Hương Vườn Cũ 10.



Có thể cùng Hồ Xuân Hương chia non sông nước thơ Hàn luật để xưng bá xưng vương, là Phổ Chiêu Thiền sư PHẠM ĐAN PHỤNG, tức Phạm Thái.
Nhà sư đa tình nầy thi tài lỗi lạc. Trong kho tàng đất nước không dễ gì tìm thấy nhiều trang thơ hay như hai bài:

ĐỀ NGHĨA LƯ
Gió thu hiu hắt khóm phương tùng
Thổi rụng hàng châu ngoẹn má hồng
Cỏ biếc chẳng treo hồn Sở trướng
Trúc vàng thà điểm giọt Ngu cung
Hoa kề cổ trủng đeo tình nặng
Trăng rọi cô lư sáng tiếng trong
Dệt gấm Thanh Nê câu nhất tiếu
Thêu nền Thúy Ái chữ tam tùng.
 
II
Cuồn cuộn xe mây kíp ruổi giong
Dễ mà theo hỏi chốn hành tung
Khêu sầu chín khúc chùng dây sắt
Diễn thảm năm canh quạnh giọt đồng
Niêm đảo mơ màng hồi thú cổ
Sinh tiêu văng vẳng tiếng thiền chung
Huyền thương ví chẳng thù hồng phấn
Chi kiếp trần hoàn trả chửa xong !

NGHĨA LƯ là ngôi nhà Long Cơ ở thủ tiết. Long Cơ là vợ thứ Thanh Xuyên hầu Trương Đăng Thụ.
Hầu là cựu thần nhà Lê, người làng Thanh Nê, trấn Sơn Nam, làm Hiệp trấn Lạng Sơn. Vua Quang Trung dứt nhà Lê, hầu không tòng vong, ở lại làm quan cùng triều Tây Sơn để làm nội ứng cho nghĩa binh Cần Vương đương ngấm ngầm lo việc khôi phục. Việc lớn chưa thành, hầu bỗng nhiên thất lộc. Long Cơ đưa linh cữu về Thanh Nê. Tang ma xong yên, lẻn ra bên mộ hầu, treo cổ tuẩn tiết. Nhưng người nhà cứu khỏi. Cơ bèn cất một ngôi nhà bên mộ, một mình ở thờ chồng. Nghĩa Lư là ngôi nhà đó.

Thơ đề Nghĩa Lư là để tặng Long Cơ.
Bài thứ nhất nêu lòng tiết nghĩa của nàng.
Bài thứ hai tả tình cảnh nàng lúc ở Nghĩa Lư thủ tiết.
Văn chương tinh diệu. Âm tiết không hổ cùng người đời Thịnh Đường bên Trung Hoa và bà Huyện Thanh Quan là người ra đời sau nhưng nổi danh trước.[1]
Song nếu đem hai bài Thăng Long Thành Hoài Cổ và Chiều Hôm của bà Huyện Thanh Quan so với hai bài đề Nghĩa Lư của Phổ Chiêu Thiền sư, thì chúng ta thấy hai bên khác hẳn nhau:
Giọng thơ bà Thanh Quan trầm và tròn, giọng thơ của Phổ Chiêu bổng và bén.
Điệu thơ của bà Huyện hoãn như nước sông xuân chảy giữa bình nguyên, điệu  thơ của Thiền sư cấp như nước suối vừa xuống khỏi thác.
Đó là về thanh vận.

Còn về thần khí thì thơ Phổ Chiêu trong sáng và mạnh mẽ như thơ Hồ Xuân Hương.
Hai bài đề Nghĩa Lư có phong thái một chàng tráng sỹ lịch sự và đa tình; lòng quyến giai nhân mà chí theo mây nước, cắp gươm nhảy lên ngựa, hăng hái nhưng bùi ngùi. Khách giai nhân có tài có học như Trương Quỳnh Như là em gái Thanh Xuyên hầu, yêu thơ yêu luôn tác giả. Đó là thường tình trong thiên hạ, cổ kim đều có chớ không riêng họ Trương. Và người được yêu, tuổi trẻ tài cao như Phạm Thái, thấy người đem lòng yêu mình có tài có sắc, thì cũng tránh sao khỏi tình yêu.
Thế là hai bên yêu nhau.
Ấy là nhờ văn chương đưa duyên. Nhưng hẳn cũng nhờ hương hồn Thanh Xuyên hầu run rủi. Vì một bên em còn một bên là đồng chí.

