Hương Vườn Cũ 26.




Tôn Thọ Tường vì ra phục vụ cho Chánh Phủ Pháp trong khi sỹ phu toàn quốc đứng lên chống thực dân xâm lăng, nên bị mang tội cùng danh giáo. Trong trăm năm đã bị búa rìu thanh nghị, ngoài trăm năm còn để lụy cho văn chương!
Những bài thơ họa vân thơ họ Tôn của các danh sỹ trong Nam, nhất là của Phan Văn Trị, là những bản án có hiệu lực nghìn thu. Và từ ngày chữ quốc ngữ thịnh hành, các nhà viết sách báo, hễ nói đến văn chương họ Tôn, thì hầu hết đều đem đời chánh trị của tác giả để mổ xẻ tác phẩm. Đến nhà thơ Đông Hồ, một nhà thơ hiền từ nhân hậu, cũng không tha thứ tội lỗi, mặc dù rất phục văn chương [1]. Bởi vì đối với người Á Đông, nhất là những người thấm nhuần đạo đức cổ truyền, những người ấp ủ tinh thần dân tộc, phẩm hạnh và văn chương thường không tách rời nhau.
Kể cũng tội nghiệp cho văn chương, vì mặt trống đã bị xuống tay thì lòng chuông tránh sao khỏi động. Mà văn chương nào có tội tình gì!
Cho nên ở đây chỉ nói đến những cái hay cái dở trong các thi phẩm của họ Tôn còn để, nghĩa là chỉ nói về mặt văn chương thuần túy mà thôi.

Thi phẩm của Tôn Thọ Tường mà tôi được đọc rải rác trong các sách, không quá hai mươi thiên. Tất cả đều theo thể thất ngôn luật:
- Thập thủ liên hoàn
- Từ Thứ qui Tào
- Tôn phu nhân qui Thục
- Bái công khóc đầu Hạng Võ
- Vịnh Kiều
- Đĩ già đi tu
- Chùa Cây Mai
- Gặp Huỳnh Mẫn Đạt
- Tây hành tức sự (họa bài Phan Lương Khê)
Hầu hết đều nhọc trí tinh công. Nhiều bài hấp thụ âm điệu thơ Lý Thương Ẩn.
Được các nhà phê bình, các nhà viết sách giáo khoa… đề cập nhiều nhất là bài TÔN PHU NHÂN QUI THỤC

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Nghìn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô chạnh tưởng chòm mây bạc
Về Thục đành trao mảnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mích lòng anh được bụng chồng.

Thấy đôi quyển sách chép khác đôi chỗ nơi câu trạng:
- Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng.

- Lìa Ngô luống chạnh vầng mây bạc
Về Hán đành trao phận má hồng.
Chữ “bịn rịn” hay. Nhưng chữ “trau tria” gợi ý điếm đàng không nhã.
Câu “… luống chạnh vầng mây bạc, …phận má hồng” trang trọng hơn câu “…chòm mây bạc …mảnh má hồng”.

Không biết câu nào đúng với nguyên văn. Bài trên tôi theo nhà thơ Đông Hồ vì Đông Hồ là người Nam lại tánh rất thận trọng, đáng tin hơn hết.
Bài này sách vở bàn tán đã nhiều. Riêng nhận thấy bài của Đông Hồ trong Úc Viên Thi Thoại có nhiều ý kiến sâu sắc về văn cũng như về ý.
Giá trị văn chương của bài Tôn Phu Nhân rất cao. Đông Hồ khen là “tuyệt xảo”. Chỉ hơi tiếc là không toàn bích, vì nơi câu luận đã có “thà”, nơi câu kết còn “thà” nữa. Nhưng một vết ở dưới lớp lông, không thổi lông thì không ai thấy vết.
Bài thứ hai được chú ý là bài TỪ THỨ QUI TÀO:

Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi
Muối xát lòng ai nấy mặn mòi
Ở Hán hãy còn nhiều cột cả
Về Tào chi sá một cây còi
Bâng khuâng nhớ mẹ khôn nâng chén
Bịn rịn trông vua biếng giục roi
Chẳng đặng khôn Lưu đành dại Ngụy
Thân này xin gác ngoại vòng thoi.

Vì được nhiều người chú ý, kẻ đọc qua người đọc lại, tam sao thất bổn, nên cũng như bài Tôn Phu Nhân, bài Từ Thứ qui Tào các sách chép có đôi chỗ khác với bài thượng dẫn:

Ở Hán còn nhiều rường cột cứng
Về Tào chi sá cỏ cây còi
Bỗng nghe tin mẹ khôn nâng chén
Chạnh tưởng ơn vua biếng giục roi.

