Hương Vườn Cũ 40



Bên cạnh thơ Châm Phúng và Trào Phúng, còn có thơ Hài Hước.
Thơ HÀI HƯỚC chỉ chuyên về trêu cợt bông đùa để mua vui, chớ không ngậm ý mỉa mai châm chích.
Như bài BỠN BÀ LANG KHÓC CHỒNG của Hồ Xuân Hương:
Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì?
Thương chồng nên nổi khóc hi hi…
Ngọt bùi thiếp nhớ mùi cam thảo,
Cay đắng chàng ơi vị quế chi!
Thạch nhũ trần bì sao để lại,
Qui thân liên nhục tẩm đem đi!
Dao cầu thiếp biết trao ai nhỉ?
Sanh ký chàng ơi tử tắc qui.

Trong bài có trộn nhiều vị thuốc Bắc nhưng chất thơ vẫn ngọt ngào dễ ưa. Bà lang đương buồn, nghe thơ cũng phải lau nước mắt mỉm cười.

Cùng một tánh chất với bài Bỡn Bà Lang, có bài  GIỄU CÔ ME TÂY LẬP ĐIỆN THỜ của Hiếu Khanh Phạm Ứng Thuần ở Nam Định:
Rứt cái mề đay ném xuống sông
Thôi thôi moa cũng mét xì ông ! [1]
Âu đành chùa đó âu đành bụt,
Cũng chẳng con chi cũng chẳng chồng.
Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ…
Nào ngờ chữ sắc hóa ra không !
Tôi đây cũng muốn như cô vậy,
Trót nợ trần hoàn gỡ chửa xong.

Cô me tây đây là tình nhân của một quan công sứ, vì có góp phần vào việc chẩn tế nạn lụt năm Bính Ngọ (1906), nên được ân hưởng Kim Tiền. Khi quan công sứ về Pháp, cô buồn xin lập điện trong chùa Phù Long, sớm khuya hầu thánh.
Vì điện tuy lập ở trong chùa Phật, nhưng lại thờ Thánh Mẫu, nên tác giả mới có câu “chớ thấy câu kinh mà mặc kệ”.
Giọng văn có vẻ dí dỏm, song chỉ có tính cách đùa cợt chớ không ngậm ý chế nhạo. Cô Tây có gặp tác giả chắc chỉ nguýt và mắng yêu theo kiểu các Mệ:
- Con quỉ! Đã buồn thúi ruột mà còn trêu!
Hai bài thơ trên ngó thì dễ, nhưng làm nên không phải dễ. Phải có tấm lòng khoáng đạt, phải có ngòi bút lưu lợi và khiếu khôi hài, mới mong có được những bài như thế.

Ở Bình Định có cụ tú NGUYỄN KHUÊ tánh tình hiền hậu mà tài hài hước, tài phúng thích, không mấy người theo bén chân. Cụ vốn là người trong phong trào Cần Vương chống Pháp còn sống sót. Viên tri huyện Bình Khê (Bình Định) đòi cụ lên trình diện, nghe nói cụ giỏi thơ, muốn trắc nghiệm bèn bảo cụ thích thực CỤC CỨT SẮT. Biết rằng viên tri huyện chê mình là đồ dư dụng và vô dụng, cụ bèn đá lại ngay:
Ủi lầm sợ nỗi heo trầy mũi
Cạp lỡ e khi chó gãy răng.

Nhưng đó thuộc về thơ châm phúng, bởi giáo đâm qua gươm phải chém lại, ăn miếng trả miếng mới vừa lòng nhau.
Nhiều khi người ta ra cho cụ nhiều đầu đề rất oái ăm hoặc tục tĩu. Nhận thấy người ra đề không có ác ý mà chỉ có mục đích bông đùa, thì cụ đáp lại bằng những lời cười cợt có thú và có duyên, nhưng không kém phần hóm hỉnh. Như một hôm cùng bạn ngồi uống trà nơi tây hiên, một người đàn bà hàng xóm vô ý ngồi tiểu nơi góc rào bên cạnh. Một ông bạn, thách cụ làm thi tức cảnh. Cụ đọc:
Quanh quất trông chừng thấy chúng xa
Hai tay khẽ trụt nửa quần là…
Gành ngao thấp thoáng rêu mờ đá,
Bãi hạc lao xao nước tr hoa.
Kiến tưởng mưa dông tha trứng chạy,
Cóc ngờ lụt ói cõng con ra…
Cũng vì méo mó nên che đậy,
Sớm giữ hôm gìn của mẹ cha.

