Hương Vườn Cũ 36.I

  


Phù Cát có nhiều tay hay chữ. Những khoa thi ở Bình Định, Phù Cát đã mấy lần chiếm thủ khoa. Lại có người không thi đậu chi cả mà tiếng nổi từ xưa, mãi nay còn vang vọng.
Đó là kỳ sỹ PHẠM TRƯỜNG PHÁT.

Kỳ sỹ trước ở thôn Chánh Mẫn sau dời sang Đại Hữu.
Người đồng thời cùng NGUYỄN BÁ HUÂN và cùng họ Nguyễn nổi tiếng là cuồng chữ, tục gọi là Bình Định song cuồng.
Khoa nào hai cụ cũng đi thi, nhưng không lều chõng, không giấy bút. Vào trường thi thì thẳng đến thập đạo lãnh giấy bút ngồi làm văn.
Cụ Nguyễn thì bầu đựng nước chứa đầy rượu. Hễ làm được một câu hay thì thưởng một chén, thưởng mãi đến say vùi… [1]. Còn cụ Phạm thì đầu quấn khăn trắng ràng rịt dọc ngang đến mấy bận. Hỏi lý do. Đáp:
- Hay chữ quá sợ rủi nổ đầu. Ngồi nơi thập đạo, chẳng may não văng lây chữ cho quan trường uổng, nên phải đề phòng.
Bút giấy vào tay thì viết thao thao bất tuyệt. Viết đã, ngừng đọc lại, cao hứng lấy bút khuyên:
- Để quan trường khuyên uổng.
Rồi cáo bệnh bỏ ra.

Cụ Phạm cũng như cụ Nguyễn đi thi từ ngày trường thi mở tại Bình Định.
Trường thi Bình Định mở năm Tự Đức thứ tư (1851), mở cho các tỉnh từ Quảng Nghĩa vào đến Bình Thuận.
Khoa đầu tiên là khoa Nhâm Tý (1852). Người Quảng Nghĩa dựt thủ khoa. Nên có câu:
Tiếc công Bình Định xây thành
Để cho Quảng Nghĩa vô giành thủ khoa.

Nhưng đến khoa sau là khoa Ất Mão (1855), rồi tiếp hai khoa nữa là khoa Mậu Ngọ (1858) và khoa Tân Dậu (1861) ngôi thủ khoa đều vào tay người Bình Định. Nên lại có câu:
Tiếc công Quảng Nghĩa đường xa
Để cho Bình Định thủ khoa ba lần.

Tuy thủ khoa ba lần liên tiếp vào tay người Bình Định, nhưng sỹ tử Quảng Nghĩa không phục, nên sau khi yết bảng, thường tìm cách hạ thể giá vị thủ khoa.

Một lần, trong một quán nước, một tân khoa Quảng Nghĩa gặp vị thủ khoa Bình Định là Phan Võ Hoành người Phù Cát, liền buông lời thách thức. Nhân trong quán có trang thờ bà Cửu Thiên Huyền Nữ, phía trước dán câu đối:
Trạc trạc khuyết linh
Dương dương tại thượng.

Thầy tân khoa Quảng Nghĩa bèn ra đối, thách vị tân thủ khoa Bình Định đối:
Trạc trạc khuyết linh,
Anh thấy em xinh, dương dương hồ tại thượng.

Người ra đối mượn cảnh trước mắt, lại mượn chữ có sẵn ghép lại thành câu. Câu đối khúc mắc ở những điểm đó. Vị thủ khoa chưa kịp cấu tứ, thì một người Bình Định ngồi gần đó, đứng lên thưa:
- Tôi là một tên thi hỏng. Nhưng thấy vế đối ra kia quá tầm thường, không xứng để quan thủ khoa đối. Nên xin cho phép tôi đối thế.
Đoạn bảo chủ quán đêm rượu và thức nhấm lên để trợ hứng. Chủ quán liền đi lấy rượu và gọi vói xuống bếp bảo vợ đem thức ăn lên. Người vợ dạ một tiếng lớn. Tiếng dạ vừa dứt, thì người Bình Định liền đối ngay:
Cấp cấp bất hạ,
Chồng kêu vợ dạ, đản đản kỳ nhiên tai.

Ai nấy đều thất kinh!
Người Bình Định đó không ai khác hơn là PHẠM TRƯỚNG PHÁT mà thầy tân khoa Quảng Nghĩa đã từng nghe danh nhưng chưa biết mặt.
Thơ văn của cụ, bên chữ Hán cũng như bên Quốc âm, làm đâu bỏ đó, chớ không bao giờ chép lại. Vì vậy chỉ còn truyền được một bài:

CÁ CHẬU CHIM LỒNG
Chim thời quen núi cá quen sông
Lúng túng vào ra chậu với lồng
Khó vẫy khó vùng trong nước túng
Khôn bay khôn liệng giữa trời không
Trông chừng biển bắc tung đuôi ngạc
Ngắm vọi non nam chớp cánh hồng
Lồng chậu một mai thân thoát khỏi
Chim trời nên phụng cá nên rồng.

Vị phụ lão tiền bối ở thôn Phú Phong quận Bình Khê, là Chuyết Nhân tiên sinh cho biết rằng bài này cụ Phạm sáng tác sau khi phong trào Cần Vương Bình Định bị dứt. Cụ cùng các thân hào nhân sỹ ứng nghĩa đều bị bắt giam. Ở trong ngục, để khiển hoài, cụ cùng các đồng chí làm nhiều bài khẳng khái. Bài này được nhiều người thuộc nên được lưu truyền. Sau khi được trả tự do, cụ về nhà được ít lâu thì mất, mất vì uất hận không diệt được thù cứu được nước.


[1] Đã nói ở đoạn trước rồi.