Hương Vườn Cũ 17.




Nền văn học đời Tự Đức triều Nguyễn thạnh vượng không kém đời Hồng Đức triều Lê. Đó là nhờ ảnh hưởng nhà vua.
Vua DỰC TÔNG cũng như vua Thánh Tông, là một nhà vua rất hay chữ và sành thơ Quốc âm.
Sỹ phong hà thường, do thượng sở cổ. Hễ nhà vua ham học, sính thơ, thì trong quần thần ngoài lê thứ cũng đều noi gương nhà vua. Nền văn học nhờ đó mà phát đạt.
Và cũng như vua Lê Thánh Tông, vua Dực Tông có những điểm dị biệt trong văn chương. Thánh Tông thì hay dùng lối “khẩu khí đế vương”. Dực Tông lại ưa sự cầu kỳ hiểm quái.
Thi phẩm của nhà vua còn để lại được nhiều. Phần nhiều là thơ Hán tự. Thơ Quốc âm không được biên chép, nên chỉ sót lại chừng vài ba chục bài. Năm xưa tạp chí Thần Kinh đã sưu tầm và đăng tải được một số. Xém kỹ thì thấy Dực Tông không phải là một nhà thơ có tâm hồn phong phú, mà là một thợ thơ có hoa tay. Cho nên nói đến thơ Dực Tông thì chỉ thích nói đến những nét tiểu xảo, cách vận dụng từ ngữ tài tình…, nghĩa là những gì có phần đặc biệt về hình thức. Không phải vô ích, vì những điểm đó gây nhiều hứng thú cho những khách nghiện thơ và cũng có thể giúp những bạn tập làm thơ đôi phần về kỹ thuật.
Vua Dực Tông có biệt tài về lối Thuận Nghịch độc, nghĩa là lối thơ đọc xuôi rồi đọc ngược, và ngược cũng như xuôi đều thành bài thơ đúng cách và đủ ý. Như:

VÔ ĐỀ
Gương tà nguyệt xế đã ngoài song
Hắt héo sao trông quá sức trông.
Thương bấy thiết tha lòng héo liễu
Nhớ thêm vàng vọ má phai hồng.
Vương sầu xiết tưởng chi nguôi bắc,
Đoạn thảm xui buồn vã chạnh đông.
Chàng hỡi biết chăng ai bực bội,
Loan hàng viết thảo tả tình chung.

Bài này chẳng những đọc xuôi đọc ngược thành văn, mà có thể đọc được sáu cách:
- Đọc xuôi
- Đọc ngược
- Bỏ hai chữ đầu đọc xuôi và ngược
- Bỏ hai chữ sau đọc xuôi và ngược.
Có lẽ vua Dực Tông là người đầu tiên làm lối thơ đọc được sáu cách này. Vì trước nhà vua chỉ thấy truyền tụng những bài đọc được hai cách.
Làm được một bài thơ xuôi ngược đều thông đã là khó, huống hồ độc trôi chảy được sáu cách, thì không phải nhà thơ nào cũng có thể làm nên.

Bài XUÂN HỨNG sau đây, đọc xuôi là một bài thơ chữ Hán, đọc ngược là một bài chữ Nôm, và bài Nôm lại diễn nghĩa bài Hán:
Thi đàn tế liễu lộng hoa hài
Khách bộ tùy sương ẩn bích đài
Kỳ cục đả phong thanh áp trận
Tửu biều nghinh tuyết bạch hòa bôi
Sơ liêm thấu nguyệt hương lung trúc
Tuyết án lăng ba vị áp mai
Phi phất thảo am đầu tĩnh điếm
U tình cố nại thuộc quyên ai. [1]

Đọc ngược:
Ai quen thuộc nấy có tình ư?
Điếm tĩnh đầu am cỏ phất phơ.
Mai ướp vị hoa lừng án tuyết,
Trúc lồng hương nguyệt thấu rèm sưa.
Bôi hòa bạch tuyết nghiêng bầu rượu,
Trận áp thanh phong đánh cuộc cờ.
Rêu biếc ẩn sương theo bước khách
Hài hoa lỏng lẻo túi đàn thơ.

Bài đọc ngược thật lưu loát, không có chữ gượng ép, không có chỗ gò gẫm, so với bài đọc xuôi chẳng những không kém thua mà còn có phần hơn vậy.
Nhà vua còn một bài nữa bằng chữ Hán, cùng một đầu đề Xuân Hứng, và cùng một lối thuận nghịch độc:
Lương huyền ngọc thố điểm trang nghiêm
Cảnh vật tường thiên nhất biến chiêm.
Sương nhiễm liễu hoàng ba bế hộ
Tuyết phân mai bạch yến khuy liêm.
Hương phi các lộng ngâm thu xúc,
Địch xụy lầu cao hứng tửu thiêm.
Trương phiến ảnh tùy xa hưỡn hưỡn
Tường đông chức cẩm trúc sơ thiềm.