Lại một lần các bạn lại ra cho cụ đầu đề “… LỚN TÀY MO” hạn vận “To so mo đò bò”. Đề bài đã khó xoay sở cho ra ý lại còn thêm những vận chỉ chực bóp chết tứ thơ! Ai nấy đều tưởng chắc cụ gác bút đầu hàng. Không ngờ chưa cháy hết cây nhang, cụ đã thôi xao đủ năm vận:
Tày cái bàn tay cũng đã to
Cái này cha chả lớn tày mo !
Xấp ba lá chóc không bì kịp,
Vạch một bồ đài mới xứng so.
Tắm giếng hãi hồn con gánh nước,
Lội sông mất vía lão chèo đò !
Gái mà như thế ai thèm ngó ?
Lỏm lẻm dòm chơi họa có bò.

Đề thì tục mà bài làm không một câu tục, không một chữ tục! Văn lại sát đề và thoát sáo. Người khó tánh đến đâu cũng phải công nhận là xảo tứ tinh công.
Hai bài thơ của họ Phạm họ Hồ ngậm ý trêu cợt. Hai bài của cụ tú Khuê hoàn toàn bông đùa, đọc nghe vui chớ không làm cho ai phải nhột nhạt.

Cụ Nguyễn Khuyến cũng có một bài đùa mà không cợt như thế. Đó là bài SUÔNG TÌNH: [2]
Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thời đi vắng chợ thời xa !
Ao sâu nước cả khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rún mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta.

Khi cao hứng ngâm mấy vần trên đây, không biết cụ Tam Nguyên có thoáng nghĩ đến những câu ca dao:
Ao to ta thả cá chơi,
Hồ rộng nuôi vịt, vườn khơi nuôi gà.
Quanh năm khách khứa trong nhà,
Ao vườn sẵn đó lọ là tìm đâu.


***

Ca dao của ta rất phong phú. Nếu ra công sưu tầm và san định thì bộ ca dao Việt Nam chắc không nhượng bộ Kinh Thi của Trung Quốc. Ca dao của ta cũng như Kinh Thi của Tàu gồm đủ lối đủ thể. Riêng nói về loại phúng thích và hài hước, ca dao cũng là một kho tàng có nhiều vàng châu.
Phúng thích như:

+ Giương cung rắp bắn phượng hoàng
Chẳng may lại gặp một đàn chim di
Lấy sào mà đuổi nó đi
Nó kêu ríu rít kẻo thì điếc tai.

+ Canh khuya giấc điệp mơ màng
Thấy hòn gạch thắm ngỡ vàng nâng niu.

+ Cha đời con gái xứ Đông
Ăn trộm tiền chồng mua khố cho trai.
Cha đời con gái xứ Đoài
Yêu chồng thì ít yêu trai thì nhiều.

+ Trèo lên trên núi mà coi
Coi đàn Ngô khách mọc đuôi trền đầu. [3]
Em ơi, anh dạy em học tiếng Tàu:
Tỉu nhà ma nị sao lại đâm đầu lấy Ngô.

+ Tham giàu em lấy thằng bé tỉ ti
Làng trên trại dưới thiếu gì trai tơ.
Em đem thân cho thằng bé nó dày vò,
Mùa đông tháng giá nó nằm co trong lòng.
Cũng mang là gái có chồng,
Chín đêm trực tiết nằm không cả mười.
Nói ra sợ chị em cười,
Má hồng bỏ quá thiệt đời xuân xanh.
Em cũng liều mình về thằng bé trẻ ranh,
Đêm nằm rờ mó quẩn quanh cho đỡ buồn
Buồn tình em lại bế thằng bé nó lên,
Nó còn bé mọn đã nên cơm cháo gì !
Nó ngủ nó ngáy khì khì
Một giấc đến sáng còn gì là xuân !
Chị em ôi ! hoa nở mấy lần ?! [4]

+ Hỡi thằng cu lớn ! Hỡi thằng cu bé !
Cu tí, cu tị, cu tỉ, cu tì ơi !
Con hãy dậy, con ăn con ở với bà,
Để mẹ đi kiếm một và con thêm.
Bố con chết đi, bụng mẹ nó hãy còn thèm,
Mẹ xem quẻ bói, còn một đàn em trong bụng này.
Con ra gọi chú nó vào đây,
Để mẹ giao trả cái cơ nghiệp này, mẹ bước đi.

