Hương Vườn Cũ 14.



Vịnh sử cũng như dụng điển [1], khách làng thơ Việt Nam thiên về Trung Hoa. Cho nên điển tích Việt Nam sự kiện nhân vật lịch sử Việt Nam trong thơ Quốc âm lưa thưa như sao gần sáng.
Trong bài ĐỀ NGHĨA LƯ của Phạm Thái, câu kết:
Dệt gấm Thanh Nê câu nhất tiếu
Thêu nền Thúy Ái chữ tam tùng.

Thanh Nê và Thúy Ái là địa danh của nước nhà.
Thanh Nê là quê hương của Thanh Xuyên Hầu, chồng bà Long Cơ là người thủ tiết trong Nghĩa lư, thuộc trấn Sơn Nam tức tỉnh Nam Định bây giờ.
Thúy Ái là tên con sông thuộc huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông, nơi bà Phan Thị Thuấn tuẩn tiết theo chồng là Ngô Cảnh Hoàn đời Hậu Lê. [2]
Vế trên dùng cảnh trước mắt để nói về dung.
Vế dưới mượn tích bà Phan Thị Thuấn để nói về hạnh.
Bà Phan Thị Thuấn là vợ bé Ngô Cảnh Hoàn.
Ngô Cảnh Hoàn vâng lệnh vua Lê đem quân đi đánh quân Tây Sơn, bị tử trận tại sông Thúy Ái. Người nhà được tin ai nấy đều thương khóc, riêng bà vẫn cười nói như thường. Có người hỏi, bà đáp:
- Được chết vì nước còn chi hơn nữa mà buồn.

Người chung quanh cạn nghĩ chê rằng không thương chồng. Bà không chút quan tâm. Đến tuần bá nhật, cúng tế xong, bà trang điểm lịch sự, sai bơi thuyền ra nơi Ngô Cảnh Hoàn tuẩn quốc, ung dung tự trầm. Lúc ấy bà mới 20 tuổi, chưa con.
Nhân dân địa phương thương người tiết nghĩa, lập đền thờ ở bên sông. Sau vua Tự Đức sắc phong là TIẾT NGHĨA PHU NHÂN và sai dựng bia đá ở trước đền.

Phạm Thái là người đồng thời cùng bà Phan Thị Thuấn, mà trong thơ lại dùng tích bà tiết nghĩa họ Phan. Như thế là:
- Họ Phạm rất khâm phục họ Phan.
- Họ Phạm là người đầu tiên dùng điển Việt Nam mà lại dùng sanh điển.
Dùng điển Phan Thị Thuấn, Phạm Thái còn muốn cho người đọc thấy rằng:
- Long Cơ cũng như Phan Tiết Nghĩa đều một hoàn cảnh giống hệt nhau: trẻ tuổi, không con và vợ thứ.
- Ngô Cảnh Hoàn chết vì nhà Lê, Thanh Xuyên hầu cũng chết vì nhà Lê, mà mình đây cũng vì nhà Lê mà thương người đã khuất, kính người còn giữ vẹn lòng thủy chung.
Dụng điển như thế là tuyệt.

Bài ĐỀ NGHĨA LƯ [3] cũng thuộc loại thơ vịnh sử, mặc dù nhân vật trong thơ là người tại thế. Bởi trong thơ bên cạnh những lời đề tặng bà Long Cơ có chen những ý nói đến Thanh Xuyên Hầu là con người đã hy sinh vì quốc sự. Nhưng chỉ “thuộc về” tức là bà con, chớ không phải “đích thị”, không phải “chính cống”.

***
Sự  tích bà Long Cơ, ngoài Phạm Thái ra, không thấy có người thứ hai dùng làm thơ.
Về bà Phan Thị Thuấn thì thấy có nhiều thơ vịnh.
Cổ nhất có lẽ là bài khuyết danh tác giả sau đây:
Mặc ai chê trách mặc ai cười
Dạ đá gan vàng sẽ sẽ nguôi
Chín suối cũng tìm cho thấy mặt
Trăm năm trót hẹn dám sai lời
Riêng nhau nhà nước đường đôi ngả
Chung lại non sông mả một ngôi
Thúy Ái nghìn thu dòng nước biếc
Làm gương cho khách thế gian soi.