Và đó là hội giai nhân tài tử, chớ không phải bước phá giới của nhà sư. Bởi Phạm Thái không phải  một Thiền sư chân tu, mà là một nghĩa sỹ dòng thế phiệt. Phụ thân là Trạch Trung hầu quán xã Yên Thường, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc, tuẩn tiết về việc Cần Vương. Nối chí tiền nhân Phạm Thái tập hợp các bầy tôi trung nhà Lê, lo toan việc báo phục. Hầu che tai mắt bèn thế phát qui y và lấy đạo hiệu Phổ Chiêu Thiền sư. Rồi đi Nam về Bắc, đời trải không biết bao nguy hiểm gian lao. Nhưng chí đã hẹn với quân vương, nên lòng lúc nào cũng vững bền hăng hái.

Nhưng từ khi theo linh cữu Thanh Xuyên hầu đến Thanh Nê gặp Trương Quỳnh Như, thì việc khôi phục nhà Lê lần lần bị xao lãng. Không có gì lạ: Tình trường nhi nữ làm đoản chí anh hùng. Huống hồ lúc bấy giờ vận số nhà Lê không còn phương cứu vãn. Ở ngoài thì vua Lê Chiêu Thống bị vua tôi nhà Thanh bạc đãi, không kham nổi cực nhục đã thăng hà.
Trong nước các đồng chí, lớp bị giết, lớp bị bắt, lớp bị truy nã phải trốn tránh vào những nơi hẻo lánh xa xôi… biển rộng chiếc thuyền nan, một tay chèo đương sao nổi cùng gió to sóng cả ! Anh hùng buổi mạc lộ, không đắm mình vào nguồn ân ái để sống cho trọn kiếp phù sinh thì còn biết làm gì nữa? Huống hồ Phạm Thái chẳng những có tài kinh tế mà còn nặng nghiệp văn chương. Mà đối với văn chương, tình là món cần thiết. Bởi thơ có tình mới hay, và tình càng si thơ càng diệu.

Nếu vua Văn Vương nhà Châu không yêu da diết nàng Thái Tự, yêu đến nỗi chưa cầu được, phải “ngộ mi tự bặc, triển chuyển phản trắc” [2], thì làm gì có Thiên Quan Thư ba chương đứng đầu bộ Kinh Thi của Trung Quốc. Nếu không có những cuộc ái ân giữa nam và nữ, thì làm gì có thơ Quốc Phong là phần lớn của bộ Kinh Thi, và làm gì có những câu ca dao trên đất nước Việt Nam mà giá trị không kém thơ Quốc Phong?
Trường hợp Phạm Thái cũng thế.
Để tỏ tình cùng Trương Quỳnh Như, Phạm Thái có bài:

CẦM THÁO
Ai lên tử các thanh vân
Hỏi thăm ả Tố chiều xuân thế nào
Cầm âm một khúc gởi trao
Cậy lòng dì gió đưa vào hương cung.
Oanh én véo von gọi khách
Cỏ hoa hớn hở mừng ai
Gió xuân hây hẩy giục đưa người
Dễ khiến lòng tơ bối rối !
Thấp thoáng thoi oanh dệt liễu
Thung thăng phấn bướm dồi mai
Vũ Lăng xa diễn biết bao vời
Khôn hỏi Đào Nguyên đâu tá.
Khôn hỏi Đào Nguyên đâu tá
Dòng Ngự câu gieo lá tình thi
May thay một hội tương kỳ
Đã bên tình phận lại bề phong lưu
Câu hảo cừu đợi người thục nữ
Năm mây phong hai chữ đồng tâm
Đón xuân nhắn với tri âm
Tính tình xin tỏ tiếng lòng nầy cho.
Rắp hẹn hò ngồi hoa đứng tuyết
Lòng còn e khôn biết nói năng…
Bây giờ mượn gió cung Đằng
Vì duyên xưa mối xích thằng lại đây.
Thơ rằng:
Từ chốn thềm cung trộm dấu hương
Dễ xui tao khách mối sầu vương
Gió thông reo rắc chong đèn oán
Trăng hạnh chênh vênh rạng bóng dương
Nếu đã tình duyên dun rủi phận
Thì xin ân ái vẹn vuông đường
Phong lưu đôi lứa đà ai dễ
Bụi tục chi cho bợn lóa gương.
Bợn trần chi để lóa gương
Tuyết mai là tiết liễu dương ấy tình
Khổn hoa vừa mãn phong thanh
Nức gương kinh các nổi danh tao đàn
Trong tình thú hồng nhan dễ mấy
Chốn phòng trung trộm thấy phong quang
Xui lòng du tử thêm càng…
Biết bao giờ vẹn lửa hương ước nguyền?!
Tâm sự gởi hoa tiên một bức
Từ chương không sánh bậc hào hoa
Những thì ân ái thế mà…
Tài nương xin hãy xét ta chữ tình.
Bóng quế mờ mờ trước nóc
Hơi hương hây hẩy bên thềm
Ngón cầm dìu dặt nhẫn thâu đêm
Văng  vẳng khêu sầu dường điểm
Cành tuyết ngoài thềm mới chớm
Chồi hương bên cửa vừa cầm
Vườn đào quạnh quẽ mượn ai tầm?
Mấy bức gấm phong im ỉm.
Im ỉm gấm phong mấy bức
Điểm một ngày dằng dặc dường niên
Để ai đưa đón cung tiên
Xếp nghề vũ lại gác bên trướng tình
Mây phủ vóc hình thương cẩu
Nguyệt mờ ám ngọc vẻ ngọc thiềm
Bóng đèn xanh thắm lọt năm đêm
Dò dõi khắc sầu khôn điểm

