Hương Vườn Cũ 9.



Ông Chiêu Hổ phê bình HỒ XUÂN HƯƠNG:
Đã cổ mà còn đeo thói nguyệt
Có xuân sao lại vắng mùi hương. [1]
Đó là ông Chiêu phê bà Hồ có tài mà không có hạnh.
Hạnh kiểm là chuyện trăm năm, tài ba là chuyện nghìn thu. Trăm năm là của người, nghìn thu là của trời. Hồ Xuân Hương là một tài nữ, nghĩa là một người của trời. Đem ý nghĩa trăm năm để phê phán con người nghìn thu. Ông Chiêu Hổ đã làm chuyện con chim ra ràng của Trang Chu vậy.

Viên Tử Tài, một thi bá đời Thanh, khắc bản thơ riêng, để ở trang đầu câu thơ Đường:
Tiền Đường Tô Tiểu thị hương thân.
Một quan tể tướng xem thấy ngỏ ý trách. Viên kiếm lời tốn tạ, nhưng quan trách mãi không thôi. Viên chánh sắc, nói:
- Ngài tưởng tôi không chọn người đem vào tập thơ ư? Ngày nay xem ra ngài là quan nhất phẩm mà Tô Tiểu là hèn. Nhưng trăm năm về sau người đời chỉ biết có Tô Tiểu mà không biết có ngài vậy.

Ấy lấy con mắt nhỏ xem xét người lớn thật không riêng gì ông Chiêu Hổ. Và người trời bị người đời xem khinh không riêng gì Hồ Xuân Hương.
Song có hại gì. Thiên tài là vàng, mà lửa than là hoàn cảnh.

Gặp gặp cảnh bất như ý, Khuất Bình viết ra văn Ly Tao, Bồ Tùng Linh viết ra sách Liêu Trai, Nguyễn Du viết ra Đoạn Trường Tân Thanh, Ôn Như Hầu viết ra Cung Oán Ngâm Khúc, Đặng Trần Thường viết ra Tần Cung Nữ Oán Bái Công… Bi phẩn cảm khái, mỗi nhà dựng riêng một cây cờ trên đàn văn.
Hồ Xuân Hương cũng thế.

Bị bọn đàn ông làm cực thân thì tủi danh, tuy nói:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Lớn bé mặc tình tay kẻ nặn
Riêng em giữ vững tấm lòng son [2]

Những lòng sao khỏi tủi hổ căm hờn. Song rồi nghĩ lại:
- Vì quí hòn ngọc phác mà Biện Hòa bị hai lần chặt chân. Vì quí viên ngọc Biện Hòa mà vua Triệu suýt bị mất nước. Nếu không đem thành liền đánh giá, ai bỏ cũng được, ai lấy cũng được, thì đâu đến nỗi người có ngọc phải lụy thân!
Lại nhận thấy:
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy
Chúa dấu vua yêu một cái nầy
(Vịnh quạt)

Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân cũng phải trèo.
(Đèo Ba Dội)

Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm.
(Hang Cắc Cớ)

Thì té ra: cực thân tủi danh chỉ vì “cái nầy”, trên yêu dưới yêu cũng “một cái nầy”. Lấy một suy mười thì trăm chuyện nghìn chuyện chẳng qua một cái nầy, trăm cảnh nghìn cảnh đều ở trong cái nầy. Chuyện đời là thế, người đời là thế. Ca củm có hay chi? Kính nể nữa mà chi?
Tánh tình buông lung, dưới mắt lại thấy “cái nầy” làm chủ thiên hạ, Hồ tài nữ đã dựng nên một biệt phái trong làng thơ.
Thơ Hồ Xuân Hương còn truyền tụng được nhiều và đã được in thành sách. Ngoài thương trường trong học đường, không mấy ai không biết, ít ra cũng đôi ba bài hoặc năm bảy vận. Và những thơ còn truyền, không có bài kém. Hóm hỉnh nhất là những bài:

VỊNH QUẠT
Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dáng tự ngày xưa
Phành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch đêm ngày đã chán chưa?

VỊNH GIẾNG
Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông
Giếng mát thanh thơi thú lạ lùng
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép
Nước trong leo lẻo một dòng thông
Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá giếc le te lách giữa dòng
Giếng ấy nông sâu ai đã biết
Đố ai dám thả nạ rồng rồng.

