Hương Vườn Cũ 60



Ông bạn họ trần ở Quảng Ngãi tản cư vào Nha Trang, những khi có điều buồn bã thường uống rượu, vỗ vế ngâm bài HỒ TRƯỜNG của Nguyễn Bá Trác:

Đại trượng phu đã không hay xé gan bẻ cật [1] phò cương thường,
Sao lại tiêu giao bốn bể luân lạc tha phương?
Trời nam nghìn dặm thẳm,
Mây nước một màu sương!
Công chưa thành danh chưa đạt [2]
Trai trẻ bao lâu mà đầu bạc!
Trăm năm thân thế bóng tà dương!
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi:
Trời đất mang mang ai người tri kỷ?
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót vào đâu?
Rót về Đông phương?
Nước biển Đông chảy xiết sanh cuồn lan! [3]
Rót về Tây phương?
Mưa Tây Sơn từng trận chứa chan!
Rót về Bắc phương?
Ngọn bắc phong vi vút đá chạy cát tuông![4]
Rót về Nam phương?
Trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồn!
Nào ai tỉnh? Nào ai say?
Chí ta ta biết, lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ,
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây!

Một giáo sư hưu trí đến chơi, nghe ông bạn ngâm, hỏi tác giả là ai. Đáp là của Nguyễn Bá Trác. Nhà giáo phừng phừng nổi giận:
- Anh đọc làm gì văn chương của tên lừa thầy phản bạn? Sỹ phu tỉnh Quảng Nam tôi đến cái tên của hắn cũng không muốn nhắc. Nhắc dơ miệng.
- Người xưa dạy “Không nên vì người dở mà bỏ lời nói hay”. Lời nói hay còn không nỡ bỏ huống hồ bài thơ hay.
Nhà giáo đứng dậy:
- Anh nói thế, tôi xin cáo.
Rồi giận dỗi bỏ đi.
Đó là cái giận nghĩa khí.

Bởi vì:
NGUYỄN BÁ TRÁC, người Quảng Nam, đậu cử nhân, trước kia theo cụ Sào Nam xuất ngoại. Sau trở về đầu thú, được thực dân Pháp miễn tội, cùng Phạm Quỳnh chủ trương tờ Nam Phong. Được ít lâu nhờ tố giác một số đồng chí cũ, (trong đó có Đặng Văn Phương tức Đặng Đình Thanh ở Cần Thơ, người đã từng du học ở Đông Kinh) Trác được bổ đi làm quan Nam Triều.
Lúc ngồi Bố Chánh Bình Định có người gởi tặng câu đối:
“Sóng Âu hải tràn ngang, tràn Hương Cảng, tràn Hoành Tân, tràn Mã Lịp Nhĩ Sơn, coi như tuồn dạ sắt gan đồng, một mực giữ gìn dân với nước;
Gió Nam phong thổi ngược, thổi Hường lô, thổi Binh bộ, thổi Bàn Thành cụ Bố, quen những thói vào luồn ra cúi, đôi đường chen chúc lợi và danh”.

Rồi được thăng Tuần Vũ Quãng Ngãi. Một hôm gặp một người quen cũ là Phan Đình Long bị giam vì tình nghi âm mưu xúi dân làm lọan, Trác cho mời lên tư dinh. Sau một vài câu chuyện đầu môi, hỏi:
- Nằm buồn chắc anh Long làm nhiều thơ lắm? Có bài nào hay đọc cho nghe với.
- Bẩm cụ lớn, cũng có làm được một ít, song sợ làm rầy tai cụ lớn.
- Đừng khách sáo. Đọc đi.
- Dạ, xin đọc bài “Bà Vãi Vào Lầu Xanh”, tôi ngắm được hơn hết.
Rồi không đợi Trác giục liền đọc:

Cửa thiền tiêu mỏ chán rồi a?
Trông đám bình khang thẳng bước ra
Vất chuỗi bồ đề nương bóng nguyệt
Soi gương trí tuệ điểm màu hoa.
Vuông tròn quả phúc tu chưa chín
Chay mặn duyên trần kiếp lộn ba!
Cho biết mùi đời hay cám dỗ
Khôn ngoan khi trẻ dại khi già.

