Hương Vườn Cũ 43



THƠ TỨ NGÔN là một thể thơ cổ nhất, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam.
Những thơ trong Kinh Thi hầu hết đều dùng thể tứ ngôn. Ví dụ:

Yêu yêu thảo trùng,
Địch địch phụ chung.
Vị kiến quân tử,
Ưu tâm xung xung.
Diệc ký kiến chỉ,
Diệc ký cấu chỉ,
Ngã tâm tắc giáng.
Trắc bỉ Nam san,
Ngôn thể kỳ khuyết,
Vị kiến quân tử,
Ưu tâm chiết chiết !
Diệc ký kiến chỉ,
Diệc ký cấu chỉ,
Ngã tâm tắc duyệt.
Trắc bỉ Nam san,
Ngôn thể kỳ vi,
Vị kiến quân tử,
Ngã tâm thương bi.
Diệc ký kiến chỉ,
Diệc ký cấu chỉ,
Ngã tâm tắc di.

Tản Đà tiên sinh dịch là:

Con thảo trùng nó kêu,
Con phụ chung nó nhảy.
Mong chàng chẳng thấy,
Áy náy nguồn cơn.
Trèo lên trái núi Nam sơn,
Ta hái rau khuyết,
Lòng lo khôn xiết !
Ta hái rau vi,
Lòng ta thương bi !
Mong chàng chàng hãy còn đi,
Mong chàng chẳng thấy ta thì nhớ thương !
Bao giờ cho thấy mặt chàng,
Cho ta vui vẻ nở nang tấm lòng.

Bài trên trừ những nhà nho, những nhà văn tân học ưa thích cổ văn cổ thi, phần đông người hiện thời ít ai thuộc. Nhưng có lắm bài mãi đến nay vẫn còn phổ biến, vì trong văn chương Việt Nam từ xưa đến nay thường nhắc nhở đến. Như bài:

QUAN THƯ
Quan quan tư cưu
Tại hà chi châu.
Yếu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu.

Nghĩa là:
Chim cưu kìa lứa kìa đôi,
Quan quan tiếng gọi trên doi nhộn nhàng
Người xinh nết lại dịu dàng,
Lòng quân tử ước cùng nàng kết duyên.

Và bài

ĐÀO YÊU
Đào chi yêu yêu,
Chước chước kỳ hoa.
Nhi tử vu qui,
Nghi kỳ thất gia.

Tản Đà dịch:
Đào non rỡ rỡ kìa hoa,
Cô về hòa thuận cửa nhà chồng cô.

Những bài Kinh Thi thượng dẫn, cũng như những bài khác trong Kinh, đọc lên dù không hiểu nghĩa như sao, chúng ta cũng thấy êm đềm thích thú. Đó là nhờ âm điệu nhẹ nhàng dịu dàng.
Còn thơ Tứ ngôn ở Việt Nam, chúng ta thường gặp trong các câu ca dao:

+ Trời mưa trời gió,
Xách đó đi đơm.
Chạy về ăn cơm,
Chạy ra mất đó.
Từ ngày mất đó, đó ơi !
Đây không nghe được một lời nước non !

+ Con chim chiền chiện
Nó liệng trên cao
Nó kêu làm sao
Tằng lăng tiu líu !
Còn em lịu địu
Không nỡ dứt tình.
Chờ khi thanh vắng một mình,
Đón anh em hỏi phụ tình tại ai ?

+ Lác đác mưa ngâu,
Sình sịch mưa ngâu,
Lá ngâu rụng xuống,
Bông lau phất cờ…
Nước trong xanh, lặng ngắt như tờ,
Một đàn cá lớn nhấp nhô chân ghềnh…
Kìa ai thấp thoáng đầu ghềnh ?

+ Một bộ áo gấm,
Ba tấm nhiễu vuông,
Ngựa ô yên khấu bằng vàng,
Chân nạm bằng bạc,
Thiếp sắm cho chàng
Kinh lại hồi Kinh.