QUA KẼM TRỐNG
Hai bên lẻm thẻm giữa tuôn dòng [3]
Có phải đây là kẽm trống không?
Gió đập cành thông khua lắc cắc
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong
Ở trong hang đá trông dường hẹp
Ra khỏi đầu non ngó rộng thùng
Qua cửa mình ơi nên ngó lại
Nào ai có biết nỗi bưng bồng

ĐÁNH ĐU
Tám cột khen ai khéo khéo trồng
Người thời lên đánh kẻ ngồi trông
Trai co gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong nẩy nẩy lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá?
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không.

Cợt nhả lả lơi riêng thành lời nói của một nhà. Chẳng những đối với các nhà thơ Việt Nam, trong các phái thơ của Trung Hoa cũng không có nhà thơ nào có giọng điệu của Hồ Xuân Hương.
Mà thơ Hồ Xuân Hương trăm đề nghìn đề tuy chung qui “một cái nầy”, song cảnh nào in cảnh nấy, việc nào ra việc nấy, không mấy khi trùng điệp nhau. Lại lời thơ trơn mịn, trải ra như tấm áo trời không tìm thấy mối chỉ đường kim. Hàn Mặc Tử thường nói:
-  Hồ Xuân Hương là một vị thi tài không tiền khoáng hậu.
Thật không chút ngoa. Vì trước họ Hồ là ai, sau họ Hồ là ai, mà tài làm thơ, tài làm thơ ngang tàng, có thể cùng Hồ đối đẳng?

Đọc những vần thơ trên, tôi thoáng thấy một chàng hiệp sỹ phương cường cầm thanh thần kiếm chẻ đá. Chỉ một nhát bên Đông, một nhát bên Tây, một nhát bên Nam, một nhát bên Bắc, rồi một nhát phía trên, một nhát phía dưới, thế là tạc thành một khối đá vuông vức, mặt bằng thẳng và trơn láng như bào.
Tài nghệ thuật tuyệt luân !
Không dùng “cái nầy” làm cốt, thơ Hồ Xuân Hương cũng vô song. Như:

MỜI TRẦU
Quả cau nho nhỏ miếng trầu ôi
Nầy của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi.

CHIẾC BÁNH
Chiếc bánh buồn vì phận nổi nênh
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh
Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh
Cầm lái mặc ai lăm đổ bến
Giong lèo thấy kẻ rắp xuôi ghềnh
Ấy ai thăm váng cam lòng vậy
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh.

TỰ TÌNH
Canh khua văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vần trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Xuyên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây núi mấy hòn
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con.
                                                                                    vân vân…
Thật là nhất chú hồn thành [4], không cần đến công phu trau dồi sửa chữa.

Thơ hay phần nhiều điều nhờ công uẩn nhưỡng phanh luyện. Ông Mạnh Hạo Nhiên mỗi lần nghĩ thơ, lông mày bị rụng. Ông Vương Duy có lần cấu tứ đã bước lầm vào vò giấm. Ông Trần Hậu Sơn lúc làm thơ, người nhà phải lo đuổi chó mèo và đem trẻ con đi gởi nhà khác.
Nhưng cũng có người, đề thi một khi vào tay, thì tình tứ tự nhiên đến, rồi hạ bút nên chương, không cần phải mất công cấu tạo. Như Lý Thái Bạch, rượu một đấu thơ trăm thiên; Tô Đông Pha cười cợt giận mắng đều thành thơ.
Cho nên thơ chia làm thiên lại và nhân lại, tức là thơ của Bộng trời và thơ của Bộng người.
Thơ bà Huyện Thanh Quan càng dụng công càng hay.
Thơ Hồ Xuân Hương, những câu tự nhiên là những câu tuyệt diệu.
Đó là vì thơ bà Thanh Quan cũng như thơ họ Vương, họ Mạnh, họ Trần, nhờ nhân xảo mà được: nhân lại. Còn thơ Hồ Xuân Hương cũng như thơ họ Lý, họ Tô, theo thiên phú mà đến: thiên lại.
Bà Huyện Thanh Quan là thần hóa.
Hồ Xuân Hương là thiên tài.
Thơ bà Huyện Thanh Quan trang nhã đài các.
Thơ Hồ Xuân Hương phóng túng lả lơi, lời tuôn ra miễn sao khoái khẩu khoái tâm, trong trăm năm ngoài nghìn thu, không quản chi đến dư luận.

