Hương Vườn Cũ 34.




Thơ chịu ảnh hưởng sông núi rất nhiều. Người Nam sống trong cảnh đồng ruộng mênh mông, không có núi cao che mắt, tâm hồn bằng lặng cởi mở, tánh tình thẳng thắn dễ dãi, nên lời thơ thường trực giản chớ ít khúc chiết, tứ thơ thường bình khoáng chớ ít thâm viễn cao siêu.
Quyển Lục Vân Tiên đã phản ảnh tâm hồn người Nam được rõ rệt.
Thơ Hàn luật của các tiền bối còn lưu thế cũng mang rất nhiều tánh chất của miền Nam. Tôi chưa gặp một bài thơ một câu thơ khúc mắc hiểm hóc. Muốn nói gì thì nói thẳng chớ không rào đón quanh co, như phần nhiều thơ người miền Bắc và miền Trung.

Đặc biệt có hai nhà ít hay nói thẳng là Tôn Thọ Tường và Nguyễn Văn Lạc. Ông Tôn thường dùng lối vịnh sử để ký thác tâm sự [1]. Ông Học thường dùng lối vịnh vật để phúng thứ thế thái nhân tình. Tuy vậy lời thơ nhiều khi vẫn trực chớ không khúc. [2]
Thơ của hai ông Tôn ông Nguyễn phần nhiều còn chải chuốt tô điểm. Có thể nói là “văn chất bân bân”. [3]
Thơ của các danh nhân khác, phần lớn chất hơi thắng văn.
Sau đây tôi xin trích một ít thơ mà tôi thích:

HÀ ÂM MỘ CẢNH
Mịt mịt mây giăng kéo tối sầm [4]
Đau lòng thuở nọ cảnh Hà Âm
Đống xương Vô Định sương phau trắng [5]
Vũng máu phi thường cỏ nhuộm thâm
Gió trốt dật dờ nơi chiến lũy
Đèn trời leo lét dặm u lâm
Nôm na xin mượn vài câu điếu
Dắng dỏi đêm trường tiếng dế ngâm. 5

Đây là tác phẩm của Bùi Hữu Nghĩa.
Hà Âm thuộc huyện Giang Thành tỉnh Hà Tiên.
Tác giả nhắc lại cảnh binh đao năm Quý Tỵ (1833). Nguyên Lê Văn Khôi nổi dậy chống lại vua Minh Mạng vì phẫn uất việc nhà vua cho cào mả Lê Văn Duyệt. Để đủ sức chống lại quân triều đình, Lê Văn Khôi cầu cứu vua Xiêm. Vua Xiêm sai tướng đem 100 chiến thuyền vào Hà Tiên. Trương Minh Giảng đem quân chống cự. Hai bên đánh nhau gần mấy tháng trời. Người chết vô số. Cuối cùng Trương Minh Giảng phá được quân Xiêm tại sông Cổ Cắng ở Hà Âm.
Nhân đi sứ Xiêm qua ngang Hà Âm, Bùi công nhớ chuyện cũ xúc cảm mà làm thơ Hà Âm Mộ Cảnh.
Bạn thân của Bùi công là Huỳnh Mẫn Đạt và Phan Văn Trị. Huỳnh Mẫn Đạt một lớp tuổi cùng Bùi công, còn ông Phan nhỏ thua đến hai giáp, là hàng bạn vong niên. [6]

Cũng như thơ của Bùi Hữu Nghĩa, thơ Huỳnh Mẫn Đạt và Phan Văn Trị đều theo chủ trương “thi dĩ tải đạo”. Cho nên vị thơ không được nồng, sắc thơ không được thắm và nhạc thơ không được du dương. Đọc thơ của quí vị như ngồi hầu chuyện cùng các bậc phụ lão để nghe lời khuyên bảo trong việc xử thế tu thân. Cho nên khi đến cùng quí vị tôi thường theo quí vị đến những nơi cổ tích, đến những cảnh thiên nhiên, để tìm hưởng lạc thú.
Đây một bài thơ cảnh của Huỳnh Mẫn Đạt:

