Hương Vườn Cũ 20.C



Đọc bài VỊNH NÚI DỤC THÚY của Nguyễn Đỉnh Giác, tôi liên tưởng đến bài VỊNH HỒ HOÀN KIẾM của Ý Viên Hoàng Cảnh Tuân:

Bóng tháp lô nhô lớp sóng cồn
Nhịp cầu nho nhỏ ghếch sườn non
Nước trong như vẫn tăm thần kiếm
Đường rộng còn trơ dấu pháp môn
Kim cổ treo chung tranh thủy mặc
Tang thương chớp nhoáng bóng hoàng hôn
Nghìn thu suy thịnh gương còn đó
Coi thử vầng trăng khuyết lại tròn.

Bút pháp và khẩu khí họ Hoàng thật giống họ Nguyễn. Đọc thơ biết rõ hai tác giả là người khoáng đạt khẳng khái, học rộng, tài cao.
Câu:
Kim cổ treo chung tranh thủy mặc
Tang thương chớp nhoáng bóng hoàng hôn.

Thật tinh diệu. Lời thơ trác luyện nhưng tự nhiên, tứ thơ bao la man mác. Lòng người đọc thơ bồi hồi như trông thấy cảnh biến đổi của cuộc đời theo bóng chiều vàng hiển hiện trên nước mây bảng lảng…

Đem so cùng câu:
Bóng mây thấp thoáng hồn Diên Hạc
Vách đá lờ mờ nét Phạm Trương.
thì một bên là Chiêu Quân sang Hồ Địa, một bên là Huyền Trân vào Chiêm Thành. Nét buồn trong vẻ đẹp, vẻ đẹp trong sắc buồn, muốn thưởng thức phải tự mình nhìn, chớ nói không cùng, tả không xiết.

Những câu thơ bất hủ của bà Huyện Thanh Quan:
Chín tầng sen rớt hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.

Nếu đem đặt một bên hai câu kia, thật khó mà phân bá trọng. Rất hận là không đọc được nhiều thơ của họ Nguyễn họ Hoàng, không được biết rõ tiểu sử của họ Nguyễn họ Hoàng, để nói được nhiều khen được nhiều cho thỏa hồn thơ.
Để giúp bạn đọc chưa được thấy hồ Hoàn Kiếm, chưa được biết rõ về hồ Hoàn Kiếm, nhận thức đầy đủ cái hay cái đẹp trong bài thơ cúa Ý Viên, xin nói qua về sự tích và phong cảnh hồ Hoàn Kiếm.
Hồ ở giữa thành phố Hà Nội. Trước kia gọi là Vọng Hồ. Vua Lê Thái Tổ mới đổi tên Hoàn Kiếm.

Truyền rằng: Sau khi đánh đuổi được quân Minh, xây vững nền độc lập cho Tổ quốc, vua Lê Thái Tổ ngự thuyền chơi trên hồ, chợt thấy một con rùa to lớn nổi lên mặt nước. Nhà vua rút kiếm ra đâm thì rùa liền đớp lấy kiếm lặn mất. Thanh kiếm ấy nhà vua đã bắt được trước khi khởi nghĩa, và đã dùng để dẹp quân xâm lăng. Nước đã yên nên Trời sai thần qui đến đòi lại kiếm. Trả kiếm trên hồ, nên nhà vua mới đặt tên hồ là Hoàn Kiếm.
Giữa hồ có một ngọn cổ tháp tục gọi là tháp Rùa xây trên một nấm gò nhỏ gọi là gò Con Qui. Phải chăng tháp ấy xây để thờ rùa thần đã nổi lên đòi là gương thần?
Quanh hồ, ở phía đông nam có tháp Báo Thiên, di tích của chùa Quan Thượng. Ở phía Tây, có đền thờ và tượng vua Lê Thái Tổ.
Ở phía đông bắc có cổng đền Ngọc Sơn, hai bên cột gạch có khắc nhiều câu đối cổ. Vào khỏi cổng, ở phía trái có một nổng gò nhỏ đắp bằng những tảng đá vụn. Trên gò xây một ngọn tháp, trên tháp có một ngọn bút chữ nho bằng đá to lớn. Do đó tháp gọi là Tháp Bút. Vào sâu chút nữa thì có một cái đài trên có một nghiên mực bằng đá. Đó là Nghiên Đài.
Qua khỏi Nghiên Đài thì đến một cái cầu gỗ sơn đỏ, gọi là cầu Thê Húc, bắt từ bờ hồ sang nổng gò Ngọc Sơn ở giữa hồ. Trên gò có chùa Ngọc Sơn ẩn hiện trong bóng cây xanh và soi hình xuống nước. Đền nầy xây từ đời Trần. Trong đền thờ đức Quan Đế và đức Trần Hưng Đạo. Đến đời Thiệu Trị một nhóm thi sỹ làm thêm một nếp đền nữa thờ đức Văn Xương.
Phong cảnh thanh tú. Tao nhân mặc khách xưa nay thường đến ngâm vịnh. Nhưng bên thơ Quốc âm, xuất sắc chỉ có bài của Ý Viên.

