Hương Vường Cũ 66




Người sống trong thế gian làm việc gì, bất kỳ lớn nhỏ, đều có mục đích.
Vậy mục đích của thơ là gì?

Một học giả trứ danh đời Đường là KHỔNG ĐĨNH ĐẠT định nghĩa:
- Thơ ấy là THỪA vậy, là CHÍ vậy, là TRÌ vậy.[1]
THỪA là nói lên những cái thiện cái ác trong xã hội do chánh sách cai trị tạo nên.
CHÍ là tất cả những gì chất chứa trong tâm trí cần biểu lộ ra ngoài.
TRÌ là giữ vững đức hạnh, đừng để sa ngã. [2]

Phần đông thi nhân Trung Hoa và Việt Nam thuộc phái Cổ điển đều lấy đó làm quy đích, làm tôn chỉ.
Không cần biện bạch thị phi. Vì ở đây chỉ nói chuyện về mục đích của cổ nhân nêu ra, trong làng thơ Quốc âm qua những số tác phẩm lưu thế, tôi nhận thấy có nhiều người theo. Ngoài ra còn nhiều đích khác nữa.

Bằng vào thực tế, chúng ta có thể chia làm sáu:
- Tiêu khiển,
- Phấn sức tài ba,
- Tải đạo (giáo dục, truyền bá tư tưởng),
- Di dưỡng tánh tình,
- Ký thác tâm sự,
- Giải thoát tâm hồn.

Những người nhắm hai mục đích đầu không mấy tha thiết với thơ. Có càng tốt. Không có cũng không sao.
Những người nhắm hai mục đích giữa rất ân cần đến thơ, song không thơ người không bức rức xốn xang vì thiếu thốn.
Những người nhắm hai mục đích sau, đối với thơ như hình với bóng. Họ lấy thơ làm lẽ sống, rồi sống với thơ, sống cho thơ, để cho thơ với mình nhập một.

Xét mục đích làm thơ của bậc tiền bối đã qua đời lúc mình chưa ra đời, khó hơn xét về các thi nhân mới qua đời trong khoảng thời gian gần đây. Vì đối với cổ nhân, mình chỉ bằng vào tác phẩm, còn đối với “cận nhân”, mình có thêm đời sống thực tế của tác giả để đối chiếu.

Trong các thi nhân mới qua đời từ nửa thế kỷ trở lại, tôi nhận thấy:
- Ưng Bình Thúc Gia Thị và Thảo Am Nguyễn Khoa Vy dùng thơ để tiêu dao tuế nguyệt và trang sức cho cuộc đời phong lưu tài tử.
- Sào Nam Phan Bội Châu và Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn dùng thơ phụng sự Quốc gia và Cách Mạng.
- Vân Bình Tôn Thất Lương dùng thơ để nuôi dưỡng tánh tình cho khỏi thất trụy. [3]

Đó là quí vị đã nhắm bốn mục đích trên. Đó là các thi nhân mà thơ và người là hai, tức là giữa thơ và người còn có nhân và ngã.
Thơ và người tuy hai nhưng mà một, tôi nhận thấy có bốn nhà:
- Miền Bắc có TẢN ĐÀ,
- Miền Nam có ĐÔNG HỒ,
- Miền trung có BÍCH KHÊ và HÀN MẶC TỬ 2

Đó là bốn người thơ. Cuộc đời của bốn nhà là bốn bài thơ sống vĩ đại mà tác phẩm là những hình ảnh phản chiếu vào văn chương.
Thơ của bốn nhà, khi nói đến khi viết ra, phải bỏ chữ CỦA:
- Thơ Tản Đà,
- Thơ Đông Hồ,
- Thơ Hàn Mặc Tử
- Thơ Bích Khê.

Bởi chữ CỦA là nhịp cầu giữa người và thơ, mà đối với Người Thơ, “con sông Bến Hải” không còn nữa  thì dùng nhịp cầu kia mà chi.
Thơ của quí cụ Thúc Giạ, Sào Nam…, Vân Bình đã có nói đến rồi. Còn thơ của bốn Người Thơ đây thì như sau?
Đã có nhiều sách báo nói đến nhiều. Nếu muốn nói đến nữa thì năm mười trang giấy không đủ. Nên xin nhượng cho các nhà phê bình, các nhà khảo cứu, các nhà viết văn sử học … ở đây tôi chỉ bắt chước những người đi củi hú lên một tiếng hú để rủ bạn vào rừng cho vui vậy thôi.

Nhưng để cùng quí bạn mua vui, tôi xin trích một ít thơ của mỗi nhà mà tôi thuộc lòng vì thích và kèm theo đôi ý kiến nho nhỏ làm duyên.