Nhà vua tự dịch ra Quốc âm, chữ nào nghĩa nấy mà lời thơ trôi chảy chải chuốt, và cũng đọc được hai cách xuôi người như bài Hán văn:
Rường treo thỏ ngọc chấm trang nghiêm
Cảnh vật đều trời một khắp xem.
Sương nhuộm liễu vàng hoa đóng ngõ,
Tuyết chia mai trắng ém dòm rèm.
Hương bay gác nhộn thơ ngâm nhặt,
Địch thổi lầu cao rượu hứng thêm.
Trương quạt bóng theo xe chậm chậm,
Tường đông dệt gấm trúc sưa thềm.

Lối thơ thuận nghịch độc cũng gọi là lối thơ Hồi Văn, cổ nhân gọi là “Hồi văn cách”.
Truyền rằng thơ Hồi Văn khởi đầu từ bức gấm nàng Tô Nhược Lan, tức Tô Huệ, vợ Đậu Thao đời nhà Tiền Tần. Đậu Thao đi thú lâu năm không về, Nhược Lan dệt một bài thơ thành một bức gấm, đem dâng lên vua. Nhà vua thương tài bèn xuống chiếu cho Đậu Thao xuất ngũ. Bức gấm ấy theo truyền thuyết thì gồm 812 chữ, đọc ngang đọc dọc thành 3.752 thủ, tam ngôn tứ ngôn có, ngũ ngôn, lục, thất ngôn có, phản phúc một cách tinh diệu. Nhưng người sau chỉ đọc được có hai cách thuận nghịch. Đó là theo truyền thuyết. Bài “Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn” chép trong các sách lưu hành ở Việt Nam, thấy chỉ có 280 chữ, đọc tráo trở đoanh lộn thành một bài nhất ngôn trường thiên cổ thể, từ ý thâm diệu. Và từ xưa đến nay người Việt Nam chỉ đọc được một cách: Đọc thuận. Không biết bài 280 chữ này có đúng của Tô Huệ chăng, hay là một bản rút ngắn của nguyên đồ.

Theo Tùy Viên Thi Thoại thì Hồi Văn Cách do thiên Nguyên Đạo sản xuất trước thời Đậu Thao, chớ không phải mới phát sinh từ bức gấm của Tô Huệ.
Nhân nói về thơ Hồi Văn của Dực Tông, nói leo đến nguồn gốc lối Hồi Văn để mua vui cùng các bạn đọc.
Lối thơ Hồi Văn tuy có từ nghìn xưa, nhưng không phải lối thơ thông dụng. Vua Dực Tông hay dùng cốt để khoe khoang tài nghệ cùng quần thần mà phần đông là những tay hay chữ nổi tiếng.

Để thử thách các danh sỹ trong triều, nhà vua thường làm những bài thơ vịnh những vật tầm thường với những chữ lắc léo và dấu đầu đề, rồi đọc ảm tả cho các quan viết. Như bài sau đây:
Tiêu hà tá hán khởi ư phong
Sấn nhập trùng vi nhiễu trướng trung
Bất luận huân tiêu phàn khoái lực
Hốt văn hàn tín tự tiêu không.

Đọc lên ai lại không chắc là thơ vịnh cổ, vì có những là Tiêu Hà, Phàn Khoái, Hàn Tín, Hán, Phong… là những tên tướng tên đất của nhà Hán. Nên các quan cứ xuống bút viết một hơi. Nhà vua xem cười ngất! Trong khi các quan còn ngơ ngác, nhà vua đưa bản ngự bút ra cho xem. Thì ra đó là bài thơ VỊNH MUỖI!
Tiêu hà là chuối và sen chớ không phải ông Tiêu Hà.
Phong là gió chớ không phải là đất Phong.
Phàn khoái là phung phí chớ không phải là ông Phàn Khoái.
Hàn tín là tin lạnh chớ không phải là ông Hàn Tín.
Những chữ đó tự dạng đều khác hẳn nhau, viết sai tự dạng là sai hẳn ý nghĩa.

Bài VỊNH MUỖI của nhà vua nghĩa là:
Chuối sen nương cánh gió tuôn bay
Màn trướng xông vô mãn quấy rầy.
Lọ đốt lọ xông cho nhọc sức
Chợt nghe tin lạnh rã rời ngay.