Bài này chỉ có cặp luận là thật hay.
Dương Bá Trạc cũng có một bài:
Chàng đi theo nước thiếp theo chồng
Thiếp chết trinh mà chàng chết trung
Đến thế ân tình đôi trọn vẹn
Việc chi cười nói chẳng thung dung
Ma chay đã đủ trên trần thế
Đào đỏ thôi về dưới thủy cung
Giã họ giã hàng giã thôn xóm
Cương thường để lại với non sông.

Văn chương nhất khí quán hạ, song chưa bằng bài của Tản Đà tiên sinh:
Chàng trung cho thiếp mới nên trinh
Nửa vị giang san nửa vị tình
Má phấn môi son làn nước biếc
Gan vàng dạ ngọc đá bia xanh
Sô gai thiên hạ âu thừa nhĩ
Gió bụi nhân gian chẳng bợn mình
Qua lại thuyền ai sông Thúy Ái
Còn chăng sóng gợn với hương thanh.

Vẻ thanh lịch của giai nhân hiển hiện trên nét bút.
Câu thơ Đề Nghĩa Lư của Phạm Thái là một bức gấm. Bài thơ của Tản Đà là một làn hương. Hân hạnh thay giai nhân!
Năm Giáp Thìn (1044), vua Thái Tông nhà Lý kéo quân vào đánh nước Chiêm Thành, phá kinh đô Phật Thệ, giết quốc vương Sạ Đẩu và bắt Vương phi Mỹ Ê đem về nước.
Đến sông Lý Nhân, Thái Tông đòi Mỹ Ê sang hầu bên thuyền ngự. Mỹ Ê giữ tiết, không chịu sang, lấy chiên quấn khắp mình rồi lăn đùng xuống nước mà tự tử.
Hiện nay ở phủ Lý Nhân tỉnh Nam Định vẫn còn đền thờ.
Người đời Hồng Đức (1460-1497) có thơ vịnh rằng:

Thờ chúa thờ chồng hết tấc thương
Một mình trọn đạo việc cương thường
Non thiêng dễ hóa hồn Tinh Vệ
Nước biếc khôn nhìn mặt Phạn vương
Dòng bạc thề cùng thu có nguyệt
Sử xanh chép để bút còn hương
Rày mừng thấy tin rồng đến
Phủ mưa dào khắp bốn phương.

Sáu câu trên nói về bà Mỹ Ê. Câu bảy tám nói về việc vua Lê Thánh Tông đến thăm miếu thờ và phong tặng.
Cặp trạng tuyệt diệu. Buổi thịnh thời của thơ Hàn luật sau này, trong thơ vịnh sử, không thấy câu nào có thể so.
Cặp luận thật hay!
Câu “Dòng lạc… Sử xanh…” đời Le, cao sang, làm nổi bậc đức hạnh và phong độ của bà Mỹ Ê.

Người cận đại là Hoàng Cao Khải có tập VỊNH NAM SỬ, chọn các danh nhân trong nước, mỗi người có một bài tiểu sử, một bài thơ vịnh và một bài bàn. Trong tập cũng có bài Vịnh Mỹ Ê:
Thuyền rồng không dựa dựa thuyền chài
Khắng vó vì chưng trót một hai
Tiết nghĩa mảnh chiên trời ấm lạnh
Cương thường giọt lệ nước đầy vơi
Chứng minh đã có mười phương Phật
Sống thác cùng nhau một giống Hời
Sử sách nghìn năm ghi chép đó
Thương ai mà lại thẹn cho ai.

Câu “Tiết nghĩa… Cương thường…” bi thiết, tả rõ cảnh đau thương và lòng chung thủy của bà Mỹ Ê.
Câu kết bài của họ Hoàng chê vua nhà Lý không chính đáng, nghìn thu còn để tiếng nhơ.