A -  Đây thơ Tản Đà:

THƠ THẨN

Phòng văn lặng ngắt bóng trăng mờ
Ngồi nghĩ thơ mà hóa thẩn thơ
Chỉ thắm ai người tơ tưởng mối
Ruột tằm đòi đoạn vấn vương tơ
Bụi lầm mặt trắng da đen sạm
Tuyết nhuộm đầu xanh tóc bạc phơ
Thơ nghĩ chửa ra già đã tới
Buồn chăng ai hỡi bạn làng thơ?

PHÚ ĐẮC: CÁI RUỘT CON TẰM, CHỊ EM ƠI, BỐI RỐI MÀ VÒ TƠ

Cùng nong cùng lá những mong chờ
Cái ruột con tằm bối rối tơ!
Trả nợ cho dâu là sự thế
Thương tình đến bạn cũng buồn như
Bồn chồn chín khúc cơn mưa lạnh
Đòi đoạn năm canh bóng nguyệt mờ
Gớm nỗi không chồng đau đớn lạ
Đố ai đêm vắng dễ mần ngơ.

Thơ Thất Ngôn luật thi của Tản Đà Tiên sinh thoát hẳn lối cử nghiệp. Tiên sinh theo thi chỉ của người xưa: Tình động trong tâm thì hình hiện ra lời thơ (Tình động ư trung nhi hình ư ngôn). Vì tình phát ra tiếng, tiếng thành ra văn, nên âm hưởng tiết tấu hòa hợp với nhau một cách tự nhiên, như rừng dương gió thổi.
Nhưng tình thơ thật đậm đà, tứ thơ thật lai láng, không phải ở nơi luật thi mà ở nơi Lục Bát, Song Thất Lục Bát, Ca Trù…, là những thể hoàn toàn Việt Nam.

Thơ Lục Bát và Song Thất Lục Bát của Tản Đà phần nhiều là thơ trường thiên. Như: Thề Non Nước, Xuân Cảm, Nói Chuyện Với Bóng, Thư Gởi Cho Người Tình Nhân Có Quen Biết, Thư Gởi Cho Người Tình Nhân Không Quen Biết, Nói Chuyện Với Ảnh, vân vân…
Đã đọc qua thơ Tản Đà, thật khó quên những câu như:

- Ngày xuân còn mãi không thôi
Tuổi xuân ai dễ xanh rồi lại xanh.
                                          (Vui Xuân)
- Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước nước mà quên non.
                                          (Thề Non Nước)
- Có khi bút thảo câu thần
Mình ta với bóng xoay vần nệm hoa.
                                          (Nói chuyện với bóng)
- Bồng Lai ngày tháng thanh nhàn
Cố cung tưởng lại muôn vàn ái ân.
                                          (Dương Quí Phi)
- Rượu đào hòa vị máu tanh
Làm cho đổ quán xiêu thành bởi ai!
                                          (Tây Thi)
- Trăm nghìn gởi lạy Đông quân
Hãy khoan khoan tới hãy lần lần lui.
                                          (Xuân Cảm)
- Chúa Xuân nức nở bên mình:
Văn chương rất mực tài tình hỡi ai.
                                          (Xuân Hứng)
- Lá thu rơi rụng đầu gành
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly
Nhạn về én lại bay đi
Đêm thì vượn hót ngày thì ve ngâm
Lá sen tàn tạ trong đầm
Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa…
                                           (Cảm thu tiễn thu)
- Nghĩ mình chẳng phải lầu xanh
Cớ chi tỉnh rượu tàn canh mà sầu.                  
                                           (Sầu thanh)  
vân vân…

Thơ Lục Bát của Tản Đà lưu loát thanh tao và có vẻ hồn nhiên như một đúc mà nên chớ không công phu trau chuốt.

Thơ Song Thất của Tiên sinh có phần óng chuốt đẹp đẽ hơn. “Lời văn chuốt đẹp như sao băng, khí văn hùng mạnh như mây chuyển, êm như gió thoảng, tinh như sương, đầm như mưa sa lạnh như tuyết” (Lời Trời phê - Hầu Trời):

- Mưa, mưa mãi, ngày đêm rả rích
Giọt mưa thu dạ khách đầy vơi
Những ai mặt biển chân trời
Nghe mưa ai có nhớ lời nước non.
                                             (Mưa thu đất khách)
- Bước lận đận thẹn cùng sông núi
Mớ văn chương tháng rụi năm tàn
Lụy trần ngày tháng lan man
Nỗi riêng riêng nghĩ muôn vàn càng thêm…
                                             (Đêm đông hoài cảm)
- Cuộc nhân thế câu cười tiếng khóc
Nghề sinh nhai lối dọc đường ngang
Đầu xanh ai điểm hơi sương
Những e cùng thẹn những thương cùng sầu…
                                             (Nói chuyện với ảnh)
- Ngàn sương bạc bay qua tiếng nhạn
Ngọn đèn xanh khơi cạn đĩa dầu
Mình ai chiếc bóng canh thâu
Nỗi riêng riêng một mối sầu vì ai…
                                              (Thư đưa người Tình Nhân Có Quen Biết)
- Ngàn mây biếc long lanh đáy nước
Bóng tà dương ngã gác non đoài
Tranh kia ai vẽ cho trời
Ngoài sơn thủy lại có người đứng trơ
Hồn kiếp trước ngẩn ngơ chưa tỉnh
Mối tình duyên vơ vẩn càng thêm
Tuyệt mù tăm cá hơi chim
Nào người nhớ hỏi thăm tìm là đâu?
Kể từ độ lọt đầu se tóc
Cũng cùng mang tiếng khóc mà ra
Cõi sầu ta lại với ta
Lọ quen biết mới gọi là tương tri…
                                               (Thư đưa người Tình Nhân Không Quen Biết)

