những Ông Làng, tức là hình tượng các tổ sư, cũng đã bị thời trang hóa: Những hình nhân bằng đất sét nhào với giấy bổi đầu chít khăn ngang, mình mang áo cổ giữa, đã được thay thế bằng những con người bằng nhựa với áo mão cân đai, xuê xoang lộng lẫy. Trong những lớp tuồng cần sự hiện diện của trẻ hài nhi, xưa kia dùng Ông Làng làm đại biểu, ngày nay lại dùng búp bê Tây, Mỹ hay Nhật Bổn thay ông Làng… Cảnh tượng trước mắt khác hẳn cảnh tượng trong thơ, như thế bảo kẻ hậu sinh nương vào đâu để phân biệt phi thị thị phi?

Muốn cho bạn đọc thấu triệt một bài thơ đã mất thời gian tính như bài Vịnh Ông Làng Hát Bội, người giải thích phải mất nhiều công phu.
Có người cho rằng những bài thơ đã mất thời gian tính thì không còn có giá trị.
Không đúng, nếu bài thơ là một mỹ nghệ phẩm hoàn hảo. Bởi sau khi nhận chân được những sự vật nói trong thơ, thì lẽ nào độc giả lại đi phủ nhận tài diễn tả hay cấu tạo của tác giả. Như thế là giá trị văn chương của bài thơ không mất. Bên giá trị văn chương, bài thơ lại còn đèo thêm giá trị lịch sử. Vì đó là những tài liệu quí báu giúp các nhà khảo cổ thấy được hình bóng của những gì đã bị tiêu diệt theo thời gian.
Cho nên không nên xem thường, không nên cho là lỗi thời, những bài thơ đã mất thời gian tính, mà bài VỊNH ÔNG LÀNG HÁT BỘI của ông Học Lạc là một.

Nói tóm lại: bài VỊNH ÔNG LÀNG HÁT BỘI cũng như bài VỊNH CHÓ CHẾT, VỊNH TRÂU, là thơ vịnh vật có giá trị. Trong làng thơ Quốc âm, chưa thấy có bài thơ vịnh vật nào hay hơn.
Và chỉ xem ba bài thượng dẫn cũng đủ thấy rằng ông Học Lạc là một nhà thơ châm phúng có biệt tài.
Ông thường mượn vật để nói người. Nhưng cũng có khi ông chỉ trích thẳng, như chỉ trích NGUYỄN CÔNG NHÀN chẳng hạn.

NGUYỄN CÔNG NHÀN cùng các sỹ phu miền Nam dấy nghĩa binh chống giặc xâm lăng. Tánh họ Nguyễn nóng như lửa, nhưng gan họ Nguyễn lại nhát như cheo. Giao phong cùng địch mấy trận, ông không dám tiếp tục đương đầu, phải tự trói mình ra hàng giặc. Ông Học Lạc bèn có thơ phúng:

Có quan hùng dũng Nguyễn Công Nhàn
Hùng dũng nhưng mà lại nhát gan
Giặc tới bến Tranh run lập cập
Tàu vô cửa Tiu chạy bò càng
Mưu thần trước biết ngang sông chắn [9]
Kế diệu sau toan đóng cũi hàng [10]
Thất thủ muốn liều cho vẹn tiết
Ngặt vì con vợ bận chưa an.

Văn chương thật thà, thiếu giọng sắc bén của thơ Tú Xương, điệu dí dỏm của thơ Nhiêu Tâm. Những bài khác cũng na ná như thế [11]. Nếu đem những bài châm biếm một cách trực tiếp của ông Học Lạc so với những bài vịnh vật phúng thế, thì đây là tấn sỹ phó bảng, còn kia là tú tài học sinh.
Cho nên có thể kết luận rằng NGUYỄN VĂN LẠC là một nhà thơ châm phúng sở trường về lối tỷ mà không sở trường về lối phú.

Ngoài loại thơ châm phúng, ông Học Lạc còn truyền lại một ít thơ tình thơ cảnh. Xuất sắc nhất là bài VỊNH CẢNH THUỘC NHIÊU:

Đất linh bồi đắp cuộc Ba Giồng
Cảnh Thuộc Nhiêu nhiều khách ngợp trông
Đường thẳng ngựa phi chen ngại bước
Lạch cùng cá lội mến quên sông
Trường văn nhóm kẻ thêu rồng cọp
Miếu võ thờ trang vững bá tòng
Thanh đạm thú quê vui tục cũ
Vườn dâu ruộng lúa dễ cho không. [12]

Lời hùng ý hậu. Dù chưa được biết Thuộc Nhiêu, khách xem thơ cũng đoán được là một nơi phồn thịnh, có phong cảnh đáng yêu, có nhân vật đáng kính, và tuy khách bốn phương, theo đường bộ có đường thủy có, tới lui đông đảo, nhưng cuộc tiếp xúc bên ngoài không gây ảnh hưởng xấu đến nền phong tục cổ truyền, đến thú quê thanh đạm tự nhiên của bổn kiểng.
Đây là một bài thơ cảnh. Song tác giả vịnh cảnh không phải vì cảnh, mà nhân xúc cảnh, mượn cảnh để lồng tình.

