Hương Vườn Cũ 51



Mùa Đông đối với năm cũng như tuổi già đối với đời người. Cảnh trời thường gió mưa lạnh lẽo. Trong mình người già cũng lạnh lẽo theo gió mưa. Già rồi chết cũng như hết năm rồi Tết. Tết để qua năm mới. Chết để qua đời mới. Cho nên đám chết cũng như ngày Tết phải cử hành theo nghi lễ, phải có liễn đối, đèn hương. Hai bên chỉ khác nhau ở sắc thái.
Vì tuổi già và gần hết năm có chỗ giống nhau, nên hôm nay thấy người ta rộn rịp sắm sửa để đưa đám chết năm Ất Tỵ, tôi xin nói về thơ GIÀ cho “hợp thời trang”.

Trước hết xin đưa ra một bài thơ già có tính cách chung cho mọi người: khóm róm, tai nặng, mắt lờ, không thích chua, không thích béo. Bài thơ của cụ tú NGUYỄN KHUÊ, triều Tự Đức:

Già này cũng bởi lúc còn trai
Khóm róm bao giờ dám trách ai
Béo sợ ngây dầu không hảo mỡ
Chua e nhăn mặt chẳng thèm xoài
Mắt lờ chậm thấy ai ai mãi
Tai nặng lâu nghe hữ hữ hoài
Tuy vậy thấy già ai cũng ước
Sống mà vô ích sống chi dai.

Lời tự nhiên, lòng thản nhiên. Cặp luận tuyệt! Thật ra ông già trăm phần trăm. Chuyển kết cũng thật hay. Nói rõ được tình đời. Khởi thừa cũng khéo. Nếu không có trai đâu có già. Nếu trai biết luyện thần dưỡng khí thì già đâu đến nỗi phải khóm róm phều phào.
Ông già trong bài thơ của cụ tú là một ông già bình dân, giản dị, thật thà. Ấy vì cụ Tú, sau bao nhiêu năm lận đận nơi trường ốc, cụ về nhà sống với cảnh điền viên, “thú quê thuần hoặc bén mùi”. Nhưng cũng lắm người đỗ đạc cao, làm quan lớn, đến lúc về già, cũng rất hiền lành giản phác, như cụ Tam Nguyên Yên Đỗ. Cụ có nhiều bài thơ già, bài sau đây hay nhất: Đọc lên chúng ta thấy rõ tánh tình và tâm sự của cụ lúc tuổi già:

Năm nay tuổi đã bảy mươi tư,
Rằng lão rằng quan tớ cũng ừ.
Lúc hứng đánh thêm ba chén rượu,
Ngồi buồn ngâm láo ít câu thơ.
Bạn già lớp trước nay còn mấy,
Việc cả mười phần chín chẳng như.
Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa,
Thử xem mãi mãi thế này ư ?!

Mới nghe qua thì dường như tác giả thản nhiên trước cuộc đời, riêng lấy thơ rượu mà vui với tuổi già. Nhưng một mình ngồi ngâm thơ, một mình ngồi uống rượu, nhìn cảnh ngày nay, nghĩ chuyện đời xưa…, tất cả đều bất như ý, mười phần đến chín! Còn gì buồn bằng!

Bạn già lớp trước nay còn mấy
Nói lên cảnh cô độc, vô tri kỷ!

Việc cả mười phần chín chẳng như.
Nói lên nỗi lòng thất vọng, lòng đau đớn! Việc cả đây là việc quốc gia đại sự. Làm trai đứng trước cảnh nước nhà nghiêng ngửa mà không làm được gì để cứu vãn tình thế, đành khoanh tay ngồi ngó cho đến chết! Người có tâm huyết ai khỏi não lòng! Buồn nhưng vẫn còn nuôi hy vọng rằng sẽ có kẻ cứu lấy non sông. Vì truyền thống anh dũng của giống nòi, lẽ đâu con cháu đành chịu nhục như thế này mãi? Tác giả thất vọng nhưng chưa tuyệt vọng. Chưa tuyệt vọng nhưng hy vọng quá mong manh. Hy vọng trong nghi ngờ:

Thử xem mãi mãi thế này ư ?!
Bài thơ đi lần lần từ chỗ gần như thản nhiên đến chỗ xốn xang khó chịu! Nỗi buồn không nước mắt, nằm lắng dưới đáy lòng, thỉnh thoảng phát hiện bằng một cái chép miệng rồi theo sau một cái thở dài trong nơi vắng vẻ đìu hiu. Một nỗi buồn không não nuột nhưng thấm thía.

Nghĩ tội nghiệp những ông già đã nặng tuổi trời mà còn nặng tình đất nước! Nặng tình đất nước mà không làm gì được cho đất nước, chỉ đanh đau đớn ngấm ngầm!

Nhưng cũng có nhiều ông già sống trong thời Tổ Quốc không còn độc lập, nghĩa là đồng thời cùng cụ Nguyễn Khuyến, tức là lúc người Pháp đã xâm chiếm đất nước Việt Nam, mà không có tấm lòng thương đau của Nguyễn Khuyến. Như tác giả bài sau đây là một:

Tuổi tác nay đà ngoại sáu mươi,
Hơn ai chẳng dám dám thua ai.
Hai bàn tay trắng làm nên thế,
Một tấm lòng son ở với đời.
Lấy phước mà đong lo cũng mệt,
Có duyên thời gặp dễ như chơi.
Xoay vần máy tạo coi chừng lẹ,
Hết đó rồi đây cũng tới nơi.