- Ứa bốn bể hai hàng lụy ngọc
Gầy ba đông một vóc xương mai
Ơn nhà nợ nước hai vai
Nước nhà ai để riêng ai nặng nề!
Trông mây nước bốn bề lạnh ngắt
Nhìn non sông tám mặt sầu treo
Đường xa gánh nặng bóng chiều
Cơn giông biển lớn mái chèo thuyền nan
Nghĩ thân thế mềm gan lắm lúc
Nhìn non sông bạc tóc như chơi
Trông ai mỏi mắt phương trời
Nhớ ai đi đứng ăn ngồi thẩn thơ…
………………………………
Người bệnh yếu hơi may lạnh trán
Đêm thu trường tựa án thâu canh
Phố phường rộn rã trần thành
Ngoài song con sẻ trên cành tiếng kêu
                                               (Thư trách người Tình Nhân Không Quen Biết)

Còn nhiều bài hay, nhiều bài có nhiều câu hay, không thể chép hết. Ở đây nhớ đâu chép đó chớ không phải lựa chọn theo một tiêu chuẩn nào.
Ca Trù của Tiên sinh cũng lắm bài tuyệt tác, như Đời Đáng Chán Hay Không Đáng Chán, Cánh Bèo, Hỏi Gió, Trời Mắng, Gặp Xuân… vân vân… Thử đọc một bài:

CÁNH BÈO

Bềnh bồng mặt nước chân mây
Đêm đêm sương tuyết ngày ngày nắng mưa
Ấy ai bến đợi sông chờ
Tình kia sao khéo lững lờ với duyên.
Sinh lai chủng đắc tình căn thiển
Sự trăm năm hò hẹn với ai chi?
Bước giang hồ nay ở lại mai đi
Những ly hợp hợp ly mà chán nhỉ?
Vị tất nhân tình giai bạch thủy
Nhẫn tương tâm sự phó hàn uyên.
Đầu xanh kia trôi nổi đã bao miền
Thôi trước lạ sau quen đừng ái ngại.
Khắp nhân thế là nơi khổ hải
Kiếp phù sinh nghĩ lại cũng như ai
Ai ơi vớt lấy kẻo hoài.

Về Hát Nói trước kia có Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát, sau này có Tản Đà Tiên sinh, phần phẩm cũng như phần lượng, thiết tưởng không ai sánh kịp.
Tiên sinh có lựa một số bài của Tiên sinh sáng tác đem ra giảng thích và xếp thành tập lấy tên là Bình Khang Ca Phả, định in cho chị em xóm Bình Khang học để hát cho đúng ý nghĩa và lột cho hết tinh thần bài ca.

Tại sao tiên sinh lại quan tâm đến chị em đến thế?
Đó là vấn đề mà lâu nay ít nhà biên khảo để ý.
Có đi sâu vào vấn đề thì mới thấy chỗ dụng ý của Tản Đà tiên sinh và mới có thể thông cảm nỗi khổ tâm của tiên sinh về việc gia đình, nỗi khổ tâm gây ra do sự mâu thuẫn giữa tình cảm và lý trí, giữa nhà thơ và nhà nho, nỗi khổ tâm chỉ bộc lộ một cách gián tiếp và kín đáo, gián tiếp và kín đáo cả trên hành động lẫn văn chương!!
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.
Vấn đề này xin gác lại cho các nhà học giả. Chúng ta trở lại cùng Thơ Tản Đà và đọc thêm đôi bài về các thể khác:
- Hát Xẩm:

ÔM CẦM

(Bên thì trời) Chị em ơi! Lận đận bên thì trời,
Non cao nước chảy ấy ai người tri âm?
Lúc đêm thanh ngồi dậy ôm cầm,
Lòng tơ tơ tưởng âm thầm tiếng tơ.
Khúc đàn này vẫn khúc ngày xưa,
Mà người đoái khúc bây giờ đâu xa?!
Nhớ đầu xanh còn đương độ mười ba,
Cười trăng bóng xế, thương hoa thu tàn!
Thế mà cái phận hồng nhan!

