Hương Vườn Cũ 47



PHONG, HOA, TUYẾT, NGUYỆT là bốn cảnh vật được nhà thơ, nhất là nhà thơ Cổ Điển, dùng làm đề tài ngâm vịnh. Tuy thế thơ được truyền tụng, lại không có bao lăm.
Xin nói về thơ PHONG, tức là Thơ GIÓ.
Và riêng nói về thơ của người Việt Nam.

Thơ đời Lý đời Trần rất có tiếng. Cổ nhân cho là hai đời thạnh nhất về thơ. Nhưng chưa được may mắn thưởng thức những bài thơ về Gió.
Về đời Lê, thì thấy được một bài trong Lữ Đường Di Cảo của THÁI THUẬN và một bài trong Truyền Kỳ Mạn Lục của NGUYỄN DỮ.
Bài của Thái Thuận làm theo thể thất ngôn bát cú:

Châu liêm quyện khởi bán sâm si,
Tá vấn tùng đầu tổng bất tri.
Lương tứ bàn hoa hồng lộng ảnh,
Hàn thinh đáo trúc thúy đê chi.
Bát song trần thế nhàn trung khiển,
Nhất chẩm Hy Hoàng phận ngoại di.
Khước tiếu thư hùng phân thái biệt
Man man thiên địa diệt thùy ti.

Lời thật đẹp, tứ thật tốt. Mượn những cảnh hữu hình để tả cảnh vô hình, lại còn gởi được tâm sự của mình vào một cách kín nhẹm. Như thế là tuyệt tác!
Tiền giải nói về gió.
Hậu giải nói về người đối với gió.
Về tiền giải, chúng ta dễ nhận thấy cái hay cái thú của thơ. Còn về hậu giải, tưởng cũng nên biết qua thân thế và tâm sự của tác giả thì mới nhận thấy lý thú.

THÁI THUẬN đậu Tiến sỹ đời Hồng Đức và làm quan ở Nội Các ngót hai mươi năm trời. Tuy thi tài lỗi lạc và tuy ở bên cạnh nhà vua, song không được trọng dụng, chỉ làm một chức quan nho nhỏ:

Tiêu điều hoạn xá như tăng xá,
Lảo đảo kim niên kịch vãng niên
                                    (Trường An xuân mộ)

Danh phận không cao nên trách nhiệm không lắm. Tuy ra làm quan nhưng tấm thân an nhàn chẳng khác người ở ẩn và vì ở trong một nơi không ai tranh giành, nên khỏi phải bị cảnh “bể loạn lênh đênh” nay dời đi chỗ này mai đổi đi chỗ khác:

Bát song trần thế nhàn trung khiển,
Nhất chẩm Hy Hoàng phận ngoại di.

Nhưng nực cười người đời thấy gần hiểu hẹp, không biết rõ trình độ học thức, không thấy được tài năng cao rộng đến đâu, nên có chỗ trọng khinh đối với những kẻ đắc thế và những kẻ thất thế. Ví như trong trời đất man man, gió nào chẳng là gió, mà lại chia ra trống mái, đây gọi là PHONG DI, kia gọi là PHONG BÁ.

Khước tiếu thư hùng phân thái biệt,
Man man thiên địa diệt thùy ti.

Bài thơ thật hàm súc, không thể nào lột hết ý nghĩa. Nên tạm dịch:

Rèm châu nửa cuống bóng rung rinh,
Lui tới nào ai rõ ngọn ngành.
Tình thoảng hiu hiu hoa lộng thắm,
Tiếng xao lạnh lạnh trúc quằng xanh.
Thành nhàn chung thú song trần thế,
Phận vụ ngoài thân gối thái bình.
Cười bấy thói đời phân trống mái,
Chẳng suy trời đất rộng thinh thinh.

Và sau đây là bài thơ trong Truyền Kỳ Mạn Lục, làm theo thể ngũ ngôn luật, và nhan đề là:

SƠN PHONG

Linh lại khư u động,
Chung tiêu sách sách thanh.
Phiên ba hồng ý loạn,
Quyển thọ lục âm kinh.
Tăng nạp hàm lương thiển,
Chung lầu tống hướng thanh.
Man man thiên địa nội,
Phi vị bất bình minh.

