Hương Vườn cũ 12.



Nôm na là cha bá láp.
Đó là lời nói mới sản xuất từ năm bảy mươi năm, tám chín mươi năm trở lại đây. Chớ trước kia chữ Nôm nói chung, thơ Nôm nói riêng, rất được ông cha chúng ta yêu chuộng. Nơi triều đường, nơi công phủ cũng như ngoài dân gian, chữ Nôm, thơ Nôm vẫn chen hàng cùng chữ Hán thơ chữ Hán.

Có nhiều bằng chứng còn ghi trong sử sách:
Đời Trần Nghệ Tông (1370-1372), để ban thưởng công lao cho Hồ Quí Ly, nhà vua sai đúc một thanh gươm báu và thêu một lá cờ có tám chữ vàng rực rỡ: “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức”. Hồ Quí Ly dâng tạ bằng một bài thơ chữ Nôm. Nhà vua rất hoan hỷ.
Sau khi Nghệ Tông thăng hà, Quí Ly làm phụ chánh cho thiếu quân, dùng chữ Nôm dịch sách để dạy vua và các cung nữ.
Đến năm Canh Thìn (1400) Quí Ly phế Trần Thiếu Đế, lên ngôi thiên tử, viết thủ chiếu bằng chữ Nôm để phủ ủy nhân dân. [1]
Nhà Minh mượn tiếng khôi phục nhà Trần, sai Trương Phụ kéo quân sang đánh họ Hồ. Diệt được nhà Hồ, Trương Phụ chiếm cứ Việt Nam làm đất đô hộ. Hào kiệt nổi dậy chống cự và Trần Quí Khoách dựng nên nhà Hậu Trần. Được ít lâu Quí Khoách liệu không đương nổi giặc, bèn sai Nguyễn Biểu mang lễ vật đến dinh Trương Phụ cầu phong.
Lúc tiễn hành, Trần Quí Khoách tặng Nguyễn Biểu:

Mấy vần thơ cũ ngợi hoàng hoa
Trịnh trọng rày nhân dắng khúc ca
Chiếu phượng muôn hàng tơ cặn kẽ
Vó câu nghìn dặm tuyết xông pha
Tang bồng đã bấm lòng khi trẻ
Gừng quế thêm cay tính tuổi già
Việc nước một mai công ngõ vẹn
Gác lân danh tiếng dõi lâu xa.

Nguyễn Biểu phụng họa:
Tiếng ngọc từ vâng trước bệ hoa
Ngóng tai đồng vọng thuở thi ca
Đường mây vó ký lần lần trải
Ải tuyết cờ mao thức thức pha
Há một cung tên lồng chí trẻ
Bội mười vàng đá đúc gan già
Hổ mình vả thiếu tài chuyên đối
Dịch lộ ba ngàn dám ngại xa.

Nguyễn Biểu đến, Trương Phụ sai dọn rượu thết, mà vị nhấm là chiếc đầu người. Nguyễn Biểu thản nhiên ngồi cầm đũa, vừa nhấm vừa ngâm:

Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi
Gia hào thêm có cỗ đầu người
Nem công chả phụng mùi thua béo
Tay gấu đùi lân kém vị tươi
Đọ yến lộc minh sang cũng một
Dòm mâm thố thủ trội hơn mười
Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn
Tráng sỹ như Phàn tiếng để đời. [2]
Trương Phụ có ý nể. Đến khi bàn đến quốc sự, Nguyễn Biểu khẳng khái chỉ trích dã tâm của nhà Minh. Trương Phụ giận sai bắt trói dưới chân cầu, đêm đến nước thủy triều lên ngập chết.

Vua Hậu Trần được tin, thương xót, làm văn truy điệu, lời rất tha thiết biểu lộ tấm chân tình giữa vua tôi:
… Lấy chi báo chưng hậu đức, rượu kim tương một lọ, vơi vơi nâng chuốc ba tuần;
Lấy chi ủy thửa phương hồn, văn dụ tế mươi hàng, thẳm thẳm ngỏ thông chín suối
Tiễn người đi sứ là việc hệ trọng, truy điệu một bậc trung nghĩa đã hy sinh vì nước là hệ trọng. Thế mà thơ tặng biệt, vắn điếu tế đều dùng Quốc âm. Xem thế đủ biết văn Nôm đời xưa giữ một vị trí cao sang trên nền văn học. Chẳng những ở đời Trần, qua đời Lê, đời Tây Sơn, đời Gia Long, văn Quốc âm vẫn thường được dùng trong việc lớn của quốc gia, nhất là trong việc tế lễ. Nhiều bài văn tế kiệt tác còn lưu truyền, những bài văn tế do những bậc quyền quí đứng tế, như văn Ngọc Hân Công Chúa tế vua Quang Trung, văn vua Cảnh Thịnh cùng đình thần, cung nhân… tế Ngọc Hân Công Chúa…, văn vua Gia Long tế Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, tế Giám Mục Bá Đa Lộc…, vân vân…

Đến đời Minh Mạng (1820-1840), nhà vua cấm dùng chữ Nôm trong việc biểu sớ, trong các giấy tờ nơi công môn. Chữ Hán từ ấy trở thành độc tôn, văn Quốc âm mới trở thành “cha bá láp”.