- Từ Khúc:

TỐNG BIỆT

Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi!
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai!
Ước cũ duyền thừa có thế thôi!
Đá mòn rêu nhạt,
Nước chảy hoa trôi…
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi!
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi!!

Bài trên văn chương lâm ly. Bài dưới giọng có vẻ thản nhiên. Nhưng cả hai đều thiết tha thấm thía. Một bên nhỏ lệ mà than. Một bên nuốt lệ làm vui mà tiễn. Đọc rồi, lòng người sanh một nỗi buồn nhè nhẹ vừa thấm sâu vào bên trong vừa lan dần ra ngoài trời mênh mông bát ngát…
Thơ Tản Đà hầu hết đều chứa chan khí vị mùa thu. Lời cũng như tứ trong trẻo nhẹ nhàng, và tiêu sơ chớ không lạnh lùng ảm đạm. Vị thơ thường thường thanh chớ không đậm, nhưng ngấm sâu và thấm lâu. Cho nên có biệt thú và dư vị.

***

B-  ĐÔNG HỒ

Tản Đà là một nhà thơ đứng hẳn về phái cựu, tức là phái THƠ CŨ. ĐÔNG HỒ là một nhà Thơ Cũ nương theo nghĩa tùy thời. Cho nên khi phong trào Thơ Mới nổi dậy, Đông Hồ không bị cảnh phũ phàng của sóng gió như Tản Đà.
Nghĩa tùy thời ấy, Đông Hồ đã bày tỏ một cách kín đáo trong bài MUA ÁO:

- Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi
Em đâu còn áo mặc đi chơi.
Bán thơ, nhân dịp anh ra chợ,
Đành gởi anh mua chiếc mới thôi.

- Hàng bông mai biếc màu em thích,
Màu với hàng em đã dặn rồi.
Còn thước tấc. Quên! Em chửa bảo
Kích tùng bao rộng, vạt bao dài.

- Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Kích thước, anh còn lọ hỏi ai?
Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai.

Chiếc áo cũ đã lỗi thời, không còn vừa mắt người chung quanh nữa, Nàng Thơ của Đông Hồ đòi mua chiếc áo mới cho hợp thời trang. Đông Hồ mua cho nàng một chiếc áo thơ thời đại, và tập thơ “Cô Gái Xuân” ra đời (1935), mà bài “Mua Áo” là một bài trong tập.

Thơ trong tập CÔ GÁI XUÂN, cả hình thức lẫn nội dung, quả mới hơn thơ trong tập THƠ ĐÔNG HỒ xuất bản trước ba năm (1932), song vẫn bị lu mờ trước những vẻ mới mẻ của các tập Thơ Mới.

Có lẽ vì không theo kịp thời đại, Đông Hồ trở về với kiểu áo ngày xưa, nhưng châm chước cho ăn nhịp với tấm thân đẹp đẽ của Nàng Thơ đương tuổi hồi xuân. Theo tôi, Đông Hồ đã thành công: Tập BỘI LAN HÀNH, ra đời sau khi tác giả tạ thế, hơn tập THƠ ĐÔNG HỒ về nghệ thuật cũng như tình tứ, và hơn tập CÔ GÁI XUÂN về điểm già dặn và đằm thắm.

Bài MUA ÁO là bài thơ thường được nhắc đến khi nói đến Thơ Mới của Đông Hồ, nên có thể làm “đại biểu” cho CÔ GÁI XUÂN. Còn trong số Thơ Cũ của Đông Hồ, bài KHÓC LINH PHƯỢNG trội nhất:

Chăn gối cùng nhau những ấm êm
Bỗng làm ngọc nát bỗng châu chìm
Đầm đìa giọt thảm khăn hồng thấm
Lạnh lẽo đêm xuân giấc mộng tìm
Hình dạng mơ màng khi thức ngủ
Tiếng hơi quanh quẩn nếp y xiêm
Bảy năm vui khổ nghìn năm biệt
Sớm gió chiều mưa lắm nỗi niềm.

Bông đùa cùng bạn bè, tôi thường ví:
- Tập THƠ ĐÔNG HỒ là một người đàn bà già trước tuổi.
- Tập CÔ GÁI XUÂN là một người đàn bà đã có bốn năm mặt con rồi mà còn nũng nịu với chồng như thời còn con gái.
- Tập BỘI LAN HÀNH là một người đàn bà đứng tuổi nhưng còn đẹp, một người đàn bà lịch sự và có duyên, dịu dàng nhưng nghiêm chỉnh:

Áo thơ Nàng dệt vần hoa gấm
Nở trắng đài xanh đóa tuyết sương
Quả chín tiên đào mây tụ hội
Sao giăng hồng lạp ánh huy hoàng
Chi lan tiệc thọ đêm man mác
Đào lý vườn xưa mộng vấn vương
Gió lộng non trầm dâng khói hạc
Vương đình trăng dọi chén quỳnh tương.