Phan Đình Long là một nho sỹ có tinh thần cách mạng quốc gia, bị Chánh quyền địa phương theo dõi. Họ Phan bỏ vào Nam. Sống yên ổn được sáu năm, đến năm 1930, trong Nam có rải truyền đơn hô hào chống Pháp, họ Phan bị tình nghi là thủ phạm. Tòa Sài Gòn kêu án sáu tháng, mãn hạn bị giao hồi nguyên quán. Về Quảng Ngãi được hai tháng, thì ở Quảng Ngãi có rải tryền đơn, họ Phan bị tình nghi nên chánh quyền địa phương bắt giải tỉnh. Nguyễn Bá Trác xét thấy không có bằng cớ để buộc tội, nên có ý ban ơn. Nhưng bị bài thơ chỉ trích, bèn làm án đến hai năm tù để rửa hận!! Họ Phan thản nhiên ngâm:
Cách xứ sáu năm tù sáu tháng
Về nhà hai tháng án hai năm.

Ở Quảng Ngãi nhờ đàn áp Cách Mạng mà được thăng Tổng Đốc Thanh Hóa. Đến Thanh Hóa mở tiệc đãi các nhà tai mặt tại tư dinh, một vị phó bản tặng cho mấy câu kiểu lẩy:
Kể từ lạc bước bước ra
Một là đắc hiếu hai là đắc trung
Giang hồ quen thú vẫy vùng
Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa!

Nếu thiên lương chưa bị mất hẳn thì chắc Nguyễn Bá Trác phải hổ thẹn và sợ hãi khi nghĩ đến hành vi gian ác của mình mà những văn thơ ghi chép lại cho hậu thế.

NGUYỄN BÁ TRÁC vốn là người có văn học văn tài. Những bài viết đăng ở Nam Phong Tạp Chí phần nhiều được hàn thức giả để ý và có một số được trích vào sách giáo khoa.

Bài Hồ Trường trước kia cũng rất được nhiều người yêu thơ tán thưởng, vì văn chương lâm ly bi tráng, diễn tả nỗi buồn mênh mông của những người đeo chí lớn, nơi tha phương trông về cố quốc, ưu tư vò xé phải mượn rượu làm khuây.
Nhưng từ khi tác giả khuất tấc sự thù thì không ai thèm đọc đến nữa. Cho nên khúc ngâm mặc dù có giá trị mà hơn nữa thế kỷ nay, bặt tăm bặt tiếng trên đàn thơ.

Gần đây chẳng những một mình ông bạn họ trần đem ra ngâm ngợi, mà nhiều người bất mãn về thời cuộc cũng thường mượn làm tiếng lòng những khi đốc chước. Và đã một vài quyển sách lục đăng, như CHƠI CHỮ của Lãng Nhân và HỒN THƠ ĐẤT VIỆT của Lam Giang.
Như thế là công bình. Vì tác giả có tội cùng nhân dân Tổ Quốc chớ văn chương có tội tình gì?

Có người nói:
- Văn chương là tấc lòng thiên cổ. Nhưng văn ở đây và người kia trái ngược nhau như trắng với đen. Lối văn không đau mà rên, giá trị gì mà truyền tụng?

Xin thưa:
- Sông có khúc người có lúc. Nguyễn Bá Trác lúc theo cụ Sào Nam ở Hải Ngoại và Nguyễn Bá Trác ra làm quan cùng thực dân Pháp, là hai khúc sông trong đục khác hẳn nhau. Mà bài Hồ Trường là nỗi lòng khi chưa ngấm mùi danh lợi. Bởi lòng có thể dối được với nhân thế mà không thể dối được với văn chương. Vì sao vậy vì văn chương phản chiếu tâm sự. Trừ khi tấm gương phản phúc tức văn chương không thành văn chương, thì tâm sự mới bị lệch lạc. Mà bài Hồ Trường văn chương chân thực, không có chút giả tạo, nên đáng tin rằng lòng của Nguyễn Bá Trác lúc còn ở Hải Ngoại chưa bị bùn danh lợi làm vẩn nhơ. Ít ra lúc làm bài Hồ Trường, lòng Nguyễn Bá Trác lắng hết bùn danh lợi xuống dưới đáy sâu, nên văn chương mới được thanh tao thế ấy. Đó là mảnh gương phản chiếu khúc sông trong của khoảng đời tha phương của Nguyễn Bá Trác.