Trong bài THĂNG LÒNG THÀNH của Đông Hồ, đoạn đầu nói về hồ Hoàn Kiếm:
Bão táp tơi bời trời cố quốc
Gió mưa ủ rũ đất danh đô
Tiêu điều cỏ lấp hoa Long Đỗ [1]
Lạnh lẽo trăng soi nước Kiếm Hồ
Bút tháp viết trời xanh chữ hận
Nghiễn đài tràn mực đậm màu thu

Cầu Thê húc thẹn son xưa nhạt
Đình Trấn Ba khoe phấn mới tô [2]
Tháp đảo chơ vơ rùa nhớ kiếm
Tượng vườn chót vót đá mong vua [3]
Báo thiên rêu phủ hoang sơ tháp
Núi Ngọc cây quanh ẩn ước chùa…

Lời thơ đẹp, tình hoài cổ chứa chan. Đông Hồ đưa hầu hết những cổ tích của hồ vào văn chương. Và mỗi cảnh mang một mảnh lòng của tác giả, tha thiết như nhau, đậm đà in nhau, người đọc khó nhận biết ý tác giả nằm ở chỗ nào. Nếu Đông Hồ làm vua, thì nơi hậu cung nhất định êm vui, vì tình chia được đều đặn. Như thế, công bằng thật. Song nghĩ kỹ công mà bất công. Vì nơi tam cung lục viện lẽ nào lại không có một Bao Tự, một Đắc Kỷ, hay một Tây Thi, một Dương Quí Phi? Đối với kẻ quốc sắc thiên hương mà tình kính yêu cũng ngang với một mỹ nhân thường, thì chẳng những không công mà còn không minh nữa. [4]
Lưu Mộng Đắc đời Đường làm bài KIM LĂNG HOÀI CỔ:
Vương Tuấn lâu thuyền hạ Ích Châu
Kim Lăng vượng khí ám nhiên thâu
Thiên tầm thiết luyện trầm giang để
Nhất phiến hàng phiên xuất Thạch Đầu
Nhân thế kỷ hồi thương vãng sự
San hình y cựu chẩm hàn lưu
Tức kim tứ hải vi gia nhật
Cố lũy tiêu tiêu lộ địch thu

Tạm dịch:
Xuống Ích Châu thuyền lầu Vương Tuấn
Trời Kim Lăng khí vượng ngầm thâu
Nghìn tầm dây thiết chìm sâu
Cờ hàng một lá Thạch Đầu treo cao
Thương thế sự trải bao chìm nổi
Vẫn lạnh lùng non gồi nước xưa
Bắc Nam nay một cõi bờ
Đìu hiu lũy cổ bơ phờ lau thu.

Tiền Giải chỉ dùng tích Vương Tuấn là tướng nước Ngụy đem thủy binh xuống Ích Châu, phá tan dây xích sắt giăng dưới sông, khiến binh nước Ngô không chống nổi phải dựng cờ hàng nơi Thạch thành. Còn hâu giải thì toàn thị không miêu [5]. Bạch Lạc Thiên khen:
- Đã lấy được hạt châu trong hàm con ly rồi thì vây vảy còn lại đều vô dụng. [6]
Tùy Viên tán thưởng:
- Thật là tri ngôn. Nếu chẳng thế thì điển cố đất Kim Lăng há phải một việc Vương Tuấn mà thôi, và trong bụng Lưu công há chỉ có một điển ấy. [7]
Có lẽ Ý Viên Hoàng Cảnh Tuân đã học theo cổ nhân.


[1] Long Đỗ: Thần Long Đỗ. Truyền rằng ở Tây Hồ xưa kia giữa hồ có nùi đá nhỏ. Trên núi có hồ chín đuôi nhiễu hại dân chúng. Thần Long Đỗ tâu lên Thượng Đế. Đế sai Long quân đánh giết. Núi liền sụt thành đàm. Theo Tây Hồ Chí thì Tây Hồ thời cổ thuộc làng Long Đỗ. Hoa Long Đỗ tức hoa sen, vì Tây Hồ mọc nhiều sen.
[2] Đình Trấn Ba: một cảnh tân tạo ở cạnh hồ Hoàn Kiếm.
[3] Vườn tượng: vườn có đền thờ và tượng vua Lê.
[4] Bài này viết lúc Đông Hồ chưa qui thần, cậy chỗ tình thân nên hí lộng. Nay không muốn sửa lại vì sợ mất tự nhiên.
[5] Không miêu: Tả trống, không dựa vào một sự kiện lịch sử nào cả, chỉ lấy ý mình mà diễn tả ra.
[6] Nguyên văn: Dĩ thám ly châu, sở dư lân giáp vô dụng.
[7] Tùy Viên Thi Thoại, đoạn nói về thơ Vịnh cổ.