Ông Học Lạc vốn người làng Mỹ Chánh thuộc Mỹ Tho. Năm Nhâm Tuất (1862), triều đình Huế ký hòa ước nhượng ba tỉnh miền Đông Nam Việt (Biên Hòa, Gia Định, Đnh Tường) cho Pháp. Văn học cũng như Chánh trị đều thay đổi mới. Không chịu theo thời, ông Học bỏ làng Mỹ Chánh về làng Thuộc Nhiêu (cũng thuộc Mỹ Tho nhưng xa nơi Pháp đóng), dạy học và hốt thuốc làm chước dung thân.
Cặp trạng:
Đường thẳng ngựa phi, chen ngại bước
Lạch cùng cá lội, mến quên sông.
Ngụ ý nói rằng:
- Vì không muốn chen chân trên đường thế cùng đám bôn xu, nên phải xa Mỹ Chánh về ở Thuộc Nhiêu. Và ở Thuộc Nhiêu lâu ngày quen thú, lòng khuây dần nỗi thương nhớ quê xưa.
Cặp luận:
Trường văn nhóm kẻ thêu rồng cọp,
Miếu võ thờ trang vững bá tòng.

Vừa ca tụng làng Thuộc Nhiêu, vừa tỏ lòng tin tưởng ở thuyết “Địa linh sanh nhân kiệt”, vừa nói lên lý do khiến tác giả mến Thuộc Nhiêu, xem Thuộc Nhiêu như Mỹ Chánh.
Chuyển kết:
Thanh đạm thú quê vui tục cũ
Vườn dâu ruộng lúa dễ cho không.

Ngậm ý cảm khái về việc nhượng cho Pháp ba tỉnh miền Đông.
Trong cảm khái có khẳng khái:
Đất đai là của ông cha để lại. Tấc đất tấc vàng, lẽ đâu lại đem cho không thiên hạ. Thiên thư đã định phận, đất đai của Việt Nam phải thu lại cho Việt Nam. Nghĩ đễn khí linh của đất nước, nghĩ đến những bậc có tài thêu rồng cọp, có chí vững bá tòng, mà xưa nay đã từng có, ngày nay thế nào cũng có trong số đồng bào đông đúc, ngoài hạng tranh danh giành lợi, thì niềm hy vọng khôi phục giang san của tác giả ngấm ngầm đâm chồi nảy lộc, xanh tươi như vườn dâu ruộng lúa của Thuộc Nhiêu!
Văn chương thật hàm súc!
Nếu ông Học Lạc không có tấm lòng phân phương phỉ trắc thì làm sao có được câu thơ trầm uất đốn tỏa như thế ấy.

Thơ ông Học Lạc, cả thơ châm phúng lẫn thơ cảnh thơ tình, tôi chỉ được xem trên dưới mươi bài, và tôi chỉ thích những bài thơ vịnh vật tôi đã trích dẫn với bài Vịnh Thuộc Nhiêu. Nhưng chỉ với số ít đó, tôi cũng nhận biết được đại khái về ông Học Lạc.
Theo chỗ tôi nhận thấy qua văn chương thì ông Học Lạc là một kẻ sỹ có khí tiết, có nhiệt tình cùng Tổ Quốc, song tự biết không đủ sức để cứu nguy phò khổn nên đành độc thiện kỳ thân, là một nhà thơ cốt ngạo nhưng tâm từ, giận ghét đời nhưng không nỡ bỏ đời, nên đành mượn văn chương làm liều thuốc đắng.

Những bài vịnh vật “Con Trâu, Chó Chết Trôi, Ông Làng Hát Bội”… là tiếng lòng công phẫn của ông Học đối với thế thái nhân tình. Còn lòng ông đối với Tổ Quốc đối với thời cuộc thì đã thể hiện phần nào trong bài Vịnh Cảnh Thuộc Nhiêu và bài VỊNH ĐÔI GÀ CHỌI:

Đôi bên chưa chắc đặng cùng không
Thiên hạ ngày tròn mỏi mắt trông
Một trận quyết đền ơn tấm mẳn
Hai ngươi chớ ngại nắm xương lông
Rủi may đã có người hương khói [13]
Khuya sớm cho cam kẻ ẵm bồng [14]
Lừng lẫy danh thơm trong mấy nước
Làm sao năm đức giữ cho cùng. [15]

Bài này làm hoặc trước hoặc một thời cùng bài Thuộc Nhiêu, nghĩa là trong thời kỳ Pháp chưa chiếm trọn sáu tỉnh Nam kỳ. Ông Học còn nuôi hy vọng quân ta chiến thắng địch.

