Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

Lãng đãng nhìn lại nửa kiếp người

  • Việt Tâm

Ảnh: Trần Đức Tài
Một ngày thường trôi qua thật ngắn ngủi, nhưng riêng hôm 29-4-2015, với tôi dường như dài vô tận, chìm đắm trong tâm trạng bồi hồi đến khó thở. Bởi vì bước sang ngày 30-4, cái ngày sẽ nhắc chúng ta mốc thời gian 40 năm lịch sử đất nước sang trang, và với riêng tôi, nỗi buồn 20 năm trở thành người xa xứ bất đắc dĩ.
Buồn vui, âu là chuyện tình cảm, nhưng thâm tâm tôi tự hỏi liệu có vui được chăng? Vui gì, khi cái giá phải trả cho sự kết thúc một cuộc chiến quá đắt: cả bên này lẫn bên kia đã có đến 3 triệu người bỏ mạng! Vui gì, khi những người anh em một nhà giết nhau chỉ vì sự đối nghịch ý thức hệ? Và vui nỗi gì khi mà 40 năm rồi, hố sâu ngăn cách vẫn còn đó và mọi giá trị nhân văn bị đảo lộn?!
Cho nên, tôi nghĩ, dù anh có là người thắng trận, hay tôi có là người thất trận thì những bà mẹ Việt Nam vẫn nuốt nước mắt vào lòng. Cũng từ một bọc sinh ra mà trong chiến tranh, thằng anh nhảy núi, thằng em vô quân trường... Mẹ âm thầm tiếp tế cho thằng con bám trụ trong rừng, đến ngày hòa bình mẹ lại lủi thủi thăm nuôi thằng em trong trại tù. Thằng anh “thắng cuộc” càu nhàu: Kệ nó đi má, để nó học tốt xong thì về!
Ôi ! đời mẹ sao quá khổ, chờ dăm ba năm sau thằng nhỏ trở về. Rồi một ngày mẹ nghe tin nó vượt biển bị bắt và thân già lại lọm khọm đi nuôi con lần nữa.
Có lẽ mẹ không bao giờ tin rằng các con mẹ hận thù nhau sâu thế. Ngày 30-4 một đứa ăn mừng, còn một đứa phiêu giạt nơi một phương trời xa lắc xa lơ nào đó. Mẹ đã khóc vì con, đau vì chiến tranh mất mát mà đến khi hòa bình rồi thì các con vẫn chưa chịu thương nhau.
Mới hôm qua, trời đổ mưa to, phải chăng Tổ Hùng Vương nhăn mày vì con dân tổ sao vẫn chưa chịu tay bắt tay, lòng mở rộng bao dung. Vẫn pháo hoa rực rỡ, vẫn dương cao khẩu hiệu ngợi ca chiến thắng hồi nao, thì dẫu có lúc miệng mở kêu gào “khép lại quá khứ, cùng chung xây dựng tương lai”, nghe ra chắc còn lắm điều dị nghị.
o0o
40 năm rồi, biển cả vẫn còn hằng vạn thây người chết mất xác, vẫn còn bao nhiêu con thuyền chìm sâu dưới đáy đại dương, vẫn còn biết bao phụ nữ bị hiếp, bị bắt đi, đến bây giờ vẫn chưa biết còn hay mất. Có ai một lần nào đặt câu hỏi hiện họ ra sao, sống ở đâu và còn hay mất nơi trần gian khổ lụy này?
40 năm rồi, biết bao bọn cướp biển đủ mọi sắc dân băm vằm, xâu xé người Việt liều lĩnh ra đi vì bất cứ một lý do nào đó để rồi đã cướp của, hiếp người, giết những ai chống cự lại chúng, và sau 40 năm trôi qua vẫn chưa có một quốc gia nào can đảm thốt lên một lời xin lỗi, dù họ thừa biết cái bọn xấu xa kia rành rành là dân của họ chứ đâu xa. Cho nên những sinh linh chết nghẹn ngào, tức tưởi đó làm sao siêu thoát cho nổi và cũng vì thế bao lâu con người còn dấm dúi che đậy cái xấu không dám nhận thì ngày ấy biển vẫn còn sặc mùi tử khí và hồn ma bóng quế vẫn còn lảng vảng đâu đây!