CẢNH TRỜI CHIỀU
Trưa sớm đường danh gió bụi nhiều
Vờn quê riêng thú cảnh trời chiều
Cành sương rai rác đơm bông bạc
Màn ráng xuê xoang phủ gấm điều
Ngả ngớn lưng trâu ngơ vọt mục
Bôn chôn lối thỏ nặng vai tiều
Xót người mệnh bạc trong chằm nhạn [7]
Ngó mống trông mây xiết bấy nhiêu! [8]
Đây một bài thơ cảnh của Phan Văn Trị:

AN GIANG PHONG CẢNH
Linh đinh bèo nước biết là đâu
Đậu bến An Giang cảnh giục sầu
Bảy núi mây liền chim nhíp cánh [9]
Ba dòng nước chảy cá vênh râu [10]
Có rau nội quạnh dân xanh mặt
Không trái bần khô khỉ bạc đầu
Xem hết cảnh tình rồi nghĩ nghị
Thú vui chỉ có một thuyền câu.

Hai cụ Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Hữu Huân không biết có phải bạn thân của ba cụ Bùi, Huỳnh, Phan hay chăng. Nhưng chắc chắn là biết nhau và kính mến nhau vì đồng một chí hướng. Cụ Nguyễn Đình Chiểu nhỏ tuổi hơn cụ Bùi cụ Huỳnh, nhưng lớn tuổi hơn cụ Cử Trị và cụ Thủ khoa Huân.
Thơ Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Hữu Huân lời cũng cứng, tứ cũng khô như thơ cụ Bùi, cụ Huỳnh cụ Phan.
Đây thơ cụ Nguyễn Đình Chiểu:

VỊNH NGƯỜI LÀM RUỘNG
Trải qua nắng hạ trải mưa thu
Cày cấy ghe phen sức dãi dầu
Cúi ngửa chung tình mươi đám ruộng
Làm ăn giữ vốn mấy con trâu
Chuyên nghề Hậu Tắc nhà hằng đủ [11]
Giỏi việc Mân Phong nước chẳng sầu [12]
Chờ gặp mùa màng trời đất thuận
Cả trăm giống thóc một tay thâu.

Đây thơ cụ Nguyễn Hữu Huân:

THA BANG CẢM TÁC
Có ai tri kỷ nhắn đôi lời
Biết thú chi vui rủ dạo chơi
Chốn cũ phong lưu quen những thuở
Cảnh này quyến thức nhắm không người
Ở ăn tuy phải nương cùng tục
Khó nhọc đà nên cực nỗi đời
Hương hỏa ba sinh dầu chẳng toại
Nỡ đam hình dịch để trêu ngươi.

Những bài thơ thượng dẫn, thẳng thắn mà nói, là những bài vận ngữ, là những áng văn trường ốc. Chúng còn được truyền tụng là nhờ uy danh của các tác giả. Những nhà khảo cổ thường đùng để điểm nhiễm cho thân thế cho tâm sự của các chí sỹ tiền bối hơn là để khai thác về mặt văn chương.
Nói một cách khác, thơ của các nhà chí sỹ tiền bối phần nhiều có giá trị lịch sử hơn giá trị văn chương.
Và những bài thơ chỉ có giá trị lịch sử, nghĩa là thiếu hoặc không đủ sức truyền cảm, nếu không phải tác phẩm của những người được nghìn thu tôn kính như quí cụ Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Hữu Huân…, mà là của những khách hàn mặc dung thường không có uy danh, thì một khi tác giả qua đời, chắc không còn nhiều người nhắc nhở.

Ông Tôn Thọ Tường ra làm quan cùng thực dân Pháp, bị búa rìu thanh nghị không dung tha. Đồng thời cùng ông cũng có lắm người không khác chi ông. Thế mà ngày nay chúng ta không còn biết họ là ai là những ai. Họ sống và họ chết cũng in như cây tạp trong rừng sâu, cỏ hèn ngoài đồng rộng. Riêng ông Tôn Thọ Tường danh vẫn còn và mãi mãi còn trong sử sách, trên môi miệng kẻ yêu văn chương. Do đâu? Nếu không phải do những vần thơ kiệt tác.
Như thế văn chương làm cho người trở thành bất hủ.