Tác giả có phần tự đắc, nhưng tự đắc một cách hiền lành. Mà tự đắc cũng phải, vì tác giả - cụ Trần Chí Tín - là một vị quan lớn, tự lực mình mà dựng nên sự nghiệp vẻ vang. Tuy tự đắc nhưng đối với đời, tác giả vẫn giữ vững “tấm lòng son”, vì biết rằng mình được thế, một phần lớn cũng nhờ duyên nhờ phước, chớ chẳng phải chỉ do tài năng. Huống hồ đời người có bao lắm. Cái chết đến hết người này tới người khác, hết đó rồi tới đây nay mai. Mà sau khi nhắm mắt rồi thì kẻ bị gậy, người cân đai cũng đều chung một hòn đất.

Quan niệm như thế nên tác giả thản nhiên trước cuộc đời. Kể cũng khỏe, kể cũng sướng. Khỏe sướng hơn cụ Tam Nguyên Yên Đỗ nhiều.
Nhưng chưa sướng bằng tác giả bài sau đây:

HƯU QUAN LỤC THẬP TỰ THỌ

Rằng nay là phải hẳn xưa nhầm,
Xe ngựa đường xa cát bụi lầm.
Ba luống cúc tùng nhờ quả phúc,
Sáu mươi mày tóc chửa hoa râm
Hầu non bốn chị sinh năm một,
Bạn cũ mười anh chết đến năm.
Lộc nước còn nhiều hưu bỗng dưỡng
Muốn như Bành Tổ tám trăm năm.

Không biết ông hưu quan này tên gì ở đời nào mà có một cuộc đời đầy đủ đến thế? Đã làm quan lớn, lại dồi dào sức khỏe để trọn hưởng cái thú giàu sang. Sống trong cảnh nhung lụa thế này, thì sống như Bành Tổ cũng nên sống. Nhưng sướng đến đâu rồi cũng chẳng được gì đâu, “chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. Sống làm sao để khi chết rồi còn để lại một cái gì cho hậu thế, ít ra cũng để lại một chút lòng son, như cụ Tam Nguyên Yên Đỗ mà:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Muôn dặm hồn tan bóng nguyệt mờ.

Hoặc như cụ tú Nguyễn Khuê đã từng đứt ruột khi nghe tiếng kèn Tây thổi vang trong đất nước:
Mây mưa lợt đợt gió hiu hiu,
Một tiếng tò loe ruột chín chiều !
Cây cỏ đòi nơi buồn dượi dượi,
Non sông bốn mặt vắng thiu thiu !
Ải lang mờ mịt trời un khói,
Chằm nhạn lênh đênh nước tản bèo !
Ướm hỏi bao giờ bờ cõi cũ
Ngậm cơm vỗ bụng thấy trời Nghiêu.

Đứng trước cảnh đau lòng của đất nước mà không làm gì được, nên cụ mới thốt ra câu:
Sống mà vô ích sống chi dai !

Các bài thơ kể trên sản xuất trước đây từ năm mươi năm trở lên. Tôi dám quả quyết như vậy đã được nghe từ thuở nhỏ. Bây giờ chúng ta hãy nghe một bài “Tự thuật” của một ông lão 80 tuổi làm năm Bính Thân 1956, nghĩa là cách đây chưa bao lâu:

Ngựa tre rong ruổi thú reo cười,
Nay đã thành ông cụ tám mươi.
Còn lắm tỉnh say theo cuộc thế,
Trải bao chua ngọt với mùi đời.
Lựa vai quan lão thêm nghề hát,
Cắp bút thầy đồ sẵn chuyện chơi.
Già hẳn kém duyên chưa kém nợ,
Nợ thi nợ tửu vướng nhiều nơi.

Tác giả là cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
Lời thơ không gọt đẽo, tự nhiên như lời nói chuyện. Ý thơ không nhồi nặn, vị thơ không nồng nàn. Những tâm hồn chỉ ưa những gì say sưa, đắm đuối…, những gì khích thích mãnh liệt…, đọc phải, nhất định chê là nhạt nhẽo, vô vị. Nhưng chúng ta thử “chíp chắp” xem: Có bòn hòn lẫn lộn trong ấy. Nhất là ở cặp luận, vừa tả hoàn cảnh của tác giả, vừa tả hoàn cảnh của xã hội. Chỉ là trò hề, chỉ là chuyện chơi, không có gì là chính đáng, không có gì thiết thực, để đem lợi ích cho nước cho dân. Lấy thơ lấy rượu làm bạn với tuổi già, nhưng cũng chả có gì thanh thú, chẳng có gì là cao nhã, chẳng qua là một món nợ đời nữa đó mà thôi. Một lần, tôi đưa vị hòn hòn này ra trình cụ, cụ cười ngâm:
Biết ai tâm sự gởi mình,
Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân.

Xem thơ, nhất là thơ của các ông già, chúng ta phải tìm “cái vị ở ngoài cái vị” phải lắng cái “tiếng ở ngoài đường tơ”, thì mới thấy thú.