Hương Vườn Cũ 36.K




Ở An Nhơn và Phù Cát có ba nhà túc nho đầu Phật, nổi tiếng về thơ Quốc âm:
- Hòa thượng Bích Liên ở An Nhơn.
- Cư sỹ Minh Tịnh ở Phù Cát.
- Thượng Tọa Liên Tôn ở Phù Cát.
Cả ba đều đậu tú tài triều Thành Thái. Thượng Tọa Liên Tôn lúc còn nhỏ học Nho cùng Cư sỹ Minh Tịnh, khi lớn học Phật cùng Hòa Thượng Bích Liên.
Ba vị đều đã qui tịch trên dưới ba mươi năm nay.
Hòa Thượng Bích Liên và Thượng Tọa Liên Tôn còn để lại:
- Bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm diễn dịch (dịch chung).
- Một số thi ca đăng ở tạp chí Từ Bi Âm.
Cư sỹ Minh Tịnh còn để lại:
- Tuồng hát bội Lưu Bình Dương Lễ.
Minh Tịnh thi tập (một nửa chữ Hán, một nửa Quốc âm).

Thơ của Hòa Thượng Bích Liên và Thượng Tọa Liên Tôn, tôi đã được đọc, song không còn thuộc được bài nào vì một là đã lâu ngày, hai là lối thơ tải đạo khô khan khó nhớ.
Hòa Thượng Bích Liên và Thượng Tọa Liên Tôn luyện tánh khắc khổ từ lúc nhỏ. Trái lại Cư sỹ Minh Tịnh, lúc thanh xuân là một tay phong lưu tài tử. Cho nên mặc dù qui y Tam Bảo, tánh tình vẫn khoáng đạt hào hoa. Tác phong trông có vẻ tiên hơn vẻ Phật. Do đó văn chương lúc già cũng như lúc trẻ, không bị bệnh hữu thanh vô vận, hữu cán vô ba.
Tập Lưu Bình Dương Lễ rất được giới ca sỹ hoan nghênh. Khách, câu ngâm, câu bạch, câu thán…, và thường diễn sự tích Trung Hoa. Tuồng Lưu Bình Dương Lễ phá lệ: Tất cả các lối đều dùng Quốc âm và diễn sự tích phổ thông của người Việt.
Tôi còn nhớ được bài thơ của Lưu Bình ngâm lúc bị Dương Lễ bạc đãi:

Bạn bè như thế thế thời thôi!
Ôm tấm lòng này ỷ ỷ ôi!
Sống thác đã thề chung giữ một
Sang hèn sao vội rẽ làm đôi?
Tiếng đàn tri kỷ nghe sao vắng
Chén rượu đồng tâm lạt hẳn rồi
Miệng cắn răng cười, cười lại khóc
Bạn bè như thế thế thời thôi! [1]

Thơ làm đủ lối: Tả tình, tả cảnh, vịnh sử, vịnh vật, phúng thế, tức sự…
Cư sỹ cùng tôi vốn có mối liên hệ gia đình, nên tập thi và bổn tuồng tôi có đủ. Song trải mười năm kháng chiến, hầu hết văn thơ của tiền nhân tôi sưu tầm được đều tàn trong khói lửa! May trong Minh Tịnh thi tập, có một số bài tôi thích nên còn nhớ được:

CHÙA ÔNG NÚI [2]
Thạch đỗng xưa tu nổi tiếng thầy
Thầy nay đâu vắng dấu còn đây
Giữ chùa ông hộ non xây đá
Cúng phật vùa hương biển kéo mây
Nước nhỏ lon bon chuông dưới suối
Gió khua lốc cốc mõ đầu cây.
Những ai phiền não trường sanh lợi
Thấy cảnh thời lòng cũng giải khuây.