Đây là một đoạn trong bài TRƯỜNG XUÂN HÀNH dài 56 câu [4]. Thơ trong Bội Lan Hành, phần nhiều là thơ trường thiên. Thể thất ngôn bát cú thường dùng làm thơ liên hoàn, hoặc thi ca liên hành. Đứng riêng từng luật rất ít:

ĐỀ VƯƠNG GIẢ HƯƠNG ĐÌNH

Đâu đây thoang thoảng gió hương ngàn
Hương gió ngàn chăng hương gió lan
Cho mực đượm vào hương sực nức
Cho thơ hòa với gió mơn man
Phương tâm tìm được trong vương giả
U cốc gần nhau giữa thế gian
Dầu chẳng đá rêu dầu chẳng suối
Lòng tiên cõi tục cũng thanh nhàn.

Thơ trong Bội Lan Hành, văn chương đều phong lưu đài các như những vần thượng dẫn. Tập thơ gồm được thái độ nghiêm trang của tập Thơ Đông Hồ và tánh cách trẻ trung của Cô Gái Xuân, lại thêm vào kỹ thuật già dặn của con người lịch duyệt.

Thơ Đông Hồ cũng như thơ Tản Đà phản ảnh trung thực đời sống bên trong và bên ngoài của tác giả.
Con người của Tản Đà là một thế giới đầy mâu thuẫn và nhiều phong ba.
Con người của Đông Hồ là một thế giới thanh lịch và an nhàn. Sóng gió bên ngoài thỉnh thoảng cũng có tạt vào, song chỉ trong giây lát và cũng không mãnh liệt đến nỗi đá lở bụi tung.
Cho nên thơ Tản Đà động, thơ Đông Hồ tịnh.
Có thể ví thơ Tản Đà như hoa, thơ Đông Hồ như trái, thơ Tản Đà như núi sông mây ráng, thơ Đông Hồ như cung điện đình đài. Thơ Tản Đà là thơ của nhiều người, nhiều hạng người. Thơ Đông Hồ là thơ của hàng phú quí, hàng học thức. [5]
Do đó mà thơ Tản Đà phổ biến sâu rộng hơn thơ Đông Hồ.

***

C- HÀN MẶC TỬ VÀ BÍCH KHÊ

Đông Hồ là một người chê quê hương Thơ của mình cũ kỹ cằn cỗi không đủ nuôi sống tâm hồn, bèn khăn gói lên đường đi tìm đất mới. Nhưng sau khi gây được một ít sự nghiệp nơi quê người, thì đem vốn liếng thu được về quê cũ, ra công tài bồi canh cải làm cho cảnh gia hương trở nên trù phú phong lưu.

Bích Khê và Hàn Mặc Tử cũng là hai nhà thơ cũ bỏ làng đi làm ăn xa. Và nơi đất mới, lập nên sự nghiệp vẻ vang thì nhập tịch luôn ở làng thơ Mới. Thỉnh thoảng mới trở về làng cũ thăm người bạn thân đương sống lẻ loi ở đó, trong giây lát mà thôi.
Vì vậy:
Phần đông các nhà phê bình văn học liệt Đông Hồ vào làng Thơ Cũ.
Còn nói đến Bích Khê, Hàn Mặc Tử, thì chỉ nhắc đến những vần thơ mới:

Đừng nhắc nhở tên anh ngoài lỗ miệng
Vì gió hương nghe được rỉ thầm hoa
Lộ mất rồi tâm sự của đôi ta
Chưa từng nói cho một ai hay biết
Chưa từng dặn ngày mai rồi tiễn biệt
Chưa bao giờ nhắc đến chữ chia ly
Bỗng đêm nay trước cửa bóng trăng quì
Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu
Lời nguyện gẫm xanh như màu huyền diệu
Não nê lòng viễn khách giữa cơn mơ
Trời từ bi cảm động ứa sương mờ
Sai gió lại lay hồn trong kẽ lá
Trăng choáng váng với hoa tàn cùng ngã
Anh đoán chừng cơn ấy em ngất đi.
Khổ lòng chưa em hỡi mộng tình si
Cuồng dại quá khiến nước mây sường sượng
Nhưng qua rồi những phút giây tơ tưởng
Anh nhìn trăng lỏn lẻn đậu cành cao
Phải giờ này đang lúc em chiêm bao
Vì chính giờ này anh đang yêu thiệt
- Em hãy nhập hồn em trong bóng nguyệt.
                                        (Hãy Nhập Hồn Em - Hàn Mặc Tử)

Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố nữ,
Ô tiên nương! Nàng lại ngự nơi đây?
Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây?
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm.
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?
Mặt trời châu rụng ánh sáng nghê thường.
Lệ tích lại sắp tuông hàng đũa ngọc.
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc.
Vài chút trăng say đọng ở làn môi.
……………………………
                                            (Tranh Lõa Thể - Bích Khê)