Câu kết bài đời Lê cũng nói đến vua, nhưng thay vua đương kim vào, đó là cố ý tránh nói đến nết xấu của ông vua đời trước. Tránh nói xấu ông vua đời trước, nhưng kỳ thật lại dụng ý đề cao vua của mình thờ: Đọc sử ai lại không biết bà Mỹ Ê chết là vì tà tâm của vua nhà Lý. Đối với bà, vua Lý Thái Tông là kẻ thù, thù nước, thù chồng, thù bản thân, còn vua Lê Thánh Tông là người ân, bởi việc nhà vua đến viếng đền và phong tặng làm cho danh tiếng bà bấy lâu nhờ nhân dân địa phương mà sáng tỏ, lại càng sáng tỏ thêm. Tác giả không nhắc đến thù oán xưa, mà chỉ nêu rõ ân huệ mới. Độc giả đã biết rõ sự tích mà bà Mỹ Ê, chỉ lưu tâm một chút là thấy rõ trắng đen. Mà trắng để chồng lên đen thì trắng tự nhiên nổi bật. Thế là không chỉ trích mà chỉ trích, không đề cao mà đề cao. Thật thâm mà cũng thật khéo!

Đó là về ý. Còn về lời thì 6 câu điếu cổ dùng thể thất ngôn, hai câu luận kim dùng thể lục ngôn. Đó là cố ý làm cho người đọc dễ thấy cũ mới. Cũ mới rõ ràng, mà ý vẫn chuyền, lời vẫn tiếp. Bài thơ, khí không đứt mà thế rất vững vàng. Rõ là bút pháp của bậc đại gia.
Hai bài Vịnh Mỹ Ê đều là hai bài thơ giá trị. Mỗi bài có một vẻ hay. Bài của Hoàng Cao Khải chẳng khác một cô gái chốn khuê môn, chững chàng duyên dáng. Bài của người thời Hồng Đức như một chàng trai có sức và có học, lễ độ nhưng hiên ngang.
Đọc lên thấy hứng thú. Đọc rồi còn dư vị.

Bài Vịnh Mỹ Ê trên đây và bài Vịnh Hán Cao Tổ ở trước là thơ trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập. Trong tập này thơ vịnh sử chiếm một phần quan trọng. Nhiều nhân vật có danh ở Trung Quốc và ở Việt Nam được đề cập đến. Xin trích thêm một ít:

TRƯNG VƯƠNG
Giúp dân dẹp loạn trả thù mình
Chị rủ cùng em kết nghĩa binh
Tô Định bay hồn vang một trận
Lĩnh Nam mở cõi vững trăm thành
Mới đầy bảo vị gia ơn rộng
Đã đội hoa quan xuống phúc lành
Còn nước còn non còn miếu mạo
Nữ trung đệ nhất đứng tài danh.

TRIỆU BÀ VƯƠNG
Cao một trượng cả mười vừng
Bỏ tóc ngang lưng vú chấm sừng
Hợp chúng rừng xanh oai náo nức
Cưỡi đầu voi trắng tiếng vang lừng
Mác dài trỏ vẩy tan đàn giặc
Ngôi cả lăm le học họ Trưng
Ví có anh hùng duyên định mấy
Thời chi Đông Hán dám lung lăng.

Bài vịnh bà Trưng hơn hẳn bài vịnh bà Triệu. Chắc là hai người làm trong một thời - thời Hồng Đức -  rồi người làm sách xếp loại để vào một môn - môn Nhân Đạo, trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập.
Bài vịnh bà Trưng nói lên được phần nào công nghiệp và ân đức lúc bà còn sống và lúc đã về thần. Lời văn lại trang nghiêm biểu thị lòng sùng kính của người vịnh sử.
Bài vịnh bà Triệu kém cả từ lẫn ý.

