Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Đôi vần ca xưa của Khánh Hòa

  • Quách Tấn

Ca dao Huế có câu:
Chợ Đông Ba đưa ra ngoài dại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi moong
Hỡi người lỡ hội chồng con
Vào đây tính cuộc vuông tròn với nhau.
Khánh Hòa có câu:
Thơm Vạn Giã ngọt đà quá ngọt
Mía Phú Ân cái đọt cũng ngon
Hỡi người chưa vợ chưa con
Vào đây chung gánh nước non với mình.
Quản bao lên thác xuống ghềnh
Mía ngon thơm ngọt đượm tình nước non.
Bài của Huế và bài của Khánh Hòa trùng nhau ở câu 3. Câu này chỉ khác nhau chút ít thôi. Một bên thì “lỡ hội chồng con”, một bên thì “chưa vợ chưa con”.
Khác chút ít là khác bên ngoài chớ bên trong thì khác nhau xa.
Bài trên ra đời Thành Thái Duy Tân, trong khoảng 1889-1916. Tác giả phải là một chí sĩ mượn lời người đàn bà để kêu gọi các bạn đồng chí đến với mình để mưu đồ đại sự. Các bạn đồng chí đó là những chiến sĩ ứng nghĩa Cần Vương thời Hàm Nghi (1885-1887) còn sống sót.
Cầu Trường Tiền xưa bằng gỗ thường bị lụt phá hư, nên đến đời Thành Thái mới bắc lại bằng sắt. Cầu sắt vẫn không chống nỗi sức lụt nên phải đúc lại bằng xi măng cốt sắt. Tác giả mượn cầu để nói lóng rằng: “Cuộc chống Pháp trước, vì tổ chức chưa chặt chẽ vững vàng nên bị thất bại, chớ nay đã củng cố nghiêm túc rồi thì nhất định đại sự sẽ thành công”.
Bài Khánh Hòa mới xuất hiện khoảng 1942-1945, lúc Nhật đã đóng quân ở Nha Trang, trên lưng nhân dân Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng phải chịu hai gánh nặng xâu thuế, một của thực dân Pháp, một của phát xít Nhật. Ở Khánh Hòa lúc bấy giờ có một nhóm trí thức vận động tổ chức một mặt trận cứu nước. Bài kia là một bài kêu gọi đồng chí vì phải chống đến hai kẻ thù nên chiến sĩ phải là người “chưa vợ, chưa con” tức là chưa hề có liên hệ gì đến Pháp, Nhật.
Mục đích kêu gọi của hai bài là một: “Chống xâm lăng cứu nước” nhưng đối tượng kêu gọi khác nhau, một bên là người cũ, một bên là người hoàn toàn mới.
Nếu không rõ bối cảnh lịch sử thì không thấy chỗ “úp mở” trong hai bài ca dao.
Nhân tiện cũng xin nói thêm:
“Tổ chức chống xâm lăng ở Khánh Hòa đã thành hình, nhưng người được cử làm “Tổ trưởng” lại manh tâm theo Nhật. Một số “tổ viên” thấy rõ nguy cơ liền rút lui khỏi tổ chức. Để lại cho tên tổ trưởng một bài ca:
Sông Nha Trang cát vàng nước lục,
Thảnh thơi con cá đục
Lội dọc lội ngang.
Đã thề cùng em giữ dạ đá vàng,
Quý chi tách cà phê đen ly sữa bò trắng,
Anh nỡ phụ phàng nước non!
Nét bia hòn Chữ chưa mòn
Lưỡi gươm tiết hận hãy còn mài trăng.
Trong khi vận động tổ chức cũng có lắm bài ca, sau đó trở thành ca dao:
Anh đứng Hòn Chồng
Trông ra Hòn Én
Trở về Tháp Bà
Về viếng Sinh Trung
Non xanh nước biếc trập trùng
Biết bao liệt nữ anh hùng em ơi!
Em hãy nhận lời
Cùng anh kết ngãi
Đầu nguồn cuối bãi
Ta hãy nương nhau
Sông Cù nước mãi còn sâu
Công linh chẳng trước thì sau cũng thành.
Ở Phú Khánh, thời Pháp thuộc sản xuất nhiều thơ ca yêu nước. Trên đây mới dẫn đôi bài ở Khánh Hòa, mong được góp thêm vào tập thơ ca Phú Khánh.
(Trầm Hương, tháng 3-1989)