Hương Vườn Cũ 30.



Những người thích thơ xưa không mấy ai không thuộc hoặc không nghe biết bài thơ sau đây:

Xe ngựa lao xao giữa cõi trần
Biết ai thiên tử biết ai thần
Nhạc thiều tấu dứt khôn trông phụng [1]
Sử Lỗ tu rồi uổng khóc lân [2]
Mỏi mắt Hy Di trời ngũ quý [3]
Nhọc lòng Gia Cát đất Tam Phân [4]
Thôi thôi đã vậy thôi đành vậy
Nhờ lượng cao dày cứu lấy dân.

Các nhà làm sách, người thì bảo của Nguyễn Đình Chiểu ở trong Nam, người thì cãi là của Phạm Như Xương miền Trung. Bảo là của cụ Nguyễn thì như Lãng Nhân là một, và trong Giai Thoại Làng Nho, mệnh đề là “Mang tật mù”. Bảo là của ông Phạm thì như lão tiền bối Phan Khôi trong Chương Dân Thi Thoại và lấy đề là “Quốc biến năm Ất Dậu”.

Bài trong Chương Dân Thi Thoại nhớ chừng [5] không khác bài tôi chép. Bài trong Giai Thoại Làng Nho thì có nhiều chỗ sai thù:

Nhạc Thiều tiếng dứt khôn trông phụng
Sách Lỗ biên rồi khó thấy lân
Khỏe mắt Hy Di trời Ngũ Quý
Mỏi lòng Gia Cát đất Tam Phân
Công danh chi nữa! Ăn rồi ngủ
Mặc lượng cao dày xử với dân. [6]

Riêng tôi thì từ trước tới nay, vẫn nghe các bậc tiền bối truyền là của Hoàng giáp Phạm Như Xương, và chính là lời than cho hoàn cảnh xã hội từ 1885 trở về sau, thời kỳ mà “chính giữa Đồng Khánh hai đầu Hàm Nghi”.
Không biết chắc tác giả là ai, nhưng vì là một bài thơ nói về thời cuộc - thời cuối triều Tự Đức mà trong Nam cũng không khác gì ở Trung ở Bắc bao nhiêu - nên ai đã đọc qua lịch sử cận đại đã biết qua những điển cố dùng trong thơ, thì hiểu rõ được ý tứ trong toàn bài.

Bài thơ dùng nhiều điển cố. Không phải để khoe khoang chữ nghĩa, vì hoặc cụ Nguyễn Đình Chiểu, hoặc ông Phạm Như Xương, kẻ làm thầy trong một xứ, kẻ đậu hoàng giáp, quốc dân có ai lại không biết mình hay chữ, cần gì phải khoe. Dùng điển thường là để có thể nói được nhiều trong khuôn khổ chật hẹp của Đường luật, và như trường hợp bài này, để diện mục bớt phơi bày hầu tránh đám khuyển ưng trong buổi phụng hoàng kỳ lân không xuống núi.
Cũng mục đích “che mắt thế gian”, một người ở vùng Nam, Nghĩa, Bình, Phú, đã làm bài:

VỊNH LỤT
Mưa từng chặp gió từng hồi
Bốn phía non sông ngập cả rồi!
Lũ kiến bất tài theo bọt tấp
Đám riều vô dụng kết bè trôi [7]

Cheo leo rừng rậm nghe chim gáy
Lỏm xỏm giường cao thấy chó ngồi
Nỡ để dân đen chìm đắm mãi
Nào vua Hạ Võ ở đâu? Ôi! [8]

Bài này làm lúc vua Hàm Nghi chưa bị bắt, vua Đồng Khánh vừa lên ngôi, chiếu Cần Vương từ rừng xanh đưa xuống làm sôi động lòng sỹ phu yêu nước từ Bắc vào Nam.
Biết được điểm đó thì thấy rõ cặp luận nói gì và cặp trạng ám chỉ những ai.
Đám nắm quyền sanh sát lúc bấy giờ dù có bắt được tác giả cũng không thể làm tội được.
Bài này cũng như bài trên kia, không biết được tác giả nhưng biết được thời kỳ sáng tác, nên dễ nhận được ý tứ trên hàng chữ, giữa hai hàng chữ.
Cũng không biết rõ tác giả là ai, bài:

THAN THỜI LOẠN:
Lửa hồng từ dậy mái thành đô
Đòi chốn lầm than cảnh được thua
Xanh biếc thú quê người ẩn dật
Bạc đen đường thế khách bôn xu
Suy tường mỗi mỗi đau lòng trí
Tính quẩn trần trần nát dạ ngu
Muốn tới Vỵ Xuyên mà hỏi Lã [9]
Rằng Thương xưa cũng thế này ru?

Truyền rằng đây là tình trạng xã hội thời Lê mạt, sau khi đám kiêu binh làm loạn trong triều đường.
Có sách chép là thơ của Nguyễn Hữu Chỉnh. Nhưng không lấy gì làm chắc. Và cũng như hai bài trên kia, tác giả có biết rõ được càng tốt, không biết được cũng không ảnh hưởng gì đến sự nhận thức nội dung bài thơ.
Về mặt văn chương, bài này vừa cổ kính vừa tự nhiên. Rõ là một gốc tùng già đứng sừng sững trên sườn non. Ý cũng rất hàm súc. Nhưng không có những nét đặc sắc làm cho người đọc thấy rõ được những khác biệt của thời loạn tác giả muốn tả với những thời loạn khác. Do đó bài này nói về thời loạn thời Lê mạt cũng được mà nói về thời loạn thời Pháp chiếm Kinh Đô Huế cũng cứ được. Cho nên so về mặt ý tứ thì bài Vịnh Lụt trổi hơn bài này và bài “Xe ngựa lao xao…” bởi bài “Xe ngựa lao xao…” cũng không có nét độc đáo.
Những bài thơ như những bài trên thường gọi là thơ thời thế.
Và có thể kết luận:
- Về thơ thời thế, biết được tác giả càng tốt, không biết được cũng không sao. Điều cần thiết là phải rõ thời kỳ sáng tác.
Có những bài thơ tình, không cần biết đến tác giả cũng không cần biết thời kỳ sáng tác, mà vẫn nhận thức đầy đủ nội dung, vì tình ý trong thơ không có gì bí ẩn, độc đáo. Như bài sau đây:

KÝ NỘI
Con tạo ghen ai những quấy rầy
Quan hà muôn dặm kẻ riêng tây
Gương thiềm ngắm bóng năm hầu nửa [10]
Thư nhạn mong tin tháng đã đầy [11]
Xuân vắng vườn đào màu phấn nhạt
Thu qua bờ liễu vóc sương gầy
Chung tình hai chữ khen ai đặt
Một giấc phần du tỉnh lại say. [12]

Văn chương diễm lệ, phảng phất giọng thơ Đường. Nhưng không làm cho người đọc phải cảm xúc, phải nghĩ ngợi. Vì tình cảnh trong thơ là tình thông thường, cảnh phổ biến, người nào cũng có, thời nào cũng có, và nơi nào cũng có cả. So với bài Ký Nội của cụ Phan Thanh Giản [13], thì bài này văn đẹp hơn nhưng ý không thâm tình không hậu bằng.
Bài cụ Phan đọc lên như uống trà Cam Khổ, nước đã qua khỏi cổ từ lâu mà hương còn thoang thoảng thơm, vị còn ngon ngót đắng. Còn đọc bài này thì chẳng khác uống coca-cola, còn uống còn thấy ngọt, uống xong không còn chút dư vị dư hương.
Nghĩa là thơ cụ Phan cảm lòng người sâu đậm hơn.

Cho nên cổ nhân luận thơ rằng:
- Thi chi hậu tại ý bất tại từ, thi chi hùng tại khí bất tại cú, thi chi linh tại không bất tại xảo, thi chi đạm tại diệu bất tại thiển. [14]
Bài Ký Nội trên đây được truyền là nhờ từ chương.
Và những thơ như thế thuộc về hàng hạ thừa.