DẠY HỌC
Cầm thư một gánh nặng hai vai
Cái thú phong lưu nghĩ nhớ hoài
Mở quyển thanh huỳnh roi dấu thánh
Rèn câu trung hiếu đúc lòng trai
Lạc quần sớm nhủ đôi trò bé
Nhàn dưỡng chiều ngơi một giấc dài
Nho nhã mặn nồng riêng một thú
Bên đương danh lợi mặc dù ai.

VỊNH HOA LAN
Mai cúc cùng nhau kết bạn bè
Dám đem xanh đỏ với đời khoe
Bóng chen sân Tạ càng cao cách
Hương ngát đình vương lắm phẩm đề
Giục khách tài ba ngơ ngẩn mộng
Say tình công tử sững sờ xe
Ôm màu tuyệt sắc chờ người thưởng
Bao quản phong trần mấy lớp che.

Đưa một thanh niên đi thi, có câu:
Quyển xếp thầm cưới râu lão đố,
Đường dài mặc sức vó long câu.

Buổi trung niên bị đoạn huyền, Cư sỹ cưới một quả phụ làm kế thất. Người quả phụ vốn là người có học, nên đêm hợp cẩn, Cư sỹ có nhiều thơ tặng. Có câu:
Vin nhánh hương trời tuy có muộn
Nhìn gương nước thủy vẫn chưa trôi.

Những bài khác trong thi tập, văn chương đều lão luyện như thế cả. Không biết hiện thời, gia đình còn giữ được toàn tập Minh Tịnh chăng?

***

Đồng thời cùng cụ Phạm Trường Phát, nhưng thuộc lớp hậu bối, ở Phù Mỹ có cụ NGUYỄN XUÂN KIỀU cũng nổi tiếng hay chữ và ngông cuồng.
Lực học uẩn súc. Tài văn hoạt bát. Song tánh tinh ưa trào lộng châm biếm. Nên trải bao nhiêu khoa, khoa nào vào trường tư cũng bị quan trường đánh hỏng. Tức mình bỏ thi, theo ghe đi ngao du khắp trong Nam ngoài Bắc. Qua lại những nơi phiền ba đô hội cùng khách phong lưu, cụ mang phải bệnh nghiện A phiến. Tài ba cũng như tài sản lần lần tan theo khói mây.

Mãi đến năm Ất Dậu (1885), kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn, cụ mới giật mình tỉnh ngộ. Bởi chiếu Cần Vương vừa ban bố, cá sỹ phu trong nước đều rập nhau. Kẻ đem tài thao lượt ra diệt thù, kẻ đem tài kinh luân ra cứu quốc. Cụ nghĩ mình cũng mang danh học thức như người, mà trong lúc quốc gia hữu sự lại đành đắm mình trong vòng trụy lạc, trương mắt trắng ra nhìn cảnh tang tóc của nước non, thì còn cảnh bi ổi nào hơn nữa. Cụ bèn quyết chí trừ bỏ, gian khổ nhưng kiên trì, chỉ một tuần trăng là thành hiệu. Cụ ăn mừng bằng một bì văn tế ả Phù Dung. Có nhiều câu xuất sắc:

Chẫu Mãn sinh thành, cõi nam tụ bạ.
Trên lượng thánh biết tệ đoan nhặt cấm, nghiêng mình nương náu lánh người đông;
Dưới thằng Ngô xin nạp thuế những nay, trỗ mặt nghênh ngang ngoài cõi hạ.
………………………………
Giường thất bảo đặt yên một cõi, ngửa nghiêng nương gối bích thảnh thơi;
Màn bát tiên vây phủ bốn bề, lần lượt cởi xiêm vàng thong thả.
………………………………

Ối thôi thôi!
Đất chinh chinh xe trước đã gập ghình,
Đường phẳng phẳng ngựa sau đừng vội vã.
Ra tay quyết dẹp nơi khói lửa, rửa gan vàng bồi đắp lại giang san;
Cất lưng này dậy khỏi chiếu chăn, xuê gót ngọc vững bền trên xa mã.
Đổi đèn lửa làm cây ngọc chúc, để mà soi bốn bê điều hòa;
Thay móc tim làm ngọn kim qua, để mà dẹp hai phương giặc giã.
………………………………

