Hương Vườn Cũ 67



Đời Đường (618-907) là “hoàng kim thời đại” của thi ca. Từ kim ốc đến bồng môn, từ bậc chí tôn đến hàng ca kỹ, ai ai cũng ưa thích cũng quí trọng thi ca. Tao nhân mặc khách đi tới đâu cũng được nhìn với đôi biệt nhãn. Bầu không khí văn chương bao trùm cả nước Trung Hoa rộng lớn. Nhờ vậy mà thi nhân nổi danh có trên vài nghìn, thi phẩm còn lưu thế có đến hàng triệu.

Cho nên nói đến thơ Trung Hoa, từ xưa đến nay, độc giả cũng như phê bình gia đều nói đến thơ Đường trước hết. Cổ nhân lại có câu: “Đường thi Tấn tự Hán văn chương, nhân gian tuyệt phẩm”. Nghĩa là: “Thơ đời Đường, chữ đời Tấn, văn chương đời Hán, là những nghệ phẩm tuyệt diệu trong thế gian”.
Thơ Đường có nhiều lọai nhiều thể, nhưng thơ Luật chiếm phần lớn. Nên nói đến thơ Đường, thường thường nhắm vào thơ Luật.

Nhưng HỒ ỨNG LÂN đời Minh lại nói:
- Thơ thất ngôn Luật rất khó. Đời Đường làm được hay chẳng qua mươi nhà, và ở mỗi nhà chẳng qua mươi bài. [1]
Thơ Đường mà còn thế huống hồ thơ Việt âm!

Thơ Quốc âm Đường Luật theo nhà Trần nhà Lê mà sanh trưởng và theo nhà Nguyễn mà suy vong. Trải trên 650 năm dầu dãi [2], nắng mưa còn để lại cho nền văn học Việt Nam không tới mười nghìn bài. Nếu chọn lựa một cách khắc khe như Hồ Ứng Lân thì phỏng được bao nhiêu bài tuyệt tác? [3]

Thật đáng buồn!
Mà cũng thật đáng hãnh diện!

Bởi cũng thì một nước văn hiến với người ta, mà văn chương đem so với người cách nhau như ao vuông biển cả! Nghĩ chẳng đáng buồn lắm sao?

Nhưng nghĩ lại: nước ta là một tiểu quốc, chữ Việt thì lại bị coi là chữ phụ thuộc bên cạnh chữ Hán trên bao nhiêu thế kỷ, văn chương quốc âm bị coi là văn chương du hí, thi nhân không được chánh quyền và xã hội nâng đỡ. Như thế mà vẫn sản xuất nhân tài, như Hàn Thuyên…, Nguyễn Trãi, Ôn Như Hầu, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái, Nguyễn Du…, Bà Huyện Thanh Quan, Tương An Quận Vương, Nguyễn Khuyến, Tôn Thọ Tường, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khắc Hiếu…vân vân…và vẫn sản xuất nhiều giai tác như chúng ta đã thấy phần lớn bằng nửa nước Trung Hoa, văn quốc âm được trọng dụng, thi nhân được biết đãi như thời nhà Đường, thì nhất định thi ca Việt Nam không nhượng thi ca Trung Quốc.

Trong năm châu cũ mới, có nước nào đồng cảnh ngộ với Việt Nam mà thi ca được nảy nở như Việt Nam chăng? Thật chưa từng nghe nói.

Như vậy chúng ta không đáng hãnh diện sao?

Buồn để mà lo. Hãnh diện để mà gắng. Lo xây dựng nền thi ca nước nhà, gắng tiến thủ cho kịp người hơn người.

Tiền đồ của Việt Nam, về mặt văn chương cũng như về mọi mặt khác, hư hay nên là do lớp thanh niên đương vươn mình vào cuộc sống.

Lòng chứa chan hy vọng, vì ông cha ta vốn là giống Rồng Tiên:

Thà không trời đất không chi cả.
Còn có non sông có lẽ nào
… [4]

Sửa chữa và sắp xếp xong ngày 14 tháng 4 năm Tân Hợi tức ngày 8 tháng 5 năm 1971.

QUÁCH TẤN
________________________________

[1] Hồ Ứng Lân là tác giả tập Thi Tẩu. Họ Hồ dựa trên nguyên tắc gắt gao của Đường Luật đã được nhiều đời tinh vi hóa phiền phức hóa mà bình luận. Phần nhiều nhà phê bình đời Minh đều không phục thơ luật đời Đường.
[2] Luật thơ Đường được dùng vào thơ Quốc âm từ đời Trần Nhân Tông (1279-1293), và đời nhà Nguyễn chấm dứt từ ngày Bảo Đại thoái vị (1945). Nên nói trên sáu trăm rưỡi năm.
[3] Một bài thơ tuyệt tác hay toàn bích là một bài thơ mà hình thức của luật Đường phải triệt để tuân thủ và nội dung phải cho phong phú và thanh cao. Bài thơ phải hòan hảo như một xâu chuỗi ngọc mà mỗi chữ là mỗi hạt minh châu không có vết.
[4] Thơ Sào Nam .