Bài Từ Thứ văn chương không bằng bài Tôn Phu Nhân. Câu khởi có nhiều vị túc nho khen là kỳ tứ. Song tôi lại thấy có vẻ ba lơn. Còn chữ “mặn mòi” trong câu thừa lại không đắc nghĩa. Vì “mặn mòi” cũng như “mặn mà” ngậm ý ngon lành thích thú, mà “muối xát” thì rát thì xót, chớ sao lại thích lại ngon?! Đó là vì vần làm hại ý.
Còn sáu câu kia không có gì xuất sắc.

Bài này được truyền xa rộng chỉ do năm vần “voi mòi còi roi thoi” rất kêu, rất giòn và rất khó gieo. Khách thơ Hàn luật thường dùng năm vần ấy để thách nhau xướng họa, và mệnh danh là “Từ Thứ vận”.
Ví dụ cụ cử Phan Văn Trị có bài thơ:

VỊNH HÁT BỘI
Đứa lác đồng tiền đứa lác voi
Áo xiêm mấy lớp cũng trơ mòi
Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc
Đứa nịnh hàm râu mấy sợi còi
Trên trính có nhà còn lợp lọng
Dưới chân không ngựa cũng quơ roi
Hèn chi chúng bảo là bội bạc
Bôi mặt cùng nhau cú lại thoi.
Nói đến Tôn Thọ Tường, những người ưa thích thi xưa không ai không biết hai bài Từ Thứ qui Tào và Tôn Phu Nhân qui Thục. Riêng tôi, tôi thích nhất bài BÁI CÔNG KHÓC ĐẦU HẠNG VÕ:

Trăm hai non nước một gươm thần
Hết giận thôi mà khóc cố nhân
Con mắt bốn ngươi nhìn với mặt [2]
Tấm thân tám thước thủi cùng thân
Bát canh Quảng Võ ơn còn nhớ [3]
Chén rượu Hồng Môn lệ khó ngăn [4]
Tấc dạ anh hùng không dễ thấu [5]
Mặc ai rằng giả mặc rằng chân.

Bài này tương truyền ông Tôn làm lúc được tin ông Nguyễn Hữu Huân tuẫn quốc.
Ông Nguyễn Hữu Huân đồng thời cùng ông Tôn Thọ Tường, nhưng tuổi nhỏ hơn. Ông thi đậu thủ khoa lúc chưa đầy 20 tuổi. Vì đau buồn nỗi quốc gia ngộ biến, ông không xuất sỹ, ở nhà tổ chức nghĩa quân chống xâm lăng. Năm Ất Hợi (1875) bị Pháp bắt, dụ dỗ mấy cũng không chịu hàng, nên bị giết.
Ông Tôn Thọ Tường cùng ông Thủ Khoa vốn là chỗ quen biết cũ, nhưng vì chí hướng khác nhau nên trở thành đối lập.
Lời thơ bi thống, biểu lộ tấm chân tình đối với cố nhân. Văn chương đẹp và có sức truyền cảm mạnh hơn bài Tôn Phu Nhân qui Thục. Không phải tại vì bài này là văn ai, mà bài kia là văn xuân. Mà chính vì bài này giàu âm nhạc hơn bài kia, và giọng bài này lại trầm dễ đi sâu và nằm lâu nơi lòng người đọc hơn giọng bổng của bài kia.

Tôi thích bài BÁI CÔNG KHÓC ĐẦU HẠNG VÕ chính là do cách điệu. Nhưng tôi mới nhận thức được “vị nội vị” tức cái hay của chữ của câu, của cách dàn ý cách dụng điển, chớ chưa thưởng thức được “vị ngoại vị” tức là chỗ dụng tâm của tác giả, chỗ tác giả muốn nói mà không nói, không nói nhưng đã nói.
Tôn Thọ Tường vịnh sử không phải vì cổ nhân, mà chính vì mình. Cho nên chỉ lựa những chi tiết thích hợp với hoàn cảnh mình, tâm sự mình, chớ không phải nhắm những sự kiện quan trọng, những sự kiện chính yếu trong lịch sử. Tôi không được biết những gì đã xảy ra giữa ông Thủ Khoa và ông Tôn khiến ông Tôn dùng câu chuyện nơi Quảng Võ nơi Hồng Môn để gởi gắm tâm sự. [6]
Do đó mà chưa nhận thức được ý ngoài lời nói của bài thơ.
Có lẽ vì chỗ bí ẩn trong thơ chưa phát kiến, nên bài thơ ĐẦU HẠNG VÕ xưa nay các nhà phê bình ít lưu tâm.
Sau bài Khóc Đầu Hạng Võ tôi còn thích hai bài nữa là VỊNH KIỀU và ĐĨ GIÀ ĐI TU.
Bài Đĩ Già Đi Tu cũng là bài thơ ký thác:

Chày kình gióng tỉnh giấc vu san
Mái tóc kim sinh nửa trắng vàng
Đài kính biếng soi màu phấn nhạt
Cửa không đành gởi cánh xuân tàn [7]
Khuây niềm hoa liễu vài câu kệ [8]
An cảnh tang du một chữ nhàn
Ngoảnh lại lầu xanh thương những trẻ
Trầm luân chưa khỏi kiếp hồng nhan.