Quả như lời cụ tế Nha phiến, khi vừa bỏ hút, cụ liền gia nhập phong trào Cần Vương. Cụ chịu chung một số phận cùng các văn thân Bình Định. Sau khi được phóng thích, cụ về nằm nơi quê hương, lấy việc ngâm thơ đọc sách, viếng bạn thăm thầy, làm thú tiêu khiển.
Cụ sở trường về Quốc âm và có tài thất bộ. Nhưng văn thơ của cụ không còn truyền được mấy. Ở Bình Định nhiều người thuộc bài văn tế nha phiến và bài văn lục bát trường thiên kể những hải khẩu, những thắng cảnh, những địa danh có nhiều đặc điểm…, ở dọc theo bờ biển Việt Nam, từ Phú Xuân vào Gia Định, mà cụ đã soạn trong lúc theo ghe bầu đi ngao du.
Bài này văn chương bình dân. Cụ soạn ra chỉ để giúp cho bạn đi ghe hát mua vui, cho nên cần giản dị cho dễ thuộc dễ nhớ:

…Gát ra mấy mũi Sa Hoàng
Kìa Kìa lố thấy Tam Quan nhiều dừa
Anh em thề thốt buổi xưa
Nam thanh nữ tú ắt vừa con ngươi
Gặp nhau chưa nói đã cười
Bước vô Từ Phú là nơi nhiều ghè
Dông trên suối biếc đẹp ghê
Muốn cần nước củi ta về Lộ Giao…

Thơ còn truyền được đôi ba bài. Nhiều người thuộc là bài Vịnh nhóm đảo Trân Nằm (Iles aux buffles) ở trước cửa biển Đề Gi:

Trâu ai cắc cớ chẳng ăn đồng
Lúc ngúc ra nằm giữa biển đông
Sóng bạc lô nhô xao trước mặt
Rong xanh lóm đóm đóng bên hông
Cán rôi Nịnh Thích không sờn dạ
Ngọn lửa Điền Đan khó cháy lòng
Phải gặp ông Y mà hỏi thử
Nội Sằn lúc trước có cày không? [3]

Lúc còn đi đó đi đây, cụ có giao du với một người học sanh tên Lê Lưu quán Nghệ An. Họ Lê tới lui Bình Định, nhận thấy người em gái cụ có hạnh có học [4], muốn kết nghĩa trăm năm.
Giai nhân cũng tỏ ý thuận. Họ Lê bèn gởi một bài thơ tỏ tình keo sơn:

Đặng lời mừng đã thấm tâm can
Trước gió trong trăng thử đá vàng
Bước gặp chàng Kim hiên Lãm thúy
Duyên ưa chị Trác khúc Cầu hoàng
Trầu nguồn nhỏ miếng cay mà đượm
Chuông gióng xa miền khẽ cũng vang
Một chuyến nữa là ba xuống đó
Mau mau sắm dọn chén quỳnh tương.

Cụ gà cho cô em họa vận nguyên xướng, lại tục thêm một bài trường thiên song thất:

Vẫn biết Bình Nguyên gởi ruột gan
Ý cao vâng lãnh mấy lời vàng
Bốn phương đường cả giong kỳ ký
Trăm thước nhành cao đỗ phụng hoàng
Phận liễu còn đương tang tóc nặng [5]
Duyên cưu chi tiện sắc cầm vang
Một lời đã hẹn trăm năm nhớ
Lọ phải cầu Lam bách cảm tương. [6]
Bách cảm tương hay khoan khoan đã
Bạn bố kinh vội vã chi mà
Phải người sớm nguyệt trưa hoa
Khúc đàn ghẹo Trác nhành thoa trao Kiều [7]
Đó có dạ ít nhiều non nước
Đây cũng nguyền sau trước lửa hương
Mấy khi gặp gỡ bạn vàng
Thi đầy túi Mạnh rượu tràn chén Lưu [8]
Cửa đào lý ngao du lắm lúc
Nhà chi lan thưởng độc đòi khi
Cùng nhau tâm phúc tương kỳ
Dẫu cho giao tấc khôn bì trúc mai
Nửa con mắt dầu ai xanh trắng
Một đoạn lòng đây chẳng bạc đen
Càng năm càng biết càng quen
Tóc tơ mong vấn sách đèn thêm thân
Nên cũng muốn Châu Trần đem lại
Há ngại rằng hồ hải đưa qua
Còn đương tang tóc nỗi nhà
Dám cho phận liễu vội ca thơ Đào
Đỉnh Vu hiệp chiêm bao dầu đó
Gái Dương Đài vân vũ dám đâu
Đành lòng chờ đó ít lâu
Hay tình có vội mặc dầu ai ai…

Theo những vần thơ trên thì cụ Nguyễn Xuân Kiều không đeo thói khinh bạc như tiếng đồn. Rõ là người có tình có nghĩa, có lượng bao dung. Bản tánh là thế. Nhưng trước những cảnh chướng tai gai mắt, những kẻ bất lương khả ố… thì lời văn của cụ trở nên cay chua, độc địa. Như để chỉ trích một viên tri huyện tham ô, cụ có bài VỊNH ỐNG NHỔ, còn truyền được cặp trạng:
Góp dùm bọt dãi làm nên phận
Rửa hết tanh hôi mới sạch mình [9]

Có một khóa sanh người Quảng Nam có ý chê học lực cụ tầm thường. cụ bèn thách làm thơ đọ tài. Đề bài “Rắn muốn nuốt voi”, hạn vận VOI. Nhang thắp chưa được nửa cây, cụ đã đưa thơ ra trình chính:

Hũy chà con rắn khéo loi choi
Bụng dạ dường bao muốn nuốt voi?!
Nghểnh cổ lay hoay bò dưới gót
P`ùng mang lỏm ngỏm ghé bên vòi
Thêm chân mấy cũng coi còn nhỏ
Úp thúng xem qua vẫn cứ lòi
Cao thấp nhủ cho kia biết phận
Leo thang mặc cóc chớ theo đòi. [10]

Những áng thi ca cụ Nguyễn Xuân Kiều còn để lại, thơ phúng thích cũng như thơ tình thơ cảnh, văn chương không trang sức. Lời không được văn nhã, giọng không được du trường, song vẫn có hương có vị. Hương của các giống hoa đồng, khô khô lợt lợt. Vị của quả đu đủ:
Chả nem tuy chẳng bằng khi có
Nộm gỏi nào hay đỡ lúc không. [11]

Cho nên người Bình Định rất quí. Hế nghe được bài nào câu nào cũng đều ghi chép lại, để gìn giữ cùng những di sản tinh thần của các vị tiền bối khác, làm kho tàng văn học cho tỉnh nhà.

***

Ở Hoài Ân có hai nhân vật mà những người thuộc lịch sử Việt Nam không mấy ai không biết. Đó là nhà chí sỹ Tăng Bạt Hổ và vị trung thần Vũ Đình Phương.

Cụ TĂNG BẠT HỔ có công lãnh đạo phong trào Cần Vương miền Bắc Bình Định và sau khi phong trào bị dập tắt lại cố sức hô hào cách mạng cùng hướng dẫn cụ Phan Sào Nam sang Trung Hoa.
Đi ngang qua Hoài Ân nhìn đỉnh hoàn Tổng Dinh là nơi cụ đóng nghĩa binh chống Pháp, khách du quan có câu:
Mây chiều quấn quít hòn Dinh
Nhớ Tăng Tổng trấn hết mình cứu dân
Non sông chưa sạch bợn trần
Nắng mưa bao quản tấm thân quê người
Tre tàn còn có măng tươi
Gương sưa còn tỏ còn người soi gương.