Hai câu đề lời khiếm trang, nhất là câu thừa đề. Ba chữ “vú chấm sừng” có vẻ hài hước. Đối một vị cân quắc anh hùng mà toàn dân ngưỡng mộ, thì rõ là phạm thượng dù cho tác giả là một vỹ nhân.
Bà Triệu về hình thức bên ngoài có hai điểm đặc biệt là đôi vú dài và việc cỡi voi ra trận. Khách vịnh sử ai nấy cũng đều dùng hai đặc điểm này khi nói đến bà, chớ không phải đem ra để giễu cợt.
Trong Quốc sử diễn ca có câu:

Vú dài ba thước giắt lưng
Cỡi voi đánh trống trong rừng bước ra.
Kề vai gánh vác sơn hà
Cho Ngô rõ mặt đàn bà nước Nam…

Câu vú chấm sừng lại còn một khuyết điểm nữa là “sừng” ở đâu để “vú chấm”? Có lẽ tác giả muốn chỉ đôi ngà voi. Ngà voi mà gọi là sừng thì chỉ có những người ngớ ngẩn chưa từng thấy voi:
Con chi to lớn trắng đôi sừng
Lỗ mũi lòng thòng tận dưới chân…

Cặp trạng:
Hợp chúng rừng xanh oai náo nức
Cỡi đầu voi trắng tiếng vang lừng.

Việc “hợp chúng rừng xanh, cỡi đầu voi trắng” có gì lạ đâu mà “oai náo nức, tiếng vang lừng”? Uy danh bà lừng lẫy là do việc chống xâm lăng chớ đâu phải việc hợp chúng việc cỡi voi. Điểm quan trọng không nói lại nói điểm phụ thuộc. Tinh thần không biểu dương lại lo phô trương hình thức. Văn như thế là có tượng mà không khí, có xác mà không hồn.

Cặp luận:
Mác dài trỏ vẩy tan đàn giặc
Ngôi cả lăm le học họ Trưng.

Vế trên dụng ý thái quá: Cầm mác trỏ vẩy mà tan được giặc thì chẳng khác đức Quan Thế Âm vẩy cành dương liễu mà xua hết đám tà ma… Huống nữa bà Triệu chưa dẹp được quân cướp nước và cuối cùng bị thất bại vì hổ thẹn trước cảnh dã man.

Vế dưới chỉ sự bất thiệt: Bà Triệu dấy nghĩa binh là cốt để cứu dân chớ đâu phải nhắm vào ngôi đế vương? Ba chữ “lăm le học” lại khiếm nhã. Sao vế trên khen quá đáng, mà vế dưới lại thất kính như thế?

Trong phép làm thơ Đường luật, có “tứ bất nhập cách” là bốn điều không đúng cách thức làm thơ là:
- Khinh trọng bất đẳng (nặng nhẹ không đồng đẳng).
- Dụng ý thái quá (dùng ý quá đáng).
- Chỉ sự bất thiệt (chỉ việc không đúng sự thật).
- Dụng ý thiên khô (dùng ý thiên lệch khô khan).
Cặp luận trong bài Vịnh Bà Triệu phạm đến hai lỗi trong bốn. Nếu là quyển thi ở trường ốc thì bị quan trường đánh “bất nhập cách” rồi loại ra ngoài.
Chỉ còn có câu kết là khả thủ! [4]

Thơ vịnh bà Trưng và Triệu, từ khi chữ Quốc Ngữ thịnh hành, thường thấy đăng ở sách báo. Có hai bài được nhiều người thuộc là bài của Hoàng Cao Khải và của Dương Bá Trạc. Hoàng Cao Khải vịnh bà Trưng, Dương Bá Trạc vịnh bà Triệu. Hai bài này được nhiều người thuộc là nhờ Giáo sư Dương Quảng Hàm đem vào sách Quốc Văn Trích Diễm rồi nhà trường bắt học sinh Trung Học học thuộc lòng.

TRƯNG VƯƠNG [5]
Tượng đá trời Nam dãi tuyết sương
Nghìn năm công đức nhớ Trưng Vương
Tham tàn trách bởi quân gây biến
Oanh liệt khen cho gái dị thường
Liều với non sông hai má phấn
Giành nhau nòi giống một da vàng
Cột đồng Đông Hán tìm đâu thấy
Chỉ thấy Tây Hồ bóng nước gương.