Vì bốn chữ khó hát cho nên trong ca dao ở đoạn cuối thường nối bằng những câu lục bát. Toàn bài bốn chữ chỉ thấy trong những câu nói lối, hoặc trong các bài vè:

+ Con chuột mắc bẫy
Vì gốc tre già
Đẽo gốc tre ra
Làm cây đòn xóc.

+ Con chim sáo sậu
Ăn cơm nhà cậu
Uống nước nhà cô
Đánh vỡ bát ngô
Cô đền hay cậu ?

+ Sao hôm lấp lánh
Sao mai long lanh
Cuốc đã sang canh
Gà kia gáy rộ
Chích chòe lìa tổ
Trời đà rạng đông.
                       
vân vân…

Và như:
Cái vẻ cái ve,
Cái vè đánh bạc
Đầu hôm xao xác,
Mặt tốt như tiên,
Canh khuya hết tiền,
Mặt như chim cú.
Cái đầu sù sụ,
Con mắt trỡm lơ.
Bộ đi thất thơ,
Như hình chó đói.
Chân đi cà khói,
Dạo xóm dạo làng.
Quần rách lang thang,
Lấy tay mà túm.

Thể tứ ngôn ở Trung Hoa thịnh hành từ đời nhà Hán trở về trước. Trong đời nhà Hán, nổi tiếng về thể thơ này nhất là cha con họ Tào. Sau họ Tào không còn ai chuyện dùng nữa, thể Tứ Ngôn nhường chỗ cho thể Ngũ Ngôn và Thất Ngôn.

Ở Việt Nam ta, như trên đã nói, thể Tứ Ngôn thường thấy trong ca dao và vè. Thể tứ ngôn, âm điệu ngắn, khó ngâm khó hát, nhưng nhịp dòn, hơi gấp, đọc lên có vẻ nhí nhảnh, nên trong ca dao thỉnh thoảng mới dùng, trái lại trong lối vè thì thể tứ ngôn chiếm gần hết ưu thế. Lối vè lại rất thông dụng trong đại chúng, nên thể tứ ngôn Việt Nam thường gọi là “Thể Vè”, cũng như thể lục bát gọi là “Thể Ca”, thể song thất lục bát gọi là “Thể Ngâm” vậy.
Thể Vè thường dùng trong văn chương hài hước, châm biếm. Còn thể tứ ngôn Trung Hoa, người Việt Nam ít thấy dùng đến.

Tuy cũng là “Tứ Ngôn” song thể của Ta và của Tàu có nhiều điểm khác nhau.
Trước hết khác ở vần.
Tứ Ngôn Tàu vần cách. Trừ câu thứ nhất ra, vần luôn luôn nằm ở câu chẵn và luôn luôn là vận chân (cước vận).
Còn Tứ Ngôn của ta thì thường dùng vần liền, liên vận và vần ở lưng (yêu vận) hoặc vần ở chân (cước vận). Vần lại cứ luôn luôn thay đổi bằng trắc.
Xem những bài trên thì rõ.

Điểm thứ hai, hai bên khác nhau vì điệu.
Điệu của Tàu hoãn, điệu của ta cấp. Điệu Tàu đi thẳng, điệu ta đi kiểu chữ CHI.
Cho nên thể Tứ Ngôn của Tàu đọc nghe nghiêm trang, yểu điệu. Thể Tứ Ngôn của ta đọc nghe linh hoạt nhanh nhảu. Thể Tứ Ngôn của Tàu trong trường hợp vui, buồn… đều dùng được. Thể Tứ Ngôn của ta chỉ dùng trong trường hợp vui vẻ nghịch ngợm mà thôi. Gặp trường hợp này, thể Tứ Ngôn Tàu thua ta nhất định.
Nhưng ngoài những câu ca dao và vè, các nhà thơ tiền bối, từ đầu thế kỷ XX trở về trước không thấy để lại cho văn học Việt Nam những vần thơ Tứ Ngôn đáng giá.