Phỏng dịch:

GIÓ NÚI
Vi vút lừng hang thẳm,
Thâu đêm tiếng trống dồn.
Hoa xao hồng rối ý,
Cây chuyển lục kinh hồn.
Chuông lầu xa đẩy tiếng,
Áo sãi phất qua cơn.
Há giận vùng trời đất,
Mang mang tiếng nổi hờn.

Cặp trạng bài này và cặp trạng bài trước, ý tứ phưởng phất giống nhau, nhưng tình thú khác hẳn. Nói về toàn bài thì bài của Thái Thuận thâm diệu hơn nhiều.
Song làm cho chúng ta thích khoái hơn cả là bài HỎI GIÓ của Tản Đà NGUYỄN KHẮC HIẾU:

Cát đâu ai bốc tung trời ?
Sóng sông ai vỗ ? Cây đồi ai rung ?
Phải chăng dì Gió hay không ?
Phong tình đem thói lạ lùng trêu ai ?
Khoái tai phong dã !
Giống vô tình gỗ đá cũng mê tơi !
Gặp gió đây hỏi thử một đôi lời,
Ta hỏi gió: quen ai mà phảng phất ?
Thử thị Đà Giang phi Xích Bích,
Dã vô Gia Cát dữ Chu Lang !
Ai cầu phong ? Mà gió tự đâu sang ?
Hay mãi khách văn chương tìm kết bạn ?
Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán,
Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong.
Nên chăng gió cũng chìu lòng.

Đây là một bài hát nói rất có giá trị về mặt văn chương, tình tứ. Tác giả rất lấy làm đắc ý, và đã tự giảng giải cùng phê bình:
“Bài hát này đặc sắc ở chỗ văn có nhiều màu mà tinh thần hoạt bát. Hai câu Mưỡu trên tuy chưa nói gì đến chữ gió, mà đọc lên nghe như thấy gió vậy. Câu Mưỡu thứ ba, hai chữ “Dì Gió” tức là chiếu lên ba chữ “ai” ở trên mà hỏi rõ. Câu Mưỡu thứ tư, chữ “phong tình, lạ lùng” tức là chiếu lên những sự “tung cát, vỗ sóng, rung cây” mà nói trách, cho được thấy rằng những sự gió làm đó, không phải là vô tình. Cứ bốn câu Mưỡu đó đã lọn nghĩa tự thành một bài văn.
Vào bài, bốn chữ “khoái tai phong dã” lại như một cơn gió bắt đầu nổi. Rồi vừa nói chuyện vừa hỏi, lời văn rung động, thủy chung như một trận gió vậy.
Trong bài dùng được nhiều những chữ “phong tình, phong trần, cầu phong, phảng phất, cánh hồng, chín vạn và rung cây, bốc cát” đều là màu gió cả. Văn có nhiều màu cho nên vui.”

Lời phê của tác giả thật xác đáng. Và đó là chỉ nói qua mà thôi. Nếu đi sâu vào chi tiết, chúng ta lại còn tìm thấy những cái hay cái thú của áng văn chương thanh diệu.

Đi đến thăm một nơi danh thắng, được có người hướng dẫn thì dễ nhận thức những vẻ đẹp vẻ lạ của cảnh vật. nhưng nếu người hướng dẫn, trình bày một cách tỉ mỉ, đưa đến tất cả mọi nơi, thì cái hứng thú không được trọn vẹn. Khách du quan phải tự tìm lấy những gì tàng ẩn mà người hướng dẫn không nói ra, thì mới thật là thú. Xem thơ hay cũng thế. Cho nên xin mời quí bạn lắng lòng để thưởng thức ba bài thơ Gió thượng dẫn. Trong vị còn có vị. Ngoài dây tơ còn có tiếng đàn. Nhận thức cho được mới thật “Khoái tai phong dã”.