Mấy tiếng lầu hoa chợt lắng
Vài phen ngấn mực còn cầm
Tuyết lồng thôn lạnh biết đâu tầm?
Chín khúc sầu trường im ỉm.
Im ỉm sầu trường chín khúc
Mượn tiêu cầm đỡ lúc tương tư
Cầm sao thấy điệu ngẩn ngơ
Tình ai luống để khách thơ thêm càng…!

Tình nồng lời đẹp. Thể cách biệt lập. Không phải từ khúc, không phải trường đoản cú. Ngó dường như thi ca liên hành, nhưng không phải thi ca liên hành. Đó là hợp những thể ấy lại rồi biến chế thành cách điệu thích ứng theo trào lòng, theo nhịp bước của con tim.
Bài cầm tháo là một bài thơ tình diễm lệ, một áng văn chương hữu hạng trong làng thơ Việt Nam cả cổ lẫn kim.

Phạm Thái có bài thơ ĐỀ TRANH MỸ NHÂN, đọc xuôi là Hán Văn, đọc ngược là Quốc âm, mà bài nôm lại là bài dịch nghĩa sít sao bài chữ:
Đọc xuôi:

Thanh xuân tỏa liễu lãnh tiêu phòng
Cẩm trục đình châm ngại điểm trang
Thanh dạng đỗ liên phi phất lục
Đạm hi tạn cúc thác sơ hoàng
Tình si dị tố liêm biên nguyệt
Mộng xúc tằng liêu trướng đính sương
Tranh khúc cưỡng khiêu sầu mỗi bận
Oanh ca nhật vĩnh các tiêu hương.

Đọc ngược:
Hương tiêu gác vắng nhặt ca oanh
Bận mối sầu khêu gượng khúc tranh
Sương đỉnh trướng gieo từng giục mộng
Nguyệt bên rèm tỏ dễ si tình
Vàng thưa thớt cúc tan hơi đạm
Lục phất phơ sen đọ dạng thanh
Trang điểm ngại chăm dừng trục gấm
Phòng tiêu lạnh lẽo khóa xuân xanh.

Bài nầy cũng vì Trương Quỳnh Như mà có. Nếu Phạm Thái không say đắm tình duyên thì đâu có những vần thơ hoa gấm ấy?
Riêng tiếc tài tử giai nhân không mấy khi được thấy nhau đầu bạc! Phạm Trương vừa quen biết nhau thì đã phải chia biệt nhau! Duyên cớ bởi vì đâu? Vì thân danh, vì hoàn cảnh[3]. Khi ra đi, Phạm Thái có để lại cho Quỳnh Như một luật:

Đẩy hoa đưa lá bởi tay trời
Nghĩ lại tình duyên luống ngậm ngùi
Bắc yến nam hồng thư mấy bức
Đông đào tây liễu khách đôi nơi
Lửa ân khôn nhúm nhen mà cháy
Bể ái hằng khơi tát chẳng vơi
Đèn nguyệt trong xanh mây chẳng bợn
Mong soi xét thấu tấm lòng ai.