Cũng như thơ họ Hồ có nhiều giọng lả lơi phóng túng, nên gặp những bài đứng đắn, người đời cũng tìm cách sửa chữa cho ra vẻ Hồ Xuân Hương. Như trường hợp bài:

KHÓC QUAN PHỦ VĨNH TƯỜNG
Trăm năm quan phủ Vĩnh Tường ơi
Chưa chn ba mươi cũng một đời! [5]
Chôn chặt văn chương ba thước đất
Ném tung hồ thỉ bốn phương trời
Nắm xương dưới ván chau mày khóc
Hòn máu trên tay mỉm miệng cười
Hăm bảy tháng trời là mấy chốc
Trăm năm quan phủ Vĩnh Tường ơi.

Cặp luận bị sửa:
Đòn cân tạo hóa rơi đâu mất
Miệng đãy càn khôn thắt lại rồi.

Sửa như thế kể cũng đã giỏi, vì quả có giọng Hồ Xuân Hương. Song lấy sự diễu cợt thay vào nỗi bi thương, người có tâm không nỡ. Đối với chàng Tổng Cóc, họ Hồ xem như cừu thù, nên khi Tổng Cóc chết, họ Hồ mừng được giải thoát nên mới thốt:
Chàng Tổng Cóc ơi, Chàng Tổng cóc ơi
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ bấy nhẽ
Ngàn vàng không chuộc giống bôi vôi.

Chớ đối với quan phủ Vĩnh Tường, họ Hồ hết lòng yêu kính, vì là người có học có tình. Ăn ở với nhau mới có hai mươi bảy tháng, lại vừa sanh con chưa ráo máu, mà đã kẻ hiển người u, thì lòng xót thương đâu còn có chỗ hở để đùa cợt?
Đó là nói về tình.
Còn về văn chương thì câu “Đòn cân… Miệng đãy”…
Lấy thay câu luận như thế là làm cho bài thơ thành một chiếc áo gấm vá vải màu và đem câu “ Nắm xương… Hòn máu” so với câu “Đòn cân… miệng đãy” riêng nói về mặt văn chương mà thôi, thì một bên là biển lặng lúc bình minh, một bên là ao bùn khi gặp lụt.
Câu thơ không bị thất truyền thật muôn lần may mắn. [6]
Lại một hôm tôi xem một quyển sách tuyển thơ (quên tên) thấy bài:

CHIỀU THU
Lác đác tàu tiêu mấy hạt mưa
Bút thần khôn vẽ nét tiêu sơ [7]
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ
Bầu dốc quan san say chấp rượu
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
Biết bao tao khách tình đi lại [8]
Thấy cảnh lòng ai chẳng thẫn thờ.

Bài nầy là tác phẩm của bà Huyện Thanh Quan. Song sách ấy lại ghi là của Hồ Xuân Hương. Văn chương nồng diệm điêu trác không thể ngờ tác giả không phải bà Huyện Thanh Quan. Thế mà một nhà Nho quả quyết là thơ Hồ Xuân Hương, và bảo:
- Bà Thanh Quan không bao giờ lại có giọng lẳng lơ như thế.
Hỏi lẳng ở chỗ nào. Đáp rằng hai câu bảy tám.
Hai câu bảy tám, có sách chép là:
Ô hay cảnh cũng trêu người nhỉ
Ai thấy mà ai chẳng ngẩn ngơ.
Dù câu này dù câu kia, xem đi xét lại vẫn không tìm thấy chi là lẳng lơ cả! Nhà Nho trông thấy lẳng lơ chẳng qua vì bị cái tên Hồ Xuân Hương ghi dưới bài thơ ám ảnh đó thôi.

Phần đông các nhà cựu học không thích xem thơ Hồ Xuân Hương. Kể cũng phải. Các cụ xem văn thơ thường đeo cặp kính đạo đức. Quyển Đoạn Trường Tân Thanh còn bị liệt vào hạng dâm thư, thì thơ Hồ Xuân Hương lọt vào mắt xanh các cụ như thế nào được !