Gần đây cụ cử PHAN ĐÌNH CHI cho ra đời tập “Văn chương Tập Kiều” của cụ soạn thời Tiền Chiến. Trong tập có những câu đối tứ tự trích trong các câu Kiều, đối rất sít sao cân xứng:

Một niềm vì nước,
Bốn bể không nhà.
Đi đời nhà ma,
Ở đây cửa Phật.
Cỏ lan mặt đất,
Sét đánh lưng trời.
Cằm én mày ngài,
Đầu trâu mặt ngựa.
Nửa năm hương lửa,
Bốn mùa gió trăng.
Chưa dám hở răng,
Còn toan mở mặt.
Càng treo giá ngọc,
Dẫu đúc nhà vàng.
Vâng biết ý chàng,
Bởi nghe lời thiếp.
Hãy còn nặng nghiệp,
Mà đã ngứa nghề !
Tìm đường thăm quê,
Chạnh niềm nhớ cảnh.
Hoa chào ngõ hạnh,
Tiệc mở nhà lan.
Sửa chốn thanh nhàn,
Tìm nơi xứng đáng.
Một thiên bạc mạng,
Hai chữ đồng tâm.
Khi gặp chàng Kim,
Sớm đưa Tống Ngọc.
Dẫu thay mái tóc,
Hư vày mối tơ.
Mặc nường nằm trơ,
Khiến người ngồi đó…

vân vân…

Thật là tài ! Nhưng có người bảo:
- Có gì là tài. Chỉ thuộc Kiều là làm được.
Cũng đúng. Song làm được sao lâu nay không ai làm? Thật chẳng khác lời dèm chê Kha Luân Bố (Christophe Colomb).

Trong các tập thơ của các nhà thơ hiện đại xuất bản thời Tiền Chiến, thấy có nhiều bài làm theo thể tứ tự. Theo thể tứ tự song không phải theo hẳn cách điệu xưa, mà có nhiều thay đổi mới, hoặc ở cách gieo vần, hoặc ở cách nghỉ hơi, hoặc ở cách phân đoạn…
Như trong tập VÀNG SAO của Chế Lan Viên, có bài:

CHIỀU TIN TƯỞNG

Xoan ngưng suối đỏ
Lầu cây bước vàng
Bóng Hè đã ngã
Bên đường Thu sang
Cánh đan mối gió
Thuyền chim rộn ràng
Tường nhà ai đó
Cửa ngơ ngẩn buồn
Trên lòng bé nhỏ
Một trời mây sang
Giọt đồng tan vỡ
Dư thanh ngỡ ngàng
Có ai thương nhớ
Trong miền vương sương
Thấp như hơi thở
(Màn buông nhẹ nhàng)
Bây giờ gục ngã
Những hình mến thương
Xin đưa thánh giá
Về trong hồn buồn
Đêm đà bỡ ngỡ
Rưng rưng sao vàng
Lòng tằm khôn gỡ
Nỗi niềm vấn vương [1]

Như bài CHỊ EM trong tập Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư:

Em bước vào đây,
Gió hôm nay lạnh,
Chị đốt than lên,
Để em ngồi cạnh.
Mai chị lấy chồng,
Ở mãi Giang Đông,
Dưới làng mây trắng,
Cách mấy con sông.
Chăn lụa gối bông,
Chị mang theo chồng.
Mai phòng chị lạnh,
Đốt dùm nén hương.
Chồng chị là ai,
Chị nào có biết !
Đợi đến ngày mai,
Nhìn qua kẽ liếp.
Sao em thổn thức ?
Buồn nỗi gì em ?
Nay em khóc chị,
Mai ai khóc em ?
Em đưa củi vào,
Lửa hồng thêm đượm.
Rót chén rượu đào,
Cho lòng thêm thắm.
Uống thêm chén nữa,
Mừng buổi chia ly.
Tiễn ngày vui hết,
Tiễn thời xuân đi…