Sau khi xa cách người yêu, Trương Quỳnh Như bị mẫu thân ép gả về nơi quyền quí nọ. Không làm sao được nàng đành lấy cái chết tạ tình lang. Hay tin Phạm Thái khóc:
Xanh kia cao thẳm mấy từng khơi
Nỡ để duyên ai luống thiệt thòi

Nhớ đốt lò vàng hương nhạt khói
Sầu châm chén ngọc rượu không hơi
Lầu tây nguyệt gác mây lồng bóng
Ải bắc hồng sang bể tuyệt vời
Một khối chung tình tan mấy mảnh
Suối vàng ai có thấu lòng ai?!
II
Oanh ru bên trướng giấc hoa nồng
Chợt tỉnh hồn mai nhớ lại mong
Non nước mơ màng chừng chỉ lữ
Mây mưa phảng phất đỉnh Vu phong
Quyên về viễn phố hoa rầu rĩ
Nhạn tếch Hành Dương nguyệt não nùng
Đàn tiếng ly loan tay ngại gảy
Lấy ai lần gỡ mối sầu xong !

Việc lớn không thành, người yêu lại khuất, Phạm Thái trở thành người chán đời, ngày ngày đắm mình trong rượu.
Một hôm đến mộ Quỳnh Như làm văn tế điếu. Xong rồi đi thẳng không “dễ mà theo dõi dấu hành tung”! Và trước khi xa lánh cõi trần, Phạm có soạn thiên tình sử của mình bằng thơ lục bát, nhan đề là SƠ KÍNH TÂN TRANG, để lại.[4]

Nghĩ như Phạm Thái, một trang anh tuấn nặng chí cần vương,
Bốn phương hồ thỉ đãy vàng
Nhảy tầng lãng đảo bắt thang vân cù
Tu mi tỏ mặt trượng phu
Đem trung hiếu để trả thù non sông…

Thế mà xong rồi một kiếp, vòng nhân gian chỉ còn để lại một pho tình sử và một ít thơ văn !
Nhưng một ít văn chương để lại so cùng sự nghiệp vương bá gẫm mà hơn:
Đền đài vua Sở gò xanh
Trời trăng từ phú Khuất Bình treo cao.
Mà những áng văn chương kia cũng nhờ cuộc tình duyên mà có. Cho nên bảo rằng đối với khách phong tao si tình là điều cần thiết, không phải là ngoa ngôn.

Và xem những áng văn chương còn sót lại, thì tài làm thơ của Phạm Thái thật không nhượng Hồ Xuân Hương.
Thơ của họ Phạm, bài nào cũng nồng cũng đẹp, song đều một đúc mà nên, ngấn vết công phu không tìm thấy. Cũng như thơ họ Hồ, thơ họ Phạm do bộng trời mà đến, gió cuốn mây tuôn. Nhưng phải nhượng họ Hồ, vì họ Phạm còn mượn Hán văn, còn dùng điển cố. Thơ họ Hồ hoàn toàn Việt Nam; thỉnh thoảng có dùng đôi ba chữ Nho thì những chữ ấy cũng đã thành người Minh Hương nhập tịch Việt Nam trên chín đời chỉ còn dấu tích Trung Hoa ở đôi mắt xếch. Song đến cách hợp tự (mariage des mots) thì họ Hồ phải phục họ Phạm tài tình hơn mình. Ví như:

Cỏ biếc chẳng treo hồn Sở trướng
Trúc vàng thà điểm giọt Ngu cung.
Vế trên dùng điển Ngu Cơ tuẩn tiết nơi Cai Hạ. Vế dưới dùng điển Nga Hoàng Nữ Anh khóc vua Thuấn nơi bến sông Tương.