Nhưng bình tâm xét lại thì thơ Hồ Xuân Hương không thể liệt vào hạng dâm thi. Dâm thi là thơ khiêu dâm. Đọc thơ Hồ Xuân Hương có ai bị kích thích? Chỉ có người dâm mới làm được thơ dâm đủ lôi cuốn người đọc. Thơ Hồ Xuân Hương không có bài nào khêu gợi lòng dâm của người đọc. Như thế chứng tỏ rằng tác giả không phải là người dâm. Huống hồ hễ người đàn ông dâm thì thường nghĩ, thường nói đến đàn bà, và đàn bà dâm thì hay nghĩ hay nói đến đàn ông. Hồ Xuân Hương chỉ nói đến “vật sở hữu” mà thôi. Nói để chửi đời, để trêu đời nhất là giới mày râu, giới tự xưng là hiền nhân quân tử, hào kiệt anh hùng, nhưng khi tắt gió lúc sa mưa đều phải…
Tức là thơ Hồ Xuân Hương nghịch và đôi khi cay, chớ không dâm.
Nhưng đối với làng nghệ sỹ thì thơ có dâm hay không dâm, không chút quan hệ, chỉ cốt sao cho diệu thì thôi.
Mà thơ Hồ Xuân Hương lại tuyệt diệu.
Thế là đủ.

Bàn về thơ quốc âm, một vị tiền bối đã nói:
- Hồ Xuân Hương đáng ngồi chiếu nhất, chiếu nhì không có ai, chiếu ba không có ai. Chiếu tư mới đến Yên Đỗ.
Buổi sanh tiền, Hàn Mặc Tử rủ Bích Khê và tôi làm lễ tôn Hồ Xuân Hương lên ngôi vua xứ Thơ Hàn Luật. Còn đương chọn bá quan văn võ, thì xảy ra vụ “Minh oan Võ Hậu” của Chương Dân tiên sinh. Cảnh làng văn không được yên vui, nên lễ tôn vương đành hủy bỏ. [9]
Rất đúng !

Thơ Hồ Xuân Hương không phải là dâm thơ:
-    Nói đến cái ấy không hề để khiêu dâm.
-    Nói không phải thích thú
-    Không hề nói tục
Mà nói để đánh vào đám người giả đạo đức một mặt khinh khi phụ nữ, một mặt lại chui nhũi vào nhục dục đê hèn, và cái thói ấy đã dày vò cuộc đời của Hồ vì vậy mà lấy cái đó phảy vào mặt anh hùng, che đầu quân tử… cho nên người nào đem hai câu cán cân…, miệng túi…, thay cho hai câu hay đến xé ruột nắm xương…  hòn máu thì rõ ràng là người không hiểu gì về Hồ Xuân Hương.

 ____________________________________________________________
[1] Trong bài Hát Nói “Viết Hồ Xuân Hương” trong Văn Đàn Bảo Giám thấy chép:
Người cổ lại còn đeo thói nguyệt
Buồng xuân chi để lạnh mùi hương.
Đây là một cách chơi chữ: Chữ Cổ chép với chữ Nguyệt  thành chữ Hồ. Chữ câu trên câu dưới ghép lại thành Hồ Xuân Hương.
[2] Bài VỊNH BÁNH TRÔI NƯỚC nầy, mỗi sách chép mỗi khác hoặc nhiều hoặc ít. Thường thấy:
   Thân em thì trắng phận em tròn
   Bảy nổi ba chìm mấy nước non
  Nguyên nát mặc dù tay kẻ nặn
 Trong lòng em giữ một hòn son.
Hoặc:   Lớn nhỏ mặc dù tay kẻ nặn
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son.
[3] có chỗ chép rằng: Hai bên thì núi giữa thì sông
[4] Một đúc liền thành thơ và thành một cách hồn nhiên, hoàn mỹ.
[5] Các sách thường chép: Duyên nợ phù sinh giũ sạch rồi.
[6] Xem lời bình câu thơ nầy ở bài nói về Phạm Thái chương sau.
[7] Có sách sao chép: Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ.
[8] Có câu này các vị phụ lão thường ngâm hơn câu “Ô hay…”. Câu “ô hay…” có sách chép: “Ô hay cảnh cũng ưa người nhỉ”.
Không  biết rõ nguyên tác như sao.
[9] Chương Dân Phan Khôi viết bài Minh oan cho Võ Hậu đăng ở phụ nữ Tân Văn bị cụ Huỳnh Thúc Kháng công kích kịch liệt trên báo Tiếng Dân.