***
Xem mấy bài thơ đời Hậu Trần, chúng ta nhận thấy thơ Hàn luật lúc bấy giờ đã vững lắm. Cách dùng chữ luyện câu đã già dặn, cách dùng diển cố đã khéo.
Trong bài của Trần Quí Khoách có chữ Hoàng Hoa. Nhiều bạn lầm tưởng hoàng hoa là hoa cúc, và giảng rằng Nguyễn Biểu đi sứ vào mùa thu.
Không phải thế. Chữ HOÀNG trong câu thơ không phải chữ Hoàng là vàng mà Hoàng là tốt đẹp rực rỡ. Chữ mượn trong Kinh Thi:

Hoàng hoàng giả hoa
Vu bỉ nguyên thấp
Sằn sằn chinh phu
Mối hoài mỹ cập.

Nghĩa là: “Những đóa hoa rực rỡ đơm khắp gò cao trũng sâu. Những người bề tôi phải đi xa kéo nhau ruổi giong đông đảo rầm rộ. Nỗi lo nghĩ trong lòng có điều lo nghĩ không kịp.”
Đó là một chương trong thiên HOÀNG HOÀNG GIA HOA thác lời vua khuyên dạy sứ thần lúc tiễn biệt và tả tấc lòng sứ thần khi lâm hành.

Trong bài CỖ ĐẦU NGƯỜI của Nguyễn Biểu cũng có chữ mượn ở Kinh Thi. Đó là chữ LỘC MINH và THỐ THỦ.
Lộc Minh là một thiên trong Tiểu Nhã. Chương đầu:

Ao ao lộc minh
Thực dã chi bình
Ngã hữu gia tân
Cổ sắt xuy sinh.
Xuy sinh cổ hoàng
Thừa khuông thị tương
Nhân chi háo ngã
Thi ngã chu hàng.

Nghĩa là: “Con hươu kêu ao ao gọi nhau ăn cỏ ở đồng nội. Ta có khách quia, hãy đánh đàn sắt thổi ống sinh, hòa với ống sáo, và bưng rổ hàng lụa để tặng cho khách. Những người mến thích ta, hãy chỉ cho ta những đường lối rộng lớn để ta noi theo”.

Thơ LỘC MINH là bài nhạc của vua làm ra để dùng lúc đãi yến tân khách (bầy tôi trong triều hoặc sứ thần chư hầu).
Thố thủ là đầu thỏ, chữ mượn trong thiên Hồ Điệp trong Tiểu Nhã, chương thứ nhì:
Hữu thố tự thủ
Bào chi phàn chi
Quân tử hữu tửu
Chước ngôn hân chi.

Nghĩa là: “Có một đầu thỏ để làm món ăn, phải làm sạch lông rồi nướng cho chín. Người quân tử có rượu, rót dâng mời tân khách dùng”.
Thơ Hồ Điệp nói sự vui thích của chủ khách ăn uống với nhau.
Chữ LỘC MINH mượn tên bài thơ. Chữ THỐ THỦ mượn chữ trong bài thơ.
Điển dùng thật sát. Nhưng cũng như điển trong bài vua Hậu Trần, hai điển này chỉ dùng để trang sức cho câu thơ và làm cho ý thơ khắng khít với hoàn cảnh, chớ không ngụ ý gì sâu sắc như câu:
Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn
Tráng sỹ như Phàn tiếng để đời.
Câu này dùng điển Hồng Môn Hội ẩm: Hạng Võ mời Lưu Bang đến dự tiệc, mục đích là để giết cho tuyệt hậu họa. Phàn Khoái xách mộc xông đến Hồng Môn giữa mấy trùng gươm giáo mà không chút nao núng kiêng dè… Hạng Võ thấy Phàn Khoái tướng mạo phi thường ban cho một vai lợn và rượu. Khoái lấy gươm cắt thịt ăn uống một cách tự nhiên. Hạng Võ rất mến phục.