40 năm rồi đã có người may mắn tìm được một dung thân nào đó, đã sống thành làng và trải dài năm tháng chờ đợi mong manh. Hẳn nhiên đã có những cặp mắt ngước lên trời xanh tìm một tia hi vọng. Hẳn nhiên có những người tuyệt vọng đành gửi thây nơi mảnh đất xa xôi, thân xác họ trở về cát bụi nơi bãi đất quê người, liệu có ai nghĩ đến một lần cải táng, hốt xương khô của họ đưa về một nơi nào đó để hồn họ được ấm lại?
40 năm rồi, rải rác trải dài suốt từ Bắc chí Nam, kể từ khi chiến tranh còn ác liệt hay sau hòa bình, có người đã buông xuôi tay nơi các trại giam, các khu kinh tế mới, các vùng đất khai hoang, xác họ được chôn lấp vội vàng trong đêm, không một bát nén nhang đưa tiễn, không bia mộ lưu dấu, âm thầm nằm giữa rừng hoang nước độc... Liệu bây giờ họ vẫn còn lưu lạc nơi đó trở thành phân bón của thế gian, hay đã có ai nghĩ đến đưa họ về nghỉ nơi quê hương bản quán?
Vậy thì liệu có vui được chăng hay tất cả chỉ là một nỗi buồn triền miên, rộng khắp, cho dù anh có ở bên này hay tôi có ở bên kia? Đau lòng thay 40 năm gọi là đã diệt tan giặc xâm lấn mà cái cảnh cả cô lẫn trò vẫn phải ngồi bao vượt sông, hay làm trò xiếc đu dây cáp để đến trường cho kịp. Con chữ nào sẽ theo tuổi thơ em để rạng lên trong những nụ cười, và tương lai nào sẽ sáng trưng lên trong đôi mắt nai tơ?
o0o
Ngày xa xưa đời sống yên lành quá, trẻ được học “cơm nước xong, trời vừa tối, cả nhà quây quần bên ánh đèn, cha đọc báo, mẹ thêu thùa v.v…” và ai ai cũng từng đọc câu “không nơi nào đẹp bằng quê hương”, hay “Ta về ta tắm ao ta...”. Xin đừng vội nghĩ thuở ấy ai ai cũng sung sướng, không đâu, đời họ vẫn còn lắm chênh vênh, thế nhưng dù khổ đến đâu, chẳng ai coi việc bỏ nơi “chôn nhau, cắt rốn” đi tìm cuộc sống sung sướng là chuyện bình thường.
Sau 40 năm hòa bình, xã hội tiến lên... cao ngất rồi mà chuyện bỏ làng ra phố, bỏ xứ (Nam tiến) lập nghiệp, kể cả bỏ nước ra đi (bằng nhiều cách khác nhau, tùy hoàn cảnh) vẫn đang là giấc mơ của nhiều người. Thậm chí người thất học, nghèo khổ ở nông thôn xa xôi, ai tìm cách lách len đi được cũng đi, cho dù là đi làm dâu xứ người, hoặc tìm việc rồi bị lừa sang bán dâm ở một phương trời xa nào đó. Chỉ vì họ vẫn hi vọng tìm được một sinh lộ và trước mắt gửi được chút tiền về để mẹ cha chữa lại căn nhà dột, hay chăm được đám em lóc nhóc khổ đau.
Lâu lâu lại nghe tin một cô dâu xứ người nhảy lầu tự tử, hoặc một gia đình vừa nhận được hung tin, vội đau lòng sang đất người nhận xác con về chôn cất. Đó là nỗi đau vô cùng tận, liệu những giây phút bầu trời rực rỡ pháo hoa hay hình ảnh diễu binh hoàng tráng với những con số thành tựu nổ to hơn pháo có làm nhạt bớt cái mất mát xé lòng và trăm nghìn khổ đau lụy đắng đó chăng?