VỊNH TRIỆU ẨU 3
Khí thiêng Lô Tản đúc nên người
Chẳng những trai hay gái cũng tài
Vùng vẫy non sông ba thước vú
Xông pha tên đạn một đầu voi
Thằng Ngô gan thỏ kinh gần rụng
Cửa tướng con dòng đích chẳng sai
Thua được sự thường chi sá kể
Nữ nhi ái quốc tiếng muôn đời.

Hai bài này nếu không nhờ thế lực học đường thì kẻ ham thích thơ và biết thưởng thức thơ có thấy cũng chỉ đọc qua mà thôi.
Bài TRƯNG VƯƠNG được hai câu đầu và hai câu cuối. Bốn câu này có thể gọi là giai tác.
Còn bốn câu giữa, ý thiển cận, lời không được trang nhã nghiêm túc. Câu “Oanh liệt khen cho gái dị thường” là lời bề trên khen kẻ dưới! Ba chữ “khen cho gái” có thể nói là xấc xược đối với bậc có “nghìn năm công đức” của dân tộc. Câu “Giành nhau nòi giống một da vàng” nghĩa là sao? Bà Trưng khởi nghĩa đánh đuổi xâm lăng, sao gọi là “giành nhau”. Còn quân cướp nước dã man kia tuy cùng một màu da vàng với ta, nhưng đâu phải là nòi giống? Rõ là nhận giặc làm bà con! Thật sai lầm quá đỗi!

Bài thơ nầy tưởng không nên cho học sinh học làm gì. Nếu có cho học thì nên nêu những điểm khuyết những điểm sai ra cho học sinh biết, chớ đừng theo sách Quốc Văn Trích Diễm của giáo sư Dương Quảng Hàm.

Bài VỊNH TRIỆU ẨU cũng có nhiều điểm đáng chỉ trích.
Trước hết là đầu đề. Triệu ẩu là mụ Triệu. Đó là tiếng kẻ thù dùng để gọi bà Triệu, một tiếng ngậm ý kỳ thị khinh khi. Kẻ thù gọi kẻ thù thì gọi chi cũng được. Cớ sao chúng ta cũng bắt chước kẻ thù như thế? Đến cụ Dương mà còn sơ xuất thế ấy huống hồ các em học sinh. Cho nên phải vạch rõ thị phi. [6]

Không khỏi có người thắc mắc:
- Thế thì gọi thế nào cho phải?
Xin thưa:
- Một là gọi tên thật của bà TRIỆU THỊ TRINH. Hai là gọi danh xưng của bà NHỤY KIỀU TƯỚNG QUÂN. Ba là gọi theo tiếng tôn xưng của ông cha chúng ta ngày trước TRIỆU BÀ VƯƠNG.

Còn về mặt văn chương thì bài này chỉ hay có cặp trạng. Đọc lên thấy được khí tượng anh hùng của bà Triệu. Nhưng nhiều người chê ba chữ “ba thước vú” đặt không đúng chỗ, bởi ba thước vú có liên quan chi đến việc vùng vẫy non sông. Đánh như thế kể cũng phải nhưng quá nghiêm khắc. “Ba thước vú” là người có ba thước vú. Tác giả cùng một đặc điểm để “đại diện” cho toàn thể con người đó thôi, chớ không phải ý muốn nói rằng “với ba thước vú, bà Triệu vẫy vùng non sông”. Có người nghĩ như thế nên đã đề nghị cùng tác giả sửa “ba thước vú” ra “ba thước kiếm”.
Vùng vẫy non sông ba thước kiếm
Xông pha tên đạn một đầu voi.

Văn thông ý thuận. Song không có gì đặc biệt về bà Triệu. Câu thơ có thể dùng để vịnh Trưng Vương, hoặc bà Bùi Thị Xuân, hoặc vua Quang Trung…, vì các vị đều vung kiếm diệt thù, cỡi voi ra trận.
Cặp luận:
Thằng Ngô gan thỏ kinh gần rụng
Cửa tướng con dòng đích chẳng sai.