Văn chương câu này có phần thô phác, đối với sáu câu trên kém hẳn phần thôi xao. Song sáu câu trên dùng ý so sánh vị tươi béo của đầu người với nem công chả phụng, vẻ sang trọng của bữa tiệc đầu người với bữa yến Lộc Minh bữa tiệc thố thủ, so sánh như vậy cốt để làm gia vị cho công việc chính là ĂN ở câu kết mà thôi. Và trong câu kết, tác giả đem tích Phàn Khoái được ăn vai lợn của Hạng Võ ví với việc mình được ăn đầu người của Trương Phụ, cũng chỉ để trang sức bề ngoài, chớ chủ đích là ngụ ý chê trách nhà Minh đối với nhà Trần gian ác không khác Hạng Võ đối với Lưu Bang, và cũng để tỏ chí bất khuất của mình trước uy vũ của Trương Phụ.
Đó là ý tại ngôn ngoại.

Trong thơ cổ nhân để lại, có nhiều bài lời giản mà ý súc, lời thiển mà ý thâm, như câu của Nguyễn Biểu là một. Cho nên người xem thơ lắm lúc phải đào sâu xuống một tầng, vói cao lên một tầng, thì mới thấy được chỗ dụng công thác ý của tác giả. bằng chỉ đứng trên nghĩa đen của chữ, thì vị ngon ngọt của thức ăn, tiếng trong đục của đường tơ, còn không nhận thức được trọng, chứ đừng nói đến vị trong vị, tiếng ngoài dây.
Hai bài thơ của Trần Quí Khoách và Nguyễn Biểu là thơ CANH HỌA, thường gọi là thơ Xướng Họa.
Trong Úc Viên Thi Thoại, ông bạn Đông Hồ đã nói rõ về thơ xướng họa.
Tôi xin nói thêm để cho “đông có mây tây có sao”.

Thơ Canh Họa có ba thể:
- Một là THỨ VẬN, tức là họa theo nguyên vận, vần trước họa trước, vần sau họa sau.
- Hai là DỤNG VẬN, tức là dùng những vần trong bái xướng, nhưng không cần theo thứ tự trước sau.
- Ba là Y VẬN, tức là dùng những vần khác hơn những vần nguyên xướng, miễn những vần ấy đồng vận là được. [3]
Thứ vận khó nhất. Người Trung Hoa, nhất là người đời Đường đời Tống không mấy khi dùng. Thỉnh thoảng có dùng chăng thì y vận hay dụng vận.
Trái lại người Việt Nam, nhất là những khách thơ Hàn luật, lại ít dùng dụng vận y vận mà thích dùng thứ vận.
Bài thơ của Nguyễn Biểu là thứ vận bài của Trần Quí Khoách.
Đó là về hình thức.

Còn về nội dung thì cũng có ba lối:
- Cùng với tác giả bài xướng một lập trường một chí hướng… Nương theo tình ý bài xướng mà phát triển hay bổ túc, nếu bài xướng phục thì bài họa khởi, nếu bài xướng hô thì bài họa ứng.
- Không cùng với tác giả bài xướng một lập trường, nhưng không trái nhau, mà chỉ đi song song với nhau, như dòng sông và con đường thiên lý trên bờ sông, như đường hỏa xa và đường quốc lộ số 1. Bài xướng nói ý chí tâm sự của mình, bài họa cũng nói ý chí tậm sự của mình, nói để cho có đôi có bạn cho vui, cho thú.
- Tư tưởng cũng như lập trường tương phản hẳn. Xướng với họa nghịch nhau như nước với lửa, như đêm với ngày… Chúng ta thường thấy trong những cuộc bút chiến.
Các sách dạy thơ thường khuyên người làm thơ không nên ham xướng họa. Bởi làm thơ là để phát tiết những gì mình không thể giữ kín trong tâm hồn, chớ không phải để khoe khoang tài nghệ. Huống nữa người làm thơ là do đắc tình đắc cảnh mà sáng tác, đó là chân bước theo ý muốn, là tình sai khiến tài, tài sai khiến nghệ, trong ngoài tương thân, tương ái tương y, tương y, mà làm nên thơ, khiến bên trong được chân thật, bên ngoài được thung dung. Còn họa thơ là do vận sanh văn, văn sanh tình, đó là đem cày đặt trước trâu, là bước theo dấu chân của người mà đi, là len lỏi dưới chân người mà biết, cho nên trừ những bậc phi thường không gì làm chướng ngại nổi như Lý Bạch, Đông Pha, thì không làm sao tránh khỏi gò ép gượng gạo, không làm sao tạo được chân thú vị cho thơ.