Điển dùng không có chi mới lạ. Chỉ mới lạ trong cách hợp tự luyện cú, nhất là cách hợp tự. Những chữ “hồn Sở trướng, giọt Ngu cung” bạo hết sức mà cũng hay hết sức!
Trong bài “Đằng Vương Các tự” của Vương Bột có câu: “Lạc hà dữ cô vụ tề phi”. Lạc hà là ráng chiều, cô vụ là con cò mồ côi. Ráng chiều và con cò mồ côi cùng bay với nhau. Đó là “bất loại nhi loại” [5]. Cổ nhân khen là nghiên diệu. [6]

Trong câu của Phạm Thái, hồn và trướng không đồng loại, giọt lệ và cung vua cũng không đồng loại, bên làm xác bên làm hồn. “hồn Sở trướng, giọt Ngu cung”. Thành ra trướng vua Sở có hồn, cung nhà Ngu có lệ! Thì cung kia trướng kia không còn là vật vô tri vô giác, mà đã trở thành giống sinh động linh thiêng!
Không đồng loại mà sánh đôi nhau như Cô vụ Lạc hà, người xưa đã cho là đẹp đẽ màu nhiệm, huống hồ hợp nhau lại thành một giống nửa quỷ nửa người, như hồn Sở trướng giọt Ngu cung, thì còn kỳ diệu tinh nghiên biết bao nhiêu!

Dùng chữ hiểm quái và tinh diệu như thế không thấy trong thơ Hồ Xuân Hương, nhưng thấy trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu:
Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ
Quán thu phong đứng rũ tà huy.
và trong Tần Cung Nữ Oán Bái Công Văn của Đặng Trần Thường:
Má Lam điền dượi dượi chốn Quan Trung,
Nước chảy hoa trôi bẽ bàng mấy phận.
Hai áng văn kiệt tác ở thời Lê Mạt Nguyễn sơ, nghĩa là đồng thời hoặc sau Phạm Thái ít lâu.

Sau Phạm Thái chừng trăm năm có bài Hoài Cổ Ngâm của Tương An Quận Vương, trong có câu:
Bốn dây ứa máu tỳ bà
Bâng khuâng trăng Hán phôi pha gió Hồ.
Cũng là theo cách ghép chữ của họ Phạm. Kiều có câu:
Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây giỏ máu năm đầu ngón tay.

Thật đã hay. Song vừa ghé mắt đến câu của Tương An Quận Vương thì thấy câu Kiều đã lui ra sau mấy bước. Vì sao vậy? Vì câu Kiều tả một cảnh thường, cảnh năm đầu ngón tay giỏ máu. Câu của Tương An lại tạo ra một cảnh phi thường, cảnh bốn dây tỳ ứa máu. [7]
Cũng như câu “Bốn dây ứa máu tỳ bà”, hai câu:
Cỏ biếc chẳng treo hồn Sở trướng
Trúc vàng thà điểm giọt Ngu cung.
gợi trong trí tưởng tượng nhiều hình ảnh lạ lùng: trướng vua Sở hiện hồn người, hồn người treo phất phơ trên cỏ biếc; cung nhà Ngu hóa nước mắt, nước mắt điểm lác đác trên trúc vàng! Nhưng những hình ảnh kia ở giữa những cảnh đẹp đẽ của trướng hoa cỏ biếc, cung châu trúc vàng, nên không làm cho chúng ta rùng rợn bằng câu:
Nắm xương dưới ván chau mày khóc
Hòn máu trên tay mỉm miệng cười.
của Hồ Xuân Hương.

Hãy gác ý chính của câu thơ, ý quan phủ Vĩnh Tường vì thương con vợ góa mà chết không đành đoạn, ý đứa con mới sanh không biết rằng mình mồ côi bố, trên môi luôn luôn nở nụ cười tự nhiên. Gác những ý ấy lại một bên. Và cứ nghĩ nắm xương dưới ván là nắm xương trắng thật, hòn máu trên tay là hòn máu đỏ thật. Rồi nhắm mắt lại để xem những cảnh tượng diễn ra: nơi chiếc quan tài hiện lên một bộ xương trắng phếu. Cảm cảnh tử biệt, bộ xương nhăn mặt chau mày, hu hu cất tiếng khóc…; hòn máu nằm trên một bàn tay bên cạnh bị ảnh hưởng, vụt sanh miệng mắt, nhìn quanh bốn phía, mỉm môi cười! Nếu cảnh tượng ấy diễn vào lúc đêm khuya, thì trên thế gian này e không còn người cứng bóng vía!