Vế trên văn non, ý cạn. Chữ “Thằng Ngô” quê quá! Và mặc dù gọi quân nhà Ngô bằng thằng để tỏ ý khinh khi, cũng không làm tăng nổi giá trị của bà Triệu là vì gan chúng là gan thỏ chớ nào phải vì tài sức của bà. Nói vậy thì ra nếu giặc không “đeo thỏ bên lưng” thì tình thế lật ngược ư? Rõ khen mà thành chê vậy!

Vế dưới ba chữ “đích chẳng sai” có vẻ ba lơn quá! Bà Triệu là em ông Triệu Quốc Đạt, người đã cùng bà khởi nghĩa đánh giặc Ngô. Điều ấy có ai chối cãi đâu mà phải nói “đích chẳng sai”. Đọc câu này tôi liên tưởng đến bài thơ hài hước “Mừng sanh con trai” của người xưa:
Đích thị của mình chẳng của ai
Mừng nay anh chị đẻ con trai…

Còn khởi thừa chuyển kết chỉ là lời nói thông thường chớ không có gì đặc sắc.
Bài này Tản Đà tiên sinh đã phê bình ở An Nam Tạp chí. Sau khi nêu những khuyết điểm của nguyên tác [7], Tiên sinh sửa lại rằng:
Mê Linh khuất bóng gái còn ai?
Bà Triệu nhà ta cũng tướng tài
Vùng vẫy non sông ba thước vú
Xông pha tên đạn một đầu voi
Duyên trần chẳng chút tơ vương mối
Nợ nước riêng mình gánh nặng vai
Thua được cũng cho Ngô biết mặt
Lam Sơn còn có kẻ tài trai.

Ban đầu tiên sinh khen cặp trạng là hay nên để y. Nhưng rồi sau có người gởi thư đến chỉ trích, nên tiên sinh sửa lại là:
Chiên đỏ quấn ngang ba thước vú
Rừng xanh nhô dọc một đầu voi.

Câu này chỉ tả được hình trạng chớ không nói được khí tượng anh hùng. Thà để như cũ còn hơn.
Bài thơ của Tản Đà tiên sinh hơn bài của Dương Bá Trạc, song chưa phải là một bài xuất sắc trong môn vịnh sử: Khí tượng anh hùng của Triệu Bà Vương không bừng dậy trong thơ.

Cũng như thơ vịnh bà Trưng bà Triệu, những bài vịnh các đấng anh hùng dân tộc như Phù Đổng Thiên Vương, Hưng Đạo Đại Vương, Lê Thái Tổ, Quang Trung… đều không diễn đạt được hùng tâm hùng khí của quí ngài. Đó cũng vì ý chí quật cường, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam mà các vị anh hùng là đại biểu, không được các thi nhân un đúc làm hồn thơ. Thi nhân nặng về sự kiện lịch sử và ý kiến cá nhân, nên thơ thiếu khí hào hùng không hưng khởi được lòng người đọc. Đó là một khuyết điểm lớn trong thơ vịnh sử của chúng ta. Không biết có ai đủ tài năng để bổ sung điểm khuyết hám?

Thơ trong tập VƯƠNG TƯỜNG đời Trần – một tập truyện bằng thơ luật nói về sự tích Chiêu Quân cống Hồ – cũng thuộc về loại thơ Vịnh sử. Văn chương chỉnh tề thanh lịch. Nhiều câu hoa lệ du dương.
Xin trích đôi bài xuất sắc nhất:

VƯƠNG TƯỜNG RỜI CUNG HÁN
Từ giã xưa sau chửa hết lời
Thềm hoa nường đã rén chân dời
Mây tràn cung quế ba canh nguyệt
Gió thốc cờ mao mấy dặm khơi
Lãng Uyển xuân tàn tin én dứt
Hành Dương non thẳm chiếc nhàn khơi [8]
Ngân hà cách trở còn phen hợp
Hồ Hán đôi phương biết mấy đời.

