Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Đâu rồi "Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu" ?!


  • Mai Lĩnh
Về miền Tây Nam bộ, có rất nhiều địa danh gợi sự tò mò cho du khách. Từ những địa danh được thừa nhận chính thức, thành tên một đơn vị hành chính như “thị trấn Một Ngàn” (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho đến những địa danh du lịch như “búng Bình Thiên” (An Giang), “bưng Đá Nổi”, “lung Cột Cầu” (Cần Thơ).

Cổng chính, nhìn từ ngoài vào.

Cổng chính, nhìn từ trong ra. Bên trái ảnh là bãi đậu xe bỏ hoang cỏ mọc cao.
Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu là một di chỉ, thắng cảnh nổi tiếng ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Di chỉ này được phát hiện do sự tình cờ khi người ta đào mương, lên liếp trồng cây, hoặc do một số người mò cua, bắt cá, xúc tát trong những lung, bàu, mương rạch tự nhiên đã nhặt được một số mảnh sành sứ, ấm chén, tượng đá... có niên đại thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo (vương quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ VII).

Vào những năm 1990, Viện Khảo Cổ trung ương đã cử đoàn khảo sát đến ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền để tiến hành thăm dò, khai quật nhằm tìm hiểu thêm về nền văn minh cổ của cư dân Phù Nam từng tồn tại cách đây trên dưới 1.500 năm ở đồng bằng sông Cửu Long. Những hiện vật tìm được ở quanh vùng này hiện được trưng bày tại Nhà bảo tàng Cần Thơ. Qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học và những tư liệu, thư tịch cổ, người ta đã đủ cơ sở khẳng định rằng: trước người Chân Lạp đã từng có một sắc dân với nền văn minh, văn hóa Hindu gốc Nam Á xuất hiện, sinh sống, định cư và mất đi trên vùng lưu vực sông Mekong một thời gian khá lâu.

Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu, theo dân gian truyền khẩu, xưa kia là một vùng đầm lầy hoang dã. Người ta đã gặp rất nhiều cọc gỗ lớn trong một số ao, bàu quanh vùng, ở độ sâu 2, 3m dưới lớp phù sa thực vật. Người ta cũng phát hiện nhiều tảng đá xanh hình khối chữ nhật đã được gia công, "nổi" lên trong cái ao của khu di tích hiện nay. Cùng với những di vật bằng gốm, đồng, vàng; cùng với những xương thú lớn đã hóa thạch... Các chuyên gia đã khẳng định dưới nền đất phù sa của Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu cách đây trên 1.500 năm đã có một cụm cư dân Phù Nam cổ sinh sống thành một cộng đồng khá phồn thịnh.

Giữa khoảng sân rộng chia ra hai lối, bên trái là nhà thủy tạ, nơi ăn uống và có phòng đờn ca tài tử, bên phải có lối đi ra sau hồ câu cá. Án trước gốc cổ thụ có ba chiếc ghế xi măng được in chữ lớn, cho biết đó là quà tặng của Tiến sĩ TRỌNG BẰNG, Nhạc sĩ THANH TÙNG và Biên đạo múa, NSND PHI LONG. 
Bên ngoài cổng chính, một hàng chín chiếc ghế xi măng cũng được ghi tên 9 nghệ sĩ tên tuổi tặng cho khu du lịch.
 Sau khi được phát hiện, các hiện vật đều được đưa vào nhà bảo tàng còn hiện trường đã trở thành “miếng mồi ngon” cho hoạt động kinh doanh du lịch. Ngày nay, du khách tìm đến nơi sẽ nhanh chóng nhận ra là “miếng mồi” đó bị khai thác không vì lợi ích cộng đồng.

Bưng Đá Nổi, lung Cột Cầu không còn một nét cảnh quan nào gợi nhớ đến giá trị của một di chỉ văn hóa Óc Eo mà được đầu tư, xây dựng thành khu “du lịch sinh thái” với các trò giải trí tương tự bất cứ khu du lịch miệt vườn nào ở đồng bằng sông Cửu Long (câu cá, ăn nhậu, đờn ca tài tử, v.v...). Kiểu đầu tư này chỉ thu lợi nhuận cho chủ nhân (có tiền đầu tư và quyền lực thâu tóm “quyền sử dụng đất” hiện trường di chỉ) nhưng vô tình đã đánh mất một “sản phẩm du lịch” có giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, có thể đem lại lợi ích dài lâu cho ngành du lịch địa phương mà đối tượng thụ hưởng là cộng đồng.