Chép theo các quan thành một bài vịnh cổ nghe cũng có nghĩa chớ chẳng không. Nghĩa là:
Tiêu Hà giúp nhà Hán nổi dậy nơi đất Phong.
Khi thì sấn vào trùng vây khi thì đoanh nơi trướng.
Chẳng luận sức vào của Phàn Khoái hừng hẫy hay tiêu tan,
Chợt nghe tiếng Hàn Tín thì bỗng nhiên rã rời hết.

Vì ý nghĩa hàng hai, lại giấu đề bài, thì viết sai mặt chữ là phải lắm. Nếu cho biết đề bài thì nhất định không thể sai được. Nhưng để cho các quan viết đúng thì còn gì thú vị, và còn ai dư công ghi nhớ bài thơ. Nghĩa là bài thơ trên chỉ có giá trị ở điểm chơi chữ. Nhưng cũng phải hay chữ lắm mới chơi chữ kiểu ấy nổi.

Nhà vua lại còn xướng nhiều bài thơ tử vận thách họa. Mỗi lần thắng cuộc rất là làm thỏa lòng. Lại thường nói cùng đình thần:
- Trẫm không ứng thí, chớ nếu ứng thí tất trúng Trạng Nguyên.
Để trắc nghiệm lời nói của mình, nhà vua cùng các nhà đại khoa chọn đề tài, rồi cùng những tay danh sỹ nổi tiếng trong nước đua nhau tỷ thí. Đoạn rọc phách các quyển thi, gởi sang Trung Hoa nhờ chấm. Nhà vua cầm chắc rằng không ai lấn nổi mình. Nhưng sau một thời gian khá lâu, bài chấm xong gởi hoàn lại thì nhà vua đứng gần chót! Tuy thế lòng vẫn mừng thầm, vì được khen là “có khí tượng đế vương” mà các bài khác không có.

Truyền rằng trong cuộc thi này Cao Bá Quát chiếm được khôi nguyên. Và nghe đâu cũng vì cái vinh dự ấy mà họ Cao bị nhà vua ghét thêm một bậc nữa.
Nói “ghét thêm một bậc nữa” là vì trước kia họ Cao đã bị ghét nhiều rồi. Bị ghét là vì thường tìm cách tỏ lòng bất phục đối với nhà vua. Ví dụ:
Một hôm nhà vua làm được một câu thơ chữ Nôm chèn cùng chữ Hán, rất lấy làm đắc ý, đem đọc cho đình thần nghe và bảo rằng “mộng trung đắc cú”:
Chi đầu hảo điểu khề khà ngữ
Dã ngoại kỳ ba lấm tấm khai.

Các quan đều tán thưởng. riêng Cao Bá Quát quì tâu:
- Chính hạ thần cũng nằm chiêm bao thấy Hoàng Thượng đọc câu ấy. Nhưng Hoàng Thượng đọc cho hạ thần nghe đến tám câu. Có lẽ Hoàng Thượng chỉ còn nhớ có hai câu.

Nói xong, không đợi xem nhà vua phản ứng như sao, họ Cao liền cao giọng đọc:
Bảo mã tê phong huếch hoác lai
Huênh hoang nhân tự thác đề hồi
Chi đầu hảo điểu khề khà ngữ
Dã ngoại kỳ ba lấm tấm khai
Thiên thượng sạ văn lôi lộp độp
Địa trung hốt kiến vũ lài nhài
Khù khờ thi tứ đa nhân thức
Khệnh khạng tương lai vấn tú tài. [2]

Biết rằng họ Cao chê khéo mình, nhà vua rất giận. Giận nhất là câu:
Khù khờ thi tứ đa nhân thức.
Khệnh khạng tương lai vấn tú tài.

Nhưng không thể nào bắt tội được, đành phải làm ngơ.
Câu chuyện không mấy chốc đã bay khắp đó đây, và trở thành một câu giai thoại trong làng văn chương.
Bài thơ trên chép theo lời truyền khẩu. Một số sách quốc văn cũng thấy chép tương tợ như thế.

Nhưng vừa rồi, một vị túc nho đã viết và đọc lại bài ấy như sau:
Bửu mã tê phong tích tác lai
Oanh oang xa tự thác đề hồi.
Chi đầu hảo điểu hê hà xướng,
Dã ngoại kỳ ba bí bẩm khai.
Thiên thượng sạ văn lôi phẩu hẩu,
Sơn trung hốt kiến võ bài sai.
Khì khù thi tứ đa nhân thức,
Bỉnh bổng tương lai vấn tú tài.