Phê bình Hồ Xuân Hương, Tản Đà tiên sinh bảo:
- Thi trung hữu quỉ. [8]
Lời này có thể dùng để phê bình  hai câu “Nắm xương… Hòn máu…” thì mới thật đích đáng.
Song hai câu của Hồ Xuân Hương chỉ gợi nên những cảnh hãi hùng ở trước mắt. Hai câu thơ của Phạm Thái, nếu để lòng đến những điển tích, thì ngoài những cảnh trước mắt, còn hiện lên bao nhiêu cảnh của nghìn xưa:
Kìa trong nơi trướng hổ, dưới bóng đèn khuya, Hạng anh hùng hàm én râu hùm ngồi đối ẩm cùng Ngu mỹ nhân môi đào lưng liễu. Tư bề tiếng ca Sở làm dao động lòng khách viễn chinh. Rượu ngà ngà say, anh hùng nhìn mỹ nhân mà ái ngại. Bỗng nhịp án cất lời ca… Vừa ca vừa khóc, giọng bi tráng lâm li. Mỹ nhân bước ra trước mặt anh hùng, rút gươm múa, vừa múa vừa ca, vừa ca vừa khóc. Điệu múa nhịp lời ca, dòng lệ hòa dòng lệ… Tiếng ca dứt, gươm vút nhóa hàn quang: mỹ nhân gục dưới chân anh hùng, máu thanh tuôn thành gò cỏ biếc… [9]
Nhưng “Cỏ biếc chẳng treo hồn Sở trướng”, hai chữ “chẳng treo” làm tan mất gò cỏ biếc bờ Ô giang [10], và thay vào bờ trúc vàng trên dòng sông Tương cạnh sơn lăng vua Ngu Thuấn. Liền đó hai bà hoàng hậu, má không phấn mà hồng, môi không son mà thắm, áo xiêm màu trắng, tóc mây xõa dài, nương nhau đến vin trúc vàng mà khóc. Tiếng khóc nỉ non. Nước mắt quyện máu hồng bay vướng vào bờ trúc, và từng giọt từng giọt, thân trúc điểm thành hoa. Rồi chiều rồi mai…, giọt tương tư không ngớt… Trên bờ sông Tương khóm này sang khóm khác, “trúc vàng thà điểm giọt Ngu cung”.
Một câu thơ gợi bao nhiêu cảnh thơ!
Tâm hồn người xem thơ sung dũ bao nhiêu thì cảnh nên thơ phong phú bấy nhiêu. Tả không hết, nói không cùng. Muốn biết độ nóng lạnh của nước như sao, tưởng nên tự mình thể nghiệm. Lời giảng giải chỉ là ngón tay trỏ mặt trăng.

Nhưng xin nói thêm tí nữa:
Trong câu thơ, còn một điểm đáng lưu ý: tác giả đã uốn điển tích theo ngọn bút tài ba. Ngu Cơ vốn dùng lưỡi kiếm mà quyên sinh, Long Cơ lại dùng giải lụa mà tuẫn tiết. Cái chết cùng một ý nghĩa như nhau, mà cách chết lại dùng hai phương tiện khác biệt, dụng sự thế nào cho hợp tình hợp cảnh? Phạm Thái chỉ dùng một chữ “treo” là “ổn định ngay được tình thế”. Điển tích đã không bị cắt xén chắp vá, mà hiện trạng lại được diễn tả một cách sống động và trung thành. Những người ưng “vạch lá tìm sâu” cũng không tìm ra sâu để mà bắt. Bởi chữ “treo” tuy riêng nói về thắt cổ, song “treo hồn lên cỏ biếc” thì chết bằng kiếm hay chết bằng lụa vẫn có thể “thực hiện” như nhau.
Chữ TREO là một thần tự.
Chữ  ĐIM cũng rất tài.
Đọc “điểm giọt Ngu cung” chúng ta có ngay một ấn tượng thường xuyên liên tục, chúng ta có cảm giác là giọt tương tư của giai nhân rơi nhẹ nhẹ từ từ, hết giọt này đến giọt khác, không bao giờ ngớt, không bao giờ ngừng…, diệu nhưng bền, sưa nhưng thấm.
Cách hợp tự của Phạm Thái đã xảo diệu, cách luyện tự của Phạm Thái lại càng tinh vi.
Cú pháp của Phạm Thái cũng đã đến mức tinh diệu. Những câu khổ cầu như “Cỏ biếc… trúc vàng…”, mạn đề thuật ý như có thần trợ, khiến câu thơ tự nhiên, không tìm thấy ngấn vết dụng xảo.
Hầu hết tác phẩm của Phạm Thái đều như thế cả.