Bạch Cư Dị có bài thơ luận về  và Vương Mãn:
Châu Công khủng cụ lưu ngôn nhật [5]
Vương Mãn khiêm cung hạ sỹ thì [6]
Nhược sử đương thời thân tảo tử
Lương nhân chân ngụy hữu thùy tri.

Đại ý nói rằng: Nếu trong những ngày ông Châu Công rung sợ vì dèm pha, trong những lúc Vương Mãn hạ mình chiều chuộng kẻ sỹ, trong thời buổi ấy mà cả hai chết đi, thì người đời sau ai biết được người nào là chân kẻ nào là ngụy.

Vậy, ví phỏng Nguyễn Bá Trác chết sớm nơi tha phương, hoặc không có dịp về đầu thú, thì khi nhà viết sử viết về phong trào Đông Du làm thế nào lại không điểm một điểm soi nho nhỏ nơi tên tuổi.

Và nếu Nguyễn Bá Trác không có bài Hồ Trường để lại hậu thế, thì những hành vi xấu xa kia ngày một ngày hai sẽ được thời gian chôn sâu vào lãng quên như bao ngàn kẻ phản dân phản nước vô danh tiểu tốt khác. Bài Hồ Trường lưu thế, hễ đọc đến thì làm sao khỏi nhớ đến kẻ đã làm ra. Mà nhớ đến kẻ đã làm ra thì sao quên được những thành tích bất hảo.
Cho nên bai Hồ Trường được ghi chép được nhắc nhở, thì có lợi cho văn chương mà lại có hại cho tác giả.
Nhưng ở đời không lưu phương thì lưu xú, mà Nguyễn Bá Trác lưu cả hai thì thật là lời to vậy.



[1] Trong sách CHƠI CHỮ của Lãng Nhân  chép là “bẻ cột” và dùng điển Chu Vân, một trung thần đời Hán Thành Đế, mà giải thích. Trong sách HỒN THƠ ĐẤT VIỆT CỦA Lam Giang chép là “bẻ cật” như  lời nghe truyền ở Trung Việt.
[2] Lãng nhân chép “Học không thành công không lập”. Lãm Giang chép “chí thành danh chưa đạt”.
[3] Lãng nhân chép “Cuồn lạn”. L. G. chép “cuồng loạn” . Cuồng lan: sóng cuồng vần với “chứa chan” ở câu dưới.
[4] Lam Giang chép “Cát bay”, không ăn với vần “Cuồng” ở câu tiếp. Lãng Nhân chép “cát dương”. Tuông = tung. Bài Hồ Trường trên đây là bản dịch (tác giả tự  dịch bài chữ Hán dịch nguyên điệu)
Vì bài thơ truyền miệng nên có nhiều chỗ sai thù.
[5] Châu Công là vua chúa Thành Vương. Vua Thành Vương lên ngôi còn nhỏ tuổi. Quản Thúc Tiên và Thài Thúc Đạt nói dèm sự hiện diện của Châu Công bất lợi cho vua trẻ. Châu Công nghe nói rất lo sợ vì không một ai biết rõ can tràn.
[6] Vương Mãn có ý muốn chiếm ngôi nhà Hán. Lo chiêu hiền đãi sỹ, không ai ngờ Vương Mãn có dã tâm.
Nếu hai người ấy chết trong lúc chưa thi thố được tài năng chưa để lộ chân tướng, thì ai biết được ngụy chân.