Ý nghĩa bài thơ không có gì thay đổi, có khác những tiếng đôi Việt Nam. Có lẽ vì chữ Nôm mượn tự dạng và thanh âm tương tợ của chữ Hán để viết và đọc, nên mỗi người đọc mỗi khác đó thôi.
Trong bài thứ nhất, những chữ đôi đều hoàn toàn là chữ Việt. Không cần nhìn vào mặt chữ, chúng ta cũng nhận thấy rõ chỗ tiểu xảo của tác giả. nhưng đối với bài nhì, chúng ta phải nhìn vào mặt chữ mới phục tài chơi chữ của tác giả là “tuyệt đại vô song”.
Trong hầu hết các câu, những chữ kép đọc thành Nôm đều gồm ba và bốn tự dạng của một chữ nào đó trong câu. Ví dụ:
Ở câu đầu chữ “Tích tác” gồm ba và bốn chữ “Mã”.
Ở câu thứ hai chữ “oanh oang” gồm ba và bốn chữ “Xa”.
Ở bốn câu giữa những chữ kép Nôm lại đi liền với chữ Hán mượn tự dạng. Như:
- “Hê hà” gồm ba và bốn chữ “Điểu”.
- “Bí bẩm” gồm ba và bốn chữ “Ba”.
- “Phẩu hẩu” gồm ba và bốn chữ “Lôi”.
- “Bài sai” gồm ba và bốn chữ “Võ”.
Còn trong câu 7, 8, tuy không có những chữ “phối ngẫu” như sáu câu trên, song vẫn có chỗ lắc léo, là những chữ “Khì khù, bỉnh bổng”, mỗi chữ thiếu một cái chấm, chữ thì thiếu ở bên mặt, chữ thì thiếu ở bên trái, dụng ý chê học lực của nhà vua còn thiếu sót, thi tài của nhà vua còn bấp bênh.
Nghệ thuật chạm trổ đến thế là tuyệt!

Nội dung bài thơ tuy không có gì đáng chú ý. Nhưng hình thức thật là tân kỳ. Đây là một lối thơ đặc biệt do vua Tự Đức khởi xướng, Cao Bá Quát phụ họa và phát triển. Trước đó không có, sau này cũng không có. Cho nên từ xưa đến nay bài “Khì khù thi tứ” chiếm địa vị độc tôn trong xóm thơ Chơi Chữ.
Trên đời cái gì hiếm cũng quí.
Lại thêm những người rành đồ xưa thường nói “nhất kỳ nhì cổ”. Bài “Khì khù” vừa kỳ vừa cổ, cho nên đối với người háo cổ, giá trị thật vô song.

***
Nhưng, không phải vua Tự Đức chỉ để lại cho chúng ta những bài thơ “điêu trùng tiểu kỷ” chỉ dùng để gia vị cho những câu chuyện phong tao lúc trà dư tửu hậu. Trong số thơ lưu thế của nhà vua, vẫn có bài, có câu, ngoài đáng yêu, trong đáng trọng. Như trong bài Mừng Được Mưa, có câu:
Tràn đồng hạt ngọc nhờ no đủ,
Một giọt cân vàng thỏa khát khao. [3]

Nhất là bài KHÓC BẰNG PHI mà không mấy người không thuộc, có thể gọi là tuyệt tác:
Ớ Thị Bằng ơi! Đã mất rồi!
Ớ tình! Ớ nghĩa! Ớ duyên ơi!
Mưa hè nắng chái oanh ăn nói
Sớm ngõ trưa sân liễu đứng ngồi…
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Mối tình muốn đứt càng thêm bận,
Lẽo đẽo theo hoài chẳng phút lơi. [4]

Văn thật là luyện, tình thật là thâm! Đọc lên lòng người nghe không sao giữ được khỏi rung cảm.

Trong bài hay nhất là cặp luận:
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.

Nhưng có người chê là “có vẻ con nít” nhất là câu “đập cổ kính ra tìm lấy bóng”.
Vâng “có vẻ con nít thật”. Đọc câu ấy khiến những nhiều người nhớ lại những cảnh “rình bắt bóng sau gương” hoặc “lấy thúng úp mặt trăng dưới giếng” buổi thiếu thời. Song nên biết rằng thi nhân là kẻ “bất thất kỳ xích tử chi tâm”, như lời Viên Mai, tác giả Tùy Viên Thi Thoại, đã nói.

Thẩm Thạch Điều, đời Thanh, vịnh Lạc Ba, có câu:
Hạo kiếp tín ư kim nhật tận,
Si tâm nghi hữu biệt gia khai.

Nghĩa là:
Kiếp lớn những tin nay đã hết,
Lòng si lại tưởng nở vườn ai.

Người đời Tống có câu:
Lão tăng chỉ khủng vân phi khứ,
Nhật ngọ tiên gia yểm tự môn.