Chớ ít ai nói đến thơ cũ của hai nhà, mặc dù có nhiều bài không nhượng thơ Tản Đà, thơ Đông Hồ:

BUỒN THU

Ấp úng không ra được nửa lời
Tình thu bi thiết lắm thu ơi!
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi
Nằm gắng đã không thành mộng được
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt
Cảnh sắp về đông mắt lệ vơi.
                                            (Hàn Mặc Tử)

MỘNG TRONG HƯƠNG
Nửa cánh giang hồ bạc nhớ thương
Đêm nay buồn lắm! gục bên giường…
Ngoài ly Lý Bạch trời như mộng 
Trong khói phù dung mộng có hương

Thì mộng: xuân hương nường đã tới
Thưa cô, dáng nguyệt tuyết còn vương.
Tỉnh ra thì thấy mình trong mộng
Nửa mảnh trăng treo một mặt buồn!
                                               (Bích Khê)

Những bài nầy, Tử và Khê làm khi đã nhập tịch Thơ Mới. Những thi luật làm lúc chưa di cư, văn chương na ná như thơ đăng ở Tiếng Dân, Phụ Nữ Tân Văn…, nghĩa là khô khan bằng phẳng, nhiều chất văn ít chất thơ.

Trường hợp Đông Hồ, Hàn Mặc Tử, Bích Khê cho chúng ta thấy rằng phong trào thơ Mới chẳng những không có hại chi đến thơ Cũ mà còn giúp cho thơ Cũ tìm thấy lại sanh khí cái bản chỉ mà đám thi công đã làm mất.
Và làm thơ mới, Hàn Mặc Tử, Bích Khê thường dùng thể lục bát và song thất là hai thể cũ. Nhưng nhiều khi thay đổi cách điệu để cho thích ứng với trào lòng. Như bài SAY CHẾT ĐÊM NAY:

Trời hàn giang đêm nay không sóng
Lòng cô liêu đồng vọng mà chi
Gió đông đoài gặp tình si
Ôi chao quấn quít nói gì nhớ thương
Trăng cổ độ hết vương cành trúc
Hẹn đoàn viên tình thực chiêm bao
Đêm nay lại giống đêm nào
Nhấp song chung rượu buồn vào tận gan
Say thôi lại muốn nàng nâng đỡ
Nhưng nàng xa từ thuở vu qui
Nhớ thôi lòng những sầu bi
Lệ sa vào rượu hàng mi lờ đờ…
Ta là khách bơ vơ phàm tục
Nhớ cầm trăng cung bực tiêu tao
Không ai trang điểm má đào
Cho ta say chết đêm nào đêm nay!
                                               (Hàn Mặc Tử)

Từ cách dùng chữ đặt câu cho đến cách nghỉ hơi truyền ý đều khác các án danh thi cuả cổ nhân, như Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, Tỳ Bà Hành, Tự Tình Khúc…

Hai câu đầu:
Trời hàn giang đêm nay không sóng
Lòng cô liêu đồng vọng mà chi.

Chúng ta nhận thấy trong mỗi câu chỉ có một tiếng trắc. Âm hưởng của câu thơ khi đọc lên tạo ngay một bầu không khí yên lặng, yên lặng đến nỗi nghe được tiếng đồng vọng của lòng cô liêu.

Hai câu thơ nầy làm cho tôi liên tưởng đến hai câu mở đầu trong bài Tỳ Bà Hành:

Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu.

Hai tiếng trắc ở đầu và cuối câu thứ nhất và hai tiếng trắc ở đầu và cuối câu thứ hai, gợi hình ảnh hai bờ đất nổi lên đất ở hai bên sông mà những tiếng bằng là dòng nước lặng lẽ chảy ở giữa.
Dùng âm hưởng của tiếng để tạo hình ảnh gây không khí cho thơ như thế là thần tình, là tuyệt diệu.

Có người cho đó là tình cờ mà được. Theo tôi thì không phải tình cờ. Những tình thơ ý thơ vốn đã chất chứa sẵn, un đúc lâu trong tâm hồn người thơ, và kỹ thuật làm thơ đã được rèn luyện thuần thục, rèn luyện thường xuyên liên tục chầy ngày. Rồi một khi hứng đến, đến bất kỳ lúc nào thì tâm và nghệ liền phối hợp chặt chẽ để phụng sự nàng Thơ, một cách năng lực và hữu hiệu. Người không từng sống với thơ, chưa từng thể chứng, mới sanh lòng nghi ngờ, mới cho là sự ngẫu đắc.
Cách điệu được đổi mới trong bài trên có để ý mới thấy.