Cho nên bảo thơ Phạm Thái cũng như thơ Hồ Xuân Hương thuộc về bộng trời là vậy đó.
Đó là tài nghệ.
Còn tâm hồn thì Phạm Thái là con người đa tình và phóng dật. Trước khi phong trào lãng mạn của Tây phương tràn vào Việt Nam, thì không một thi gia nào tả tình yêu đương của mình một cách trực tiếp và tả được tha thiết chân thành như Phạm Thái. Tất cả đều mượn cảnh ngoài, mượn lời người khác để tả tình mình, vì cái tôi ai nấy đều muốn tránh. Chỉ có Phạm Thái là “lạc thác bất ky”. [11]
Phạm Thái đã dùng tình yêu đương làm nhân cho thơ cũng như Hồ Xuân Hương dùng “cái ấy” làm nhụy.
Đó là hai nhà thơ đã mạnh dạn tách riêng ra ngoài khuynh hướng cổ điển mà đời Lê mạt vẫn còn theo.

Thơ họ Hồ và thơ họ Phạm chẳng khác trái ngọt hoa thơ. Mỗi nhà có một phong vị. Xem thơ họ Hồ được hưởng sự khoái trá của kẻ ăn trái chín. Xem thơ họ Phạm được hưởng thú say sưa của người thưởng hoa tươi. Thú vị thật vô cùng nhưng không biết làm sao tả cho tường tận!
Xem hoa ăn trái cũng như nghe đàn, người thì nhiều, song người biết thưởng thức rất ít. Cho nên khúc Dương Xuân Bạch Tuyết không được mấy lăm tri âm. Mà thơ họ Phạm họ Hồ là những khúc Dương Xuân Bạch Tuyết. Thấy được gì nói ra nấy, tuy không đến nỗi chú lùn xem hát, song cũng không hơn gì ngồi nơi nhà khách mà đoán những vật quí nơi khuê phòng, hậu tẩm của bạn láng giềng thân yêu.

Còn nhiều bảo vật trong hai kho tàng kia, mong gặp được nhà kỹ sư văn chương ra công khám phá và khai thác.


[1] Phạm Thái sống vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, bà Thanh Quan sống vào khoảng cuối thế kỷ XIX, và từ ngày chữ quốc ngữ được trọng dụng thì phần đông người chỉ biết ba Huyện chớ ít biết Phổ Chiêu  Thiền Sư. Quyển Tiêu Sơn tráng sỹ của Khái Hưng không làm nổi bật tài văn chương của họ Phạm.
[2] Chữ trong Quan Thiên thư, chương II, nghĩa là: thức ngủ đều nhớ nhung tơ tưởng, lăng qua lộn lại, trăn trở không yên.
[3] Muốn biết rõ sự tình, xin xem Tiêu Sơn Tráng Sỹ của Khái Hưng.
[4] Trong Tiêu Sơn Tráng Sỹ chép rằng tập nầy làm để tỏ tình cùng trương Quỳnh Như lúc nàng còn sống. Như theo tình tiết trong tập thì rõ là khúc đoạn trường làm để gởi tâm sự khi người yêu đã mất.
[5]  Chẳng phải một loại với nhau mà hợp thành đồng loại.
[6]  Đẹp đẽ nhiệm màu.
[7]  Thơ Pháp có câu: L’archet mord jusqu’au sang du violon. Nếu Tương An sanh ở thế kỷ thứ XX này thì không khỏi bị những kẻ đa nghi ngờ rằng du đạo. Thời gian xa cách không gian xa cách, mà tứ thơ in nhau. Thú vị!
[8] Trong thơ có quỉ – Lời nói trong một bài phê bình Hồ Xuân Hương đăng ở An Nam tạp chí.
[9] Hai bài ca của Hạng Võ và Ngu Cơ trích đem vào. Chương 35 ở sau, nói về thơ Mai Xuân Thưởng.
[10] Tăng Tử Cố đời Tống vịnh Ngu Cơ có câu:
                Hương hồn dạ trục kiếm quang hàn
                Thanh huyết hóa vi nguyên thượng thảo.
[11] Lạc thác hay Thác lạc là phóng túng không kiềm chế. Lạc thác bất ky là muốn làm gì thì làm không câu nệ gì hết.