Còn trường hợp các cụ Bùi, Huỳnh, Nguyễn, Phan, Nguyễn… lại nhờ tâm chí nhờ khí tiết mà văn chương được lưu truyền nghìn muôn thu.
Như thế là người làm cho văn chương trở thành bất hủ.
Có đức thiếu tài là chất thắng văn.
Có tài thiếu đức là văn thắng chất.
Văn chất bân vân mới thật là hoàn hảo.

Tài và đức đều do khí thiêng của non sông un đúc. Những người xem văn chương một cách sâu sắc một cách tinh vi, thường biết được nhân vật biết được phong thủy của nơi sản xuất ra những áng văn chương ấy.
Cho nên thời Tây Châu ở bên Trung Hoa, nhà vua bằng vào những câu phong dao của các nước chư hầu dâng lên mà xét về phong hóa về chánh trị để định mức thưởng phạt.
Và bằng vào những áng văn chương thời Pháp mới đặt nền đô hộ ở miền Nam, chúng ta nhận thấy sỹ khí ở miền Nam lúc bấy giờ thật cao mà cũng thật vững. Và xem tất cả những áng văn chương từ trước, chúng ta nhận thấy người miền Nam chuộng chất hơn văn. Đó là do tánh tình, do phong thủy.




[1] Đã nói ở trước, bài số 25.
[2] Sẽ nói ở các bài sau.
[3] Văn chất bân bân: vẻ đẹp bên ngoài và thực chất bên trong cân xứng nhau.
[4] & 5 Trong Giai Thoại Làng Nho chép là “tối rầm”, “gắng gỏi”
[5] Trong Kiều có câu “Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu” mượn chữ và ý trong câu thơ Đường: Khả lân Vô Định hà biên cốt.
[6] Bùi Hữu Nghĩa  (1807-1872).        - Huỳnh Mẫn Đạt                (1807-1883)
  Phan Văn Trị      (1830-1910).        - Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)
  Nguyễn Hữu Huân (1841-1875)
[7] Chằm nhạn: Nhạn trạch - Kinh Thi có câu: Hồng nhạn vu qui tập vu trung trạch. Nghĩa là chim nhạn chim hồng trở về, hợp nhau trong chằm - Nói về cảnh cư trú đông đúc của dân.
[8] Ngó mống trông mây: thoát ý câu “vọng chân quê” trong sách Mạnh Tử nói về vua Thang: Lòng dân trông ông Thang đến phạt tội điếu dân chẳng khác chi đại hạn trông mưa; thấy mây thì lòng mừng, nhưng lại sợ cứ ngó chừng xem có mống làm mất mưa đi chăng.
Câu kết tả tình cảnh cỉa dân miền Nam khi mới thuộc quyền cai trị của Pháp.
Bài này trong Văn Đàn Bảo Giám chép có chỗ khác:
Trưa sớm đài doanh gió bụi nhiều
Vườn quê vui thú cảnh trời chiều
Cành chim rải rác đâm bông bạc
Màn chấu xuê xoa giải gấm điều
Ngả ngớn lưng trâu ngơ vọt mục
Loi thoi bóng ác khẳm thuyền tiều
Xót người mạng bạc trong trầm nhạn
Ngó mống trông mưa biết bấy nhiêu.
[9] Bảy núi là núi Thất Sơn ở Châu Đốc.
[10] Ba dòng là Tiền Giang, Hậu Giang và sông Vàm Nao.
[11] Hậu Tắc là một quan coi việc nông chính.
[12] Mân Phong: Ông thủy tổ nhà Châu là ông Khử làm quan Hậu Tắc đời vua Thuấn, được phong ở đất Thái sau cháu là Công Lưu dời sang đất Mân cũng giữ chức Hậu Tắc. Mân phong là đất Mân phong cho Công Lưu.