Đọc bài MUÔN NĂM SẦU THẢM sau đây mới dễ nhận thấy những nét canh tân:

Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm
Nhớ thương còn một nắm xương thôi
Thân tàn ma dại đi rồi
Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan!
Nghe hơi gió ôm ngang lưng gió,
Tưởng chừng như trong đó có hương
Của người mình nhớ mình thương…
Nào hay gió tạt chẳng vương vấn gì!
Nhớ lắm lúc như si như dại
Nhớ làm sao bải hoải tay chân
Nhớ hàm răng nhớ hàm răng
Mà ngày nào đó vẫn khăng khít nhiều
Dẫu đau đớn vì nhiều phụ rẫy
Nhưng mà ta không lấy làm điều
Trăm năm vẫn một lòng yêu
Và còn yêu mãi rất nhiều em ơi.
                                             (Hàn Mặc Tử)

Thường thường trong thơ cũ ý của câu nằm gọn trong câu chớ ít khi để thòng xuống câu dưới. Nếu có đi nữa thì câu thất truyền cho câu thất, câu lục tryền cho câu bát, chớ chưa từng thấy ý câu thất lại truyền xuống cho câu lục như trong thơ Hàn Mặc Tử:
Nghe hơi gió ôm ngang lưng gió,
Tưởng chừng như trong đó có hương
Của người mình nhớ mình thương.

Chẳng những truyền ý mà còn truyền cả chữ: “có hương của người mình nhớ mình thương”. Đó là chịu ảnh hưởng của thơ Pháp. Các nhà Thơ Mới thường dùng. Như trong bài Tiếng Sáo Thiên Thai của Thế Lữ có câu:
Trời cao xanh ngắt! Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai

Trong bài Chiều Xưa của Huy Cận có câu:
Ngàn năm sực tỉnh, lê thê
Trên thành son nhạt. Chiều tê cuối đầu.

Phép “Đem chữ liền nghĩa cả câu trên sang xuống câu dưới” (enjambement) không phải người xưa không bao giờ dùng. NGUYỄN HUY HỔ (1783-1841) trong Mai Đình Mộng Ký có câu:
Duyên tế ngộ hội công danh
Là hai, với nghĩa chung tình là ba.

Phép xưa đã có sẵn, nhưng vì ít người dùng đến thành bị vùi lấp. Hơn một thế kỷ sau mới thấy trở lại trong thơ Mới và qua văn chương ngọai lai.

Còn nhiều trường hợp tương tự như trường hợp “sang hàng” (enjambement) nói trên. Ví dụ:
BÍCH KHÊ có mấy bài thơ dùng toàn tiếng bằng hoặc hầu hết là tiếng bằng chỉ chen một số ít tiếng trắc. Tạo cho thơ một bầu không khí thái bình và gieo trong lòng người đọc một nỗi buồn trầm trầm dịu dịu:

Vàng sao nằm im trên hoa gầy
Tương tư người xưa thôi qua đây
Ôi! nàng năm xưa quên lời thề
Hoa vừa đưa hương gây đê mê

Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang

Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm Đào nguyên cho xa xôi
Đào nguyên trong lòng nàng đấy thôi

Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông
                                            (Tỳ Bà)

Đó là toàn bình. Có chen một vài tiếng trắc:

Ô trời hôm nay sao mà xanh!
Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành,
Nhung mây tê ngời sao kim cương,
Dạ lan tê người say men hương.

Lầu ai ánh gì như lưu ly?
Nụ cười ai trắng như hoa lê?
Thủy tinh ai để lòng gương hồ?
Không gian xa cừ hay san hô?
……………………………
                                            (Nghê Thường)

Trăng vừa đủ sáng để gây mơ,
Gió nhịp theo đêm không vội vàng;
Khí trời quanh tôi làm bằng tơ.
Khí trời quanh tôi làm bằng thơ.

Cây cỏ bình yên, khuya tĩnh mịch,
Bỗng đâu lên khúc Lạc ân thiều…
Nhị hồ để bốc niềm cô tịch,
Không khóc nhưng mà buồn hiu hiu.

Điệu ngã sang bài Mạnh lệ Quân,
Thu gồm xa vắng tự muôn đời.
Sương nương theo trăng ngừng lưng trời.
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi…
……………………………………

Không ai dám quả quyết rằng lối thơ “toàn bình” của Bích Khê phát xuất từ bài NHỊ HỒ của Xuân Diệu, hay Xuân Diệu chịu ảnh hưởng của Bích Khê, hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Nhưng lối thơ nầy không phải mới có. Người xưa đã từng dùng đến. Như LỤC QUY MÔNG đời Đường có bài HẠ NHẬT NHÀN CÚ, toàn thiên không có một tiếng trắc:

Hoang trì cô bồ thâm
Nhàn giai môi đài bình
Giang biên tòng hoàng đa
Nhân gia liêm lung thanh
Vi thư lăng di biên
Điều huyền khoa tân thanh
Cầu hoan tuy thù đồ
Thâm u liều di tình [6]

Trước đời Đường và sau đời Đường cũng có nhiều người làm, song thường thường những câu “toàn bình” chen vào những câu “phổ thông” như trong bài NHỊ HỒ của Xuân diệu, hoặc trong toàn bài thỉnh thoảng có điểm một ít tiếng trắc. Như trong bài Nghê Thường của Bích Khê. Những trường hợp nầy chúng ta thường gặp trong Kinh Thi. Trong thơ Tô Đồng Pha đời Tống cũng thường gặp:
Xuân lai cố hương qui vô kỳ
Nhân ngôn thu bi xuân cánh bi.[7]

Được nhiều người thuộc là mấy câu trong bài ký của PHẠM TRỌNG YÊM đề nơi Tự đường Nghiêm Tử Lăng:
Sơn thương thương, thủy ương ương…
Tiên sanh chi phong, sơn cao thuỷ trường.