Nghĩa là:
Tăng già chỉ sợ mây bay mất,
Đứng bóng lo sai đóng cửa chùa.

Đề bức họa mỹ nhân ngồi xây lưng, Trần Sở Nam đời Thanh, có bài tuyệt cú rằng:
Mỹ nhân bối ỷ ngọc lan can
Trù trướng ba dung nhất kiến nan.
Kỷ độ hoán tha tha bất chuyển,
Si tâm dục trạo họa đồ khan.

Nghĩa là:
Người xinh ngồi tựa câu lan,
Mặt hoa mong thấy muôn vàn khó khăn.
Mấy phen kêu luống nhọc nhằn,
Họa đồ lật ngó mới bằng lòng si.

Tác giả Tùy Viên Thi Thoại khen là “Diệu”, và “Diệu tại nơi lời nói như trẻ con” (Diệu tại giai hài tử ngữ giả).

Câu “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng” cũng thế.
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.

Câu trên thì ngây câu dưới thì si. Mà si và ngây đều là tâm tính của khách đa tình vậy.
Nghe Hồ Xuân Hương khóc quan phủ Vĩnh Tường:
Nắm xương dưới ván cau mày khóc,
Hòn máu trên tay mỉm miệng cười.

Thì thảm cho cảnh. Nghe vua Tự Đức khóc Bằng Phi thì thương cho tình! Bên cảnh bên tình khéo vấn vương! Cho nên đối với khách đa tình, những bài thơ có tình như thơ Khóc quan phủ Vĩnh Tường, Khóc Bằng Phi đều là những vần tuyệt diệu.

Nhưng có người bảo rằng câu “Đập cổ kính… Xếp tàn y…”, vua Tự Đức đã lấy của Ôn Như Hầu rồi sửa lại đôi chữ làm của mình. Câu của Ôn Như Hầu rằng:
Đập mảnh gương xưa tìm lấy bóng
Xếp manh áo cũ để dành hơi.

Và câu này đã dịch câu Hán văn của Trần Danh Án:
Phá tổi lăng ba tầm cựu ảnh,
Trùng phong khâm tử hộ dư hương.

Không biết những câu ấy vô tâm mà trùng hợp nhau, hay cố ý vay mượn của nhau.

Vô tâm mà trùng hợp nhau là chuyện thường có xưa nay. Như đời Thanh, Đào Hoàng Thôn, bài Ngẫu Thành có câu:
Đa tình chỉ hữu tiêu tiêu trúc
Thời đới tà dương lục đáo song.

Nghĩa là:
Đa tình riêng ánh trúc hoa,
Ngày ngày đeo bóng dương tà vào song.

Diêu Cơ Truyền cũng có câu:
Nhân tích bất như tu trúc ảnh
Mỗi tùy minh nguyệt đáo trung đình.

Nghĩa là:
Dấu người thua bóng trúc xanh,
Đêm đêm theo ánh trăng thanh vào thềm.

Hai người tuy đồng thời, nhưng ở cách nhau ngàn trùng non nước và chưa hề quen biết nhau. Văn chương của hai người lúc bấy giờ cũng chưa được phổ biến. Nhờ có Mai Viên đi đây đi đó tình cờ thu thập được mới đem vào tập Tùy Viên Thi Thoại. Từ ấy nhiều người mới biết danh hai nhà thơ, và hai câu thơ mới được truyền tụng.

Đừng nói đâu xa, ở Việt Nam ta những cuộc “không hẹn mà gặp” vẫn không hiếm. Như Tương An Quận Vương, trong bài Hoài Cổ có câu:
Bốn dây ứa máu tỳ bà.
Một câu thơ quỉ khốc thần kinh. Một câu thơ siêu thực xưa nay chưa từng thấy trong văn thơ Việt Nam. Ai cũng phải khen là tân kỳ. Nhưng có ngờ đâu một thi nhân bên trời Âu cũng có một câu tương tợ:
L’archet mord jusqu’au sang du violon.

Một người ở đầu thế kỷ thứ XIX, một người ở đầu thế kỷ thứ XX, và một người ở Âu một người ở Á. Thế hệ khác nhau, dân tộc tính khác nhau, mà ý tứ còn trùng nhau thế ấy, huống hồ vua Tự Đức, Ôn Như Hầu và Trần Danh Án.

Còn nếu cố ý mượn của nhau, thì người xưa cũng thường có. Tự Khương Nhạc có câu:
Thiên nham thạnh trở trích
Vạn hác thế oanh hồi.

Nghĩa là: “Ngàn núi thạnh ngăn chứa, muôn hố thế đoanh lộn”.