Cố Linh Nhân nói:
- Người khéo họa thơ là người trong bụng không thơ, tự nói cái vụng của mình ra cùng thiên hạ.
Tùy Viên Thi Thoại luận:
- Người họa thơ như đoàn trẻ đấu thảo [4], tuy nhiều nhưng không ích chi.
Không phải cổ nhân tuyệt đối cấm. Chỉ vì sợ khách làng thơ lạm dụng làm sai lạc ý nghĩa của việc làm thơ, làm cho thơ giảm mất sanh thú, nên phải ngăn ngừa. Chớ trong chỗ bạn bè giao du với nhau, thỉnh thoảng có kẻ xướng người họa, thì đời văn chương mới thêm sắc thêm hương. Nhưng đồ gia vị không nên dùng nhiều. Lúc mua vui cũng nên nhớ lời cổ nhân dạy.

Họa vận, đôi khi nhờ chỗ khó mà sanh ra những xảo tứ tạo nên những diệm từ. Tác giả Tùy Viên Thi Thoại đã công nhận điều ấy và đã chứng minh:
“Kẻ cư sỹ châu Tô là Trương Chỉ Nguyên vịnh bạch đào, câu thứ 8 dùng vần KIM. Kẻ họa đến vài mươi người, song không có một câu hay. Ta cũng biết khó nên lui. Chẳng ngờ Lưu Hà Thường họa rằng:
Lưu lang khứ hậu tình hoài giảm
Bất khẩn hồng trang trực đáo kim. [5]
Ta khen là độc tuyệt. Nếu kẻ họa không phải họ Lưu cũng đã hay rồi, phương chi tác giả lại họ Lưu! Nếu không bỏ vần KIM e không có những chỗ xảo diệu đó.”
Đưa cây chuyện này ra, trước là để chứng minh rằng cổ nhân ngăn ngừa chớ không cấm hẳn việc xướng họa, sau là để làm bằng cho lời nói “đôi khi nhờ khó mà sanh xảo”.
Bây giờ trở lại cùng hai bài xướng họa của Trần Quí Khoách và Nguyễn Biểu.
Cả hai văn chương đều thanh lão. Thật xứng kép xứng đào. Bài xướng nhờ theo lòng mình mà đi nên lời văn tuy trang trọng mà vẫn tự nhiên. Bài họa phải dẫm lên dấu chân người mà bước, nên lời văn tuy lưu loát song không giấu nổi dáng cẩn thận giữ gìn. Nhưng đến câu chuyển kết thì vụt bước ra ngoài, biểu hiện phong độ kính cẩn nhưng hiên ngang, cương quyết nhưng khiêm tốn.

- Việc nước một mai công ngõ vẹn
  Gác lân danh tiếng dõi lâu xa.
- Hổ mình vả thiếu tài chuyên đối
  Dịch lộ ba nghìn dám ngại xa.

Cả từ lẫn ý của câu họa vượt hẳn câu xướng. Vần câu xướng “lâu xa” có phần gượng ép. Vần câu họa “dám ngại xa” vừa sống động vừa thảnh thơi. Câu xướng lấy công danh ra mà cầu chúc. Câu họa đem phận vụ ra tạ lòng, khuyên mình. Chỗ cao thấp cả trong lẫn ngoài thật rõ rệt.
Cho nên họa đôi khi cũng lấn xướng.
Nhưng phải là kẻ có tài. Không tài hoặc kém tài thì tốt hơn là nên thủ phận.
***
Hai bài xướng họa của Trần Quí Khoách và Nguyễn Biểu cho thấy thi tài của họ Trần họ Nguyễn. Tác phẩm hẳn có nhiều và hẳn có nhiều giai tác. Nghĩ vậy cho vui vậy thôi, chớ biển nước trời mây đã trăm nghìn lần thay xanh đổi biếc, thì Hợp Phố dù còn đó mà Châu đâu nữa để mong có ngày về!



[1] Sách Việt Nam Cổ Văn Học Sử của Nguyễn Đổng Chi có nói rõ.
[2] Sách Việt Nam Cổ Văn Học Sử của Nguyễn Đổng Chi và Thi văn Việt Nam của Hoàng Xuân Hân chép khác một ít:
Câu 3, 4:  - Nem công chả phượng còn thua béo
      Thịt gụ gan lan hẳn kém tươi
Câu 5, 6: - Ca lối lộc minh so cũng một
                             Vật bày thố thủ bội hơn mười.           
[3] Đó là thơ Canh Họa tục gọi là Họa vận. Họa vận dù theo thể nào cũng ở trong một đầu đề. Còn lấy vận một bài dùng làm dùng làm một bài đề tài khác như dùng vận bài Từ Thứ Qui Tào để làm thơ vịnh Hát bội, gọi là bộ vận hay tác vận.
[4] Đấu thảo: đua nhau mà khoe sự vụng sự dối của mình ra.
[5] Nghĩa là: Sau khi Lưu Thần đi khỏi Thiên Thai rồi thì tình ôm ấp trong lòng giảm lần, nên từ đó đến nay chẳng khứng điểm hồng nữa. (Đào vốn hồng, không điểm hồng tức trắng).