Hòa bình đã 40 năm rồi, mảnh đất quê hương sứt mẻ dần, tài nguyên ngày càng cạn kiệt, rừng sạch bớt bóng cây, ruộng đồng biến đi để thành những khu đô thị, thế nhưng phần lớn vẫn nghèo, thiếu ăn, bệnh tật và còn lắm trẻ con chưa được học hành. Các bệnh viện vẫn thiếu giường, thuốc men vẫn bị tiêm nhầm và người nghèo vẫn còn hú họa chờ được bác sĩ nhìn xuống cứu vớt vì chưa chạy đâu ra viện phí.
Nhiều nhà cao đã mọc lên, nhiều đường cao tốc đã, đang và sẽ được xây dựng, tài sản của các nhà tư bản theo định hướng XHCH ngày càng kếch xù, thế nhưng bên cạnh vẫn có người chỉ mong ngày ngày có một ổ bánh mì để đỡ cơn đói thì vẫn chờ trông mà chưa có.
o0o
Những ai đã ra đi từ 30-4-75 thì giờ đây đời sống đã ổn định, vững vàng, có khi còn rủng rỉnh đem tiền về đầu tư ở quê hương. Với họ, đau thương và nhốn nháo đã xa rồi, ký ức có khi không còn hình dung thế nào là khốn khổ, thiếu ăn. Tôi không hề có ý kiến gì về cách hành xử của họ vì họ thừa biết phải đi và làm theo con đường nào.
Nhưng những ai còn ở lại thêm 20 năm trên mảnh đất quê hương sau ngày thống nhất, để rồi đến ngày ra đi mang cái danh “trâu chậm uống nước đục”, sau 20 năm ăn nhờ ở đậu xứ người, họ nghĩ gì về ngày 30.4 này.  Bởi vì ít hay nhiều họ có thời trải qua lận đận vì lý lịch nhân thân, con cái khốn khổ vì không được phép học hành đến nơi đến chốn, ngày ngày vật vã với bao lo lắng, chật vật mưu sinh.
Bây giờ thế hệ thứ 2, thứ 3 con cháu họ cũng đã có người tham gia vào cộng đồng dân bản địa về mọi mặt. Không năm nào lễ cuối kỳ học không có các em cháu họ đại diện cho trường đọc lời cảm tạ với ban giám hiệu, thầy cô và bạn bè. Họ chẳng hãnh diện gì đâu, nhưng dù sao nơi đất mới họ cũng vui vì đóng góp được một chút dựng xây vào nét văn hóa chung của xã hội đã cưu mang gia đình họ, cuộc sống ổn định và những cơ hội thăng tiến.
Vậy lẽ ra họ sẽ thấy vui chứ, nhưng ngày 30-4 nào họ vẫn rất buồn vì dù sao ở phía bên kia đại dương, bạn bè, người thân, gia đình họ vẫn còn nhiều người thiếu thốn và đầu tắt mặt tối. Người ta thường giải thích vì quê hương còn nghèo.  Nghèo gì mà hàng đoàn xe đắt giá kết bè kết phái nhau lượn dài trên đất nước trêu ngươi giữa những người bụng đói đứng trông theo với nỗi ngẩn ngơ. Nghèo gì khi có người chơi ngông đem vàng dát khắp từ bàn ghế, tủ giường...
Người ta thường khuyến khích nhau cố bấm bụng chờ thêm ít lâu, thế nhưng có những đồng tiền được vung vít vô lối trong khi biết bao người còn đang khổ. Người ta có thể bỏ hàng trăm triệu cho một buổi bắn pháo hoa vui chơi trong khi người đang đói chờ dài cổ một miếng ăn rất đỗi đơn sơ vẫn chưa có.
Vậy ngày 30-4, ai vui và ai buồn đây nhỉ?!