Lý Thái Bạch bình sanh rất thích họ Tạ, cũng có câu:
Thiên nham tuyền sái lạc
Vạn hác thọ oanh hồi.

Nghĩa là: “ Nghìn núi suối tuôn xối, muôn hố cây đoanh lộn”.

Mà chẳng riêng gì Lý Thái Bạch, các đại thi gia khác cũng vậy. Như Đỗ Phủ tập thơ của Dũ Tử Sơn, Âu Dương Tu tập thơ của họ Hàn. Có người chê là “thâu đạo” tức “ăn trộm”.
Nhà văn hào Lưu Cống Phủ cười đáp:
- Du đạo nhưng không làm thiệt hại sự chủ. [5]
Câu nói ý vị làm sao!
Nhưng nếu kết tội “ăn trộm” thì quyển Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du còn có giá trị gì?

Còn ở đây, dù cố ý dù vô tâm, hai câu trong bài vua Tự Đức vẫn hay hơn những câu của Ôn Như Hầu, Trần Danh Án. Trong câu của Ôn Như Hầu, mấy chữ “mảnh gương” gợi ý “không tròn vẹn”, ý “đã sứt mẻ”; mấy chữ “manh áo” nghe tục vì gây cho người đọc người nghe một cảm giác rằng áo kia không  được lành lẽ cũng không được sạch sẽ. Do đó câu thơ giảm tình tứ, kém “dung nhan”. Câu của Trần Danh Án, văn chương thanh nhã, nhưng bình thản quá, không đủ sức rung cảm lòng người.

Vua Tự Đức dùng chữ “cổ kính” chữ “tàn y” thật vừa nhã toàn vừa trang nhã. Lại thêm tiết điệu câu thơ thể hiện được nỗi lòng của tác giả: vế trên diễn tả niềm uất hận, vế dưới nói lên niềm thổn thức nghẹn ngào. Đọc lên, một vế thì gợi cho chúng ta thấy thái độ nóng nảy hấp tấp của tấm lòng bị ray rứt, một vế thì để lộ ra thái độ tiêu cực của tấm lòng tuyệt vọng sau khi hành động tích cực của mình không đẹm lại kết quả mong muốn.
Cả ba tác giả đều cùng nói một ý. Nhưng nhờ từ điệu mà câu thơ của vua Tự Đức thành công. Và bài thơ “Khóc Bằng Phi”, nhất là hai câu ngũ lục, trở nên bất hủ.

Nhưng lại có người bảo rằng bài thơ thượng dẫn nhan đề là “Khóc Thị Bằng” và đó là tác phẩm của Ôn Như Hầu chớ không phải của vua Tự Đức. Lời nói này tôi nhớ đã đọc trong một quyển sách hay một tờ báo nào đó mà lâu ngày quên tên. Sách hay báo ấy còn thêm rằng “Thị Bằng là một người hầu yêu quí của Ôn Như”. Chỉ nói trổng thế thôi, chớ không đưa ra bằng cớ chính xác, nên không dám tin.

Năm 1957, ra Huế gặp ông bạn Phan Văn Dật, tôi đem bài thơ ra chất chính. Phan quân cười:
- Thơ Nôm của vua Tự Đức dở “không thể chê” thì làm gì có được một bài thơ hay như thế. Huống nữa dưới triều Tự Đức không có người cung phi nào gọi là Thị Bằng. Cho nên nhất định bài “Khóc Thị Bằng” không phải của vua Tự Đức.
Phan Văn Dật là một thi nhân có biệt tài và thực học. Tánh người lại rất thận trọng. Thường thường không hề quả quyết một điều gì mà chính mình chưa biết tường tận. Bởi vậy nghe Phan quân nói, lòng tôi hết sức phân vân!
- Từ trước đến giờ phần đông những người yêu thơ đều bảo là thơ của vua Tự Đức. Các bậc tiền bối mình được hầu chuyện cũng đều xác nhận rằng quả là của nhà vua. Sao nay lại có chuyện bảo rằng “không phải”. Ai nói thì có thể không tin, chớ Phan Văn Dật nói thì không thể không tin được.
Từ ấy lòng thường nhủ lòng:
- Mình có cảm tình cùng vua Tự Đức do bài “Khóc Bằng Phi”. Nếu thật sự bài thơ không phải của nhà vua, thì… uổng lắm!