Về mặt văn chương, bài này không sánh kịp bài Vịnh Cảnh Thuộc Nhiêu và ba bài Vịnh vật phúng thế Con Trâu, Chó Chết, Ông Làng. Bài thơ thiếu “tiếng đàn ngoài dây tơ” nên không gây được dư thú sau khi đọc. Chép ra chỉ để cho rõ thêm tấc lòng nước non của tác giả và cũng để làm nổi bật giá trị những bài thơ vịnh vật phúng thế, bài thơ Thuộc Nhiêu mà tôi đọc mãi đọc hoài vẫn thấy hay.



[1] Xem bài số 27 ở trước.
[2] Trong nhiều sách thấy chép là:
Ngẫm lại mà xem thật lớn đầu.
Tục có câu “Lớn đầu thời dại bạo dái thời khôn”.
[3] Nhiều sách chép là “lém dém”. Lẻm thẻm là lưa thưa.
[4] Mắc mưu đốt đít: Lấy điển Điền Đan. Điền Đan làm tướng nước Tề. Nước Tề bị nước Yên vây khổn. Điền Đan dùng 1.000 con trâu, cho mặc áo đỏ vẽ rồng năm sắc, lấy khí giới nhọn buộc vào sừng, lấy củi khô tẩm dầu cột nơi đuôi. Khi ra trận châm lửa đốt củi khô, trâu bị nóng chạy thẳng sang phía địch chém giết… Quân Yên đại bại rút ra khỏi nước Tề.
[5] Làm lễ bôi chuông: Lấy điển trong sách Mạnh Tử - Sách chép rằng có người dắt trâu đi ngang qua điện vua Tề. Vua thấy vừa đi vừa run sợ, mới hỏi. Người dắt trâu tâu rằng đem trâu đi làm thịt lấy máu bôi chuông mới đúc. Vua động lòng thương truyền tha trâu và bắt dê thay.
[6] Xem them bài số 53 ở sau nói nhiều về việc dúng điển.
[7] Trong Giai Thoại Làng Nho chép đôi chỗ khác
Câu 2: Thác thả dòng sông bụng chướng phều.
Câu 3: Vằn vện xác còn phơi lững đững.
Câu 4: Thúi tha danh hãy nổi lều bều.
[8] Ông Học Lạc sanh năm 1842 mất năm 1915. bài này làm trong thời kỳ Pháp chiếm trọn sáu tỉnh miền Nam, hoặc sau khi nền đô hộ thực dân đã đặt xong trên toàn cõi Việt Nam, tức cuối thế kỷ XIX.
[9] Bắt chước người xưa, ông Nhàn đóng cọc dưới sông để chặn tàu Pháp. Nhưng Pháp biết được, cho nhổ hết cọc rồi bất thần tấn công. Công Nhàn thất kinh, bỏ chạy!
[10] Bị thua ông toan đóng cũi tự nhốt mình vào, cho người khiêng đến hàng giặc.
[11] Trong Giai Thoại Làng Nho, Lãng Nhân sao lục được nhiều. Ở đây chỉ giới thiệu một bài tiêu biểu.
[12] Trong tập THI SỸ TRUNG NAM của Vũ Ngọc Phan, có đôi chỗ chép khác - Câu thứ 3: “Đường thẳng ngựa biêu chân ngán bước” - Câu thứ 5: “Trường văn giỏi kẻ thêu rồng cọp” - Câu thứ 6: “Miếu võ thờ tay trí bá tòng” - Câu thứ 7, thứ 8: “Cứng cát thú quê vui tục cũ, Thềm dâu ruộng lúa dễ cho không”.
Cặp trạng lại có người đọc:
   Đường thẳng ngựa bon chân ngán bước
                Lạch cùng cá lội mắt quen sông.
Không biết đâu phải đâu sai. Riêng tôi nhận thấy bài tôi được nghe truyền, văn lý thông hơn cả, nên dùng.
[13] Hương khói: mượn cảnh làm thịt gà để cúng quải.
[14] Ẵm bồng: Gà đá khi đem đi đá luôn luôn được chủ ẵm bồng trên tay.
[15] Gà có năm đức: Tín (gáy đúng giờ), dũng (không sợ địch), lễ (dùng vào việc cúng tế), thảo (gặp mồi thường túc con đến ăn chớ không ăn một mình), cần (suốt ngày bươi chải).