Bài này và bài Chiều Tin Tưởng làm theo thể Kinh Thi. Cũng theo thể Kinh Thi, Huy Cận có bài ĐIỆU BUỒN:

Mưa rơi trên sân.
Mái nhà nghiêng dần…
Ôi buồn trời mưa !
Nhìn trăm sao buồn
Của mưa trên sân…
Ôi lòng buồn chưa !
Đêm sa xuống gần.
Biết sao nói năng.
Nhớ chi bâng khuâng.
Cửa theo gió rình;
Vườn cau nước dâng.
Mưa rơi đều đều
Trên từng ngói kêu,
Trên tầng ngói vang…
Lệ rơi muôn hàng.

Còn về thể Vè thì rất hiếm. Chỉ tìm thấy một bài của Lưu Trọng Lư:

LẠI NHỚ

Hôm nay lại nhớ bần thần,
Nhìn đám mây chiều lại nhớ Vân.
Này mây hỡi ! Mây chiều hỡi !
Dừng lại đây, chờ ta với,
Theo dấu chim xanh
Rẽ lối trời tình
Cậy cùng làn gió
Tìm nơi Vân ở,
Vượt mấy rừng cây,
Bay qua chùa Thầy
Đến nơi thôn nhỏ,
Ngừng bên cửa sổ
Chờ lúc nàng vén mành thưa
Ngang trời ta đổ trận mưa…

Nhưng bài thơ không thuần một thể.

Thời Hậu Chiến, trên báo chí thấy thường đăng nhiều bài tứ ngôn đáng yêu. Như bài TRĂNG VÀNG của C.T. làm theo thể Kinh Thi:

Trăng vàng long lanh
Ngủ trong hồ xanh,
Em liền vốc nước
Gởi vào tay anh,
Cho đêm thêm mộng,
Cho xuân thêm tình.
Anh nắm tay lại,
Mong cầm trăng mãi
Trong niềm yêu đương,
Trong đời văn chương.
Cho thơ thêm trái,
Cho lòng thêm hương…
Nước bỗng rời ta,
Trăng liền theo nước,
Trăng liền theo mây…
Nhìn trăng nhìn nước,
Nhớ thương vơi đầy.
Bùi ngùi mây nước
Cỏ sương xuân gầy.
Ôi ! Lòng cỏ sương,
Đừng sầu đừng thương.
Dù trong mây nước,
Trăng vàng còn gương,
Trăng vàng còn rạng,
Trong niềm yêu đương,
Trong đời văn chương.

Và bài DẠ LÝ HƯƠNG của M.H. làm theo thể vè:

Ngập ngừng dưới nguyệt,
Khép nép trong sương,
Cành Dạ lý hương,
Nở dần cánh tuyết.
Long lanh ánh nguyệt
Xuống đọng cùng sương,
Thành giọt kim cương…
Bồi hồi ý gió:
Từng giọt trăng nhỏ
Từng giọt thiên hương
Thành giọt văn chương
Ngát lòng thi sỹ
Ôm thu nằm nghỉ
Dưới cành Dạ hương.

Những bài này cũng những bài của các bậc đàn anh thời Tiền Chiến chứng tỏ rằng thể thơ tứ ngôn, nếu ra công trau dồi sẽ sản xuất ra nhiều giai phẩm như các thể thơ khác.


[1] Vàng Sao là một tập văn xuôi. Bài này nằm trên bài văn xuôi, và bài văn xuôi gián tiếp giải nghĩa bài thơ.
Trong sách không để dấu chấm câu, cũng không có ngang nối. Thơ Chế Lan Viên rất phức tạp. Lời thơ ngó giản dị song nếu thấy dễ đọc qua thì không thấy được chân tướng của tác giả.