Sau cuộc chính biến năm 1963, tình cờ gặp cụ Tôn Thất Hối tại nhà cụ Tôn Thất Toại ở Nha Trang, tôi “hâm” trở lại câu chuyện Thị Bằng. Cụ Tôn cho biết:
- Triều Tự Đức có hai cung phi được sủng ái là Bằng Phi và Thúy Phi. Nhưng sau xét ra thì Thúy Phi đối với nhà vua có ít nhiều liên hệ về huyết thống, nên nhà vua phải bấm bụng mà đoạn tình. Bởi vậy thời bấy giờ trong cung có câu “Duyên Bằng nợ Thúy”.
Hỏi về bài thơ, cụ đáp:
- Trong Hoàng gia vẫn truyền là của vua Tự Đức.
Cụ Tôn Thất Hối là một hưu quan triều Nguyễn lại một người trong Hoàng tộc. Lời nói của cụ về những việc trong cung vua không thể không chính xác.
Như thế nên tin lời cụ Tôn hay tin lời họ Phan?

Để dứt khoát tư tưởng tôi lấy “cân lòng” ra cân: Lời cụ Tôn cộng thêm những lời của các bậc tiền bối tôi đã được nghe trước kia thấy nặng hơn lời của họ Phan mà tôi luôn luôn yêu kính. Nên tôi cố giữ vững mối cảm tình cố hữu đối với nhà thơ Hoàng Đế cho đến lúc có bằng cớ đích xác chứng minh rằng bài “Khóc Bằng Phi” không phải của Ngài.

***
Còn một bài nữa cũng tương truyền là của vua Tự Đức nhan là

CẢM TÁC
Chuyện đời càng nghĩ lại càng ghê,
Sống gởi dương gian thác lại về.
Khôn dại cùng chung ba thước đất,
Giàu sang chưa chín một nồi kê.
Đua chen trước mắt mây mờ mịt,
Đày đọa sau thân núi nặng nề.
Cũng muốn hỏi tiên tìm chẳng gặp,
Thôi đành nói phải có trời nghe.

Bài thơ không mang chút đỉnh “hơi hám” chút đỉnh “bóng dáng” nào của nơi quyền quí. Người ta có thể ngờ là tác phẩm của một người bình dân.

Bài “Khóc Bằng Phi” là thơ tình cảm. Bài “Cảm tác” này là thơ tư tưởng. Tình cảm trong “Khóc Bằng Phi” có nhiều nét đặc sắc. Tư tưởng trong “Cảm tác” là những tư tưởng thông thường, phổ biến, không có gì mới lạ hay sâu sắc.
Còn về văn chương thì bài trước chải chuốt công phu, bài sau tự nhiên trôi chảy. Những điểm cầu kỳ của nhà vua không in đậm vào nét bút khiến niềm cảm xúc, mối suy tư biểu hiện một cách chân thật, bài thơ chứa đựng được vị thơ.

Nhưng nếu chúng ta xem kỹ thì nhận thấy bài Cảm Tác vẫn có đôi nét tiểu xảo. Đó là những chữ “mây mờ mịt” đối với “núi nặng nề”. Ba chữ trên đều khởi đầu bằng mẫu tự M. Ba chữ dưới khởi đầu bằng mẫu tự N. Tức là dùng một nhóm chữ đồng âm để đối chọi cùng một nhóm chữ đồng âm. Nhóm M. thuộc về loại Thần âm (âm môi). Nhóm N thuộc loại chữ Thiệt âm (âm lưỡi). Đó là một cách chơi chữ. Mà chơi chữ là sở trường của vua Tự Đức vậy.

Cụ Nguyễn Khoa Vy trong Hương Bình Thi Xã ở Huế có bài thơ dùng toàn những chữ khởi đầu bằng mẫu tự CH:
Chạy chữa chai chân chẳng chịu chừa
Chín chiều chua chát chán chê chưa!
Cha chài chú chớp chơi chung chạ,
Chả chính chuyên chi chớ chực chờ.

Lối thơ này mệnh danh là lối “Độc âm”. Không biết có phải cụ Nguyễn nhân những chữ “mây mờ mịt, núi nặng nề” của nhà vua Tự Đức mà sáng chế ra lối thơ này chăng?
Đó cũng là một lối mới, đọc nghe cũng vui vui. Nhưng thỉnh thoảng dùng mà chơi thì được, chớ không nên hao sức hao công. Bởi những tiểu xảo của hình thức thường làm mất làm sai diện mục của nội dung, dù lời văn có khéo có đẹp đến đâu cũng không gây được hứng thú cho người đọc. Những bài thơ “hữu cách vô thú” đối với hàng tri thức không có giá trị bao lăm. Cho nên làm nhiều bất lợi.