Cụ văn võ toàn tài, song vì mãi lo việc cứu quốc, nên không có thì giờ để chạm trỗ văn chương.

Còn cụ VŨ ĐÌNH PHƯƠNG thì sở trường về tuồng hát bội. Sau khi đậu cử nhân, cụ được bổ làm việc tại Các. Vua tđ sắc chỉ cho cụ cùng cụ Đào Tấn và cụ Ngô Quí Đồng soạn bộ tuồng Vạn Bửu Trình Tường.[12]
Văn chương trong những đoạn Vạn Bửu Trình Tường do cụ soạn không biết như sao, vì ngoài dân gian ít người được đọc. Và ngoài việc soạn chung cùng hai cụ Ngô Đào, tuồng Vạn Bửu, không nghe truyền giai phẩm nào khác của cụ.
Cụ làm quan đến chức Long Võ Đình Kiểm viện. Sau tòng vong vua Hàm Nghi và qua đời nơi đất khách.
Trong cơn quốc biến năm Ất Dậu, sống chết theo vua chỉ một mình cụ! Thời nhân có câu:
Ăn nhờ lộc nước bao nhiêu kẻ
Sống thác theo vua chỉ một mình. 


[1] Nhất tác: Bạn vàng, ơi hỡi! Bạc hơn vôi!
[2] Chùa Ông Núi tức là chùa Linh Phong ở trên núi Phương Phu quận Phù Cát. Cảnh chùa rất đẹp. Xưa kia có một thiền sư người Trung Quốc đến tu trong hang đá, tục gọi là Ông Núi (Xem bài Linh Phong của cụ Đào Tấn ở đoạn trước. Trong Nước Non Bình Định, tôi có nói rõ về chùa này).
[3] Bài này nghe đỗi chỗ truyền khác:
Trâu ai sao chẳng ăn ngoài đồng
Cắc cớ ra nắm mé bể đông
Sóng bạc lao xao quơ trước mỏ
Rêu xanh lún phún mọc bên hông
Câu ca Nịnh Thích không vào dạ
Ngọn lửa Điền Đan chẳng sém lông
Phải gặp ông Y mà hỏi thử
Nội Sằn thuở trước có cày không.
[4] Cụ ông là Nguyễn Xuân Nhã, đậu tú tài. Hai anh em đều học cụ ông.
[5] Trong tập Danh Nhân Bình Định của giáo sư Bùi Văn Lăng thấy chép đôi câu, đôi chữ khác với ba bài thượng dẫn.
[6] Câu này sách của giáo sư Bùi chép:
Đành lòng chờ đó rồi đây đã
           Gởi nói khoan khoan sắm tửu tương.
Câu này lấy tích họ Hàn gặp tiên tặng thơ, có câu “Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sanh”, sau gặp vợ đẹp tại Lam Kiều.
[7] Trác Văn Quân và Tư Mã Tương Như, Thúy Kiều và Kim Trọng.
[8] Mạnh Hạo Nhiên đời Đường, Lưu Linh đời Tấn.
[9] Trong sách Danh Nhân Bình Định, chép:
                Góp người bọt dãi làm nên nước
                Cởi lớp tanh hôi mới sạch mình.
[10] Trong Danh Nhân Bình Định chép bốn câu sau:
Thêm chân đó cũng coi còn  nhỏ
Úp thúng đây rồi ngõ cũng lòi
Lớn nhỏ nói cho xin biết phận
Leo thang ớ cóc chớ quen đòi.
[11] Cặp luận bài Vịnh Thu Đủ của cụ tú Nguyễn Khuê (Đã giới thiệu ở đoạn trước).
[12] Đã nói rõ ở đoạn trước.