Tình cảnh thật đáng thương! Nỗi buồn thấm thía! Ai đã từng mang lòng buồn thương vào nơi tịch mịch thì mới cảm thấy vị chua lạnh ngấm ngầm trong từng chữ từng câu.
Tâm sự ấy, nỗi niềm ấy còn bộc lộ nơi bài Vịnh Kiều:

Mười mấy năm trời nhục rửa xong
Sông Tiền Đường đục hóa ra trong
Mảnh duyên bình lãng còn nong nả
Chút phận tang thương lắm ngại ngùng
Chữ hiếu ít nhiều trời đất biết
Gánh tình nặng nhẹ chị em chung
Soi gương thiên cổ thương mà trách
Chẳng trách chi Kiều trách hóa công.

Không lẽ cứ ôm mãi mối đau thương trong lòng? Để nhẹ bớt phần nào, đổ thừa phứt cho Trời cao thẳm! Đó là thái độ là hành vi của con người đau khổ không còn có ngõ thoát. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay…
Nhưng cũng nhờ có nỗi đoạn trường mới có những vần thơ tinh diệu. Thì những bạn yêu thơ Tôn Thọ Tường tưởng cũng nên cảm ơn nỗi đoạn trường đã làm khổ họ Tôn, và hoàn cảnh đã gây nên nỗi đoạn trường ấy.

Trong mục Văn Đàn Giảng Luận của An Nam Tạp Chí thời Tiền Chiến, Tản Đà tiên sinh đã khen:
- Thơ hay có nhiều cách… Thơ vịnh sử Tôn Thọ Tường hay.
Thật vậy. Những thơ Tôn Thọ Tường còn để lại, thơ tình, thơ cảnh, thơ vịnh sử, bài nào cũng gồm đủ thanh sắc vị, ba yếu tố cần thiết của thơ. Nhưng thơ vịnh sử xuất sắc hơn cả. Bài nào cũng phiên trần xuất tân, bài nào cũng là thốn tâm thiên cổ. Ấy cũng bởi công việc là công việc của người xưa mà tâm sự là tâm sự của riêng ông, tâm sự riêng bao trùm cả công việc xưa khiến những lớp bụi thời gian không còn ngõ chen lấn vào ngòi bút. Nhờ thế mà thơ có nhiều vị tuấn vĩnh, trong làng thơ cổ điển Việt Nam, về môn vịnh sử, chưa có nhà thơ nào sánh vai.


[1] Xem Úc Viên Thi Thoại.
[2] Hạng Võ hai con mắt mỗi con đến hai con ngươi, và thân cao tám thước.
[3] Hạng Võ bắt được cha Bái Công, bảo Bái Công nếu không đầu hàng thì làm thịt nấu canh. Bái Công đáp: Cha tao cũng như cha mày, nếu mày có nấu canh thì chia cho tao một bát. Hạng Võ cảm động liền tha. Việc xảy ra tại đất Quảng Võ.
[4] Phạm Tăng bày mưu cùng Hạng Võ thết tiệc tại Hồng Môn mời Bái Công đến để giết. Nhưng thấy Bái Công đối xử theo lễ kẻ dưới, Hạng Võ không nỡ giết.
[5] Có chỗ chép là “Giọt lệ anh hùng lau chẳng ráo”. Dám quả quyết là sai vì câu trên vừa nói “lệ khó ngăn” lẽ đâu lại nói tiếp “lệ khó ráo” nữa. Huống chi “giọt lệ anh hùng lau chẳng ráo” không gói gọn được ý nghĩa của 6 câu trên.
[6] Trong Giai Thoại Làng Nho của Lãng Nhân có nói rõ về thân thế của ông Thủ Khoa, nhưng mối liên lạc giữa ông Thủ Khoa và ông Tôn Thọ Tường không thấy nói.
[7] Có chỗ chép là “cái xuân tàn”. Tôi nghĩ “cái xuân” cũng như “cái hồng nhan là của riêng bà Hồ Xuân Hương, chớ ông Tôn Thọ Tường dù đội lốt đĩ già cũng không thể để lẫn trong văn chương tao nhã của ông. Tôi nghe các cụ miền Trung đọc là “cánh xuân tàn” thì thật hợp cảnh hợp người. Cũng có người đọc là “vóc xuân tàn” song cầu kỳ không hay.
[8] Có chỗ chép là “Chạnh niềm hoa liễu…”, chỗ lại chép là “Hú hồn hoa liễu”.