Riêng về lối dùng ba tiếng đồng âm liên tiếp trong hai câu thơ của vua Tự Đức trên đây, chúng ta phải công nhận là tài tình. Chẳng những mấy nét tiểu xảo ấy không làm thương tổn nội dung, mà âm hưởng của những chữ “mây mờ mịt”, “núi nặng nề” còn gợi cái cảm giác liên miên của bóng mây mờ mịt, cái cảm giác chồng chất của sức núi nặng nề… Không biết đó là do ngẫu nhiên mà nên, hay nhờ  công phu mà có? Cổ nhân đã về cùng quá khứ, cái hay còn ở lại với hiện tại, nay chúng ta tìm thấy được thì chúng ta cứ thưởng thức theo sở thích của chúng ta. Và thành thật mà phê bình: Bài “Cảm tác” không phải là một tuyệt phẩm, nhưng cũng là một giai tác đáng yêu.

Bài thơ này được nhiều người họa. Nhưng vì nguyên xướng có những vần khó, nên các bài họa đều bị gò ép kém duyên. Còn nhớ trong một bài, họa giả muốn khỏi đại bại, phải noi gương Nguyễn Ánh, cầu cứu đến Pháp Lang Sa. Đó là câu họa vần “kê”:
Chưa từng chín họ đừng bôn bả,
Đâu thấy ba đời dám mổ kê.

“Mổ kê” là phiên âm chữ “Moquer” nghĩa là chê bai, nhạo báng. Ý nói: xưa nay chưa thấy ai giàu chín họ, ai khó ba đời đâu mà bôn chôn mà chê nhạo.
Và có một bài vần nghe họa thoát lắm:
Cơ trời ai hỏi mà ai nói?
Ai nói mà ai đã muốn nghe!

Câu này ngụ ý chỉ trích vua Tự Đức đã ở trong tình thế khẩn trương của đất nước mà không biết nghe lời phải của những nà thấy rộng nghe xa, cứ bo bo giữ chánh sách bế môn tỏa cảng…
Theo lời của các vị tiền bối thì bài Cảm Tác trên sản xuất vào khoảng cuối triều Tự Đức. Lòng bi quan của nhà vua trước thời cuộc biểu lộ hẳn trên lời thơ. Cho nên bài họa kia mới có lời chỉ trích.
***
Nói tóm lại: Vua Tự Đức là một bậc hay chữ và sính thơ. Xét số thơ – riêng nói về thơ Quốc âm – còn truyền lại, ai nấy đều công nhận rằng vua Tự Đức quả có tài, nhưng tài của một thi công (versificateur) chớ không phải tài của một thi gia (poète), tài của một thủ công (artisan) chớ không phải tài của một nghệ sỹ (artiste).
Nhưng đừng coi thường: Tài ấy không phải dễ có. Phải trăm rèn nghìn luyện mới có thể nên công. Học vấn cạn, công phu ít mà đi khinh khi tài làm thơ của vua Tự Đức thì sẽ bị kẻ thức giả cười là “Tỉnh để luận thiên”.
Có người hỏi:
- Trên thi đàn, địa vị của vua Tự Đức như thế nào?
Xin thưa:
- Cũng như vua Lê Thánh Tông sở trường về lối thơ “khẩu khí”, Hồ Xuân Hương sở trường về lối thơ “tinh quái”, vua Tự Đức sở trường về lối thơ “cầu kỳ”, trước kia cũng như sau này, ngồi riêng một mình một chiếu. Và trong công cuộc xây dựng nền Văn Học Việt Nam, vua Tự Đức đã chung phần đóng góp đáng kể vậy.


[1] Bài này trong “Giai Thoại Làng Nho” Lãng Nhân chép là của Vũ Duy Thanh. Có đôi chữ khác: Câu 5, 6, 7:
                Sơ liêm thấu nguyệt hương luy cúc
                Yến tịch lăng hoa vị áp mai
                Phi phất lĩnh đầu chiêm tĩnh điếm.
[2] Bài này ý nghĩa không có gì lạ:
Con ngựa quí hí gió, huếch hóa lại,
Người cũng huênh hoang dắt dây theo vào.
Đầu cành chim tốt nói khề khà,
Ngoài đồng hoa lạ nở lấm tấm.
Trên trời thoát nghe sấm lộp độp
Trong đất vụt thấy mưa lài nhài
Tứ thơ khù khờ nhiều người biết
Còn khệnh khạng đem đi hỏi thầy tú.
Câu kết ngụ ý chê thơ nhà vua không ra gì.
[3] Trong tạp chí THẦN KINH ở Huế thấy lục đăng nhiều bài khả ái. Tôi chỉ còn nhớ có một câu!
Câu Mừng Được Mưa có người đọc:
                Tràn đồng giọt ngọc vừa no đủ
                Một giọt cân vàng khó ước ao.
[4] Nhiều sách chép:
                Lẽo đẽo theo hoài cứ chẳng thôi.
[5] Viết theo Tùy Viên Thi Thoại.