vân vân…
Lối phúng thích - châm phúng cũng như trào phúng trong ca dao, thường không sâu cay độc địa, mà chỉ tinh nghịch hóm hỉnh, và tất cả đều mang tánh chất chung là tánh chất phổ thông. Cho nên đọc có nhiều hứng thú, và người dù có thấy diện mục mình ở trong thơ thì cũng chỉ nhột chớ không xốn.
Lối hài hước trong ca dao cũng rất duyên dáng:

+ Giữa trời đốt một đống rơm.
Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào.
Khói bay lên thấu Thiên Tào,
Ngọc Hoàng phán hỏi: -  Đứa nào đốt rơm ?

+ Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng.
Ông thầy xem quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn.

+ Cái cò là cái cò quăm,
Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai ?
Có đánh thì đánh ban mai
Đừng đánh chập tối chẳng ai cho nằm.

+ Gái chính chuyên lấy được chín chồng,
Vò viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi.
Giữa đường quang đứt lọ rơi,
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng.

Thật là dí dỏm. Nhưng không phải luôn luôn ngọt ngào như thế. Nhiều khi cũng có gia vị chút ít ớt tỏi, chút ít hành tiêu:

+ Gái chín chuyên lấy được chín chồng,
Ba chồng thành Lạng ba chồng thành Cao,
Ba chồng để ngọn sông Đào,
Trở về đỏng đảnh làm cao chưa chồng.

+ Ba cô đội gạo lên chùa,
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.
Cô về sư ốm tương tư,
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu.
           
vân vân…

Ca dao trước đây ông NGUYỄN VĂN NGỌC đã ra công sưu tập được trên dưới nghìn bài. Phần nhiều là ca dao miền Bắc. Miền Trung và miền Nam chưa thấy có người noi gương ông Ngọc, để bảo tồn nền văn học bình dân “Đàng Trong” và để góp phần vào bộ Ca Dao “Đàng Ngoài” của ông Ngọc, thành bộ Ca Dao Việt Nam.

Như trên đã nói, Ca Dao Việt Nam rất phong phú, phong phú về số lượng, về hình thức và về nội dung. Một ít câu về lối phúng thích và hài hước trích dẫn trên đây cũng đủ làm đôi làn hương báo cho khách du phương biết rằng có rừng hoa ngâu ở bên cạnh.

Về lối Hài Hước trong ca dao cũng như trong thơ, tuy chỉ nhằm mục đích vui cười đùa cợt, chớ không ngụ ý dạy dỗ khuyên răn như lối phúng thích.
Song không phải hoàn toàn cười cợt, không phải tất cả đều chỉ có công dụng vui đùa. Nhiều khi vui đùa mà khuyên răn, cười cợt mà sửa chữa. Có ích lợi hay chăng là ở chỗ biết dùng hay không biết.
Và làm được văn thơ khôi hài hay châm biếm, không phải nhà thơ nào cũng làm được, không phải nhà thơ nào làm được cũng đều làm được bài hay. Phải có trí thông minh, phải có tài hoạt bát… Bởi vậy từ xưa đến nay đâu có nhiều Hồ Xuân Hương, đâu có nhiều Nguyễn Khuyến, đâu có nhiều Nguyễn Văn Lạc, Trần Kế Xương…




[1] Bài này nhiều sách chép là của Trần Tế Xương. Phạm Ứng Thuần cùng làng với ông Tú (làng Vỵ Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) nhưng thuộc lớp hậu bối (Tú Xương sanh năm 1870, ông Phạm sanh năm 1885).
[2] Có sách chép là “Bạn đến chơi nhà”.
[3] Nước Trung Hoa bị người Mãn Thanh đô hộ. Vua quan Mãn Thanh buộc người Trung Hoa phải cạo tóc vóc bím theo phong tục Mãn Thanh. Cái bím tóc ấy người Việt Nam gọi là Đuôi Chệt.
[4] Ở Bắc Việt nhiều nơi thôn quê có tục lấy vợ sớm cho con. Để giúp đỡ việc nhà thường cưới những cô gái lớn tuổi.