[1] Vua Thuấn soạn khúc nhạc Tiêu Thiều xong, tấu lên, chim phụng nghe tưởng đồng loại gáy liền bay đến. Cho nên có câu: “Tiêu Thiều cửu thành, phụng hoàng lai nghi”.
[2] Người nước Lỗ săn được con lân, đức Khổng Tử khóc rằng thời thạnh trị không còn trở lại nữa, bèn đóng cửa viết sách Xuân Thu (Sách Xuân Thu thường gọi là Lỗ sử). Cho nên có câu: Lỗ Tây thú hoạch lân, Khổng Tử tác Xuân Thu.
[3] Hy Di là Trần Đoàn thấy đời loạn lạc, nằm ngủ trên núi Ngọa Sơn cho đến lúc Triệu Khuông Dẫn dẹp xong loạn dựng nên nhà Tống.
                Đời Ngũ Quý, cũng gọi là Ngũ Đại (907-960) gồm năm nhà nối tiếp nhau cai trị Trung Quốc  là Lương Đường Tấn Hớn Chu. Cứ nhà này làm vua được ít lâu thì bị nhà khác lật đổ… Trong nước không mấy lúc được yên vui. (213-280)
[4] Gia Cát Lượng tức Khổng Minh - Đất Tam Phân tức là thời Tam Quốc (213-280) Trung Quốc chia làm ba nước là Ngụy Thục Ngô. Khổng Minh giúp Thục hết lòng nhưng không dựng lại nhà Hán nổi. Đất Tam Phân đây là ám chỉ ba kỳ của Việt Nam.
[5] Nhớ chừng vì không tìm được tập Chương Dân Thi Thoại để xem lại.
[6] Phan Chương Dân tiên sinh cũng như hầu hết các vị túc nho ở Trung Việt đều bảo bài “xe ngựa lao xao…” là của Hoàng giáp Phạm Như Xương. Lãng Nhân cùng một ít nhà viết sách trong Nam tin là của Nguyễn Đình Chiểu vì có những chữ “Không trông, khó thấy, khỏe mắt” làm bằng chứng.
[7] Có người đọc là: “Lũ … hì hụp lội, đám … bập bềnh trôi”.
[8] Ông Võ trị thủy có công, vua Thuấn nhường ngôi, lập nên nhà Hạ, nên gọi là Hạ Võ. (Bài này kẻ thì bảo của Lê Trung Đình, người bảo của Trần Quí Cáp).
[9] Lã tức Lã Vọng tức là Khương Tử Nha ngồi câu nơi sông Vỵ. Văn Vương đem xe bồ luân đến rước về làm quân sư. Nhờ tài của Lã Vọng mà trừ được nạn vua Trụ của nhà Thương, lập nên nhà Châu thạnh trị.
[10] Gương thiềm: Mặt trăng - Trên cung trăng có con thiềm thừ, tức cóc, ở. Do đó gọi mặt trăng là gương thiềm.
[11] Thư nhạn: Tô Võ bị Hung Nô đày lên núi tuyết chăn dê, bắt được chim nhạn, cột thư nơi chân, nhạn bay sang Nam, người Hán bắt được đem trình lên vua… Do đó mà có tiếng thư nhạn, tiếng nhạn mang thư.
[12] Phần du là hai thứ cây thường trồng ở thôn quê. Chữ dùng để chỉ quê hương, cũng như chữ tử phần trong Kiều:
                Xót thay muôn dặm tử phần
                Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.
[13] Xem bài số 16 ở trước.
[14] Thi hậu tại nơi ý chớ không phải tại nơi lời, thi hùng tại nơi khí chớ không phải tại nơi câu, thi linh động tại nơi không có chất tục chớ không phải tại khéo, thi thanh đạm tại nơi tinh diệu chớ không phải vì thiển cận.