VƯƠNG TƯỜNG TỰ ẢI
Căm giận tanh hôi chốn bất mao [9]
Suối vàng nên lụy khách thơ đào
Quanh rường một bức khăn là rũ
Treo nguyệt ba canh bóng quế cao
Gương đã lạnh lùng mờ cẩm trướng
Châu còn thánh thót quẹn la bào
Khá thương tiếc ngọc gan vàng ấy
Tôi Hán ngồi xem mặt mũi nào!
Lời thơ trang nhã, luyện câu luyện chữ công phu nhưng không mất vẻ tự nhiên.

Bài trên bốn câu giữa tả cảnh ra đi vô cùng linh động. Mỗi câu gợi một hình ảnh mang một tâm sự, và cứ một câu nói về cung nhà Hán, một câu nói về cảnh dọc đường, ngoảnh lại buồn thương, trông ra chua xót! Cảnh trong tình, tình trong cảnh! Lòng người đọc bị lôi cuốn theo lòng người trong thơ!

Bài sau tả cảnh thắt cổ thật tài tình. Bốn câu giữa rất điêu luyện, nhất là câu 3, 4, văn chương bóng bẩy êm dịu, trông như ánh trăng dưới nước, cành hoa trong gương. Nhưng câu thơ trong quá đẹp quá, người đọc không còn thấy vẻ rùng rợn của cảnh chết treo. Câu 5, 6 cũng thế: nét kiều diễm của văn chương gây thích thú cho óc thẩm mỹ của người đọc hơn là làm cho người đọc rung cảm trước cái chết thương thảm của giai nhân.
Bài trên là một cô gái tơ đa sầu.
Bài sau là một pho tượng tuyệt mỹ.
Cả hai đều là những áng văn chương hiếm có trong loại thơ vịnh cổ của Việt Nam.
Và xem đó thấy rõ rằng thơ vịnh cổ về giai nhân dễ tinh xảo hơn về anh hùng hào kiệt.



[1] Xem chương “Dụng điển cố” số 53 ở sau.
[2] Tang thương ngẫu lục chép là Đoàn phu nhân vợ bé Ngô Phúc Du.
[3] Xem ở trước, bài số 10.
[4] Bài thơ chỉ được có một câu mà cũng đem ra bàn tán. Đó là dụng ý muốn cùng các bạn mới tập làm thơ vạch đôi chỗ sơ hở của người trước, hầu mong tránh vết xe đổ.
[5] & 3 Đề bài của hai tác giả đã lựa và sách Quốc Văn Trích Diễm đã dùng. Tiếng Triệu Ẩu bất ổn. Ẩu là mụ. Bọn cướp nước đối với bà Triệu là kẻ thù nên mới gọi thế. Người mình vô ý thức dùng theo thành quen!
[6] Thời Tiền Chiến đã có báo đề cập đến vấn đề này. Người đưa vấn đề ra không nhớ là cụ Huỳnh Thúc Kháng hay cụ Phan Khôi.
[7] Tôi không nhớ rõ lời phê bình của tiên sinh. Nhưng đọc bài nhuận sắc cũng đủ biết rằng tiên sinh chỉ chấm có cặp trạng. Nhưng rồi lại sửa cặp trạng nữa thì bài thơ hoàn toàn mới. “Vật liệu” cũ chỉ còn có “ba thước vú” và “một đầu voi”
[8] Lãng Uyển: Vườn nơi tiên cảnh –Vườn trong cung vua.
  Hành Dương: Một trong năm trái núi cao nhất Trung Hoa, tức là núi Hành Sơn. Núi có 72 ngọn, đứng đầu là ngọn Hồi Nhạn. Ngọn này cao vút mây. Chim nhạn bay đến đó không thể qua khỏi phải bay lộn về, con nào qua được thì bay đi luôn chớ không trở lại được. Núi do đó  mà  mệnh danh.
[9] Bất mao: Không trồng trỉa gì được, nên đất trơ trụi như vật không lông.
                Đất Hồ là vùng sa mạc.
                Người Hán tộc cho người Hồ là mọi rợ tanh hôi.