Nhưng thơ của Cổ nhân và thơ của nhà thơ Mới, phong điệu và cố cách khác hẳn nhau.
Có người bảo rằng:
- Lối thơ toàn bình không phải do Xuân Diệu hay Bích Khê sáng chế. Chính họ đã dùng thể cũ mà biến chế thành thể mới đó thôi.
Không chắc, vì Xuân Diệu cũng như Bích Khê, theo chỗ tôi biết, ít đọc thơ Đường Tống.

Song nói gì thì nói, chúng ta vẫn thấy rõ rằng Xuân Diệu đã đi xa hơn Cổ Nhân và Bích Khê lại đi xa hơn Xuân Diệu. Bích Khê đã cùng với Lục Quy Mộng đưa ra đời một thể thơ hẳn hoi, thể TOÀN BÌNH. Có thể nói Lục Quy Mộng sáng tạo và Bích Khê tái tạo.

Dựa trên trường hợp “ngắt chữ sang hàng” (enjambement) và “dùng nhiều tiếng bằng”, chúng ta nên nhấn mạnh thêm một lần nữa:
- Thơ Mới chẳng những không làm chết thơ Cũ mà còn làm sống dậy nhiều điều mà chính phần đông nhà thơ cũ, vì vô tình hay vô ý thức, đã làm “bất tỉnh” lâu đời.

Và tôi mạnh dạn kết luận rằng:
- Muốn cho thơ Cũ sanh sắc trở lại như buổi thịnh thời, thì hoặc dùng những cái hay cái đẹp trong văn chương Âu Mỹ làm phân bón, hoặc ra công khai thác những cái hay cái đẹp trong nền văn học cổ Trung Hoa và Việt Nam, để làm thuốc bồi bổ, hoặc pha lẫn cả hai để biến chế thành một món ăn tinh thần thích hợp với hồn Dân Tộc.
Chẳng riêng gì thơ cũ.
Thiết tưởng toàn thể thơ Việt Nam đều nên thế, để cho cây thơ Việt Nam khỏi mất gốc và đơm hoa kết quả mỗi ngày mỗi thêm một sum.
Thực hiện được chỉ có những nhà thơ lấy thơ làm lẽ sống và sống chết cùng thơ, nhất là những người Thơ mang nặng dân tộc tánh.



[1]  Thi dã, thừa dã, chí dã, trì dã.
[2] Theo lời giải của Khổng Dĩnh Đạt: thừa quân chính chí thiện ác; thuật kỷ chí nhi tác thi; vi thi sở dĩ trì nhân chi hạnh, sử bất thất trụy.
Chữ TRÍ mà chúng ta thường gặp trong những lời nói của cổ nhân, như “thi ngôn chí”, như “thuật kỷ chí”, không phải chỉ trỏ cái ý chí hay cái chí khí mà thôi. Đó là nói tất cả những gì thuộc về trí và tâm. Cho nên trong bài tự kinh thi có nói rõ: “tại tâm vi chí, phát ngôn vi thi”. Nghĩa là “còn ở trong tâm gọi là CHÍ; đã phát ra gọi là THI”
[3] & 2  Tôi chỉ đề cập đến những vị tôi biết được rõ ràng vì đã từng giao thiệp.
Và đây chỉ nói đến những thi nhân đã qua đời.
[4] Hành là lối thơ thất ngôn hay ngũ ngôn trường thiên làm theo thể cổ phong.
[5] Phần nhiều là thế chớ không phải tất cả đều thế.
  Đông Hồ còn tập thơ TRINH TRẮNG. Nhưng đó là một tuyển tập, chớ không phải một tác phẩm “tự trị” nên không đề cập ở trong bài này.
[6] Nghĩa là: Ao hương lan lách dày - Thêm vắng rong rêu đầy
Bên sông trái tùng nhiều - Nhà người rèm sáo mát
Vì thư đụng đến sách cũ - So dây lựa khúc mới
                Mua vui tuy khác đường - Nơi sâu tịnh đều lưu tình.
[7] Nghĩa là: Xuân đã lại mà ngày trở lại cố hương không biết là bao giờ! Người nói rằng mùa thu buồn, nhưng mùa xuân lại càng buồn hơn.